Dạo gần đây tôi hay lang thang trong các group Facebook dành cho giới trẻ, nhận thấy cụm từ “peer pressure” xuất hiện với tần suất dày đặc. Tôi đọc nhiều bài viết, bài chia sẻ về việc thấy áp lực khi bạn bè xung quanh giỏi giang, nhất là khi mới bước chân vào đại học mà xung quanh toàn là người giỏi hơn mình.
Hôm nọ, tôi nhận được tin nhắn của một bạn. Bạn cảm thấy hoang mang khi bước chân vào môi trường đại học. Nền tảng tiếng Anh của bạn chưa tốt, nhưng bạn đang học một ngành bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh thường xuyên. Bạn thấy mọi người trong lớp thật giỏi giang. Dường như, chỉ có một mình bạn là người thua kém.
Tuổi nào cũng có những vấn đề gần như nhau. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi thường xuyên so sánh bản thân với bạn bè trong lớp, cảm thấy buồn bã khi họ có những thành tích đáng tự hào. Sao mà cuộc sống của họ lung linh, đẹp đẽ quá. Còn tôi thật bình thường, thậm chí tầm thường khi chẳng có gì trong tay. Ngẫm lại, tôi đã trải qua “peer pressure” rồi đấy ư. Thế mà lúc đó không biết gọi tên trạng thái này là gì. Bắt nguồn từ trạng thái “peer pressure”, dần dà tôi so sánh bản thân với người khác, trong lòng nảy sinh sự tự ti, ghen tị và đố kỵ.


Photo by&nbsp;<a href="https://unsplash.com/@jeshoots?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">JESHOOTS.COM</a>&nbsp;on&nbsp;<a href="https://unsplash.com/?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by JESHOOTS.COM on Unsplash
Ngày xưa ơi ngày xưa
Những năm tháng phổ thông, tôi là một học sinh bình thường ở một ngôi trường nổi tiếng của thành phố. Rất nhiều gương mặt thành công hiện nay xuất thân từ ngôi trường của tôi. Bước chân vào trường với biết bao háo hức, dần dà tôi thu mình lại. Tôi sợ hãi khi xung quanh có quá nhiều người giỏi hơn mình. Những ngày đầu tiên nhập học, cô giáo nhắc đến một bạn nữ trong lớp đạt được điểm 10 tròn trĩnh ở môn Toán tuyển sinh. Trong khi đó, lớp tôi chuyên về ban Xã hội. Vì vậy, điểm 10 môn Toán là một điều gì đó ngoài sức tưởng tượng với tôi. Bạn còn xinh đẹp và luôn luôn nằm trong danh sách đứng đầu lớp. Ngưỡng mộ một phần, ước ao học giỏi như bạn nhưng sau đó tôi đâm ra tự ti vì thấy mình chẳng bằng ai.
Mỗi thành viên trong lớp tôi đều có những ưu điểm của riêng họ. Những học sinh khác trong trường cũng vậy. Tôi cũng có rất nhiều ưu điểm, nhưng ở độ tuổi mới lớn khi ấy, tôi quên đi những điều làm nên con người tôi. Tôi quên đi những điểm mạnh và quên đi lý do tôi chọn học ở ngôi trường này. Tôi mải mê chạy theo con đường của người khác. Tôi nhìn vào lối đi của những người xung quanh và không mảy may quan tâm đến suy nghĩ của riêng tôi. “Peer pressure” đã đồng hành với tôi từ lúc chập chững vào trường cấp ba rồi đấy.
-- -- -- -- --
Người bạn nhỏ nhắn tin cho tôi về việc cảm thấy “peer pressure” khi trong lớp ai cũng giỏi tiếng Anh, còn bạn thì chưa tự tin với trình độ của mình. Dòng tâm sự của bạn làm tôi nhớ đến những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, tôi cũng loay hoay với môn tiếng Anh như thế.
Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tiếng Anh là một trong những môn học tôi yêu thích, nhưng không thể nào soán ngôi vương của môn Văn – môn học tôi yêu thiết tha hơn hẳn. Tôi học khá môn tiếng Anh, nhưng không biết cách tự học. Phải có giáo viên kèm cặp hoặc là ai đó truyền cảm hứng thì tôi mới có thể tiếp thu bài giảng tiếng Anh một cách toàn vẹn nhất. Khác hẳn với môn Văn – dù giáo viên có là ai đi chăng nữa, dù cách dạy ở trên trường như thế nào, tôi vẫn có thể tự học môn này với niềm say mê không bao giờ vơi cạn. Vì vậy, tôi học tiếng Anh hoàn toàn dựa trên chương trình trong lớp và chưa bao giờ biết tự tìm tòi để nâng cao khả năng ngoại ngữ.
Lên đại học, tôi chọn một ngành bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh thường xuyên. Môn tiếng Anh kèm theo bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết nằm trong chương trình đào tạo bắt buộc. Ngày đầu tiên nhập học, các bạn cùng lớp nói tiếng Anh trôi chảy như người bản xứ, với giọng điệu tự nhiên và phong thái đĩnh đạc. Hơn nữa, các bạn chung lớp tôi đa phần xuất thân từ lớp chuyên Anh hoặc chuyên ban D, nghĩa là nền tảng tiếng Anh vững chắc hơn tôi rất nhiều, bởi vì các bạn đã có thời gian rèn luyện. Còn tôi,…
Giáo viên trong lớp dạy tiếng Anh như thế nào thì tôi học theo như thế ấy. Vì vậy, tôi tự tin về mặt ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng đọc hiểu nhưng chưa ngày nào tôi tập luyện kỹ năng nghe – nói – viết. Tôi cũng không có ý thức tự học tiếng Anh để sử dụng thuần thục. Năm lớp 11, lâu lâu cô giáo cũng gọi học sinh lên phát biểu bằng tiếng Anh. Lúc đó, tôi chỉ rụt vai lại và cầu mong cô đừng bao giờ gọi mình. Trong lớp có một bạn nữ rất khá tiếng Anh, nói năng trôi chảy và khi nhìn thấy bạn mạnh dạn đứng trước lớp nói chuyện, tôi ước ao một ngày nào đó cũng sẽ được như bạn.
Tôi đâu có biết, bạn ấy học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ đắt tiền bậc nhất Sài Gòn từ những năm lớp 2 cho đến khi hết lớp 9. Tôi đâu có biết, bố mẹ bạn ấy định hướng cho bạn đi du học từ ngày bạn còn tấm bé. Tôi cũng đâu có biết, bạn chuẩn bị hành trang đi du học bằng cách đăng ký học và thi chứng chỉ TOEFL khi mới bước chân vào lớp 10. Vừa học chương trình trên lớp, tối về còn miệt mài ở trung tâm tiếng Anh, kỹ năng ngoại ngữ của bạn chắc chắn được rèn luyện thường xuyên. Khi tôi nhìn bạn, tôi đang nhìn vào những kết quả được gặt hái từ một quá trình dài đằng đẵng, không được tính bằng tháng, bằng ngày, mà được tính bằng năm, thậm chí là mười mấy năm.
Những ngày đầu tiên học tiếng Anh ở giảng đường đại học, lòng tôi gợn sóng mạnh mẽ. Phải làm sao đây khi suốt bao nhiêu năm qua, tôi chưa bao giờ mở miệng nói một câu tiếng Anh thật dài. Trót lọt qua vòng giới thiệu bản thân, nhưng giờ đây, tôi phải đối mặt với những tiết học luyện kỹ năng nghe – nói. Giọng nói chưa hay, phát âm chưa đạt chuẩn, tiếng Việt diễn đạt còn chưa được mà bây giờ phải diễn đạt bằng tiếng Anh. Một lần nọ, đến lượt tôi đọc to trước lớp đoạn văn trong sách. Chắc là tôi đọc dở lắm, vì cả lớp im phăng phắc và nhăn mặt dõi theo từng chữ trong bài. Cuối buổi, thầy giáo góp ý tôi phải luyện đọc nhiều hơn nữa. Tôi biết chứ. Lúc đó tôi xịu mặt xuống, thật là “quê” khi có lẽ tôi là người học dở nhất lớp.
Tôi dở, là do mình không luyện tập. Tôi đang nhìn vào những thành quả mà người khác mất bao nhiêu thời gian và công sức mới đạt được. Phần lớn các bạn chung lớp đại học của tôi đều có nền tảng tiếng Anh vững chắc. Còn tôi, chưa nói một câu tiếng Anh ngày nào thì làm sao đòi có kết quả như những bạn khác đã xuất phát trước?
Chạy trời không khỏi nắng với "peer pressure"
Học kỳ 1 của năm nhất đại học, tôi học môn Kinh tế vi mô. Hôm ấy, cô giáo đưa ra một bài tập thực tế về việc tính toán chi tiêu hàng ngày, liệt kê tất cả các khoản thu chi hiện tại để rồi ngẫm xem, bản thân mong muốn mức lương bao nhiêu trong tương lai để có thể đáp ứng những nhu cầu cá nhân. Ở mục “thu vào”, cô giáo dặn dò phải viết ra tất cả những khoản nhận được trong một tháng, kể cả đó là tiền của ông bà, bố mẹ, tiền đi làm thêm hay là tiền từ trên trời rơi xuống. Mới bước chân vào đại học, tôi có biết làm thêm là gì đâu, vẫn sống bằng tiền của bố mẹ. Khi tôi lướt xem bài làm của bạn bàn trên, giật mình khi thấy bạn có tiền đi làm thêm:
– Bạn đi làm thêm rồi hả? Bạn làm công việc gì vậy?
– Mình làm trợ giảng ở trung tâm tiếng Anh.
“Lạ lùng sao, đớn đau này” – đầu óc tôi quay cuồng trong dòng suy nghĩ. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Mới học năm nhất được vài ngày mà bạn cùng lớp đã đi làm thêm, không phải những công việc quen thuộc mặc định chỉ sinh viên mới làm, mà là trợ giảng tiếng Anh hẳn hoi. Chắc là tiếng Anh phải giỏi lắm, nhất là kỹ năng nói. Nhưng mới nhập học mà, lẽ nào bạn tôi đã đi làm vào mùa hè.
Không chỉ riêng những việc lặt vặt như đi làm thêm, đại học là quãng thời gian tôi luôn so sánh, ghen tị và đố kỵ. Hóa ra đó là “peer pressure” trong truyền thuyết. Bắt nguồn từ những áp lực khi thấy những người xung quanh khoác lên bộ cánh có vẻ hơn hẳn mình, tôi chỉ biết âm thầm mơ mộng và chờ đợi một ngày để thể hiện bản thân.
Trong lớp có một số bạn tham gia những chương trình giao lưu quốc tế, gói ghém hành lý đi nước ngoài như đi chợ để tham dự những chương trình trao đổi – tôi nhìn vào và ao ước được như họ.
Nữ giới chiếm số lượng lớn ở trường tôi. Trường học không khắt khe về trang phục của sinh viên. Hàng ngày lên lớp nhìn thấy những bạn khác mặt hoa da phấn, quần là áo lượt, tôi cũng ước ao có thật nhiều tiền để mua áo quần đẹp như họ.
Không thiếu những gương mặt sinh viên vừa đi học vừa làm thêm. Đó không phải là những công việc làm thêm bình thường, mà là những công việc mang đến nguồn thu nhập dư dả, lên đến vài chục triệu, vài trăm triệu cũng có. Tôi trách bản thân kém cỏi khi lên đến đại học rồi mà chưa một ngày làm ra tiền.
Bạn bè xung quanh du học ở những chân trời xa hoa. Những bức ảnh nơi trời Tây làm lòng người không thể kềm lại sự ghen tị, ganh đua. Tại sao cũng học chung với nhau mà bạn lại giỏi hơn mình? Tại sao điều kiện của bạn lại tốt như thế, còn mình thì đang chôn chân ở nơi nảo nơi nào?
Bạn bè trong lớp ai cũng cá tính, giỏi giang. Không học giỏi thì cũng năng nổ tham gia rất nhiều hoạt động. Cảm giác như mọi người ai cũng thành công. Những bức hình lung linh trên mạng đáng để lưu tâm hơn là trang Facebook chằng chịt mạng nhện vì tôi chẳng có gì để cập nhật về cuộc đời.


Photo by&nbsp;<a href="https://unsplash.com/@aaronburden?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Aaron Burden</a>&nbsp;on&nbsp;<a href="https://unsplash.com/?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by Aaron Burden on Unsplash
Peer pressure không sai. Tôi đã sai.
Tôi biết rằng những thành tựu mà người khác đạt được là do sự cố gắng nỗ lực của họ. Tuy nhiên, tôi chỉ biết nhìn vào và ước ao, không mảy may quan tâm đến việc trui rèn bản thân. Muốn giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, muốn điểm cao trong môn nghe – nói – đọc – viết ở môn tiếng Anh, nhưng tôi không tự học và không một ngày tự luyện nói một mình.
Muốn tham gia những hoạt động ngoại khóa, nhất là những chương trình giao lưu nước ngoài, nhưng tôi không một ngày luyện tập kỹ năng tiếng Anh. Tôi không tìm kiếm những hoạt động bên lề để bổ sung vào hồ sơ của mình. Tôi nản lòng vì lời từ chối, trong khi tôi chỉ mới ứng tuyển một lần duy nhất.
Không chỉ vậy, sự tự ti, mặc cảm và thói quen so sánh bản thân dễ dẫn đến hệ quả tiêu cực. Chạy đua mua sắm để khoác lên người những bộ cánh lung linh, hòng lên mặt với người đời. Tìm kiếm những ngôi trường danh tiếng để nộp hồ sơ, nhưng đó có đúng là nơi để gắn bó trong những năm tháng về sau? Nhìn thấy bạn bè đi làm ở những công ty danh tiếng với cơ sở vật chất khang trang, bản thân cũng chạy đua ứng tuyển vào những công ty to lớn với bao điều tiện nghi. Đi làm vì công việc, vì yêu thích ngành nghề, đi làm vì đồng cảm với giá trị công ty hướng đến, hay là đi làm để chứng tỏ với người đời: Tôi đang có một công việc tuyệt vời, làm ở công ty lớn với văn phòng đẹp đẽ, nhưng tôi có yêu công ty, có yêu công việc không, tôi không quan tâm. Tôi chỉ cần biết mọi người đang ghen tị với tôi.
Sự ghen tị không làm người khác thay đổi. Nó chỉ làm trái tim của bạn thay đổi.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng con người ai chẳng có một lần so sánh bản thân với người khác. Khi đi học, tôi so sánh bản thân chưa đủ giỏi bằng bạn bè xung quanh. Bạn bè học hành tấn tới, đạt học bổng du học, làm việc ở những nơi tiếng tăm, lại quay qua nhìn mình, sao tôi chưa được như họ. Ra trường, bạn bè dần dần ổn định với công việc riêng, lại quay qua nhìn mình, biết khi nào mới gắn bó với một công việc dài lâu. Bạn bè lập gia đình, sinh con, có nhà riêng, xe hơi. Nhìn lại mình, đang ở đâu trên con đường đã chọn?
“Peer pressure” vẫn hiện diện hàng ngày. Cứ tưởng hết đi học thì sẽ không còn ai để so sánh. Nhưng đến khi ra đời đi làm, vẫn không thoát khỏi sự so sánh ấy. Bị so sánh khi người làm trước giỏi hơn nhân viên mới vô là mình. Bị so sánh khi người khác thấy bạn kia cùng tuổi mà: “Nó học cùng lớp với em mà nhìn nó trưởng thành hơn hẳn”.
Ai mà chẳng một lần tự so sánh bản thân và bị người khác đem ra so sánh.


Photo by&nbsp;<a href="https://unsplash.com/@kxvn_lx?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">kevin laminto</a>&nbsp;on&nbsp;<a href="https://unsplash.com/?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by kevin laminto on Unsplash
Tôi không quan tâm "peer pressure" là gì. Vì tôi đã hiểu được…
Mãi đến khi rời xa vòng tay bè bạn, rời xa khung trời thân quen nơi mái trường yêu dấu, tôi mới hiểu được, đằng sau mỗi thành tựu, đằng sau mỗi con người đều là những câu chuyện không có hồi kết. Tôi không bao giờ hiểu được, đằng sau những thành công của bạn tôi, là những khó khăn, thử thách nào. Tôi không bao giờ hiểu được, những ngày tháng căng thẳng, hoàn cảnh khổ sở, cũng như thời gian, công sức bạn đã bỏ ra, những đêm mất ngủ, những phút giây định bỏ cuộc, và cả khoảnh khắc quyết định không bao giờ đầu hàng. Tôi không bao giờ hiểu được những điều đó, tôi không bao giờ biết tường tận những điều đó, vì con người ta đâu ai than thân trách phận một cách công khai để làm gì.
Mọi người xung quanh tôi thành công, họ xứng đáng có thành quả đó. Đó là quả ngọt cho những nỗ lực của các bạn. Điều tốt đẹp có bao giờ ghé đến với những ai lười biếng và chỉ biết ngửa mặt than trời. Tôi không quan tâm “peer pressure” là gì, khi tôi biết rằng những người bạn xung quanh tôi đều thực sự giỏi giang. Tôi không cần tìm hiểu “peer pressure” là gì, vì tôi biết rằng đằng sau những hình ảnh lung linh kia, đằng sau những công việc hái ra tiền khi còn là sinh viên kia, bạn tôi đã đánh đổi những điều gì. Không chỉ như vậy, tôi hiểu được rằng, đôi lúc những điều thấy trên mạng xã hội, chỉ là lát cắt của một phần cuộc sống. Trên thực tế, có thể cuộc sống của những người ấy không hề tươi vui, không hề đẹp đẽ, họ cũng phải trải qua nhiều biến cố, khó khăn. Hoặc, họ bắt buộc phải đưa những điều đó lên trên mạng xã hội. Vì như thế, họ mới nhận được những cơ hội làm việc. Hoặc có thể, đó chỉ là sự khoa trương, khi sự thật không hề như vậy. Như tôi đây, tôi có thể viết thật nhiều bài blog kể về thời sinh viên, thời tuổi trẻ hãy nên làm điều này điều kia. Trong khi đó, có ai biết rằng tôi chỉ là một kẻ gàn dở, ương ngạnh và chẳng làm được điều gì như những điều tôi viết. Đừng tin những điều hiện ra trước mắt, nhất là khi nó được khoác lên mình một vẻ ngoài lộng lẫy. Bạn sẽ thất vọng đấy.
Đứng từ dưới đất nhìn lên, con người đều thấy sao trời lấp lánh, sáng ngời; nhưng khi con người tiến gần sao trời sẽ phát hiện rằng các ngôi sao cũng giống như trái đất: gồ ghề, không bằng phẳng, xung quanh đầy bụi bặm.
Tôi nhắn nhủ bạn đừng tin vào vẻ bề ngoài lấp lánh. Nhưng tôi một mực tin vào những thành tựu, thành tích, những niềm vui của mọi người xung quanh tôi, nhất là khi điều đó được chia sẻ công khai trên trang cá nhân, mạng xã hội. Tại sao lại ghen tị với hạnh phúc của người khác? Nếu như vậy, hóa ra chúng ta là những kẻ ích kỷ, xấu tính, trong lòng tràn ngập sự ghen ghét và sống chung với tính đố kỵ đến hết phần đời còn lại. Trân trọng, ngưỡng mộ và chúc mừng những niềm vui của người khác, thả thật nhiều trái tim thay vì lướt qua trong sự hậm hực, chính là giải phóng bản thân khỏi những xiềng xích không đáng có.
Ngày hôm kia, một người bạn cũ nhắn tin khi thấy bài viết của tôi xuất hiện trên video của kênh Spiderum. Bên cạnh lời động viên, bạn còn nhắn tôi một điều rất ý nghĩa: “Nếu như thấy “peer pressure” quá thì đừng lo. Hãy coi đó là “peer motivation” để phấn đấu nha”. Đúng rồi, “peer pressure” chính là “peer motivation”, là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân phát triển. Tôi không quan tâm “peer pressure” là gì nữa, vì suy cho cùng, mỗi người đều có cuộc sống riêng để lo toan, đều có một con đường riêng và không đủ thời gian để ngó ngàng đến công việc của người khác.
Nếu hôm nay bạn có một niềm vui, một niềm hạnh phúc, dù bé nhỏ hay lớn lao, dù đó là điều bình thường như mỗi ngày chầm chậm trôi, hay đó là kết quả cho một quá trình dài dằng dặc bạn đã không bỏ cuộc, nếu như bạn rất muốn chia sẻ trên trang cá nhân, thì hãy làm ngay nhé. Biết đâu được, có một ai đó, một “peer” nào đó đang chung vui với bạn, đang hạnh phúc cùng bạn, và điều bạn đạt được chính là nguồn cảm hứng to lớn để họ thực hiện hóa những ước muốn của họ đấy.
“Peer pressure” là cái gì vậy nhỉ? Tôi không quan tâm đó là điều gì đâu.