Theo Martin Hägglund, để làm nên thay đổi trong sự tồn tại của chúng ta, cách duy nhất đó là chấp nhận rằng sẽ có lúc nó chấm dứt. 


Minh họa hình ảnh những người dân chủ xã hội biểu tình ở Đức - Culture Club/Getty
Tất cả chúng ta, ai rồi cũng sẽ chết. Ta nên dành thời gian thế nào trước khi cuộc sống đến kì hạn? 
Câu hỏi này vẫn luôn là một mối quan tâm chính của các triết gia, suốt từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến hôm nay—khi hầu hết mọi người đều quen thuộc với các triết lí đạo đức nhờ xem The Good Place.
Câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa và mục đích sống từ trong sự tồn tại có vẻ vô nghĩa này. Martin Hägglund, giảng viên văn học so sánh tại Yale đưa ra câu trả lời trong This Life: Secular Faith and Spiritual Freedom đó là chủ nghĩa xã hội dân chủ. Như đề cập ở phần mở đầu sách, mô hình xã hội này có thể đạt được thông qua “tái đánh giá một cách căn bản, dựa trên thực tiễn về cách chúng ta đang sống”.
Ông viết: “Dưới chủ nghĩa tư bản, chúng ta không thể thương lượng một cách thực chất về những câu hỏi căn bản xoay quanh những gì được xem là giá trị chung, khi mà mục đích nền kinh tế vận hành nằm ngoài năng lực của thảo luận dân chủ (democratic deliberation)".
Đối với Hägglund, chủ nghĩa xã hội dân chủ và sự tự do đi đôi với nhau. Để có chủ nghĩa xã hội dân chủ, ta cần thoát khỏi những ràng buộc của chủ nghĩa tư bản. Về bản chất, mục tiêu của ông là con người có đủ tài nguyên thuộc sở hữu công, sao cho mỗi cá nhân được làm điều mình muốn và nhờ đó đưa nhân loại tiến lên, thay vì chịu xiềng xích bởi hệ thống giờ đây có lẽ không còn vận hành đủ tốt (hay có khi, nó chưa bao giờ như vậy).
Cuốn sách là hành trình khám phá cách chúng ta nên dành khoảng thời gian (có hạn) của mình ra sao, và sau cùng nêu lên—như lời bài báo review của New Republic:
“một biểu hiện tinh thần của chủ nghĩa xã hội”
Đây là một lập luận nhằm liên kết sự từ chối mọi hình thức đức tin tôn giáo với những áp bức, ràng buộc của chủ nghĩa tư bản. Mấu chốt trong công trình của Hägglund được ông gọi là đức tin thế tục. “Có đức tin thế tục nghĩa là cống hiến cho một cuộc sống mà ta biết vào một lúc nào đó sẽ chấm dứt, và hết lòng với những dự án luôn đi kèm khả năng thất bại hay đổ vỡ.”
Hägglund quan tâm nhất đến cách chúng ta tổ chức những gì diễn ra trong ngày, những điều chúng ta coi trọng. Cuốn sách của ông rõ ràng thể hiện tinh thần chống tôn giáo, tuy vậy, nó không mang vẻ hùng hồn như ta thường thấy ở những người được gọi là New Atheists (Những người vô thần mới). Ngay lập tức, This Life trở thành một cuốn sách dễ tiếp cận và mang giá trị học thuật (cuốn sách đã được chọn làm chủ đề hội thảo tại Harvard, Yale và NYU). Những vấn đề mang tính cấp thiết như biến đổi khí hậu, sự thống trị của tầng lớp tỷ phú, vụ bê bối lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo, sự tập trung ngày càng tăng vào công việc đều được đem ra bàn luận, và dù vậy, cuốn sách không gợi cảm giác ăn theo những tin tức nóng hổi.
VICE có cuộc nói chuyện cùng Hägglund về chiều hướng đi lên của chủ nghĩa xã hội tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, mối quan hệ của người Mỹ với công việc, những phê bình về tôn giáo, và làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau cải thiện xã hội.

VICE: Có vẻ như This Life theo sát với thời đại chúng ta sống mà không làm người đọc choáng váng (bởi quá nhiều những tin tức thời sự - ND). Ví dụ, sách hoàn toàn không nhắc tới bất cứ điều gì có liên quan đến Donald Trump. Đó có phải chủ ý của ông hay không—viết một cuốn sách kêu gọi một lối sống mới, tại thời điểm những thiết chế, chính phủ, tôn giáo đang trên bờ vực sụp đổ? Hay chỉ đơn giản là tính “liên quan” của cuốn sách tăng lên—khi người Mỹ hiện nay nói ngày càng nhiều về chủ nghĩa xã hội—sau cuộc bầu cử tổng thống 2016?
Martin Hägglund: Sáu năm trước, khi bắt tay vào viết cuốn sách này, tôi không thể biết thời điểm hoàn thiện trùng với hoàn cảnh nào (thậm chí khi đó, tôi được người ta khuyên là đừng mang vào cuốn sách cụm từ “democratic socialism”. Họ cho rằng điều đó sẽ gây phản cảm đối với hầu hết người đọc. Tuy nhiên ngay từ khởi đầu, tôi biết chắc là mình muốn hồi đáp thời đại chúng ta. Giờ đây, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, bất công mang tính toàn cầu lại gặp phải sự trỗi dậy của các hình thức quyền lực tôn giáo phủ nhận tính cấp thiết của chính các vấn đề này. Tôi đáp lại bằng việc viết một cuốn sách bàn luận những câu hỏi triết học căn bản về sự sống và cái chết, đồng thời đem lại một tầm nhìn chính trị mới mẻ.
VICE: Thời điểm lịch sử hiện nay cũng đem tới một hiệu ứng. Có thể thấy rằng chủ nghĩa xã hội giờ đây được cho là có vẻ "hip” (hợp mốt) đối với lớp trẻ. Ông cảm thấy sao về điều này?
Martin Hägglund: Điểm thú vị chúng ta thấy trong thời điểm này đó là sự thay đổi thái độ đối với những câu hỏi căn bản về cách thức tổ chức xã hội—về việc sống và làm việc cùng nhau ra sao. Chúng ta cảm thấy những câu hỏi đó mang tính cấp bách khác trước. Tôi nghĩ đây là một thời điểm quý báu, nhưng để nó mang lại giá trị thực chất, chúng ta cần đến những phân tích sâu sắc hơn về các định nghĩa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Ngày càng nhiều người cảm thấy chủ nghĩa tư bản gây hại đối với cuộc sống của mình nhưng bên cạnh đó, họ không có được tầm nhìn giúp định hướng tới một cuộc sống khác đi. Chúng ta không hề thiếu những cáo trạng về chủ nghĩa tư bản. Cái chúng ta thiếu là một định nghĩa và phân tích đủ sâu về chủ nghĩa này, cũng như những nguyên tắc cho một hình thái kinh tế cho cuộc sống vượt khỏi chủ nghĩa tư bản (những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội dân chủ). Đây là thứ tôi đi tìm để mang vào trong cuốn sách.
VICE: Phần lớn cuốn sách tập trung chủ yếu về quan niệm về thời gian—thực chất là cách diễn đạt nghe hơn là “một ngày nào đó tất cả chúng ta rồi cũng sẽ chết”. Ông đã từng trải qua khoảnh khắc ông chấp nhận sự thật này chưa? Liệu đa số mọi người có thể chấp nhận sự hữu hạn? Tôi hỏi điều này một phần vì tôi có chút tò mò, liệu ông có tin rằng con người sẽ có khả năng thực sự đón nhận điều ông đang gợi ý không, hay là cuối cùng, họ trở nên quá sợ hãi cái chết?
Martin Hägglund: Đầu tiên, tôi không cho rằng chúng ta có thể hoặc chúng ta nên vượt qua nỗi sợ hãi cái chết. Nói cho chính xác, chúng ta không thể và không nên vượt qua nỗi lo âu trước khi cái chết xảy đến. Chừng nào cuộc sống còn có ý nghĩa với chúng ta, chúng ta buộc phải được thúc đẩy nhờ vào nỗi âu lo rằng thời gian mình có là hữu hạn. Bởi ngoài nó ra, chẳng còn gì thôi thúc để chúng ta cố gắng làm bất cứ điều gì hay cố gắng trở thành con người ra sao. Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta nên buông bỏ những lý tưởng tôn giáo về việc giúp con người tự do khỏi sự hữu hạn, chẳng hạn như đời sống vĩnh hằng Ki-tô giáo hay niết bàn Phật giáo. Thay vì cố gắng để trở nên miễn nhiễm trước tổn thương, chúng ta nên nhận ra rằng khả năng có thể bị tổn thương là một phần trong cái tốt đẹp chúng ta tìm kiếm. Trong cuốn sách, đây là một lập luận mang tính trị liệu nhiều tương đương tính triết học. Liệu pháp sẽ không loại trừ giúp bạn những rủi ro khi hết lòng cho một cuộc đời hữu hạn.
Bạn không thể sống một đời đơn độc, và cùng lúc thì những người phụ thuộc vào bạn lại có khả năng sẽ làm cuộc đời bạn khốn đốn. Những mối nguy hiểm như thế này là có thật. Nhưng chúng không phải là lí do để ta tìm cách siêu thoát. Chúng là lí do để ta coi trọng sự phụ thuộc lẫn nhau và phát triển những cách tốt hơn để cùng chung sống.
VICE: Ông có gợi ý loại bỏ hoàn toàn tôn giáo trên thế giới không? Việc làm này có gì không đúng?
Martin Hägglund: Một điều vô cùng quan trọng trong cách tiếp cận của tôi đó là, những phê bình về tôn giáo cần phải cẩn trọng và mang ý nghĩa giải phóng, chứ không phải phủ định, khinh miệt. Thực hành đức tin tôn giáo đã và đang thường xuyên đem lại lợi ích cho nhiều người, dưới dạng một biểu hiện hữu ích của cộng đồng về tinh thần đoàn kết. Tương tự, các tổ chức tôn giáo thường có các hoạt động giúp đỡ người nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Quan trọng nhất là, những diễn ngôn tôn giáo thường được viện dẫn trong các cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại bất công. 
Tuy vậy, về nguyên tắc, không có một sự cống hiến vì xã hội nào đòi hỏi phải có đức tin tôn giáo hay một tổ chức tôn giáo dưới hình thức nào. Một ví dụ trung tâm mà tôi dẫn ra trong sách là Martin Luther King và phong trào nhân quyền. Từ việc xem xét kĩ lưỡng những bài diễn thuyết chính trị của King, những nghiên cứu lịch sử ông tham gia, tôi chỉ ra rằng, chúng ta có thể thấy đức tin đã thôi thúc hoạt động chính trị của ông mang nhiều đặc điểm của một đức tin thế tục hơn là tôn giáo chính thức mà ông theo.
Nếu chúng ta nỗ lực để đạt mục tiêu xóa bỏ nghèo đói thay vì hứa hẹn sự cứu rỗi cho người nghèo, niềm tin làm nền tảng cho hành động của chúng ta mang tính thế tục hơn là tôn giáo, bởi chúng ta đã công nhận đời sống cùng với nhau mới là mục đích tối hậu. Đây là lí do vì sao những phê bình luận bàn về tôn giáo phải đi kèm những phê bình về những dạng thức đời sống chung đang tồn tại. Nếu chỉ đơn thuần chỉ trích những khái niệm cứu rỗi của tôn giáo mà không cùng lúc tìm cách đánh bại những bất công xã hội mà tôn giáo cũng đang ứng phó – thì sự phê bình hẳn là trống rỗng và trịch thượng. Nhiệm vụ đặt ra là làm chuyển biến những điều kiện xã hội để làm sao chúng ta có thể rời bỏ lời hứa hẹn về sự cứu rỗi và nhận ra rằng, mọi thứ đều phụ thuộc vào những gì chúng ta cùng nhau làm trước sự hữu hạn của thời gian. Cái chúng ta đang thiếu không phải là phúc lạc vĩnh hằng mà là những hình thức xã hội và thiết chế tạo điều kiện để chúng ta có được cuộc đời thăng hoa.
VICE: Ông có đề cập rằng, Karl Marx “không hề luyến tiếc thế giới tiền hiện đại”. Về điểm này, ông có cho rằng chúng ta đang sống với rất ít cảm thức rằng chúng ta có thể tạo nên lịch sử của riêng mình, thay vì phải tuân theo lịch sử?
Martin Hägglund: Marx không luyến tiếc thế giới tiền hiện đại là bởi ông dồn tâm sức để biến ý tưởng về tự do thời hiện đại trở thành hiện thực—nhằm thực hiện lời hứa để ai ai trong chúng ta cũng được sống một cuộc đời tự do.
Trong những thập kỉ gần đây, lời hiệu triệu về tự do được khai thác để đưa vào nghị trình của chính trị cánh hữu. Ở đó, ý tưởng về tự do tồn tại với nhiệm vụ bảo vệ “thị trường tự do” và bị giản lược để trở thành một quan niệm về hình thức tự do cá nhân. Động thái đáp lại của rất nhiều bộ óc cánh tả là từ bỏ theo đuổi hoặc thậm chí từ chối rõ ràng ý tưởng về tự do. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Mọi hình thức chính trị nhằm giải phóng—cũng như mọi phê bình về chủ nghĩa tư bản—đều đòi hỏi một khái niệm về tự do. Chúng ta cần khôi phục cảm thức rằng chúng ta đang tạo nên lịch sử của riêng mình và có thể làm được điều đó theo một cách khác đi. Để có được một đời sống tự do, nắm giữ những quyền tự do không thôi là chưa đủ. Chúng ta cần tiếp cận được tài liệu cùng những tài nguyên sư phạm và thiết chế cho phép ta theo đuổi tự do—tự do hiểu theo nghĩa chính là nó là một mục tiêu. Tôi vạch ra một tầm nhìn mới về chủ nghĩa xã hội dân chủ, hình thức xã hội cam kết mang lại những điều kiện để mỗi cá nhân có được cuộc sống tự do, trong sự công nhận chung về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta.
Nội dung cuộc phỏng vấn được biên tập để bài đăng rõ ý và có độ dài phù hợp.

Xem thêm:
Albert Einstein - Why Socialism