(trích từ cuốn Lộ trình tâm và sắc pháp của Bhaddanta Dr. Rewata Dhamma)
Thắng Pháp (Abhidhamma), giáo lý đặc biệt của Đức Phật, được kính ngưỡng tại vị trí cao nhất và được tôn thờ như là vương miện của kinh điển Phật giáo. Tất cả các trường phái cổ xưa theo truyền thống Phật giáo đều có cách riêng của mình trong việc hệ thống hoá Thắng Pháp. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài bộ sách còn lại, hầu hết các trường phái đã mất đi giáo lý và hệ thống Thắng Pháp của họ, dầu là trong ngôn ngữ nguyên thuỷ Pali hay trong ngôn ngữ Sanskrit. Trường phái Nguyên thuỷ (Theravāda) với sự cẩn trọng cực độ đã may mắn lưu giữ được toàn bộ giáo lý Thắng Pháp, hay còn gọi là Vi Diệu Pháp hay Vô Tỷ Pháp, cùng những chánh sớ và phụ sớ giải có liên quan. 
Điều cần phải được hiểu là giáo lý Thắng Pháp không phải là những bài thuyết giảng hay những cuộc thảo luận xảy ra trong khung cảnh sinh hoạt hàng ngày. Thật ra, giáo lý Thắng Pháp được phân tích một cách rất chi tiết, được sắp xếp một cách bài bản, được định nghĩa một cách tinh tế và được phân loại một cách tỉ mỉ bằng một khối ngôn từ vô cùng trừu tượng nhưng thiết yếu. Do bởi tầm quan trọng to lớn của nó, phương pháp phân tích và xử lý tuyệt vời của nó và vì nó phản ánh trí tuệ siêu việt của các bậc Chánh đẳng giác, nó được gọi là Thắng Pháp, tức là giáo lý đặc biệt của Đức Phật.
Pháp Chân Đế (Paramattha)
Theo Thắng Pháp, có hai loại sự thật: sự thật chế định (sammuti) và sự thật chân đế (paramattha)
Những sự thật chế định là những khái niệm, tức là điểm tham chiếu của những suy nghĩ mang tính khái niệm thông thường (paññatti) và những biểu hiện (vohāra) mang tính quy ước. Chúng bao gồm những thực thể như chúng sinh, loài người, đàn ông, đàn bà, thú vật, cây cỏ, núi rừng và vân vân. Chúng ta hiểu và đặt tên gọi cho những thực thể này dựa theo hình thể, màu sắc của chúng v.v …. Tuy nhiên, giáo lý Thắng Pháp chủ trương rằng những khái niệm này không sở hữu giá trị tuyệt đối. Những đối tượng mà chúng đại diện hay biểu hiện thì không tồn tại trong chính quyền hạn của chúng như là những sự thật không thể chia chẻ được. Sự tồn tại của chúng vì thế mang tính chế định chứ không phải thực chất. Chúng là những sản phẩm của sự kiến tạo mang tính tinh thần (parikappanā), chứ không phải là những sự thật tồn tại do bởi chính tự bản chất của chúng. 
Trong khi đó, những sự thật chân đế (pháp chân đế) thì tồn tại do chính bản chất nội tại (sabhāva) của chúng. Những pháp này là những hiện tượng danh và sắc mà là những thành phần hiện hữu cuối cùng không thể chia chẻ được nữa. Các pháp chân đế là những thực thể tối hậu có được từ sự phân tích đúng đắn thế giới của các hiện tượng. Giống như việc có thể chiết dầu từ hạt mè, chúng ta cũng có thể tách ra được những pháp chân đế từ các sự thật chế định. Do đó, các pháp chân đế được miêu tả không chỉ từ góc nhìn của bản thể luận là những thực thể tối hậu thật và đúng, mà còn từ quan điểm của nhận thức luận là đối tượng tối hậu của sự nhận thức đúng đắn. 
Ví dụ, cái mà được gọi là “chúng sinh”, “người đàn ông” hay “người đàn bà” thì là một sự thật chế định hay là một khái niệm. Tuy nhiên, trong thực tế, “chúng sinh”, “người đàn ông” hay “người đàn bà” thì chỉ là sự kết hợp của các pháp chân đế. Khi chúng ta phân tích các sự thật chế định hay những khái niệm này dưới ánh sáng của Thắng Pháp, chúng ta tìm thấy rằng chúng không sở hữu bất kỳ sự thật tối hậu nào. Chúng chỉ là một sự thật chế định bao gồm một tập hợp những yếu tố mãi mãi biến đổi, tức là những tiến trình danh pháp và sắc pháp. Khi trí tuệ phát triển, cuối cùng trí tuệ sẽ xuyên thấu rằng chỉ có những pháp chân đế (paramattha dhamma) mới duy trì được bản chất nội tại của chúng mà thôi.
Thuật ngữ “paramattha” là một từ ghép, gồm “parama” và “attha”. “Parama” được định nghĩa là “bất biến”, còn “attha” có nghĩa là “vật”. Mặc dầu từ “bất biến” được dùng ở đây nhưng nó không nên được diễn giải theo nghĩa “thường hằng” hay “vĩnh cửu”. Trong thực tế, tất cả những pháp chân đế (tức tất cả những yếu tố danh và sắc) luôn hứng chịu sự đổi thay, chúng là vô thường, vô ngã và thật ra là đang sinh diệt một cách không ngừng ngay chính tại giây phút này. Tuy nhiên, những đặc tính riêng biệt của chúng thì không thay đổi bất cứ lúc nào chúng sinh lên. Mặc dầu tất cả các hiện tượng thay đổi, nhưng bản chất nội tại của chúng lại là không. Hãy lấy tham (lobha) làm ví dụ. “Tham” là một pháp chân đế, tham sinh lên tại mỗi thời điểm, nhưng tham không bao giờ mất đi bản chất nội tại của nó, đó là bám víu, nắm bắt, dính mắc. Không gì có thể thay đổi được bản chất này. Không gì có thể thay đổi được đặc tính riêng của các pháp chân đế.
Mặc dù các pháp chân đế tồn tại trong lòng của tất cả các hiện tượng danh và sắc như là những cốt lõi cụ thể của các pháp, nhưng chúng lại rất vi tế và thâm sâu đến mức một người bình thường nếu không phát triển tri kiến đặc biệt theo Giáo pháp thì sẽ không thể nào cảm nhận hay kinh nghiệm được chúng. Một người bình thường thì chỉ có thể cảm nhận mọi sự vật hiện tượng theo biểu hiện quy ước của chúng, tức là theo nghĩa chế định. Chỉ có người phát triển được chánh kiến (trí tuệ) và chánh tư duy về các sự vật mới có thể thấy được các sự vật vượt qua khỏi các khái niệm chế định. Do đó pháp chân đế được miêu tả là lĩnh vực của hiểu biết cao tột, hay trí tuệ sâu sắc về thực tại như-nó-là.
Tâm (citta)
Thuật ngữ “citta” đến từ gốc từ Pāḷi “citi”, có nghĩa là biết hay nhận biết. Các nhà chú giải Thắng Pháp (Abhidhamma) trình bày ba ý nghĩa cho từ “citta”. Các vị định nghĩa “citta” như là nhân tố, là công cụ và là hoạt động. 
.“Citta” khi làm nhân tố thì là yếu tố nhận biết đối tượng (Āramaṇaṃ cintetīti cittaṃ). 
.Khi làm công cụ, “citta” được định nghĩa là phương tiện mà thông qua đó các tâm sở đi cùng nhận biết đối tượng (Etena cintetīti cittaṃ). 
.Cuối cùng, “citta” khi làm hoạt động thì chỉ đơn giản là suy nghĩ (Cintanamattaṃ cittaṃ). 
Một câu hỏi được đưa ra là: tại sao các nhà chú giải lại đi định nghĩa “citta” theo ba cách như vậy? Câu trả lời là do tư tưởng về một bản ngã (atta hay ātman) đã được chôn sâu vào tâm trí của con người. Với lý do này, các nhà tư tưởng tôn giáo cổ xưa đã ủng hộ ý tưởng về một linh hồn (ātman hay atta). Trong tư tưởng của họ, chính bản ngã (atta hay ātman) là cái suy nghĩ những ý nghĩ, là cái cảm giác những cảm thọ và là cái thực hiện những hành động. 
Tuy nhiên, trong quan điểm của Thắng Pháp (Abhidhamma), chính tâm (citta) là cái nhận thức những đối tượng và tất cả những trạng thái tinh thần khác thì sinh lên cùng với tâm. Chính tâm (citta) được đánh đồng với sự suy nghĩ. Hai định nghĩa đầu tiên chứng minh rằng bản ngã (ātman) không tồn tại. Chính tâm (citta) là yếu tố làm việc suy nghĩ. Do đó, chúng ta có thể nói rằng không có người suy nghĩ mà chỉ có sự suy nghĩ.
Đặc tính của tâm (citta) là sự biết đối tượng. Chức năng của tâm (citta) là kẻ dẫn đầu của các tâm sở, tức là nó làm người chủ tọa và được đi cùng bởi chúng. Nó biểu hiện trong tâm trí của hành giả là sự liên tục của các tiến trình. Tuy nhiên, tâm không thể tự mình sinh lên. Tâm phụ thuộc vào các tâm sở và sắc pháp (các hiện tượng có đặc tính vật chất). Tâm (citta) chỉ có một đặc tính là nhận thức đối tượng, một đặc tính luôn được giữ nguyên không thay đổi trong tất cả những sự biểu hiện đa dạng của nó. Cái mà chúng ta thường nghĩ là tâm thức thì thật ra là một chuỗi bao gồm những tâm (citta), tức là những hoạt động tâm thức tại từng thời điểm một, xảy ra liên tiếp, cực nhanh đến nỗi chúng ta không thể khám phá ra được các thời điểm riêng lẻ của những loại tâm khác nhau. Thắng Pháp (Abhidhamma) không chỉ phân biệt giữa các loại tâm khác nhau mà quan trọng hơn, còn phân loại chúng thành một tổng hợp thống nhất và đan xen vào nhau một cách gần gũi.
—- Lưu ý (disclaimer) —-
Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo, không đảm bảo sự chính xác tuyệt đối.
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.