Vòng lặp chết chóc hay Cầu toàn và Sự trì hoãn
Bạn vừa nhận brief cho một kế hoạch lớn của công ty. "Quào! Mọi thứ đều tuyệt vời - mục đích, ý tưởng, hướng đi đều nằm gọn trong đầu...
Bạn vừa nhận brief cho một kế hoạch lớn của công ty."Quào! Mọi thứ đều tuyệt vời - mục đích, ý tưởng, hướng đi đều nằm gọn trong đầu mình!". Khi tưởng tượng đến cảnh mọi người vỗ tay tán thưởng, cái gật gù của Sếp tổng và vị trí Nhân viên của tháng lửng lơ trước mắt. Sự cầu toàn trong bạn cất tiếng nói:
"Mình phải làm mọi thứ tuyệt vời và không thể có bất kỳ sai sót nào"
Và đó là lúc vấn đề bắt đầu.
Bạn lục tung nhà sách lớn nhất thành phố ngay trong chiều đó để tìm sách tham khảo, ngồi đến khuya để tìm thêm dữ liệu, thu thập thêm thông tin. Hướng đi 1 - Quá cũ, hướng đi 2 - Quá dư thừa, hướng đi 3, 4, 5, 6. Sau 1 tuần, mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. Bạn thấy mình bế tắc, mọi lối đi đều không đủ độc đáo. "Mình không thể bắt tay vào làm khi chưa tìm ra thứ tốt nhất". Bạn dần trở nên sợ hãi nhiều hơn là thấy hứng khởi để bắt đầu kế hoạch. "Mình còn nhiều thời gian để làm cho mọi thứ tốt hơn".
Cuối cùng, trước ngày nộp kế hoạch. Bạn làm vội cho xong những thứ còn đang dở dang cho kịp deadline. Bạn đã không thôi tự trách mình khi bấm nút gửi đi bản phác thảo - khi đứng trên bục báo cáo - khi về nhà và 1 tháng sau đó vẫn nhục nhã, buồn bã và thảm sầu vì đã không làm đủ tốt.
"Lần sau mình phải làm hoàn hảo hơn"
Nếu nhìn thấy chính mình ở hình ảnh được đưa ra. Chúc mừng! Bạn đã trải nghiệm thứ tôi muốn giới thiệu cho bạn, thứ thường gây ra hiện tượng "đầu voi đuôi chuột" trong các bài luận của Sinh viên, thứ giết chết công sức, lý tưởng, sức sáng tạo, cơ hội hay thứ tôi thường gọi là:
"VÒNG LẶP CHẾT CHÓC" - SỰ CẦU TOÀN VÀ SỰ TRÌ HOÃN
"Vòng lặp chết chóc" là sự kết hợp của cặp đôi song sinh: Cầu toàn - Trì hoãn. Đây là một vòng lặp không hồi kết giữa việc quan tâm thái quá về khả năng có thể mắc lỗi trong công việc, từ đó gây ra sự trì hoãn hết lần này đến lần khác của một cá nhân.
Thomas A. Greenspon, nhà tâm lý học và tác giả của bài Liều thuốc giải cho chủ nghĩa hoàn hảo đã định nghĩa: Cầu toàn là khao khát được hoàn hảo tuyệt đối (không phải là gần như hoàn hảo), sợ sự sai sót. Người cầu toàn mang một niềm tin trong cảm xúc rằng sai lầm là dấu hiệu của khuyết điểm cá nhân, và hoàn hảo mới là cách để người khác chấp nhận mình.
Perfectionism is a desire to be perfect (not “almost perfect”), a fear of imperfection, and an emotional conviction that mistakes are signs of personal defects, and that being perfect is the way to be acceptable to others.
Đồng thời, bạn có thể tham khảo thêm bài viết này của Tim Urban tại website Waitbutwhy để tìm hiểu sâu vào khái niệm, biểu hiện và hệ lụy của sự trì hoãn
Có rất nhiều hệ lụy cho những người lỡ rơi vào vòng lặp không hồi kết này, đơn cử như: Luôn trong tình trạng lo lắng và kiệt sức; Luôn cảm thấy không đủ thời gian; Hiệu suất làm việc thấp; Giết chết sức sáng tạo; Sự tự nghi ngờ,...
"Một mặt những nguy cơ đang tồn tại sẽ cứ dai dẳng bởi vì không giải pháp ứng phó. Mặt khác, các nguy cơ này có thể ngày càng trầm trọng hơn hoặc phát sinh thêm về số lượng bởi vì ngay từ đầu vấn đề chưa được giải quyết sẽ dồn lại, quá tải và cuối cùng không thể giải quyết được nữa. Và cảm giác của sự bất lực chính là cạm bẫy nguy hiểm nhất đối với chúng ta. Tại sao ư? Chúng ta thường làm gì khi cảm thấy bất lực? Chính xác - chúng ta từ bỏ."
Tuy nhiên, trong phạm vi bài, tôi sẽ không muốn nói quá nhiều đến những hệ quả tiêu cực nó mang lại. Mà tôi muốn tập trung hơn ở 2 mảng chính là Tại sao (Why) và Làm thế nào (How) để có thể giảm bớt/xóa bỏ nó ra khỏi cuộc sống của một người.
AI THƯỜNG RƠI VÀO SỰ CẦU TOÀN - TRÌ HOÃN
Chí ít một lần trong đời người ta sẽ tự đưa mình rơi vào "Vòng lặp chết chóc" này. Bởi vì, chúng ta, đều là những người cầu toàn ở những cấp độ khác nhau. Lẽ đương nhiên, tất cả mọi người đều muốn hoàn thành một điều gì đó xuất sắc. Đây là một khao khát tận sâu bên trong của mỗi cá thể.
"Hoàn hảo" - Ai chả muốn mình là người hoàn hảo thay vì chỉ vừa đủ tốt.
Đó có thể là một người đang có dự định về một kênh Youtube trong mơ (cảm thấy mình đầu tư chưa đủ tốt cho nội dung, âm thanh, hình ảnh và thiết bị), một người muốn tham dự cuộc thi về IT (cảm thấy mình chưa đủ kiến thức, chưa đủ tự tin, chưa đủ ngoại ngữ). Thậm chí, một người có dự định viết một bài cho Spiderum từ ngày này sang tháng nọ nhưng vẫn cảm thấy ý tưởng của mình chưa đủ tốt so với những bài còn lại.
ĐIỀU GÌ THẬT SỰ ĐẨY NGƯỜI TA VÀO VÒNG LẶP CẦU TOÀN - TRÌ HOÃN
Paradox of Perfectionism: Perfectionists know that achieving perfection and doing things perfectly is impossible, and yet they feel driven to keep trying anyway.Nghịch lý của Sự hoàn hảo: Người cầu toàn biết rằng đạt được sự hoàn hảo và làm mọi thứ hoàn hảo tuyệt đối là không thể, nhưng họ vẫn bị thúc đẩy để tiếp tục cố gắng
Cầu toàn được sinh ra từ sự cảm thấy không thoải mái, lo lắng và nghi ngờ bản thân nhiều hơn mong muốn mọi thứ được thực hiện một cách hoàn hảo.
Hầu hết sự cầu toàn là một dạng phản ứng với chấn thương tâm lý thời thơ ấu (không được chấp nhận, cảm thấy bản thân mắc lỗi, sự thiếu an toàn,...) và những hậu quả cảm xúc từ những chấn thương đó. Nó được kích hoạt bởi một tình huống đáng lo ngại và nhu cầu được giải tỏa cảm xúc đau đớn bên trong của đứa trẻ. Ví dụ:
- Đứa trẻ học cách trở nên hoàn thiện để tránh bị so sánh với các anh chị em họ của mình. Sự hoàn hảo trở thành điều để đứa trẻ được chấp nhận.
- Đứa trẻ cảm thấy cuộc ly hôn của ba mẹ là do lỗi lầm của mình. Và việc trở nên hoàn hảo, có thể đã/sẽ ngăn được những thứ tương tự xảy ra. Sự hoàn hảo trở thành điều để đứa trẻ cảm thấy đỡ tội lỗi.
Khi nhắc đến những người cầu toàn, người ta thường nhắc đến những mục tiêu cụ thể, định hình. Tuy nhiên, vấn đề của người cầu toàn chính là theo đuổi những mục tiêu định hình để thoát ra khỏi những lo lắng vô hình ở bên trong. Tương tự, những đứa trẻ ở đây, chúng không đối mặt và tìm ra cách giải quyết vấn đề. Mà chỉ tìm một cách để đánh lạc hướng (tạm thời) cho cảm xúc tiêu cực và nỗi đau xuất phát từ ngoại cảnh của mình bằng sự cố gắng để không mắc sai sót. Sự tăng cường kết nối giữa cảm xúc đau đớn và cầu toàn ngày càng mạnh mẽ hơn khi nhiều sự kiện và thời gian trôi qua.
"Perfectionism isn’t about being perfect, it’s about feeling perfect."
Khi lớn, những đứa trẻ ngày nào sẽ tiếp nhận những nhiệm vụ trong cuộc sống. Một mặt, não bộ của chúng sẽ lấy những kinh nghiệm "được chữa lành nhờ sự cầu toàn" trong quá khứ và thúc đẩy chúng đặt ra một tiêu chuẩn rất cao cho công việc của mình. Mặt khác, điều này đồng nghĩa với việc, nỗi lo và áp lực bị đẩy lên đỉnh điểm. Thứ tưởng chừng như "feeling perfect" lại mang lại một cảm giác sai so với mong muốn được đặt ra. Chính vì điều này, một lần nữa, "đứa trẻ cùng nỗi lo" lại tìm cách chạy trốn. Ở giai đoạn này, người cầu toàn thường có xu hướng bỏ dở công việc đang làm để tìm một thứ dễ dàng hơn để thực hiện (như ăn, uống cafe, lướt Facebook,..) - như là một phương pháp thay thế cho việc phải đối mặt của chính mình.
Để dễ hình dung, tôi sẽ lấy Ví dụ đưa ra ở đầu bài chính làm hình ảnh điển hình thể hiện quá trình của Sự cầu toàn - Trì hoãn hoạt động, bao gồm ít nhất 8 hành vi liên quan:
(1) Bạn đề ra tiêu chuẩn rất cao trong công việc phải làm
(2) Bạn không có gì đảm bảo bạn sẽ làm đủ tốt.
(3) Bạn đi tìm những yếu tố đảm bảo. Tuy nhiên "Less than the best is not an option" (chưa phải tốt nhất thì vẫn chưa đáng là sự lựa chọn)
(4) Khi bạn nghĩ rằng bạn làm chưa đủ tốt, bạn cảm thấy không thoải mái.
(5) Bạn lo lắng và sợ cảm giác khó chịu đang lớn dần bên trong
(6) Bạn che giấu sự không hoàn hảo của mình khỏi chính bản thân và tránh đi sự khó chịu, bằng cách làm điều gì đó "an toàn hơn", chẳng hạn như chơi game trên máy tính, lục tung tủ lạnh, nằm ườn ra và đánh một giấc.
(7) Bạn quay lại công việc: Lặp lại quá trình bực tức này cho đến khi vấp ngã (trễ nãi mọi chuyện hoặc bạn từ bỏ)
(8) Bạn dằn vặt mình và mong muốn làm tốt hơn trong lần tiếp theo
Đồng thời, sự cầu toàn thường lại là hệ quả hoặc nguyên nhân cho các vấn đề khác của sự trì hoãn (sẽ được đề cập ở mục dưới). Cụ thể hơn, Sự cầu toàn là biểu hiện của Sự thiếu tự tin và thiếu quyết đoán. Từ đó tạo ra vòng lặp của sự trì hoãn, tạo thành các thói quen khác như Sự lười biếng, Thiếu sự tập trung, Đặt mục tiêu ưu tiên sai và Nỗi lo lắng khi nhiệm vụ quá phức tạp.
Đây là cách các vòng luẩn quẩn được hình thành.
CÁCH "GIẢM ĐAU - KHÔNG GÂY BUỒN NGỦ" CHO VẤN ĐỀ NÀY
Khi tìm hiểu về sự trì hoãn trên Google, tôi nhận ra, đa số mọi người đều đặt sự trì hoãn đi kèm với sự lười biếng và dễ bị phân tâm vào những thú vui thường nhật. Trong thực tế, có nhiều hơn một nguyên nhân cho những lần trì hoãn. Tôi tạm tổng hợp các nguyên nhân chính của sự trì hoãn như sau:
- Sự lười biếng, thiếu trách nhiệm (Laziness and lack of responsibility)
- Thiếu sự tập trung (Lack of focus)
- Nỗi lo lắng khi nhiệm vụ quá phức tạp (Complicated task anxiety)
- Chán ghét những tiểu tiết (Boredom from minutiae)
- Thiếu tự tin (Lack of self-confident)
- Sự do dự, thiếu quyết đoán (Indecision)
- Đặt mục tiêu ưu tiên sai (Priority confusion)
- Và yếu tố cuối cùng chính là Sự sợ hãi việc thiếu hoàn hảo (Fear of imperfection)
Chính vì có quá nhiều nguyên nhân cho sự trì hoãn, nên những người có xu hướng cầu toàn (hoặc không nhận thức được mình là người cầu toàn) thường tìm sai cách để giải quyết cho vấn đề của mình. Mọi người thường tập trung vào các nguyên nhân đầu tiên và bỏ Sự sợ hãi việc thiếu hoàn hảo (Fear of imperfection) ra khỏi cuộc chơi.
Thật vô lý khi ta khao khát làm một điều gì đó xuất sắc lại có thể dẫn đến sự xao nhãng, đúng không?
Chính vì nghịch lý này, ít ai có thể ngờ mình lại đang bị mắc kẹt ở giai đoạn Cầu toàn chứ không từ giai đoạn Trì hoãn. Họ cố tìm mọi cách để thúc đẩy quá trình Trì hoãn đi đúng hướng: xóa bỏ mạng xã hội, tạo một lịch trình hợp lý, ngâm cứu các bài viết về sự lười biếng và động lực. Tuy nhiên, điều người ta cần làm là bắt đầu giải quyết từ giai đoạn Cầu toàn - giai đoạn đưa ra tiêu chuẩn/tiêu chí cho bản thân và công việc của mình.
Sự luẩn quẩn chỉ dừng lại cho đến khi bạn thoát ra khỏi những câu hỏi như:
Thay vào đó, tập trung vào câu hỏi, "Làm sao để thực hiện công việc tốt hơn trong khi không đòi hỏi sự hoàn hảo từ chính mình".
Và như đã đề cập, quá trình không mưu cầu sự hoàn hảo, lại là một quá trình dài, bao gồm sự tự chữa lành về nhận thức cảm xúc tâm hồn, trân trọng giá trị bản thân và không xem sự hoàn hảo như một cách để người khác chấp nhận mình. Nếu muốn, bạn có thể tham khảo bài đọc ở ĐÂY.
Một chiếc note nhỏ: Cảm ơn vì đã dành thời gian cho bài viết. Trân trọng!
Nguồn tham khảo
- Dimensions Of Perfectionism And Procrastination, Gordon L.Flett, Paul L.Hewitt, and Thomas R. Martin
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất