Zat Rana - Thế giới nơi ý nghĩa đã vật chất hóa
Liệu con người có thể sống khi không có một tự sự bao trùm dẫn lối cuộc đời? Liệu xã hội có tồn tại được hay không khi không còn...
Liệu con người có thể sống khi không có một tự sự bao trùm dẫn lối cuộc đời? Liệu xã hội có tồn tại được hay không khi không còn ý niệm về Chúa và đạo đức trong sự gắn kết làm một? Các triết gia Khai sáng sẽ trả lời: có thể. Họ tin rằng con người chúng ta, bằng lý trí, đã vượt ra khỏi gông cùm đức tin. Cùng với đó, câu chuyện hiện đại về tiến bộ và tăng trưởng mở ra.
Trong vài thế kỉ nay, công cuộc tìm kiếm tri thức bằng khoa học đã mở rộng và bùng nổ. Chủ nghĩa tư bản và cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi toàn bộ đời sống sinh hoạt, cách thức sản xuất và tiêu thụ. Chúng ta đã có thuốc kháng sinh. Nghèo đói giảm đi từng ngày. Bạo lực không còn mấy nghĩa lý. Chúng ta sở hữu ưu thế rõ rệt so với tự nhiên: Chúa không còn được coi là một desginer nhà thiết kế thông minh nữa —vai trò đó giờ đây thuộc về con người; con người có trách nhiệm tạo ra mọi loại công nghệ và triển khai với quy mô tương xứng. Facebook, Google, Apple, Amazon là những vị Chúa mới. Tác động của chọn lọc nhân tạo đang tăng tốc bỏ xa chọn lọc tự nhiên. Ngày nay chúng ta có nhiều hơn, tốt hơn và tiến gần hơn đến phiên bản nào đó của sự thật.
Nhưng dường như bức tranh lãng mạn này thiếu mất thứ gì đó. Tất cả những phần khác nhau mà chúng ta dựa vào đó để đo lường tiến bộ - mỗi một phần lại đang tạo ra không gian cho một tương lai phồn vinh hơn nữa. Vậy mà xét tổng thể, có vẻ như chúng ta đang tan rã trên diện rộng. Đây là điều mà Friedrich Nietzche nhận thấy trong hệ quả của Khai Sáng. Trong The Gay Science, nhân vật kẻ điên cảnh báo:
“Thượng đế đã chết. Chết hẳn rồi. Chính chúng ta giết Ngài. Rồi làm sao chúng ta có thể khiến bản thân yên lòng, khi chính mình là sát nhân của mọi sát nhân?...”Đến đây, kẻ điên kia bỗng lặng thinh và hướng mắt một lần nữa vào những người vừa nghe hắn nói. Họ cũng câm lặng và nhìn chằm chằm vào hắn, đầy sửng sốt. Cuối cùng, hắn quẳng chiếc đèn xuống nền đất, vỡ vụn, rồi bỏ đi mất.“Ta đã tới quá sớm,” rồi hắn nói với bọn họ, “Giờ chưa là thời của ta. Biến cố to lớn này hãy còn đang trên đà kéo đến, hãy còn vơ vẩn chưa tới, nó chưa đến tai con người. Sấm chớp cần thời gian; ánh sáng sao trời cần thời gian; những việc đã làm, dù đã hoàn tất, thì vẫn cần thời gian để được mắt thấy tai nghe. Việc này, nó vẫn còn cách họ rất xa, hơn cả những ngôi sao xa xôi nhất kia – ấy vậy mà họ đã tự làm xong rồi.”
Nietzsche khi đó hiểu rằng: chỉ riêng lý tính thì không đủ để cung cấp cho con người ý nghĩa. Khi không còn nền tảng đạo đức do vị Chúa siêu việt nào đó ấn định cho trần thế, cách chúng ta tương tác với nhau và với những tạo tác của ta sẽ dẫn đến khủng hoảng lớn hơn nữa. Nietzsche một mặt tin rằng chúng ta có thể kiếm cho mình cái gì đó tốt hơn ý niệm về đạo đức trước nay. Mặt khác, ông quả quyết rằng, thiếu vắng thứ đạo đức truyền thống này, xã hội tự đào cho mình cái hố hư vô, hay nói cách khác, vô nghĩa. Trừ khi một giải pháp nào đó được tìm thấy, chủ nghĩa hư vô nihilism sẽ phá hủy những gì là nền tảng của xã hội.
Trong mọi nền văn hóa từng được nghiên cứu, luôn thấy có niềm tin tôn giáo hay siêu nhiên ở dạng thức nào đó. Người ta có thể tùy ý khẳng định hoặc bác bỏ sự tồn tại của Thượng đế, một thực thể siêu hình, nhưng không thể phủ nhận một điều: niềm tin vào Chúa đem đến giá trị để tồn tại. Nếu không, các lực tiến hóa ngay từ đầu đã không cho phép những niềm tin như thế tồn tại trong hàng loạt các môi trường vật chất và văn hóa. Đức tin hữu ích. Thiếu nó, định hướng chung cho tương lai trở nên rối loạn. Thiếu nó, hành động của chúng ta mất tính gắn kết. Mọi thứ bắt đầu rệu rã.
Vấn đề lớn nhất lại là tâm trí con người không thể bị đánh lừa. Ngay cả khi tâm trí có ý thức khi cho rằng cuộc sống là vô nghĩa thì một cách vô thức, nó vẫn bị điều khiển bởi cái gì đó ở tầng sâu hơn mà nó chưa suy nghĩ cho thấu đáo. Lý do bởi, nếu tâm trí thực sự tin rằng tất cả mọi thứ không có nghĩa lý gì hết, thế thì nó cũng chẳng còn động cơ để hoạt động. Trong thế giới hiện đại, điều gì đó ấy là thứ mà tâm trí quan sát thấy những người khác đang gắng sức theo đuổi: tiêu thụ vật chất. Sự thiếu vắng ý nghĩa không còn là sinh lực dẫn dắt và tạo động lực cho con người, để con người nhìn nhận tiêu thụ là phương tiện đạt được mục tiêu. Thay vào đó, thực chất nó lại khiến chính những phương tiện đó trở thành mục tiêu.
Một tự sự siêu việt có thể coi là một chất nền vô hình giúp gắn kết các cá nhân, các nhóm người và xã hội với nhau. Tuy nhiên, khi tăng trưởng nuốt trọn tự sự này, tức là, khi chúng ta vật chất hóa ý nghĩa mà lại thiếu đi nền tảng sâu phía dưới, kết cục là mỗi cá nhân sẽ phấn đấu hướng tới bất cứ thứ gì kích thích những ham muốn có điều kiện của bản thân. Những ham muốn phỏng theo, vay mượn từ những người khác, những người đang bận chơi cùng một trò chơi ấy. Những ham muốn do chủ nghĩa tư bản thao túng. Những ham muốn mà rốt cuộc sẽ cạnh tranh lẫn nhau để giành lấy sự tiêu thụ, thay vì một khát khao thể hiện và vượt lên nằm ở tầng bậc sâu hơn.
Nếu coi xã hội như một hệ thống phức hợp khỏe mạnh nhờ vào hai đặc tính: phân hóa và tích hợp differentiated - integrated. Khi xã hội không còn một Thượng đế siêu việt, xã hội trở nên phân hóa, đa dạng hơn bởi giờ đây mọi người vận động dựa vào bản ngã của mình và hệ thống truyền động lực cho nó. Nhưng xã hội mất đi tính hợp nhất, không còn là chỉnh thể. Những hệ thống động lực khác nhau cạnh tranh khi theo đuổi cùng những ham muốn mang tính vật chất để có được ý nghĩa. Các nhà khoa học thường mô tả một hệ thống phức hợp lớn hơn tổng các phần của nó. Hiểu theo nghĩa này thì 2 cộng 2 lớn hơn 4. Đó là do có sự tương tác giữa những phần riêng lẻ. Khi không có thứ gì đó giống như những nguyên tắc đạo đức hoàn hảo mà Thượng đế ban tặng, những tương tác đó yếu đi, hệ thống vì thế sẽ bắt đầu sụp đổ, như Nietzche dự đoán.
Khi cơ thể con người không có thứ gì lớn lao hơn để tôn thờ, nó chuyển sang tôn thờ những ham muốn nông cạn của bản ngã. Bản ngã đã được định trước để nghĩ rằng những ham muốn ấy chứa đựng ý nghĩa trước kia do Thượng đế đem lại. Từ đây nổi lên hai vấn đề: thứ nhất, bản ngã tìm đến thế giới vật chất để nguôi cơn ham muốn của nó, nó cạnh tranh với những bản thể khác, chẳng khác nào tự giao cho mình một nhiệm vụ bất khả thi trong một trò chơi không thể thắng nổi; thứ hai, bản ngã được thôi thúc để phát triển đến mức độ cái hệ thống lớn hơn lâm vào đường cùng. Đây cũng chính là cơ chế các tế bào ung thư đang lớn lên tàn phá cơ thể chứa chấp chúng.
Việc theo đuổi những khao khát cá nhân, sự phát triển cá nhân vì tự thân những mục đích này tất nhiên không có gì đáng bàn cãi. Thậm chí thực tế, phần lớn việc tạo ra ý nghĩa của bản ngã đến từ một trong những con đường này. Tuy nhiên, ý nghĩa thì cần được tìm thấy ở điều gì đó nằm ngoài phạm vi bản ngã đơn lẻ trước khi nó hiện lên thông qua trải nghiệm và cuộc sống của bản ngã. Bằng không, nó không thể duy trì một cách lành mạnh cả trên cấp độ cá nhân lẫn tập thể. Bản ngã tự nó không phải là thứ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Ý nghĩa phải sinh ra từ mối quan hệ giữa nó với các bản ngã khác trên phương diện xã hội và bất cứ điều gì hơn thế.
Chúng ta cần chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu thụ, nhưng hai thứ này sẽ không lấp được khoảng trống bị bỏ lại từ cái chết của Thượng đế. Chúng ta cần tiến bộ và tăng trưởng, nhưng riêng đó cũng không thể là nguồn cho ta đạo đức. Hầu hết mọi vấn đề hệ trọng thế giới ngày nay phải đối mặt – từ các ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ cho đến biến đổi khí hậu – đều bắt nguồn từ thực tế là chúng ta không còn có cho mình một câu chuyện thống soái có thể dùng để hợp nhất xã hội thành cái tổng thể lớn lao hơn những phần riêng lẻ. Chúng ta mắc kẹt, chơi những trò chơi ở các cấp độ thấp, cấp độ bề mặt, vì không còn gì hay hơn cho ta xem xét.
Thế giới ngày một hỗn độn. Thế giới đã phân ra làm hàng triệu mảnh tiểu văn hóa subculture – với sự ra đời của Internet. Nhiều trong số đó đối chọi lẫn nhau, ra sức tìm cho mình chỗ đứng, ra sức khẳng định quan điểm của mình. Nhưng trận chiến thực sự không phải là trận chiến giữa các tiểu văn hóa. Trận chiến thực sự diễn ra trong cách những tiểu văn hóa này nhìn nhận và dung hòa những khác biệt của nhau. Thứ phá vỡ xã hội, hệ thống phức hợp của chúng ta, không phải là sự phân hóa. Nó liên quan đến sự hợp nhất — Chúng ta không thiếu tính đa dạng, mà là cách thức chúng ta kết nối những quan điểm khác nhau vào trong những giá trị chung lớn lao hơn.
Trong một thế giới không còn một tầm nhìn nào lớn hơn về nguồn gốc hay một tương lai để dẫn lối cho chúng ta, lựa chọn duy nhất còn lại là ý nghĩa được vật chất hóa. Nếu chúng ta không chủ đích định ra những ý niệm xoay quanh sự tồn tại tập thể của mình trên Trái Đất này, những thiên kiến vô thức sẽ làm thay ta việc đó. Cái ta được nhận sẽ là một nhiệm vụ đơn giản nhưng không hề dễ dàng: đi tìm cho mình tự sự lớn tiếp theo.
Ghi chú của người dịch:
1. Đại tự sự
Đại tự sự metanarrative hay grand narrative là một thuật ngữ được phát triển bởi triết gia Jean-François Lyotard, được biết đến nhiều nhất với tác phẩm The Postmodern Condition. Thuật ngữ này dùng để chỉ một thuyết giúp tường thuật một cách tổng thể, toàn diện về các sự kiện lịch sử, trải nghiệm và hiện tượng xã hội, văn hóa khác nhau, dựa trên đòi hỏi có được chân lý phổ quát hay các giá trị phổ quát.
2. Khai Sáng The Enlightenment
Khai sáng, còn được gọi là Thời đại của lý tính Age of Reason, là một phong trào trí tuệ và văn hóa vào thế kỷ XVIII, xem trọng lý trí hơn mê tín và khoa học hơn niềm tin mù quáng. Sử dụng sức mạnh báo chí, các nhà tư tưởng Khai sáng như John Locke, Isaac Newton và Voltaire đã chất vấn những kiến thức vốn được chấp nhận rộng rãi, đồng thời truyền bá những ý tưởng mới về sự cởi mở, nghiên cứu và khoan dung tôn giáo khắp châu Âu và châu Mỹ. Khai sáng có thể coi là một bước ngoặt lớn của nền văn minh phương Tây, một thời đại ánh sáng thay thế kỉ nguyên bóng tối.
3. Tiểu văn hóa subculture
Tiểu văn hóa là một khái niệm thuộc phạm trù xã hội học, chỉ văn hóa của một cộng đồng có những đặc tính, giá trị phân biệt với nền văn hóa chiếm ưu thế, rộng lớn hơn của toàn thể xã hội. Định nghĩa Oxford: "một nhóm văn hóa trong một văn hóa lớn hơn, thường có những niềm tin hoặc mối quan tâm khác biệt với nền văn hóa lớn hơn". Ví dụ một số subculture ngày nay: văn hóa Internet, Otaku, hipster, minimalism, v.v.
4. Thuyết Hư vô nihilism
Nihilism: học thuyết triết học phủ định các khía cạnh ý nghĩa nổi bật trong cuộc sống. Thuyết hư vô cho rằng cuộc sống này không có mục tiêu nào có ý nghĩa, không có mục đích, hay bất kì giá trị nội tại nào.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất