Áp lực đồng trang lứa và lời ‘’xúi dại‘’ - ‘’Đừng Peer Pressure nữa’’
Hầu hết mọi người đều đưa ra những lời khuyên làm sao để không có cảm giác Peer Pressure nữa và hãy coi nhẹ nó. Nhưng mình nghĩ rằng, để tiến nhanh hơn trong tương lai, Peer Pressure là một phần lớn không thể bỏ đi!
Peer Pressure hay áp lực đồng trang lứa không còn là chủ đề quá mới nữa. Hầu hết mọi người đều đưa ra những lời khuyên làm sao để không có cảm giác Peer Pressure nữa và hãy coi nhẹ nó. Nhưng mình nghĩ rằng, để tiến nhanh hơn trong tương lai, Peer Pressure là một phần lớn không thể bỏ đi!
Hiểu rõ hơn về khái niệm Peer Pressure
Là một thuật ngữ chuyên ngành giáo dục, tâm lý học, Peer pressure hay còn gọi là áp lực đồng trang lứa. Đây là trạng thái khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi giá trị, thái độ và hành vi sao cho phù hợp với các chuẩn mực khác nhau của nhóm. Hiểu đơn giản, Peer pressure là cảm giác tự ti khi không đạt được những điều giống với bạn bè xung quanh.
Áp lực này xuất hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi, từ khi đi học cho tới khi đi làm và phát sinh nhiều mối quan hệ xã hội khác và kể cả lúc đã đến tuổi xế chiều. Ở mỗi độ tuổi, chúng ta sẽ đều có những áp lực khác nhau và không ngừng so sánh với bạn bè, với người thân. Khi còn là những đứa trẻ, áp lực có thể xảy ra với sự so sánh điểm số ở trường học. Khi chúng ta bắt đầu lao vào công việc, mức lương nhận được hàng tháng lại trở thành một tiêu chí để đánh giá sự thành công, áp lực lại càng tăng thêm.
Và phải chăng mỗi lần chúng ta đều tự hỏi bản thân ‘’Tại sao mình không được như vậy?’’, ‘’Phải chăng bản thân mình quá tệ so với người khác?’’ Dần dần, những câu hỏi này như lấy đi sự tự tin, lấy đi niềm tin vào bản thân và làm chúng ta trở nên mệt mỏi hơn.
Nhưng liệu Peer Pressure có thực sự xấu xa và nên tránh xa như nhiều người vẫn khuyên?
Thông thường cảm giác peer pressure xuất phát từ việc bản thân chưa hiểu thực sự mình muốn gì, cần gì và đang đứng ở đâu. Và nếu chúng ta thay đổi môi trường sống, học tập hay làm việc, mỗi người đều phải sở hữu bản lĩnh để tập làm quen và hòa nhật tốt hơn.
Một ví dụ dễ hiểu là khi nhận được giấy báo trúng tuyển, phần lớn đều vui mừng và mơ về viễn cảnh những năm tháng đại học màu hồng, nhiều người bạn mới và một vài câu lạc bộ hay công việc làm thêm. Nhưng chỉ cần vài tuần đi học, không chỉ choáng ngợp trước biển kiến thức vô tận mà còn áp lực khi biết bạn ngồi cạnh đã được ielts 7.5 trong khi tiếng anh của bản thân còn bập bẹ không dám nói nên lời. Bạn chợt nhận ra bản thân không có gì nổi trội trong khi mình cũng từng là một học sinh ưu tú thời cấp 3. Trong một tập thể với nhiều người xuất xắc như vậy, có một áp lực vô hình đè nặng lên vai chúng ta.
Và phần lớn người trẻ thường khuyên nhau hãy yêu chính bản thân mình, bỏ ngoài tai những áp lực kia và trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Tuy nhiên, bỏ qua peer pressure chính là lời khuyên tệ hại nhất ở cái thời đại mà mọi thứ đều đang xoay chuyển nhanh hơn chúng ta vẫn nghĩ.
Trên thực tế, khi bạn đang gặp phải những cảm giác này, nó không có nghĩa là bản thân bạn đang thua kém người khác. Ngược lại, nó càng thôi thúc bạn vươn lên, khao khát sự thành công, không buông thả và phải sống có trách nhiệm với chính mình. Áp lực đồng trang lứa cũng là động lực tuyệt vời để thúc đẩy ta trở nên hoàn thiện hơn khi nhìn vào những tấm gương thành công. Sự thăng tiến, giỏi giang của những người xung quanh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần phải cố gắng, khổ luyện nhiều hơn nữa, là động lực để ta vượt qua sự lười biếng và tính trì hoãn của bản thân.
Mình không đánh đồng tất cả nhưng không ít người tự an ủi rằng mỗi người có một thước đo cuộc sống riêng và bắt đầu thỏa mãn với những thực tại, ít cố gắng. Hay cũng không loại trừ những trường hợp rơi vào câu chuyện ''con cáo và chùm nho xanh'', mình không có được thì chính là bởi nó ''xanh'', nó ''không ngon''. Và đối với những người như vậy, ''đừng peer pressure nữa'' có lẽ là một lời khuyên không phù hợp
Mặc dù vậy để ứng dụng triệt để cảm giác áp lực đồng trang lứa, chúng ta cũng cần có những bí quyết nho nhỏ để không gục ngã ngay từ bước đầu
Chia nhỏ mục tiêu và đo lường mọi thứ
Mỗi chúng ta sinh ra là người duy nhất, hãy tự đặt cho bản thân một mục đích sống và đừng đi theo bóng hình của một ai đó quá cụ thể. Khi chúng ta hiểu rằng mỗi người đều có một tần số khác nhau, chúng ta trở nên bận rộn hơn với mục tiêu của cuộc đời mình thì tự nhiên chúng ta sẽ tiến lên và những áp lực kia không còn tác động tiêu cực quá nhiều.
Ngoài ra ‘’lượng hóa mọi thứ’’ cũng là một trong những cách để đo lường hiệu quả làm việc của bản thân để không vô tình rơi vào bẫy ‘’nỗ lực ảo’’, ‘’kỳ vọng ngắn’’.
Tự hỏi mình đang ở đâu và đâu là giới hạn
Mỗi người sinh ra đều sở hữu những điểm mạnh và điểm yếu riêng, là yếu tố tạo nên sự khác biệt của mỗi người. Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”.
Hãy liệt kê rõ những ưu thế cạnh tranh của bản thân, những yếu điểm cần cải thiện và hiểu rõ đâu là giới hạn của bản thân mình. Hành trang bạn cần mang theo trong cuộc sống đôi khi chỉ là một tinh thần luôn mong muốn được học hỏi và cầu tiến, nhìn vào những mặt tốt mọi người để trau dồi cho bản thân, hoàn thiện hơn mỗi ngày. Thời gian và công sức mà bạn bỏ ra cho chính mình rồi sẽ được đền đáp
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất