Tớ vừa có 1 cuộc trò chuyện với người em cùng trường về vấn đề của cô bé. Đó là vấn đề mà đa số sinh viên gặp phải mà tớ cũng từng trải qua 1 giai đoạn nặng nề với nó: peer pressure.
Nói sơ về background của tớ thì tớ học Ngoại thương - ngôi trường mà peer pressure xảy ra từ khi cậu mới bước chân vào cổng trường:
* Bạn bè cùng lớp hay cùng khối giỏi lắm với điểm thi ĐH cao ngất ngưởng     và  sách những thành tích dài tính bằng gang tay
* Các anh chị khóa trên thành công làm ở công ty đa quốc gia XYZ về nói về những trải nghiệm ở trường và những trải nghiệm cá nhân để có được ngày hôm nay
* Những anh chị câu lạc bộ với hằng hà sa số các cuộc thi đạt giải và làm việc ở những công ty lớn

Đấy, và cuộc đời trở nên áp lực từ đấy:

*Tớ và em đó đã có những đêm nằm suy nghĩ về mục tiêu của cuộc đời mình, rằng mình muốn làm ngành gì, làm như thế nào, tương lai ra sao
*Có những đêm nằm lặng lẽ so sánh bản thân với những người khác rằng: Ơ sao cùng xuất phát điểm mà họ giỏi thế nhỉ, làm sao mới bằng bạn bằng bè đây??
*Có những ngày gặp người này người kia xin chia sẻ kinh nghiệm rồi reflect bản thân theo những kinh nghiệm đó rồi ước chừng xem mình đáp ứng được bao nhiêu % nhỉ
*Có những ngày thức đêm học business case để mong 1 ngày được thành công như chúng bạn
Có và có rất nhiều những đêm như thế đã trải qua trong 4 năm đại học của chúng tớ. Nhưng duy chỉ có 1 điều còn đọng lại: đó là tớ cảm thấy bản thân bất lực và vô dụng như thế nào.

Đọc thêm:

Nhưng rồi đến 1 ngày, tớ chợt nhận ra

*Vấn đề của tớ nằm ở chỗ tớ không hiểu bản thân muốn gì. Ôi các cậu, đây là giai đoạn khai sáng của tớ :> Kiểu lúc trước tớ không biết tớ ngu, điều này thật là nguy hiểm. Nhưng giờ tớ biết tớ ngu rồi và tớ phải tìm hiểu xem tớ ngu ở đâu để còn tìm cách giải quyết. Thế là đầu óc sáng ra 1 tí :>
*Tớ có những điểm mạnh của tớ mà người khác không có: rằng tớ có thể nói về bất kì chủ đề nào mọi người đang nói, rằng tớ là 1 đứa lì lợm luôn đứng lên sau những vấp ngã, rằng tớ cứng đầu và luôn làm những gì tốt cho bản thân dù mọi người ngăn cản
*Tớ nhận ra rằng những chia sẻ của các anh chị chỉ có thể áp dụng vào cuộc đời tớ khoảng 60% như là những references trong bài khóa luận. Đó là bởi vì tớ là Trúc chứ không phải họ. Là vì những gì anh chị đó làm tốt và thấy thích vì nó hợp với các anh chị về tính cách hay mục tiêu sự nghiệp gì đó (và tất nhiên họ không share điều này) nên những gì chúng ta nghe chỉ là một nửa ổ bánh mì. Tớ không phủ nhận việc các anh chị có ý tốt giúp tớ và đưa ra 1 góc nhìn của một người đi trước để tớ có cái nhìn toàn diện hơn. Cái tớ muốn nhấn mạnh ở đây là những trải nghiệm của người khác, có thể là thiên đường đối với họ, nhưng chưa chắc đã hợp với cậu.
*Tớ nhận thấy tớ đang nhìn thành công theo lăng kính của người khác. Rằng tớ nghĩ như vậy là thành công. Cứ như Joe trong bộ phim Soul vậy: ông ấy nghĩ được hát trong buổi hòa nhạc của Dorothea là thành công của ông vì bao nhiêu nghệ sĩ chơi Jazz đều muốn như vậy. Nhưng đến khi ông đạt được điều đó rồi ông bỗng thấy trống rỗng vì ông không hiểu rõ bản thân muốn gì và tự hỏi liệu rằng bản thân ngày hôm nay đã được công nhận là thành công chưa.
Tớ vẫn nhớ như in câu chuyện của Dorothea kể cho Joe. Nó như 1 câu chuyện ngụ ngôn ngắn nhưng mỗi lần cậu đọc lại, cậu sẽ thấy 1 lớp nghĩa khác.
Chú cá con hỏi ông cá già: "Cháu muốn tìm một thứ mà mọi người đang nói tới, nó là biển lớn."
Ông cá già hỏi lại: "Biển lớn hả cháu, cháu đang ở đó ngay lúc này đây!"
Nhưng chú cá con vẫn không tin: "Đây ấy ạ? Nó chỉ là nước thôi à. Cháu muốn ra biển lớn cơ!"
Lần đầu nghe, tớ nghĩ rằng "Mỗi chúng ta đều đang nắm chìa khóa của sự thành công mà không nhận ra nó"
Nhưng đến lần thứ 2, một ý nghĩa khác lóe ra "Hmm, vậy liệu rằng bản thân mình đã biết được mình muốn gì, hay chỉ nhìn theo ánh nhìn của mọi người khác?" như trong câu chuyện có đề cập rằng "mọi người đang nói tới". 
Đến lần thứ 3, tớ chợt nhận ra "Liệu chú cá con có đủ sức bơi ra biển lớn không hay đấy chỉ là mong muốn của nó để đua đòi theo mọi người?" 
Lần cuối, nó là một suy nghĩ mang tính cảm xúc nhiều hơn: "Nếu ra đến đại dương rồi, liệu nó có thấy hạnh phúc và tự hào hay chỉ là cảm giác: cá con đã có mặt tại nơi đây :>"

Đọc thêm:

Những suy nghĩ đấy dẫn tớ đến kết luận là

*Tớ phải hiểu bản thân mình trước khi tớ muốn mình thành công (như cách tớ mong muốn). Tớ sẽ lấy ví dụ như Bill Gates, ngay từ khi còn ở trường cấp 2, ông đã biết mình thích lập trình và đã tham gia clb lập trình ở trường cũng như tranh thủ thời gian mỗi sáng chạy đến 1 trường đại học có 1 cái máy tính đang trong khung giờ không hoạt động để thực hành lập trình. Chúng ta hãy bỏ qua những yếu tố như nhà Bill giàu thế nào hay ông gặp thời ra sao mà tập trung vào việc Bill đã hiểu bản thân mình rất sớm. Do vậy, theo định luật làm 1 việc gì trong 10,000 giờ sẽ thành chuyên gia, Bill đã có 10,000 giờ đó khi vào đại học trong khi với đa số những người còn lại, 10,000 giờ đó mới đang bắt đầu.
*Tớ phải biết rằng mối người có một timeline cho việc thành công là khác nhau. Tớ hay ví mỗi cá nhân như một bông hoa vậy. Có đóa hoa nở sớm, có đóa hoa nở muộn. Cậu không thể nào cưỡng ép thời gian nở của chúng vì nếu cậu làm thế, hoa sẽ nở nhưng không phải lúc đẹp nhất, hương thơm nhất. Cứ kiên nhẫn với nó vì vạn vật đều có thời gian cho riêng mình. Để rồi khi bông hoa ấy nở, nó sẽ là bông hoa rực rỡ nhất, ngát hương nhất. Do đó, việc so sánh bản thân với những thành công của người khác, đối với tớ, là 1 sự cưỡng ép quá trình phát triển của bản thân khiến chúng ta thành những cá thể bị "ép chín"  và mãi không nhận thức được những giá trị cá nhân.
 Vậy nên, cứ cố gắng từng ngày rồi sẽ đến một ngày, những cố gắng của cậu sẽ được đền đáp theo một cách nào đó. Như ba tớ hay bảo: "Ba chưa thấy ông trời lấy hết tất cả mọi thứ của một người". Tớ luôn tin rằng cuộc sống rất công bằng và nó sẽ luôn có những món quà xứng đáng cho những người biết cố gắng hoàn thiện bản thân :>