BẢN CHẤT CỦA ĐỒNG USD
Bộ Tài chính Mỹ hôm 2/11 cho biết, nợ công của chính phủ nước này đã phá vỡ kỷ lục, vượt quá 23.000 tỷ USD. Vậy bản chất của sự thật...
Bộ Tài chính Mỹ hôm 2/11 cho biết, nợ công của chính phủ nước này đã phá vỡ kỷ lục, vượt quá 23.000 tỷ USD. Vậy bản chất của sự thật là gì? Tại sao Mỹ lại nợ nhiều thế, chủ nợ của Mỹ là ai và Mỹ sẽ làm gì để trả nợ.
I. Giá trị của đồng USD (Đô La Mỹ) nằm ở đâu?
Giá trị của tiền nó nằm ở giá trị bảo chứng của nó. USD là một đồng tiền mạnh bởi vì nó gắn với giá trị bảo chứng.
Có thể nói, giá trị của đồng đô la Mỹ chính là một phần khiến Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Từ năm 1944 đến 1971, đồng Đô la Mỹ được đo bằng vàng (Bản vị vàng), và từ năm 1971 tới nay nó được định giá bởi dầu mỏ (Bản vị dầu mỏ - Petrodollar).
Trong khi hàng triệu tờ đôla được in ra hàng ngày, chi phí in ra một tờ chỉ đáng vài xu nhưng giá trị lưu thông của nó thì lớn hơn thế hàng ngàn lần. Bình thường, khi cung vượt quá cầu đối với bất kỳ loại hàng hóa nào, giá sẽ giảm xuống, song có khi nào bạn tự hỏi tại sao việc liên tục in đô la không làm đồng USD Mỹ mất giá nhiều chưa? Hiểu đơn giản thế này, bởi các nhà tài phiệt tài chính chi phối tỷ giá và bởi sự suy giảm giá trị của đô la Mỹ được hạn chế bởi nhu cầu của thế giới bắt buộc phải dùng đồng đôla. Tức là các nước khác trên thế giới liên tục có nhu cầu dùng USD để mua dầu.
Năm 1944, hội nghị Bretton Woods thiết lập đồng đôla là đồng tiền dự trữ thế giới, đồng tiền duy nhất gắn với vàng trong khi tất cả các đồng tiền khác gắn với đồng đôla, như một thước đo chuẩn. Do đó, đô la Mỹ trở thành đồng tiền sử dụng cho thương mại quốc tế, hay còn gọi là USD.
Hệ thống Bản vị vàng đã kéo dài cho tới năm 1971. Tại thời điểm đó, lạm phát và thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng đã làm suy giảm giá trị đồng đôla. Người Mỹ gây sức ép Đức và Nhật Bản phải tăng giá trị các đồng tiền Mác Đức và Yên Nhật. Nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế, các quốc gia này miễn cưỡng chấp nhận bước đi này, vì việc tăng giá trị đồng tiền của họ sẽ làm tăng giá hàng hóa của các nước đó và gây tổn hại đến xuất khẩu.
Dưới thời Johnson cầm quyền, cuộc chiến ở Việt Nam đã khiến nợ quốc gia của Mỹ là 354 tỷ USD, đến thời Nixon cuộc chiến chưa kết thúc đã khiến chính phủ Mỹ mắc nợ thêm 121 tỷ đưa tổng số nợ lên 475 tỷ USD, một con số kỷ lục khổng lồ, từ đó dẫn tới lạm phát. Rất nhiều quốc gia lo sợ và họ mang USD dự trữ để đổi lấy vàng từ Mỹ, dự trữ vàng của Mỹ ở mức thấp nhất mọi thời đại và có nguy cơ suy kiệt.
Ngày 15/8/1971, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố đóng cửa sổ vàng. Theo đó, đồng đô la Mỹ chính thức từ bỏ tiêu chuẩn vàng. Thỏa thuận Bretton Woods tan vỡ.
Sự phát triển của loài người đã trải qua nhiều thời kỳ đồ đá, đồ đồng....và bây giờ là thời dầu mỏ. Khác với vàng, dầu mỏ dùng để sản xuất, tiêu thụ, hoạt động mà thiếu nó thì ngành công nghiệp và chế tạo, các loại động cơ không thể hoạt động. Do vậy, dầu mỏ và thành phần của nó hầu như có mặt trong toàn bộ đời sống, hoạt động của loài người hiện đại. Vì thế, ai làm chủ được nguồn cung dầu mỏ là làm chủ được nền kinh tế toàn cầu.
Giới tinh hoa Mỹ đã nhìn thấu điều này. Họ đã nhắm tới Arabia Saudi, quốc gia có trữ lượng và số lượng khai thác dầu mỏ lớn bậc nhất thế giới, Vậy là thỏa thuận Mỹ-Arabia Saudi ra đời.
Theo đó: Mỹ cũng đồng ý cung cấp vũ khí cho Saudi, và đảm bảo bảo vệ ngai vàng hoàng tộc nhà Saudi khỏi bị Israel lật đổ, vốn dĩ ở thời điểm đó Israel được coi như một quốc gia "sát thủ", hùng mạnh trong cuộc chiến Trung Đông.
Đổi lại, Arabia Saudi phải đáp ứng 2 điều khoản. Nhà nước Saudi phải từ chối tất cả các loại tiền tệ khác để thanh toán cho việc mua dầu mỏ ngoại trừ đồng đô la Mỹ. Arabia Saudi sẽ mở cửa cho đầu tư tiền dư thừa thu được từ bán dầu của họ vào chứng khoán nợ của Hoa Kỳ.
Sau Arabia Saudi, lần lượt là toàn bộ các nước Ả Rập tại Trung Đông. Năm 1975, toàn bộ OPEC cũng đều thực hiện 2 điều khoản này để đổi lấy cam kết của Mỹ.
Dầu mỏ, thị trường nguyên liệu lớn nhất, được thanh toán hoàn toàn bằng đôla Mỹ. Nếu bạn muốn mua một thùng dầu mỏ, bạn phải đổi tiền tệ của bạn lấy đôla Mỹ (còn được biết đến với cái tên đôla dầu mỏ) và dùng nó để trả cho nhà cung cấp dầu. Trong một giao dịch như vậy, bạn làm suy yếu đồng tiền của bạn (bằng việc bán nó) và bạn củng cố giá trị của đồng đôla bằng cách làm gia tăng nhu cầu cần nó.
Với nhu cầu công nghiệp, quốc gia nào cũng cần dầu, mua dầu, vậy làm sao có đô la Mỹ để mua? Vậy là họ phải xuất khẩu giá rẻ sang Mỹ, người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi lớn từ các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên nên phải nhập khẩu một số lượng lớn hàng hóa, bao gồm dầu mỏ. Muốn có nhiều đô la Mỹ để mua dầu thì tất cả các hàng hóa phải ưu tiên xuất sang Mỹ để thanh toán đổi lấy tiền đô la.
Hay như Trung Quốc, khi muốn bán sản phẩm mình cho một nước khác, tất cả được trả bằng đô la Mỹ. Do Trung Quốc xuất khẩu rất nhiều, họ có hàng tỷ đôla dự trữ. Thông qua việc buộc phải mua đôla Mỹ này, Trung Quốc đã giúp hạn chế sự sụt giảm giá trị của đồng đô la. Nhìn theo cách này, Trung Quốc và cả thế giới, thông qua việc mua đồng đôla, đã giúp tài trợ cho sự giàu có của giới đầu sỏ tài chính, những kẻ tạo ra hàng đống đôla mới hàng ngày từ việc in tiền.
II. Vậy chủ nợ của Mỹ là ai?
Tất nhiên, Mỹ có thể dùng đô la Mỹ, "bản chất là một tờ giấy" mà chỉ duy nhất Mỹ in ra được, để mua dầu.
Chính phủ Mỹ, trên danh nghĩa, hưởng lợi từ điều này. Đáng tiếc là chính phủ Mỹ lại không thực sự hưởng lợi, khi quyền in tiền nằm trong tay Ngân hàng Trung ương tư nhân và Cục dự trữ Liên Bang (FED).
FED - Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System ) là ngân hàng trung ương của Mỹ, là cơ quan duy nhất có quyền in đô la. Tuy nhiên, đây là tổ chức tư nhân và không chịu quản lý của chính phủ Mỹ.
Chi tiêu cho chiến tranh, đến nay nợ quốc gia của Mỹ đã có một con số khổng lồ là 23.000 tỷ USD, đã khiến đôi ba lần chính phủ đứng trước nguy cơ đóng cửa nhưng chỉ cần một vài "thao tác" của FED là chính phủ Mỹ hoạt động trở lại như đã thấy.
Chỉ cần khống chế được quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia, tôi sẽ không phụ thuộc vào bất cứ thứ pháp luật do ai đặt ra - Mayer Rothschild
Bài viết có sự tham khảo từ cuốn "chiến tranh tiền tệ". Bài viết không thể hiện quan điểm chính trị hay thái độ thù địch với bất kì quốc gia/tổ chức/cá nhân nào! Bài viết có sự tham khảo từ bài viết của anh Lê Việt trong VPC group!
Đọc thêm:
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất