3 tháng đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc lần đầu thông báo với WHO về một chủng virus mới bắt nguồn từ Wuhan. Một cái nháy mắt trong dòng chảy lịch sử nhân loại không chỉ khiến hàng chục nghìn người chết hay trong trình trạng nguy kịch mà còn chứng kiến hàng loạt những thay đổi chóng mặt trong đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt tại các nước phát triển. Chúng ta đều mong muốn đại dịch này sẽ sớm qua đi, và cuộc sống sẽ bình thường trở lại. Nhưng rất nhiều thứ sẽ cần nhiều thời gian, và sẽ không thể sớm trở lại trong chỉ trong vài tuần hay vài tháng sau đại dịch. Một số, có lẽ, sẽ thay đổi mãi mãi.

Một cuộc chiến vô hình

Lây lan qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh dài, triệu chứng đa dạng, không đặc thù và không quá nguy hiểm..., hơn nữa còn là một loại virus cúm - "Oh it’s just the flu" - không khó để hình dung tại sao corona virus lại có một tốc độ lây lan thần tốc đến như vậy. Sau 3 tháng tung hoành, ngoài điểm khởi phát là Trung Quốc, đại dịch chưa cho thấy dấu hiệu kết thúc, và có lẽ phần tồi tệ nhất còn chưa tới. Nhiều ý kiến đã cho rằng COVID-19 là một đại dịch "nhà giàu", nhưng virus thì chỉ biết kí sinh vào tế bào chứ nào có biết nhìn vào trong ví. Những điều tồi tệ hơn có thể còn đang chờ đợi ở châu Phi hay Mỹ La-tinh, một đợt bùng phát với quy mô tương tự như châu Âu thôi sẽ là một thảm hoạ với nền y tế tại những nước này. Hi vọng trong tương lai, chúng ta và con cháu sẽ không phải nhớ về COVID-19 như một trong những dịch bệnh gây chết chóc nhất lịch sử.
Vậy đâu là giải pháp?
Sau một thời gian "thử nghiệm" các biện pháp chống lại sự bành trướng của virus và chứng kiến các bài học xương máu từ Trung Quốc và Ý, hầu hết các chuyên gia và chính phủ đã đồng ý rằng phương pháp hiệu quả nhất (hoặc tốt nhất tại thời điểm này) là áp dụng Cách ly xã hội - Social distancing. Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ và Việt Nam, rất nhiều khu vực trên thế giới đã bước vào cuộc chiến "chống dịch như chống giặc". Một cuộc chiến mà đối thủ không chỉ (rất) mạnh, mà điều đáng ngại hơn là nó gần như vô hình và có thể khiến những "đối thủ" của nó mất phương hướng. 
“Let’s remain distant today so we can hug with more warmth and run faster tomorrow.” — Thủ tướng Ý Giuseppe Conte dẫn lại lời nhà Xã hội học người Đức Norbert Elias trong một bài phát biểu hôm 11/3 về việc cần thiết của những biện pháp cách ly xã hội được áp dụng tại Ý khi đó.
Một người cao tuổi đứng trước những kệ hàng trống rỗng trong một siêu thị tại Mỹ, thời điểm đại dịch mới bắt đầu.
Những kịch bản tận thế đã được vẽ ra. Trong một thời đại mà sản xuất hàng hóa luôn vượt xa nhu cầu tiêu dùng, con người vơ vét những cuộn giấy vệ sinh cuối cùng trên những kệ hàng trống trơn, hay làm những việc điên rồ như đốt những cột phát sóng 5G vì tin nó là nguồn lây lan virus [1]... Và khi nỗi hoảng sợ ban đầu giảm bớt, chúng ta bắt đầu trở nên hoang mang. Tôi có thể chiến đấu với dịch để bảo vệ gia đình và người thân, nhưng tôi sẽ sẵn sàng hơn nữa nếu biết được mình sẽ chiến đấu tới khi nào? Tại Pháp, lệnh phong tỏa và giới nghiêm toàn quốc được ban hành với mốc 15 ngày, nay đã tăng lên 30 và không ít công ty đã chuẩn bị tinh thần với một đợt làm việc từ xa kéo dài 2 tháng. Nhưng có thể đó chưa phải là cột mốc cuối. Tất cả đều đang chờ đợi một tín hiệu khả thi (tuy rất khó để định nghĩa thế nào là khả thi trong cuộc chiến này), và sau tất cả, một liều thuốc chữa bệnh hay một liều vaccine được thương mại hóa. Nhiều loại thuốc khác nhau đã được cho phép sử dụng, nhưng chưa quốc gia nào tự tin khẳng định sự hiệu quả trong quá trình điều trị của mình. Còn vaccine, với rất nhiều nỗ lực nghiên cứu và ưu tiên từ các chính phủ, vaccine có thể sẽ sẵn sàng trong 18 tháng nữa, nếu sớm hơn, đó sẽ là một điều kì diệu, một kỷ lục [2], [3].

Cách ly xã hội, được thôi, nhưng tới khi nào? 

Cách ly xã hội là một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn và kiềm chế sự lây lan khủng khiếp của virus, và có thể là một biện pháp để dập tắt dịch khi mà quy mô lây lan chưa quá lớn. (Việt Nam hiện đang trong giai đoạn này và chúng ta đang cố gắng làm tốt nhất và hết sức có thể). Nhưng một khi mức độ lây lan đã lên tới toàn quốc, thì Cách ly xã hội chỉ còn tác dụng kiềm chế (Vì thế, XIN HÃY Ở NHÀ). Đó đang là những gì xảy ra tại rất nhiều nơi trên thế giới. Hệ thống y tế và xét nghiệm của hầu hết các quốc gia đơn giản là không đủ "lực" để tìm kiếm, phát hiện và chữa trị cho tất cả những người bị nhiễm bệnh trong thời gian áp đặt lệnh cách ly xã hội. Ngay cả khi dịch bệnh đã được kiềm chế xuống rất thấp thì nguy cơ bùng phát trở lại vẫn rất cao khi mà virus vẫn còn tồn tại trong cộng đồng và vaccine chưa có.  
Trong một báo cáo khoa học công bố hôm 16/3, nhóm nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London đề xuất rằng Cách ly xã hội nên được duy trì từ nay tới sớm nhất là Mùa đông 2021 - thời điểm mà vaccine có thể xuất hiện [4]. Theo đó, chính phủ và người dân Anh nên sẵn sàng tâm thế với việc Cách ly xã hội dài hơi: khi số lượng các ca điều trị tích cực tăng đột biến và bắt đầu chạm mức giới hạn (ví dụ 100 ca/tuần) lệnh phong tỏa và giới nghiêm toàn quốc sẽ lại được áp dụng và sẽ chỉ kết thúc khi số lượng các ca bệnh nguy kịch giảm dần. 
Đồ thị minh họa về : Trục tung là số lượng các ca điều trị tích cực trong tuần, trục hoành là thời gian. Đường màu cam biểu thị số lượng các ca điều trị tích cực theo thời gian, khi đạt mức 100, lệnh phong tỏa sẽ được áp dụng - biểu thị bằng đường màu xanh. Khi số các ca điều trị tích cực xuống dưới 50, lệnh phong tỏa sẽ được gỡ nhưng những người có biểu hiện nhiễm bệnh và gia đình sẽ bị cách ly tại gia.
Theo mô hình tính toán này, trong thời gian cách ly "Mọi hộ gia đình sẽ hạn chế 75% các tiếp xúc bên ngoài với hàng xóm, trường học, công sở". Điều đó không có nghĩa là mỗi tuần bạn được phép ra ngoài gặp bạn bè 1 lần thay vì 4 lần, mà là việc cố gắng hạn chế tối đa việc ra ngoài và giao tiếp sẽ giúp giảm 75% các tiếp xúc trực tiếp trong xã hội. Sau cùng, các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc cách ly xã hội và đóng cửa trường học cần được áp dụng triệt để trong 2/3 thời gian: cứ sau 2 tháng phong tỏa sẽ là 1 tháng xả hơi và tiếp tục như vậy cho tới khi vaccine sẵn sàng. Rất nhiều mô hình tương tự như vậy cũng đã được công bố gần đây (ví dụ như của một nhóm nghiên cứu tại Havard, với một kịch bản cách ly xã hội theo từng đợt và kéo dài tới 2022 [5]), với mục đích giúp các quốc gia chuẩn bị thêm nhiều kịch bản ứng phó với đại dịch. 
Tuy rằng các mô hình toán học như vậy rất khó để áp dụng vào trong hoàn cảnh tự nhiên, do độ phức tạp và biến thiên quá lớn của các tham số, nhưng kinh nghiệm từ khi đại dịch bùng nổ cho thấy: việc chuẩn bị, ít nhất về mặt tinh thần, cho những tình huống tồi tệ có thể xảy ra chưa bao giờ là thừa cả. Mọi chuyện có thể sẽ dễ chịu hơn (hoặc tồi tệ hơn), ngoài việc xây dựng các mô hình hoặc sử dụng kiến thức khoa học để dự đoán thì chúng ta không còn biết làm gì khác ngoài tuân thủ và hi vọng. Tuân thủ những yêu cầu từ chính quyền với một thái độ hợp tác. Hi vọng rằng đại dịch sẽ sớm kết thúc, và cuộc sống sẽ quay trở lại bình thường, như nó vốn vậy trước khi đại dịch xảy ra. Nhưng, nếu kịch bản cách ly dài hạn xảy ra, thế giới trong và sau đại dịch sẽ rất khác. Dù không phải là điều có thể được dự báo chính xác, tương lai vẫn luôn là một đề tài hấp dẫn để chúng ta cùng hình dung về nó.

Điều gì sẽ thay đổi?

Phong tỏa, giới nghiêm trong 2 tháng, tôi có thể chấp nhận được sự cách ly tạm thời này. Nhưng liên tục như vậy trong 18 tháng hoặc 2 năm? Cuộc sống sẽ thay đổi, rất nhiều. 

Những ngành công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ dựa trên nhu cầu giải trí sẽ gặp khủng hoảng đầu tiên: du lịch, thể thao, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực... Sau đó là những lĩnh vực "không thiết yếu" như ẩm thực, giao thông công cộng, tổ chức sự kiện, hội nghị... Cuộc sống gia đình có lẽ sẽ gặp không ít thách thức, không chỉ từ việc "bức bối" vì phải ở nhà quá nhiều, sụt giảm thu nhập tài chính... mà còn cả những căng thẳng từ việc chăm sóc con cái tại nhà (đừng đánh giá thấp điều này, hãy trở thành phụ huynh và bạn sẽ hiểu). Tất nhiên là không phải chỉ có toàn những tín hiệu xấu, cơ hội cũng sẽ xuất hiện. Thay vì đi ăn hàng, mọi người sẽ nấu ăn thường xuyên hơn, các lớp học nấu ăn, các kênh vlog nấu nướng và các dịch vụ giao hàng sẽ đứng trước cơ hội lớn. Thay vì tới phòng tập gym, người ta sẽ lựa chọn những dụng cụ tập luyện tại nhà hay những lớp yoga, fitness trực tuyến. Trò chơi điện tử sẽ lại lên ngôi, truyền hình có thể trong thời gian này tìm lại thời hoàng kim đã qua... Một số công nghệ hay xu hướng tưởng như đã "lỗi thời" như máy in 3D tại gia (MakerBot) hay truyền tải internet bằng khinh khí cầu (Google) ... đang có rục rịch trở lại [6]. Mỗi người có thể nhìn thấy những nguy cơ hay cơ hội cho riêng mình, nhưng về cơ bản nó sẽ dựa trên việc đẩy chúng ta xa khỏi những hoạt động ngoại tuyến và tiếp tục khiến cuộc sống con người ngày càng gắn chặt và lệ thuộc hơn nữa nữa với internet và những thiết bị thông minh. 
Một tín đồ Hồi giáo cầu nguyện trước Kabba, trung tâm của Thánh đường  Al-Masjid Al-Haram, Mecca.
Học tập, làm việc, giải trí, shopping, chợ búa, thậm chí là chăm sóc y tế... công nghệ có thể trợ giúp con người trong rất nhiều lĩnh vực để vượt qua giai đoạn cách ly, nhưng luôn tồn tại những địa hạt mà công nghệ khó lòng chạm tới. Tôn giáo chẳng hạn. Con người có thể nghe thuyết giảng trực tuyến, cầu nguyện tại gia, nhưng thiếu đi những lễ nghi, những tiếp xúc trực tiếp và những buổi cầu nguyện tập thể trong không khí linh thiêng, ý nghĩa thực sự của tôn giáo sẽ đứng trước thử thách. Thử thách về niềm tin. Ngay cả khi các nhà thờ, thánh đường, trung tâm tôn giáo được phép mở cửa trở lại, các tín đồ sẽ đứng trước lựa chọn khó khăn: liệu việc cùng tụ tập bên nhau và cầu nguyện vượt qua dịch bệnh có cần thiết, khi mà một trong những nguồn phát tán virus mạnh mẽ nhất tại rất nhiều quốc gia (như Hàn Quốc, Pháp, Iran, Malaysia, Ấn Độ...) đều tới từ những hoạt động tôn giáo. Virus thì không theo đạo, nên cũng không biết phân biệt người Kito, người Hồi giáo hay người Hindu... Khi đức tin bị lung lay trong một thời gian kéo dài, tôn giáo - một trong những cội nguồn văn hóa của con người - có thể sẽ thay đổi mãi mãi. 
Thế giới sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò của ngành y. Những nhà khoa học, đặc biệt là y sinh học, cần nhận được nhiều tài trợ và ngân sách hoạt động hơn nữa. Sau đại dịch, một thế hệ anh hùng mới sẽ xuất hiện, những người trực tiếp chăm sóc sức khoẻ và giữ lấy sinh mạng con người
Đứng trước dịch bệnh con người lựa chọn tin vào khoa học và y tế. Chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào một hệ thống chăm sóc y tế (nhất là dịch tễ) tốt hơn, nhiều khoản đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất trang thiết bị y tế hơn nhằm sớm phát hiện cũng như tăng cường khả năng ứng phó trước những nguy cơ tương tự. Các nước phát triển hầu hết đã hành động quá muộn trước COVID-19, nhưng hãy cùng hi vọng những đại dịch khác trong tương lai sẽ sớm được ngăn chặn. Tuy vậy, y tế là một ngành nghề tương đối đặc thù, cá nhân người viết luôn cho rằng đào tạo một bác sĩ là một hành trình khó khăn và không phải ai, dù muốn, cũng có đủ khả năng trở thành bác sĩ. Một hệ thống chăm sóc y tế công với chi phí hợp lý không phải là chuyện hiển nhiên muốn là được ở mọi quốc gia, khi nó sẽ còn đụng chạm khá nhiều tới những ông trùm bảo hiểm và y tế tư nhân (hãy hỏi nước Mỹ). 
Ngành trang thiết bị y tế và công nghệ y sinh học thì đứng trước một cơ hội lớn, khi mà sản xuất thì không thể đình trệ dài và những máy kiểm tra thân nhiệt sẽ trở thành một trang bị bắt buộc tại các nhà máy, chợ, siêu thị, công sở hành chính... Nếu các công ty không muốn nhân viên làm việc từ xa, có thể họ sẽ phải đầu tư một loạt các cảm biến sinh học nhằm đảm bảo nhân viên của mình luôn "khỏe mạnh" tại nơi làm việc [7]. Viễn cảnh về một phòng xét nghiệm và đánh giá sức khỏe được gói gọn trong điện thoại, với dữ liệu được chia sẻ và phân tích bởi bác sĩ cá nhân hay các trung tâm y tế, bảo hiểm... có lẽ sẽ sớm đạt được. Nếu bạn thích đầu tư mạo hiểm, hãy thử ngó qua các start-up công nghệ tại đây và thử xem có ý tưởng nào hấp dẫn để biến bạn thành triệu phú trong tương lai? 

Tại Việt Nam, việc đầu tiên một người dương tính với virus phải làm là khai báo lộ trình di chuyển của mình để giúp khoanh vùng những người có nguy cơ tiếp xúc, và tất cả đều đang dựa trên sự thành thật của người khai và tài điều tra của các bộ phận chống dịch. Nhưng những thứ dựa trên sự trung thực của con người thì thường mong manh, và chúng ta đã có đủ kinh nghiệm với điều đó, rất may là mọi chuyện hiện vẫn còn trong tầm kiểm soát. Nhưng tại nhiều nước khác, khi mà dịch bệnh tiếp tục theo chiều hướng xấu và người dân ngày càng cảm thấy khó tuân thủ quy định cách ly, những tranh cãi về việc lắp đặt hệ thống theo dõi CCTV có thể sẽ kết thúc. Lộ trình của một người dính virus cùng với vị trí, danh tính những người đã từng tiếp xúc cùng sẽ được thu thập một cách chính xác nhờ vào việc giám sát dữ liệu điện thoại của người dân. Đây không phải là những thông tin mới, rất nhiều người dân các nước phương Tây xem đó là một sự xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư cá nhân. Nhưng đại dịch có thể là một lý do không thể hợp lý hơn để đánh gục phe phản đối, trước mắt là tại các nước "thân" phương Tây như Israel [8] và Singapore [9].

Tương lai nào cho EU, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu?

Sau cú shock Brexit, COVID-19 tạo thêm một thử thách khó khăn và đặt ra nhiều câu hỏi về sự bền vững cũng như tính gắn kết của liên minh châu Âu EU.
Trong lòng liên minh châu Âu - thử nghiệm liên minh đa quốc gia và đa văn hóa thành công nhất trong lịch sử thế giới hiện đại - chúng ta có thể thấy các quốc gia đang thu mình lại với nhau, những đường biên giới mới hôm trước còn rộng mở nay đóng chặt, đi kèm với những hàng rào kiểm duyệt vô cùng gắt gao. Khẩu trang, mặt hàng vô cùng nhạy cảm trong thời điểm này, trở thành ngòi dẫn cho những vết nứt âm ỉ: Đức, Pháp ngăn Thụy Sĩ nhập khẩu trang [10,11], CH Séc tịch thu lô khẩu trang mà Trung Quốc viện trợ cho Ý [12] hay Pháp "mượn tạm" khẩu trang mà Thụy Điển hỡ trợ cho Ý và Tây Ban Nha [13], hay rộng hơn một chút, Mỹ trả giá gấp ba và bằng tiền mặt để nẫng tay trên Pháp một lô khẩu trang từ Trung Quốc [14]. Khi dịch bệnh qua đi, những hàng rào có thể được gỡ bỏ, những đường biên sẽ lại thông quan, nhưng liệu giữa những "người anh em" có còn nhìn nhau bằng con mắt thân thiện như trước? 
Với những người quan tâm tới biển đổi khí hậu, COVID-19 có lẽ là một dấu hiệu tồi tệ. Khi mà nền kinh tế và sản xuất bị đình trệ, người ta có thể vui mừng trong chốc lát với những tin tức tốt đẹp về chất lượng không khí đang tốt trở lại, lượng khí thải nhà kính giảm đáng kể hay lỗ thủng tầng ozone đã thu hẹp lại... nhưng hãy chỉ xem đó đơn giản như một đợt nghỉ giải lao. Sau mỗi đợt khủng hoảng, nền kinh tế và sản xuất sẽ nhanh chóng trở lại với guồng quay của nó. Và vì đại dịch đã làm tiêu tốn rất nhiều tiền của, ngân sách và các nguồn lực quốc gia chắc chắn sẽ được ưu tiên cho việc trước mắt là phục hồi kinh tế, chứ không phải cho những lo ngại vừa nằm ở tương lai vừa mang tính toàn cầu. Khi mà nguồn tiền không còn dư giả, các công ty sẽ chẳng còn thiết tha với những nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, hay các dự án về pin điện... Giá dầu giảm xuống mức kỉ lục bồi thêm một tin xấu cho những ai quan tâm tới phát triển bền vững. Và có một sự thật là đại dịch có đi qua thì cũng chỉ khiến người ta chú tâm tới sức khỏe và thêm quan tâm tới bản thân, chứ không phải biến đổi khí hậu hay phát triển bền vững, những vấn đề chung của tất cả nhưng lại không phải của riêng ai.
Rộng hơn, trên quy mô toàn cầu, COVID-19 đang chứng kiến một thế giới khép kín hơn, kém thịnh vượng hơn và phần nào đó kém tự do hơn. Trong một thế giới mà những vấn đề lớn nhất liên quan tới tương lai và sự tồn vong của con người là những vấn đề mang tính toàn cầu, những nứt vỡ về hợp tác và niềm tin trong mối quan hệ quốc tế và nguy cơ sụp đổ của những liên minh, có lẽ mới là những hậu quả to lớn nhất mà đại dịch COVID-19 (hay một đại dịch nào đó tương tự trong tương lai) để lại. 

Kết

Với những tiến bộ của khoa học, COVID-19 hẳn sẽ ko đẩy chúng ta vào những kịch bản tận thế tồi tệ như trên phim ảnh, nhưng nó gần như chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Đổi thay đi kèm với cơ hội, để nắm bắt nó con người sẽ luôn có cách để thích nghi, dù nhanh hay chậm. Và hãy cùng mong rằng, khi đại dịch qua đi, thay vì lại tìm cách đổ lỗi cho nhau hay tin vào các thuyết âm mưu, con người sẽ nhận thức nó như một lời cảnh báo của tự nhiên hay một cơ hội để dừng lại và cảm nhận cuộc sống.
Dù sao thì đây cũng chỉ là những phỏng đoán, điều chắc chắn nhất về tương lai đó là ta chả biết chắc điều gì về nó cả.
---
WiKiWi

References

[3] - COVID-19 vaccine - wikipedia