Hạnh phúc, mỗi người trong chúng ta dường như cố gắng làm việc, cố gắng học hành thật chăm chỉ, cố gắng từng ngày để có thể chạm vào khái niệm “hạnh phúc”. Chẳng có một khái niệm cụ thể nào để diễn tả sự hạnh phúc cả, bởi cuộc sống và mong muốn của mọi người khác nhau dẫn đến mỗi người có một cách cảm về hạnh phúc rất riêng. Có những người mãi vẫn không tìm thấy hướng đi cho cuộc đời, họ chìm đắm trong sự tự ti và ý nghĩ không thể thay đổi cái cuộc đời vỗn dĩ nhạt nhẽo này. Một triết gia nọ đã nói thế này: “Con người có thể thay đổi, thế giới cực kì đơn giản và ai cũng có thể hạnh phúc.” Thế giới cực kì đơn giản sao? Con ngời có thể thay đổi? Cuốn sách “Dám bị ghét” của nhóm tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake sẽ trả lời cho câu hỏi đó, và sau đây mình xin đưa ra sáu bài học bản thân rút ra được từ cuốn sách.
ảnh sưu tầm

1. Con người có thể thay đổi

 “Vấn đề không phải là thế giới như thế nào mà là cậu như thế nào.”
Triết gia nói về tâm lý học Adler. Về thuyết mục đích: mục đích trong hiện tại chứ không phải nguyên nhân trong quá khứ. Con người đã có mục đích trước rồi mới tạo ra cớ để đạt được mục đích đó. Rằng con người không được tạo ra bởi trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, mà bởi ý nghĩa chúng ta gán cho những trải nghiệm đó. Vấn đề không phải “đã xảy ra chuyện gì” mà là “hiểu chuyện đó như thế nào”, hãy suy nghĩ dựa trên tiền đề con người có thể thay đổi.
“Điều quan trọng không phải anh được trao cho cái gì mà là anh sử dụng cái được trao đó như thế nào”.
Khi bạn muốn trở thành một ai đó là vì bạn chỉ để tâm đến “mình được trao cho cái gì”. Đừng làm vậy mà hãy tập trung nghĩ xem “mình sẽ sử dụng cái được trao như thế nào.”

2. Cảm giác tự ti là ngộ nhận, mang tính chủ quan

Nỗi tự ti làm chúng ta khổ sở không phải là “sự thật khách quan” mà là sự suy diễn mang tính chủ quan của chúng ta. Và chủ quan có một điểm tốt, chính là có thể tự mình lựa chọn. Ví dụ bạn không được cao, bạn coi chiều cao của mình là ưu điểm hay nhược điểm là hoàn toàn do bản thân quyết định. Chúng ta không thể tác động đến sự thật khách quan. Nhưng có thể tác động tùy ý đến những suy nghĩ chủ quan. Và chúng ta thì sống trong thế giới mang tính chủ quan.
Cảm giác tự ti có thể tốt hoăc xấu dựa vào cách suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta. Bản thân cảm giác tự ti không hề xấu, chỉ cần không áp dụng sai cách, cảm giác tự ti sẽ trở thành đòn bẩy. Cố gắng vượt lên phía trước để gạt bỏ nõi tự ti của bản thân. Cố gắng tiến xa hơn dù chỉ một bước.
Ngược lại, lòng tự ti càng lớn, con người càng trở nên tiêu cực, cuối cùng đoan chắc rằng mình vô dụng. Cảm giác đó sẽ không còn là tự ti nữa mà là mặc cảm. Nói đơn giản là sợ tiến lên thêm một bước hoặc không muốn nỗ lực thực sự, không muốn để thay đổi bản thân mà hy sinh những thú vui đang tận hưởng.

3. Cốt lõi vẫn là mối quan hệ giữa người với người

Chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Được người khác thừa nhận có thật sự cần thiết hay không? Thì tuyệt đối không. Khi mong muốn được người khác thừa nhận mọi người đều “đáp ứng mong đợi của người khác”. Khi đó lúc nào cũng phải để ý đến ánh mắt người khác, chính là không thể hành động theo ý mình, sẽ đánh mất bản thân.
Phiền muộn bắt nguồn từ mối quan hệ “người với người”, nhưng thực tế là con người lại không thể sống một mình trong vũ trụ. Chúng ta còn nhiệm vụ cuộc đời cần phải thực hiện, nhiệm vụ gia đình, nhiệm vụ tình yêu, nhiệm vụ công việc cần hoàn thành. Mối quan hệ với người khác mà một người buộc phải đối diện khi sống với tư cách một tồn tại mang tính xã hội, đấy là nhiệm vụ cuộc đời.

4. Tự do là bị người khác ghét

Như đã nói ở trên, phiền muộn bắt nguồn từ mối quan hệ với người khác nhưng thực tế là con người không thể sống một mình trong vũ trụ. Sống mà phải thăm dò, để ý ánh mắt của người khác, luôn lo lắng về sắc mặt của người khác, sống để đáp ứng mong đợi của người khác là một cách sống vô cùng mất tự do, lừa dối bản thân.
Nếu muốn thực thi tự do thì phải trả giá. Và cái giá của tự do trong mối quan hệ giữa người vời người, chính là bị người khác ghét.
“Tự do là bị người khác ghét”, bởi vì xoay sở để không bị ai ghét là một cách sống vô cùng mất tự do, đồng thời bất khả thi.
“Người khác nghĩ về tôi như thế nào, đánh giá tôi như thế nào đó là nhiệm vụ của người đó, tôi chẳng thế làm được gì. Và tôi chỉ cần sống cuộc đời của mình mà không nói dối, làm việc mình cần làm.”

5. Không phải là khẳng định bản thân mà là chấp nhận bản thân

Khẳng định bản thân nghĩa là dù không thể vẫn cứ tự ám thị mình rằng “ tôi có thể”, “tôi mạnh mẽ”. Suy nghĩ này sẽ dẫn đến phức cảm tự tôn, tức là cách sống lừa dối bản thân.
Chấp nhận bản thân nghĩa là, giả sử không thể làm được một điều gì đó thì ta chấp nhận nguyên vẹn “ cái tôi không thể làm được điều đó”, từ đó tiếp tục cố gắng để có thể làm được điều đó.
Chúng ta không thể thay đổi thứ mình được trao cho. Nhưng điều chúng ta có thể thay đổi là sử dụng thứ đó như thế nào. Vậy thì, thay vì chú tâm tới “thứ không thể thay đổi”, ta chỉ còn cách chú tâm tới “thứ có thể thay đổi”. Đó chính là sự chấp nhận bản thân.

6. Giá trị của “cái tôi”, hạnh phúc là…

Chỉ khi nào ta cảm thấy sự tồn tại và hành động của mình có ích cho cộng đồng, cũng tức là khi cảm thấy “ mình có ích cho người khác” thì mới thực sự cảm nhận được giá trị của bản thân. Tóm lại cống hiến cho người khác không phải là vứt bỏ “cái tôi” để hết mình vì ai đó, mà là một cách để thực sự cảm thấy giá trị của “cái tôi”.
“Hạnh phúc chính là cảm giác cống hiến.”
Mình thường đọc sách, và với mỗi cuốn mình đọc xong mình sẽ tìm ra khoảng 6-7 ý chính và ghi lại, nên đây có thể coi là một bài review sách hoặc cũng có thể coi là bài học rút ra từ sách. Nội dung sách còn rất nhiều điều bổ ích mà mình không liệt kê ra, các bạn tìm mua sách và suy ngẫm nhé. Dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và triết gia, cuốn sách không khô khan theo kiểu bạn “hãy làm cái này đi”, “bạn phải như thế này”, “bạn nên như thế kia”… Tại sao bạn cứ phải sống theo khuông mẫu người khác đặt ra? Nếu bạn gặp phải những vấn đề trên, thì cuốn sách này sẽ giúp bạn.
Đọc thêm cùng tác giả: