Họ gọi tôi là thằng m** đ**.
Họ gào rú "Đmm, đi ăn chuối đi."
Mỗi khi tôi có bóng, họ sẽ giả tiếng khỉ.
Có không ít người làm như vậy. Một đám đông fan Lazio đã làm vậy trong trận Derby della Capitale năm 2017 (T/N: Trận đấu thảnh Rome giữa AS Roma và Lazio).
Đó không phải là lần đầu tiên tôi bị phân biệt chủng tộc, nhưng đó là lần tệ nhất. Đó là sự thù ghét thực sự. Bạn có thể nhận ra khi nhìn thấy sự thù ghét trong mắt họ.
Vào khoảnh khắc đó, tôi không phản ứng lại. Tôi không rời sân. Tôi không muốn cho họ thấy họ có loại quyền năng đó. Nhưng trong thâm tâm, dù bạn có là người mạnh mẽ đến đâu, nếu bạn là một con người có trái tim, thì trải nghiệm này sẽ mãi hằn sâu trong tâm trí bạn.
Khi loại chuyện này xảy ra, giới bóng đá sẽ phản ứng như thế nào?
Mọi người sẽ nói, "A, thật là tệ quá."
Các CLB và cầu thủ đăng một dòng ngắn ngủi trên Instagram: "Chấm dứt phân biệt chủng tộc!!!"
Mọi người hành xử như thể đó chỉ là "mấy thằng ngu mà thôi."
Sẽ có cuộc điều tra, nhưng thực sự thì không có gì xảy ra sau đó. Thi thoảng, chúng ta sẽ tổ chức một chiến dịch truyền thông lớn, rồi mọi người tự thấy bản thân thật tốt, rồi chúng ta trở lại với nhịp sống thường ngày.
Chẳng thực sự thay đổi được gì cả.
Nói tôi nghe, tại sao báo chí, người hâm mộ và các cầu thủ đều đồng lòng dành 48 tiếng để hô hào việc ngưng tổ chức giải Super Leaugue, nhưng mỗi khi những hành động phân biệt chủng tộc nặng nề xảy ra trên khán đài hay trên mạng, mọi thứ lại luôn trở nên "phức tạp"?
Có lẽ đó không phải chỉ vì mấy thằng ngu đứng trên khán đài.
Có lẽ nó còn thâm sâu hơn thế.
Thi thoảng, chúng ta sẽ tổ chức một chiến dịch truyền thông lớn, rồi mọi người tự thấy bản thân thật tốt, rồi chúng ta trở lại với nhịp sống thường ngày. 
- Antonio Rüdiger
Bạn biết không, tôi rất hay nghĩ về Daniele De Rossi. Sau trận đấu với Lazio, anh ấy đến và nói với tôi một câu mà tôi chưa từng nghe bao giờ. Lúc đó tôi vẫn đang rối bời, vẫn rất tức giận. De Rossi ngồi xuống bên tôi và bảo, "Toni, tôi biết là tôi sẽ không bao giờ có cảm giác như cậu. Nhưng hãy cho tôi hiểu nỗi đau của cậu. Trong đầu cậu đang nghĩ gì?"
Anh ấy không tweet. Anh ấy không đăng ảnh đen. Anh ấy đã quan tâm.
Nhiều người trong làng bóng đá phát ngôn công khai trước công chúng, nhưng họ chẳng bao giờ nói chuyện riêng với bạn đâu. De Rossi thực tâm muốn biết tôi đã cảm thấy như thế nào. Anh ấy là hình tượng của CLB. Một huyền thoại. Lần đầu bước vào phòng thay đồ và thấy anh ấy đứng đó, tôi đã cảm thấy sự nôn nao như khi còn là một đứa trẻ.
Nhưng vào giây phút khó khăn nhất của tôi, De Rossi quan tâm đến tôi theo cách của một người bình thường. Anh ấy muốn hiểu tôi.
Tôi có khiến ai cảm thấy nhột khi nói như thế này không nhỉ? Có thể, nhưng tôi biết là cả thế giới sẽ theo dõi trận chung kết UCL cuối tuần này, và tôi muốn dùng tiếng nói của mình cho một vấn đề có thật.
Đây không phải là một cuộc trò chuyện chốc lát.
Đây không phải là chú thích ảnh trên Instagram.
Đây là về cuộc đời tôi.
Các bạn có muốn nghe câu chuyện của tôi không? Các bạn có muốn hiểu tôi không?

Có quy tắc này mà ai sống trong khu nghèo cũng biết.
Tôi không quan tậm bạn là ai, dù bạn lớn lên ở vùng Berlin-Neukölln như tôi, ở ngoại ô Pháp, hay khu nhập cư nào đó trên thế giới này, thì bạn sẽ hiểu quy tắc này: Nếu bạn thấy một bà mẹ đi trên phố với đầy túi hàng từ siêu thị trong tay, thì bạn sẽ dừng tay và quay sang giúp bà ấy.
Tôi mặc kệ nếu bạn vừa bem nhau với con bà ấy trong trận bóng mới 5 phút trước, nhưng bạn sẽ giúp bà ấy mang đống túi kia lên nhà!!! Đấy là nghĩa vụ của bạn.
Ai cũng hiểu là mặc dù chúng ta có gốc gác khác nhau và không cùng ngôn ngữ, nhưng chúng ta đang chung sống, vai kề vai, ở khu này.
Kể cả khi chúng ta đều toi, thì chúng ta cũng cùng toi ở chỗ này.
Thế giới này lạnh lùng lắm. Nhưng giữa nhân loại, luôn có hơi ấm. Đây là bài học đầu tiên mà chúng ta học khi còn bé.
Đáng buồn, là có những bài học khó nhằn nữa.
Antonio Rüdiger | Chelsea F.C. | The Players' Tribune

Có lần, khi đang đi trên con phố gần nhà thì tôi thấy một bà cụ người Đức lớn tuổi ôm đống túi đựng hàng tạp hoá. Trông bà cũng già rồi, sức yếu và loay hoay mãi. Thế nên tôi bước đến và giúp bà. "Đây, để cháu giúp bà. Cháu đem mấy cái túi lên nhé," tôi nói.
Tôi sẽ không bao giờ quên cái cách bà ấy quay sang nhìn tôi, với ánh mắt ngập tràn sợ hãi.
Bà nghĩ là tôi định ăn cắp mấy cái túi của bà.
Bà thực sự nghĩ tôi là quân trộm cắp.
Chỉ trong chốc lát thôi. Nhưng bạn không thể nào xoay ngược những giây phút đó. Sự vô tư - nó đã biến mất rồi.
Đấy là lúc mà tôi nhận ra, Ồ, hoá ra mọi người sẽ luôn nghĩ về tôi như thế nào sao? Tôi được sinh ra ở nơi này, nhưng với một số người Đức, tôi sẽ không bao giờ là người Đức.
Thật chua chát làm sao, bởi nước Đức đã cho gia đình tôi mọi thứ. Bố mẹ tôi là dân tị nạn từ nội chiến Sierra Leone. Nhiều người không biết đã có chuyện gì xảy ra ở đó. Châu Phi à? Châu Phi là cái gì? Chỉ là mấy hình ảnh trên TV chụp đám trẻ con bụng ỏng đang sắp chết đói. Bạn thấy buồn khi thấy chúng, nhưng vài giây thôi, rồi bạn chuyển kênh. Đấy là châu Phi, với một số người -thế giới thứ ba, thế giới bị lãng quên.
Chúng ta gọi đó là tâm lý "con mèo mắc trên cây".
Khi bạn chạy trốn khỏi một cuộc nội chiến để đến nơi tốt đẹp như nước Đức, ban đầu bạn sẽ rất sốc, khi bạn bật tin tức lên và thấy một con mèo kẹt trên cây. Nó tự trèo lên cây, rồi thảnh thơi nghỉ ngơi trên đó. Nhưng người ta làm gì chứ? Họ gọi cảnh sát và xe cứu hoả đến chỗ con mèo. Mọi người bu quanh gốc cây. Một số người còn khóc. Họ cho lính cứu hoả trèo lên thang, và anh ấy cứu con mèo xuống, rồi cho con mèo trùm chăn và uống sữa. Tất cả hoan hô.
Anh lính cứu hoả là một anh hùng. Con mèo là một anh hùng.
Nhưng 2 triệu người bị mất nơi sinh sống do các cuộc nội chiến ở châu Phi?
Đó chỉ là một con số. Với con mèo thì họ khóc. Còn với người châu Phi, họ còn chẳng buồn nhìn.
Nhưng, tôi vẫn muốn nhấn mạnh: bố mẹ tôi rất biết ơn khi họ được sống ở Đức. Họ không muốn gọi Neukölln là khu nghèo. Trên thực tế, với họ, nó luôn là "thiên đường trên mặt đất." Không còn súng đạn. Không có bom dội giữa đêm.
Không có tiền, nhưng có sự bình yên.
Việc trở nên giàu có, với gia đình tôi, khác với mọi người. Giàu với chúng tôi là có đồ để ăn, có nước để uống. Hôm nay bạn có một đĩa to đầy cơm trộn kiểu châu Phi và ít thịt gà? Hôm nay thế là giàu, bạn của tôi.
Châu Phi là cái gì? Chỉ là mấy hình ảnh trên TV chụp đám trẻ con bụng ỏng đang sắp chết đói. Bạn thấy buồn khi thấy chúng, nhưng vài giây thôi, rồi bạn chuyển kênh. 
- Antonio Rüdiger
Với tôi, bóng đá không phải ước mơ. Nó là cách tôi sống sót.
Gần như cách mọi người chọn xem sẽ trở thành thợ sửa ống nước, thợ bánh hay luật sư. Đó là cần câu cơm. Sẽ là dối trá nếu tôi bói rằng tôi từng ước mơ về những chiếc xe sang hay chơi tại UCL hay tương tự thế. Không, hành trình bóng đá của tôi là để đưa gia đình tôi ra khỏi Neukölln, vậy thôi.
Tôi còn nhớ rõ cái giây phút mà tôi nhận ra điều đó. Tôi đang đứng trong bếp và hỏi xin mẹ ít tiền. Hình như là để đi dã ngoại với trường, hay gì đó. Chỉ vài euro thôi. Nhưng mẹ không có tiền cho tôi.
Tôi nhớ rõ điều đã khiến tôi tổn thương. Không phải vì mẹ bảo không. Mà là ánh mắt của mẹ. Chúng ta hiểu rõ mẹ mình hơn bất cứ người ngoài nào. Điều khiến trái tim tôi tan vỡ chính là việc mẹ rất muốn cho tôi tiền, nhưng mẹ lại không thể làm vậy.
Và tôi đã tự nhủ, "Mình đã là một thằng đàn ông rồi. Mình phải đưa gia đình ra khỏi chốn này."
Lúc đó tôi khoảng 8 tuổi. Nghiêm túc đó.
Nếu bạn không lớn lên ở khu nhập cư, chắc bạn sẽ nghĩ là tôi đang làm quá. Nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng sẽ có người đang nói, "Tám tuổi á? Người anh em, cậu may đấy. Tôi phải trở thành một người đàn ông vào năm sáu tuổi!!!"
Với người ngoài, đôi khi họ không hiểu đâu.
Tôi nhớ lúc Thomas Tuchel đến Chelsea làm HLV, ông ấy đã hỏi tôi một câu rất thú vị. Rõ ràng, cả hai chúng tôi đều là người Đức, nhưng chúng tôi không quen nhau. Tôi đã có một quãng thời gian khó khăn ở Chelsea trước khi Tuchel nhậm chức, nên khi mới đến, tôi nghĩ ông ấy đã cố để hiểu tôi.
Ông ấy nói, "Toni, cho tôi hỏi cậu nhé. Tôi xem cậu đá và thấy là trên sân cậu khá hung hăng. Cậu chơi bóng với quá nhiều cảm xúc. Lối chơi này bắt nguồn từ đâu vậy?"
Và tôi kể cho ông ấy nghe câu chuyện của mình. Chúng tôi nói chuyện một lát. Nhưng thực ra, tôi chỉ cần nói một từ...
"Neukölln"
Đơn giản thế thôi.
Tôi đã từng chơi bóng hết sức mình trên những sân bóng bê tông đến mức giày của tôi thủng lỗ chỗ. Thực ra chúng là sandal thì đúng hơn. Tôi chơi hăng đến mức mọi người gọi tôi là Rambo.
Tôi chơi như thể tôi có quá nhiều thứ cần phải chứng minh. Bởi vì tôi phải làm thế.
"Câu không thuộc về nơi này."
Bạn có biết đã bao nhiêu lần tôi nghe câu đó không?
Bạn có biết đã bao nhiêu lần tôi bị đuổi về châu Phi không?
Bạn có biết đã bao nhiêu lần tôi tôi bị gọi là thằng m** đ** không?
Tám tuổi, tôi đã hỏi bố, "Từ này là gì hả bố, từ m** đ** ấy?"
Có mấy đứa trẻ ở trường ăn một loại kẹo Đức gọi là schoko küsse - "nụ hôn sô-cô-la".
Chúng gọi loại kẹo đấy là "nụ hôn m** đ**". Và chính xác thì tôi không hiểu nghĩa từ đó, nên tôi về nhà và hỏi bố, rồi bố đã cho tôi một câu trả lời khá đầy đủ.
Bố bảo, "Đấy là một từ của bọn vô học, con ạ. Nhưng lý do bọn trẻ kia dùng từ đó ở trường là vì bố mẹ chúng dùng từ đó ở nhà suốt ngày."
Nếu bạn bị gọi như thế khi lớn lên, bạn sẽ phải lựa chọn: bạn ngó lơ đi và cố giữ phẩm giá, hoặc bạn bật lại.
Nhiều lần, tôi đã phải bật lại. Nhiều lần, tôi đã phải đổ máu. Điều đó đã hình thành tâm lý cầu thủ bóng đá trong tôi.
Rời khỏi chỗ này là ước mơ mà tôi sẽ làm mọi thứ để đạt được.
Antonio Rüdiger | Chelsea F.C. | The Players' Tribune

Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày tôi phải rời gia đình ở tuổi 15 để đến học viện Borussia Dortmund. Mẹ tôi khóc cả tuần. Bà không muốn tôi đi. Thậm chí giờ đây tôi vẫn nhớ về giây phút bà rơi nước mắt... wow. Nó làm tôi xúc động, thật đau lòng.
Nhưng tôi bảo mẹ, ngay trước khi tôi đi, "Một ngày kia, việc này sẽ cho quả ngọt. Một ngày kia, nhà mình sẽ lại ở bên nhau."
Tôi vẫn nhớ lúc tôi đóng cửa và tự nhủ, Mày đã rời khỏi đây được một bước rồi. Nhưng gia đình mày vẫn ở đây. Mày phải kéo họ theo cùng.
Chuyện đã 13 năm rồi, nhưng tôi thấy như thể mới hôm qua vậy.
Tôi chưa từng tin là một ngày nào đó tôi sẽ dự trận chung kết UCL. Bạn có biết là tôi đã lớn lên cùng bao nhiêu đứa trẻ tài năng trên con phố đó, nhưng họ không thể rời đi không?
Khi bạn đến từ một nơi như Neukölln, bạn không chỉ chiến đấu với những đứa giỏi để thành đứa giỏi nhất. Bạn phải chiến đấu với sự vô học nữa. Khi tôi là một cầu thủ trẻ ở VfB Stuttgart, Đức, tôi chưa từng bị phân biệt chủng tộc trực tiếp như hồi ở Ý. Ở đó mọi thứ ngấm ngầm hơn.
Nếu bạn chơi tệ vài trận, lập tức giới báo chí sẽ bắt đầu đào bới đời tư gốc gác của bạn. Và giờ thì họ sẽ nói về bạn như thế nào?
“Antonio Rüdiger, đến từ Berlin-Neukölln.”
Ầy, anh ta hăng máu quá. Anh ta chơi quá thô. Ừm, bởi vì anh ta đến từ Neukölln.
Nếu như bạn cự cãi trên sân tập và bạn đến từ một vùng nào đó, họ sẽ bảo gì? Anh là một đấu thủ. Một thủ lĩnh.
Và khi bạn đến từ vùng khác thì sao? Mày là quân trộm cắp. Thằng nguy hiểm.
Bạn thấy nó manh nha thế nào chưa? Ngấm ngầm. Vẫn là cái thói đó, nhưng dưới danh nghĩa khác.
Rồi bạn đến Ý, và mọi thứ bắt đầu lên mức khác. Trước hết để tôi nói rõ đã: tôi yêu nước Ý. Tôi yêu Roma. Người ở đó sẽ ôm hôn bạn ngay lần đầu gặp mặt. Một nét văn hoá ấm áp. Nhưng một số người trong báo giới sẽ luôn làm trò với bạn, và mấy trò đó thì cực kì nguy hiểm.
Antonio Rüdiger | Chelsea F.C. | The Players' Tribune

Trong trận Derby thành Rome đầu tiên của tôi, tôi không có vấn đề gì với fan Lazio cả. Không có phân biệt gì. Nhưng trước trận derby thứ hai của tôi, tôi đã trả lời phỏng vấn rồi một phóng viên hỏi tôi về HLV của Lazio, Simone Inzaghi.
Tôi đáp, "Ồ, thực tình tôi không biết rõ về ông ấy lắm, nhưng tôi được biết là ông ấy đang làm tốt."
Ý tôi là tôi không quen ông ấy. Nhưng tay phóng viên bẻ câu chữ của tôi và khiến cho mọi người nghĩ là tôi đã thiếu tôn trọng Inzaghi. Như kiểu tôi đang nói là tôi chưa bao giờ nghe về ông ấy. Tay phóng viên cố đổ thêm dầu vào lửa để câu view. Đó là lúc guồng quay mạng xã hội lăn bánh, và bạn không thể làm gì nữa. Khi trận đấu diễn ra, tôi là thằng phản diện, và mọi thứ bắt đầu trở nên cuồng loạn.
Đó chính là lý do tôi cười khẩy mỗi khi có người hỏi, "Tại sao phân biệt chủng tộc lại xảy ra? Ai lại làm điều tồi tệ như thế chứ?"
Hầy, hãy nhìn sâu hơn nhớ. Hãy soi xét các khán đài xem.
Điều gì sẽ xảy ra khi người ta chửi bới trong một trận đấu? Những người xung quanh sẽ làm gì? Đa phần sẽ làm như không có gì xảy ra cả. Có khi còn cười cợt. Họ mặc cho chúng diễn ra, bởi vì họ "vô can."
Đi xa hơn chút nữa nhé. Thậm chí chúng tôi, các cầu thủ, cũng thuộc hệ thống này. Được bao nhiêu lần chúng tôi nói chuyện nghiêm túc về vấn đề đó trong phòng thay đồ? Không thường xuyên lắm, nói thật lòng thì vậy. Có vẻ như chúng ta quá phân tâm để nói về những điều đó trong đời thật. Còn có PlayStation, xe cộ, rồi trận cầu tiếp theo - luôn luôn có thứ gì đó để khiến ta xao nhãng khỏi những cuộc hội thoại nghiêm túc.
Sao phải khó chịu vậy? Sao phải nói về mấy thứ khiến ta thấy buồn? Đã có bao nhiêu áp lực rồi còn gì.
Thế nên ta sẽ làm gì, thay vào đó nào? Chúng ta đăng Instagram.
"Đá đít phân biệt chủng tộc!!!"
Đăng bài, đăng bài, đăng bài. Cảm giác như bản thân đã làm được gì đó. Và thực ra thì chẳng làm gì cả. Không có gì thay đổi hết.
Tại sao mọi thứ như thế này thì không phải việc của tôi. Nhưng tôi biết nó cảm giác như thế nào.
Cay đắng.
Cảm giác rất cay đắng.
Posting, posting, posting. Feeling like we have done something. And yet we have done nothing.
- Antonio Rüdiger
Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi lại nói về vấn đề này. Well, hãy thử trông xem tôi đã trải qua những gì ở Chelsea mùa này. Mới bốn tháng trước, tôi đã bị hạ. Lúc đó, nếu các bạn đọc tin về tôi trên báo chí Anh, bạn sẽ thấy một hình ảnh hoàn toàn khác với con người thật của tôi. Tôi thậm chí không thể nói là tôi đã bị hiểu nhầm. Bởi tôi cảm thấy mọi người không hiểu gì về tôi cả.
Tôi chỉ là một cái tên.
“Rüdiger.”
Tôi là con người mà báo chí mô tả. Mọi thứ bắt đầu xấu đi, và tôi không được chơi nhiều, nên tôi thành vật tế thần.
Các bạn đã đọc hết rồi, tôi chắc chắn đó.
Tôi là lý do khiến HLV bị sa thải.
Tôi làm bầu không khí xấu đi.
Bạn biết là tôi đang nói về việc gì mà.
Và những câu mắng chửi phân biệt chủng tộc tôi phải hứng chịu trong thời gian đó rất tệ hại.
Tôi muốn nói rõ điều này. Tôi không nghĩ là báo chí Anh chỉ trích tôi vì gốc gác của tôi, hay vì màu da của tôi. Nhưng tôi mong mọi người hiểu rằng điều gì sẽ xảy ra khi người ta viết về bạn như vậy. Nếu bạn xem phần nhắc tên tôi (trên mạng xã hội), bạn sẽ thấy mặt tối của nhân loại. Bạn sẽ hiểu rằng xã hội này cần phải tiến thêm một quãng đường rất, rất, rất xa nữa.
Và nhìn xem câu chuyện đổi chiều nhanh ra sao. Mấy tháng trước, mạng xã hội nói rằng tôi là đồ vô dụng, còn Kai thì không đủ tốt. Timo không đủ tốt. Không thèm để ý là Kai và Timo phải chuyển đến một nước mới giữa thời gian dịch bệnh. Không thèm để ý là chúng tôi là con người, không phải cỗ máy. Việc đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Chúng tôi đều vô dụng.
Và giờ thì chúng tôi đã đến đây, sau 4 tháng, đến trận chung kết UCL.
Antonio Rüdiger | Chelsea F.C. | The Players' Tribune

Có lẽ đây sẽ là một bài học hay cho mọi người. Có thể. Nhưng tôi không chắc lắm. Vấn đề là bạn phải thực sự lắng nghe nếu bạn thực tâm muốn học.
Nhưng có bao nhiêu người thực sự muốn lắng nghe?
Có bao nhiêu người thấy bài này rồi bấm nút thích vì chúng khiến họ cảm thấy khá hơn?
Có bao nhiêu người thực sự đọc hết lời tôi, và ngẫm nghĩ?
Bạn có biết buồn cười nhất là gì không? Đôi khi người ta bảo tôi, "Toni, cậu đề ý làm gì? Đấy chỉ là mấy thằng nick giả trên mạng. Chúng nó có phải người thật đâu."
Ha. Im đi.
Mấy tuần qua, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn, đa phần đều nói: "Toni, tôi xin lỗi."
Bọn họ không phải bot. Họ là người thật, và xin lỗi tôi vì những lời sỉ nhục tệ hại họ đã gửi tôi vào tháng Một.
Nhưng bạn hãy tự hỏi chính mình, tại sao họ lại làm thế? Bạn nghĩ là họ tự nhìn lại bản thân rồi quyết định cải thiện à? Bạn nghĩ là họ tự soi gương hả?
Tôi không chắc. Có thể có. Có thể không.
Nhưng tôi chắc rằng chúng ta đã thắng. Nghĩa là tôi đã có ích với họ. Thậm chí họ bắt đầu xem tôi là một con người.
Trong thâm tâm, tôi không ghét mấy người đó. Nhưng tôi sẽ nói với họ một câu: Nếu các người thực sự nói ra những lời đó, rằng các người thấy có lỗi, đừng có tweet về tôi nữa.
Tránh xa điện thoại ra một lát. Đừng tweet nữa.
Tự phổ cập kiến thức đi. Thực sự đọc sách về lịch sử người da đen, và thực sự mở lòng đón nhận trải nghiệm của người khác. Làm thế ý nghĩa hơn là tweet về tôi. Đây chính là cách chúng ta khởi đầu.
Nghe này, tôi không còn ngây ngô nữa. Tôi không mong đợi mọi thứ thay đổi trong chốc lát. Tôi không mong chờ giới bóng đá hợp sức trong 48 giờ nhằm tiêu diệt nạn phân biệt chủng tộc như cách họ muốn tiêu diệt giải Super League.
Chúng ta không thể giải quyết vấn đề này bằng các chiến dịch truyền thông, hay các bài báo.
Tôi đã sống quá lâu để còn kì vọng như trẻ con rồi.
Nhưng tôi không vô vọng. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh - mãi mãi. Bởi vì tôi biết ngoài kia sẽ có những người quan tâm. Tôi biết có những người thực sự lắng nghe tôi.
Cho các bạn, tôi nói thật lòng đấy.
Cho các bạn, tôi sẽ chơi trận chung kết UCL.
Bạn là những người đã trải qua khó khăn cùng tôi, là người đã khóc cùng tôi.
Và, inshallah (T/N: "nếu Allah muốn thế"), nếu tôi thực sự được nâng cúp vào thứ Bảy, thì chính bạn sẽ là người cùng nâng cúp với thằng nhóc đến từ Neukölln.