Về văn hóa tôn thờ sự tự tin
Cách truyền thông và văn hóa đại chúng tôn thờ sự tự tin đang ẩn chứa vô vàn vấn đề độc hại. Văn hóa này khiến chúng ta phớt lờ đi các vấn đề mang tính hệ thống mà chỉ tập trung vào sự thay đổi của từng cá nhân.
Truyền thông và văn hóa hiện đại ám ảnh và tôn thờ sự tự tin. Trong xã hội đương đại, “tin tưởng vào bản thân” giống với một mệnh lệnh đạo đức hơn là chỉ một lời khuyên phổ biến. Diễn ngôn về sự tự tin phủ sóng trên khắp các phương tiện, từ sách báo, mạng xã hội, cho đến nhà trường, công sở và gia đình. Các cá nhân liên tục được nhắc nhở về một phẩm chất bắt-buộc-phải-có của một công dân hiện đại.
Sự tự tin luôn được mô tả như chìa khóa dẫn đến thành công hay một bí quyết để trở nên hạnh phúc. Các ngôi sao, diễn viên, doanh nhân nổi tiếng luôn gắn liền với phong thái lạc quan, tích cực và tự tin. Họ gọi phẩm chất ấy là “nền tảng của mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống”. Các hãng thời trang ví sự tự tin như “bộ trang phục tuyệt nhất bạn có thể mặc”. Sách self-help và các khóa học hứa hẹn sẽ giúp người đọc “đánh thức vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn bên trong”. Các phong trào như #NoMakeUpSelfie, #SelfLoveSunday, #BeConfident lan tỏa khắp mạng xã hội, minh chứng cho sự hợp thời và phổ biến của văn hóa này.
Cá nhân tôi không có vấn đề với tầm quan trọng của sự tự tin. Suy cho cùng, nếu thực sự có điều gì đó giúp người ta cảm thấy thoải mái và hài lòng hơn với làn da, khuôn mặt, cơ thể, hay con người họ, thì nó cũng xứng đáng được ủng hộ. Tuy nhiên, cách mà truyền thông và văn hóa đại chúng tôn thờ sự tự tin lại ẩn chứa vô vàn vấn đề độc hại. Một mặt, các diễn ngôn đang đơn giản hóa quá mức các vấn đề mang tính hệ thống. Nó tạo ra một ảo tưởng rằng “tin tưởng vào bản thân nhiều hơn” là phương pháp giải quyết mọi vấn đề. Mặt khác, các phong trào này đang trở thành đổ dồn trách nhiệm về phía các nạn nhân của bất công xã hội, thay vì thực sự giúp đỡ họ.
1. Thuốc giải cho mọi căn bệnh
Khoảng 2 năm trước, tôi tham gia một buổi tranh biện giao lưu với các sinh viên trường khác. Xuyên suốt trận đấu, chỉ có duy nhất mình tôi liên tục đứng lên phản hồi qua lại với đội đối phương. Các thành viên còn lại, vì nhiều lý do, đã ngồi im lặng trong phần lớn thời gian. Đến cuối buổi, họ bị giáo viên chỉ trích vì… quá thiếu tự tin. Các thành viên được khuyên rằng nếu họ tin tưởng vào bản thân mình nhiều hơn, sự im lặng ấy chắc chắn đã không xảy ra.
Lời khuyên kể trên minh chứng rất rõ cho sự đơn giản hóa mọi vấn đề của văn hóa tự tin. Họ nhảy thẳng đến kết luận rằng vì thiếu tự tin nên các bạn mới như thế. Nhận định này đã chủ động phớt lờ đi rất nhiều lý do ẩn phía sau, bao gồm thời gian chuẩn bị, chất lượng luyện tập, hay năng lực của từng cá nhân. Sự tự tin trở thành giải pháp cho tất cả vấn đề. Như thể chỉ cần cắn viên thuốc tự tin, bỗng nhiên bộ não sẽ tuôn ra vô vàn luận điểm sắc bén được trình bày với kỹ năng nói level 8 chấm IELTS, bằng chất giọng đanh thép và thuyết phục. Một kết quả của nhiều năm tháng nỗ lực, mang đậm dấu ấn của năng lực, hoàn cảnh và may mắn, lại trở thành thứ có thể dễ dàng đạt được đạt được chỉ bằng việc thay đổi thái độ của bản thân.
Nhưng dù sao, một trận tranh biện quy mô trường lớp cũng chỉ là chuyện nhỏ, nếu so sánh với những vấn đề quan trọng và bức thiết hơn mà văn hóa tự tin đang len lỏi, bao gồm nạn phân biệt đối xử, bất công xã hội, giáo dục con cái, hay phát triển bản thân.
Trong cuốn sách Confidence Culture, hai nhà nghiên cứu Rosalind Gill và Shani Orgad đã chỉ ra rằng văn hóa (hay giáo phái) tự tin đang khiến cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, bỏ quên đi những vấn đề thực sự mang tính cấu trúc xã hội, mà chỉ tập trung vào thay đổi tâm lý và thái độ của bản thân. Cụ thể, văn hóa này đang biến sự tự tin trở thành “thuốc chữa bách bệnh”, ngay cả khi “bệnh” ở đây là phân biệt giới tính tại nơi làm việc, ám ảnh ngoại hình, hay gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Bất kể những vấn đề này có nghiêm trọng và phức tạp đến mức nào, nó cũng đều xuất phát từ sự thiếu hụt niềm tin của mỗi cá nhân. Từ đây, “tôi tin tưởng tôi” trở thành câu thần chú giải quyết mọi vấn đề.
Phụ nữ bị trả lương thấp hơn, bị đối xử thiếu tôn trọng tại nơi làm việc? Tặng ngay cho họ vài cuốn self-help nổi tiếng để họ biết cách tin tưởng và thể hiện bản thân ở công ty. Rối loạn ăn uống và ám ảnh về ngoại hình? Đầu tư ngay cho mình một khóa “confidence coaching” để nâng cao lòng tự trọng và cảm thấy biết ơn cuộc sống. Bị xúc phạm bởi khách hàng và đồng nghiệp? Nếu bạn cảm thấy bị xúc phạm, đấy là lỗi của bạn, làm ơn nhìn mọi thứ theo hướng tích cực đi! Gặp khó khăn trong việc “cưa đổ” một ai đó? Có thể là vì bạn chưa đủ tự tin thôi, “confidence is the new sexy” mà.
Khi đại dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng tàn khốc tới nền kinh tế, phụ nữ nằm trong những đối tượng chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giảm lương thưởng, chênh lệch thu nhập với đàn ông bị nới rộng. Đáp lại điều này, trớ trêu thay, là hàng loạt các chương trình đào tạo sự tự tin (confidence training) nhằm thay đổi nhận thức và đưa ra các lời khuyên cho người lao động nữ. Các chuyên gia về lối sống liên tục kêu gọi phụ nữ hãy học cách yêu thương và tin tưởng con người mình. Phụ nữ được yêu cầu phải tự giải quyết các vấn đề bằng việc thay đổi cách họ suy nghĩ, cảm nhận và giao tiếp, vì “tất cả những gì quan trọng nhất đều xuất phát từ bên trong”.
Những diễn ngôn của văn hóa tự tin, ngoài việc quá chung chung và hời hợt, đang xóa nhòa đi mọi ranh giới về sự khác biệt về ngoại hình, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp và khả năng của những người đón nhận. Bằng việc hướng mọi sự quan tâm vào những thay đổi nội tại, văn hóa tự tin đang biến chính những nạn nhân của bất công trở thành thủ phạm cho những vấn đề mà họ không thể kiểm soát.
2. Một mệnh lệnh đạo đức
Sự trỗi dậy của văn hóa tự tin đã bắt đầu từ cột mốc thế kỷ 20 - còn được gọi là thế kỷ tâm lý (the psychological century). Đây là một bước ngoặt hướng xã hội tập trung vào giá trị nội tại của từng cá nhân, bao gồm sự tự chủ, tình yêu bản thân, sự tự tin và lòng tự trọng.
Đến bây giờ, “tin tưởng và yêu thương con người thật của bạn” đã được phù phép trở thành một nghĩa vụ đạo đức. Nhu cầu “trở nên tự tin hơn” được nội tại hóa bên trong mỗi người, khiến họ coi đó như một điều nghiễm nhiên phải làm. Sự bành trướng của văn hóa tự tin kéo theo quá trình phát triển điên cuồng của hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ có chức năng “gia tăng sự tự tin”, bao gồm sách self-help, khóa học tỉnh thức, hay các ứng dụng chữa lành.
Văn hóa tôn thờ tự tin đã không còn chỉ giới hạn trong những lời khuyên đại chúng, nó đã trở thành một tổ hợp công nghiệp toàn cầu hàng triệu đô-la. Nội dung chủ đạo nhấn mạnh vào các lối sống và phương pháp để phát triển bản thân, vốn được quảng bá như một quá trình bắt buộc để thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Tiêu biểu có thể kể đến các chiến dịch truyền thông của các nhãn hàng như Dove, Nike, Verizon, L’Oréal, khi họ nhấn mạnh vào vẻ đẹp “thật sự” ẩn chứa bên trong mỗi con người (sẽ có được thông qua việc tiêu thụ các sản phẩm của họ).
Các diễn ngôn của phong trào này đang tạo ra một ảo tưởng rằng sự thay đổi tâm lý cá nhân chính là giải pháp cho những vấn đề mang tính cấu trúc. Văn hóa tự tin đang truyền đi một thông điệp rất rõ ràng: không phải phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, hay bất công xã hội, chính sự thiếu niềm tin vào bản thân mới là rào cản ngăn cản các cá nhân đạt được thành công và hạnh phúc. Thay vì tập trung thúc đẩy những thay đổi mang tính hệ thống, bao gồm tạo ra các chính sách bình đẳng giới, chính sách hỗ trợ phụ huynh nuôi dạy con, văn hóa tự tin đang đổ dồn mọi trách nhiệm lên đầu của những-người-chưa-đủ-tự-tin.
Nếu một người phụ nữ bị trả lương thấp hơn so với đồng nghiệp nam, hay bị dè bỉu và trêu chọc khi tham gia các cuộc đàm phán, đó là bởi cô ấy chưa học được cách tin tưởng và yêu thương bản thân. Vì vậy, thay vì cảm thấy bất mãn và đấu tranh cho quyền bình đẳng, sẽ tốt hơn nếu cô ấy đặt ngay cuốn sách ‘Lean In’ nổi tiếng, điền đơn tham gia khóa học chữa lành và tỉnh thức, mua sắm các sản phẩm của của Dove, chụp một tấm ảnh mặt mộc rồi đăng tải lên Instagram với hashtag #NoMakeUpSelfie giống như Gal Gadot từng làm. Và đó là cách mọi thứ được giải quyết.
Đến cuối ngày, các nạn nhân không những phải tiếp tục chịu đựng các bất công xã hội, họ còn bị kết án rằng chính họ là nguyên nhân cho những thất bại trong cuộc đời. Thay vì kêu gọi những sự thay đổi mang tính hệ thống, văn hóa tự tin đổ dồn trách nhiệm về phía các cá nhân. Giờ đây, những nạn nhân thiếu tự tin sẽ tiếp tục trở thành đối tượng khách hàng tiềm năng, chờ đợi được khai thác kịch liệt bởi các nhãn hàng.
3. Lời kết
Văn hóa tự tin đã mở ra một viễn cảnh lý tưởng, nơi mà chỉ cần chúng ta thay đổi thái độ và góc nhìn, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Như thể tất cả chúng ta đã bỏ lại một lịch sử đau thương, với nạn phân biệt đối xử, bất công và định kiến ở lại phía sau. Như thể phụ nữ đã không còn bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc, cộng đồng LGBT đã không còn phải chịu đựng sự miệt thị, rằng xuất thân, hoàn cảnh, ngoại hình đã không còn là rào cản trên con đường đến với thành công. Tất cả những gì chúng ta cần làm là học cách tin tưởng và yêu thương chính mình.
Đó là một viễn cảnh thật lý tưởng. Nhưng ta đều biết rằng chúng ta chưa sống ở trong thế giới ấy. Để đến được đó, có lẽ trước hết người ta phải đồng ý với nhau rằng những vấn đề hệ thống cần những cách giải quyết mang tính hệ thống. Nếu không, người ta rồi sẽ tiếp tục trở thành những nạn nhân và khách hàng tiềm năng chờ đợi để bị đổ lỗi và khai thác.
Cũng giống như người bạn cùng nhóm của tôi tự hỏi “làm sao tao tự tin nổi với một cái đầu rỗng?”, người ta rồi sẽ bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để chạy theo các phong trào thúc đẩy sự tự tin, cho đến khi mệt lả nhận ra “tôi tin tưởng tôi” không phải câu thần chú quyền năng đến thế. Thậm chí, bản thân sự kém tự tin cũng xuất phát từ các nguyên nhân gắn liền với giai cấp, địa vị và hoàn cảnh của mỗi người. Người ta có thể tự tin vì điều gì, nếu vẫn ngày ngày trong chật vật trong một cuộc sống quá đỗi bấp bênh? Tự tin cam chịu nỗi đau thì nỗi đau sẽ vẫn còn đó.
“We don’t need more emphasis on blaming any individual, we need to change the world.”
Credit: Bài viết này được truyền cảm hứng bởi Trần Tiến và Mina Le.
Tham khảo:
Confidence Culture by Rosalind Gill & Shani Orgad
Rosalind Gill & Shani Orgad, Confidence culture tells women to be more self-assured – but ignores the real problems, The Conversation, Published: February 11, 2022
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất