Bản chất của con người là luôn hướng tới cái "Tôi". Vì vậy, ta thường đánh giá ta cao và cao hơn rất nhiều so với những cái ta có. Khi ta có 1 số thành công nhất định, cái "Tôi " của ta lại càng cao . Nghĩ mình giỏi rồi, hơn người rồi nên có tâm lý coi thường người khác. Đau xót là chính điều đó khiến ta tự làm tổn thương bản thân mà không hề hay biết.
1 Nước chảy về chỗ trũng
Nước luôn chảy về chỗ trũng. Đất hạ thấp thì thành biển. Đề cao thiên hạ, hạ thấp bản thân ,kiến thức, kinh nghiệm càng chảy về mình. Coi thường thiên hạ, nghĩ mình giỏi hơn người khác, bạn sẽ chẳng học được gì từ những người xung quanh . Ngược lại, nếu bạn biết khiêm nhường, nghĩ mình chưa giỏi, bạn sẽ có tinh thần cầu tiến, dễ dàng học và tiếp thu được nhiều kiến thức kinh nghiệm từ những người khác .
2 Mất tính khách quan
Để nhìn nhận vấn đề 1 cách khách quan, bạn phải nhìn nhận vấn đề với góc nhìn đa chiều. Để có được điều đó, bạn cần tham khảo ý kiến của nhiều con người .Nếu bạn có cái "Tôi" cao quá, không chịu lắng nghe, nghĩ mình là đúng đắn, là chân lý, cái gì khác biệt quan điểm của bạn thì đều coi là sai .Bạn sẽ trở nên bảo thủ, giáo điều và mất tính khách quan trong nhìn nhận vấn đề. Đó là vì sao Thượng đế sinh ra con người có 2 cái tai, 2 cái mắt và 1 cái mồm . 2 tai là để khuyến khích con người nghe nhiều hơn, 2 mắt là để khuyến khích con người đọc, học nhiều hơn, 1 cái mồm là để con người nói ít lại .
3 Đừng nghĩ mình tài trí hơn người
Nhà bác học Abert Enstein đã từng nói : "Ai cũng đều là thiên tài cả .Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng trèo cây của nó, nó sẽ sống cả đời mà tin rằng nó thật sự thấp kém ". Bạn nghĩ bạn tài giỏi là vì bạn tìm được đúng sở trường của bạn . Những người khác cũng tài giỏi, nhưng họ tài giỏi ở lĩnh vực khác hoặc họ chưa tìm được đúng sở trường để thể hiện họ giỏi. Bạn có thể hơn họ cái này thì họ cũng sẽ có cái hơn bạn. Họ cũng sẽ là thiên tài nếu họ tìm được đam mê, sở trường của mình. Một số người không có may mắn có được môi trường thuận lợi như bạn nên sự nghiệp của họ không đi về đâu .Thật ra, trong cuộc sống này, mình nhận ra 1 điều là ai cũng sẽ có những điểm để mình học từ họ. Bà lao công ở sân trường làm mình học được tính chăm chỉ, cần cù, học được đức tính chịu thương, chịu khó, hi sinh vì gia đình, vì con cái. Hãy tôn trọng mọi người cho dù công việc của họ là gì, địa vị của họ như thế nào. Đừng có coi thường người ta .
Cái tôi cao cũng là nguồn gốc của tâm lý coi thường người ta khi người ta kém mình hoặc là ganh ghét, đố kị người ta khi người ta hơn mình. Từ đó sẽ có xu hướng chê bai, nói xấu người khác, suy bụng ta ra bụng người. Trước khi chê bai người khác, nên nhìn lại chính mình xem mình đã tốt đẹp chưa. Bản thân còn không ra gì thì có quyền gì chê bai người khác. Một người nói xấu người khác với bạn thì có nghĩa người đó có thể sẵn sàng nói xấu bạn với người khác. Tại sao không góp ý cho nhau mang tính xây dựng mà lại phải làm cái trò ti tiện, đớn hèn vậy ?. Hạ thấp cái tôi xuống, học từ người khác, tôn trọng người khác thì bạn sẽ trở thành người ưu tú hơn .
4 Đã tài giỏi bằng ai ?
Để trở thành người giỏi thực sự, bạn phải am hiểu nhiều lĩnh vực lớn : khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, lịch sử, văn hóa,..... Trong những lĩnh vực lớn này , có trăm lĩnh vực nhỏ khác nhau. Đó là 1 bầu trời tri thức cho ta khám phá, tìm tòi, học hỏi. Chỉ master 1 lĩnh vực rồi vỗ ngực cho mình là giỏi là không nên vì sẽ trở thành con ếch ngồi đáy giếng. Nằm trong giếng nghĩ mình giỏi hơn mấy con cóc trong giếng, ra khỏi giếng mới thấy toàn là hổ báo cáo chồn. Thực ra ai cũng có 1 cái giếng của riêng mình, chỉ khác nhau là giếng của ai to hơn . Cần phải khiêm tốn lại để có tinh thần cầu tiến, giúp mở rộng cái giếng ra .
5 Cuộc sống là vô thường
Trong bối cảnh kinh tế thị trưởng mở cửa hội nhập, kiến thức thay đổi từng ngày từng giờ. Chỉ cần 3 ngày không update kiến thức, thông tin là trở thành người của thế kỉ 19. Kiến thức là vô cùng vô tận, phát minh này là tiền đề phát minh kia, các lý thuyết mới ra đời liên tục, lý thuyết này ra đời phủ nhận hoặc mở rộng lý thuyết trước. Với sinh viên IT như mình, vòng đời công nghệ ngày càng ngắn, các tool, framework mới ra đời có các tính năng độc đáo , ưu việt hơn các framework, tool trước, các công nghệ mới như AI, Big Data, Blockchain, mạng 5G, Công nghệ sinh học ra đời sẽ làm thay đổi tất cả các ngành từ y tế, giáo dục, quản lý, kinh doanh,.... Nếu say sưa ngủ quên trên thắng lợi, bạn sẽ không bắt kịp với xu thế và sẽ dễ bị đào thải. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói : "Con người, ngày hôm qua là vĩ đại , không nhất định ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ngưỡng mộ nếu không chịu phấn đấu, rèn luyện ". Không có gì là mãi mãi, nếu ta không chịu thay đổi, chúng ta sẽ không còn đứng trên đỉnh vinh quang nữa . Nếu bạn không tiến bộ, đồng nghĩa bạn đang thực sự bị tụt lại về phía sau. Vì mọi người luôn tiến lên. Bài học của Black Berry bị Iphone quật ngã vẫn còn nguyên giá trị. Say sưa, ngủ quên trên thắng lợi, không chịu cải tổ, nghĩ rằng thị phần của mình độc tôn, nghĩ rằng thằng nhóc Apple sao ăn được mình. Rồi chỉ còn lại 2 từ "không ngờ". Không !, trong cuộc sống này không có điều gì là không thể xảy ra cả. Quan trọng là cần phải tính toán , lường trước được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Rồi sự sụp đổ của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, bảo thủ, không chịu canh tân đất nước. Thật ra Việt Nam tiếp xúc với phương Tây sớm hơn Nhật Bản đấy, Nguyễn Ánh đã nhờ người Pháp đánh Tây Sơn, nhưng đen cho Việt Nam là Nhật Bản là ông vua nhìn ra còn Việt Nam là ông quan nhìn ra. Ý mình nói ở đây là thiên hoàng Minh Trị và Nguyễn Trường Tộ. Sớ của Nguyễn Trường Tộ bằng cách nào đó đã k được trình lên vua hoặc được trình lên nhưng không được thực hiện. Minh Mạng là 1 ông vua sùng Nho Giáo một cách mù quáng mà không nhận ra rằng thiên triều Mãn Thanh đang trên bờ vực sụp đổ .Nho Giáo có 1 đặc điểm tốt là nó là giường cột đạo đức cho xã hội, giúp nhà vua quản lý xã hội ổn định. Nhưng điểm xấu của nó là hạn chế sự sáng tạo cá nhân. Cấp dưới phải phục tùng cấp trên tuyệt đối. Nghĩ rằng mình number one rồi, đế quốc Đại Nam là cường quốc khu vực, không ai dám đụng tới, cuối cùng sụp đổ vì sự chủ quan. Hay sự chủ quan của An Dương Vương ỷ lại vào nỏ thần, làm cho đất nước ta phải chịu 1000 năm Bắc thuộc . Đó là những biểu hiện của sự kiêu ngạo dẫn tới bảo thủ, giáo điều .
6 Nhận lại sự tôn trọng, kính nể của người khác
Định luật 3 Newton phát biểu như sau: Khi bạn tác dụng vào 1 vật với 1 lực thì vật đó cũng sẽ tác động ngược lại bạn 1 lực tương tự . Khi bạn biết hạ thấp mình, tôn trọng người khác, bạn sẽ nhận lại được sự tôn trọng của người khác . Khi bạn dành tình yêu thương tới những người khác, bạn sẽ nhận lại tình yêu thương 1 cách tương tự . Bạn không thể nào đòi hỏi sự tôn trọng từ người khác nếu bạn không tôn trọng họ . Và đặc biệt, khi bạn có tài năng, nhưng lại biết khiêm nhường. Bạn sẽ nhận lại sự kính nể của người khác về phong cách sống biết khiêm hạ, hòa đồng với mọi người .
7 Người ưu tú thì càng khiêm hạ
Sinh thời, với danh tiếng của mình, Albert Einstein được rất nhiều nước mời đến diễn thuyết. Có một lần, ông nhận lời đến nước Bỉ tham gia buổi diễn thuyết. Quốc vương của nước Bỉ đã phái rất nhiều quan viên và đoàn xe hộ tống đến nghênh đón ông. Nhưng điều mà mọi người không ngờ được chính là Albert Einstein đã lặng lẽ một mình đi tới Hoàng cung từ bao giờ.
Albert Einstein đi đến đâu cũng được mọi người tôn sủng và chào đón nồng nhiệt, nhưng ông lại không vì thân phận và địa vị của mình mà đòi hỏi bất cứ điều gì. Ông cũng không vì được mọi người chào đón nồng nhiệt mà tự cao tự đại. Trái lại, ông luôn xử sự một cách rất chừng mực và khiêm nhường. Enstein luôn nhận mình không phải là thiên tài, chỉ là ông tò mò hơn người khác thôi.
Có thể thấy người hiểu biết càng cao, họ lại càng khiêm tốn, khiêm nhường. Người hiểu biết càng thấp thì nghĩ mình giỏi, thích phô trương, khoe mẽ.
8 Bất kỉ tri bỉ, bách chiến bất đãi
Trong binh pháp Tôn Tử, 36 kế có 1 câu nói nổi tiếng : "Bất kỉ tri bỉ, bách chiến bất đãi" . Dịch: "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng". Quan trọng ở đây là biết "Ta". Nếu ta còn không biết ta là ai, ta không hiểu ta thì sao ta thắng được trận . Phân tích SWOT trong Marketing cũng vậy. Cần phải biết phân tích cơ hội, thách thức, điểm mạnh , điểm yếu của doanh nghiệp để tiến hành lập kế hoạch, chiến lược cho dự án hay có những quyết định khoa học, hợp lý. Biết mình, không biết người thì có thể thắng, có thể thua nhưng không biết mình thì chắc chắn là đại bại .Thực ra sống trên đời cần phải biết mình là ai ?, mục đích ý nghĩa mình đến với thế giới này để làm gì? .Bạn có biết bạn như thế nào trong mắt người khác ? bạn thực sự muốn gì ? bạn giỏi cái gì ? kém cái gì không ?. Chúng ta thường ảo tưởng bản thân trong mắt người khác, có những thứ mà chúng ta tưởng đó là sở trường, đó là đam mê của mình nhưng không phải, cũng có những thứ mình tưởng mình muốn nhưng mình lại không thực sự muốn và có những thứ mình tưởng mình yêu nhưng theo thời gian, mình lại nhận ra là không phải. Do đó cần phải hiểu được chính bản thân mình. Bạn còn chả hiểu được chính bạn thì ai có thể hiểu được bạn ?. Kể cả người yêu bạn cũng không hiểu được bạn. Đôi lúc trong cuộc sống chúng ta cần tĩnh lặng để lắng nghe bản thân, tâm sự với bản thân, suy nghĩ về những gì đã xảy ra với chúng ta trong cuộc sống, để suy nghĩ về những việc mình đã làm đã đúng chưa, để hiểu hơn về bản thân chúng ta, để nhận ra giá trị bản thân, để chúng ta không bị lạc lối giữa dòng đời, để tìm lại chính mình, để hoàn thiện con người mình,...Vì bên ngoài ồn ào quá nên chúng ta không nghe thấy được tiếng lòng của mình.
9 Tâm lý đổ lỗi
Người có cái tôi cao, khi gặp thất bại thì thường tự lừa chính mình bằng cách tìm thứ gì đó để đổ lỗi hoặc trách móc mà không biết mình là 1 nguyên nhân rất lớn dẫn đến sự thất bại .Nếu mình làm khác thì nó đã khác. Tiên trách kỷ, hậu cũng trách kỷ. Ai làm bạn thất bại ? Chính bạn. Ai làm bạn thành công ? Chính bạn. Bạn là nguyên nhân chính. Một con người có cái tôi quá cao sẽ không học được gì sau những lần thất bại . Nếu không biết nhìn nhận lại chính mình để thay đổi thì những lần sau, bạn sẽ dễ dàng mắc lại những thất bại đó .
10 Lời khuyên
Khiêm tốn, khiêm nhường là đức tính tốt mà mỗi người cần tu dưỡng, rèn luyện để phát triển bản thân . Tuy nhiên, chúng ta không nên cực đoan hóa về 1 vấn đề nào đó, vì cái gì cũng có 2 mặt tốt và xấu . Nếu bạn có thành tích, tài năng mà bạn không show ra những thành tích, tài năng đó cho nhà tuyển dụng, bạn không thể có cơ hội phát triển trong công việc .Nếu bạn không show ra, không ai có thời gian quan tâm tới bạn và không ai biết bạn có thể làm được bất cứ điều gì . Lời khuyên của mình chính là, chúng ta cần hiện những tài năng, phẩm chất, thành tích của mình đúng lúc, đúng chỗ . Còn lại cần giữ thái độ khiêm tốn, khiêm nhường để trở thành con người ưu tú.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất