Trong số chúng ta có lẽ ai cũng đã từng một lần dành niềm mến mộ sâu sắc đối với chính thể dân chủ - và cũng tương tự đối với tổ tiên người Hi Lạp, cộng đồng đầu tiên khẳng định vị thế của nó trong quá trình xã hội phát triển. Đền Parthenon gần như trở thành một đại diện tinh thần cho chính thể, nơi uy tín nhất mà các vị lãnh đạo và chính khách của nó đều phải một lần đặt chân đến để chụp vài bức hình sống ảo.
Mặt khác nó cũng đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của những suy tư và tranh cãi về nó, đối chất gay go về nó nhất chính là các nhà triết học, những người luôn hoài nghi về tính hiệu quả thật sự của nó.
Trong những đối thoại của Plato, ông thầy Socrates - người đặt nền móng cho triết học Hi Lạp cổ, được khắc họa như một con người hết sức bi quan về tình cảnh lúc bấy giờ của chính thể dân chủ. Trong cuốn thứ sáu của tác phẩm Cộng Hòa, Plato đã để ông thầy mình đối chất với một kẻ tên là Adeimantus rồi chứng minh cho hắn thấy toàn bộ thiếu sót của chính thể bằng cách so sánh xã hội lúc bấy giờ với một con thuyền. Nếu chúng ta quyết định ra khơi với con thuyền ấy, Socrates hỏi, ông sẽ hình dung tới ai trước tiên là một người có trách nhiệm lèo lái con thuyền? Một ai đó ngẫu nhiên ư hay là một kẻ đã được đào tạo bài bản để tìm hướng đi tiếp trên bản đồ và điều khiển con thuyền? Tất nhiên là người sau, Adeimantus đáp, vậy thì tại sao, Socrates dõng dạc tuyên bố, tất cả công dân Hi Lạp đều nghĩ rằng những ông già dị hợm nào đó lại có quyền lực hợp lẽ để hành quyết hoặc không một kẻ có năng lực thật sự để lèo lái đất nước này?
Socrates nhấn mạnh thể thức bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chỉ là một hình thức ngụy trang, thể thức ấy không hoàn toàn khách quan như ta tưởng. Để những công dân thiếu năng lực nhận thức bỏ phiếu chẳng khác nào cho họ làm thuyền trưởng trên một chiếc trireme chở tất cả công dân Hi Lạp đến Samos trong những ngày giông bão.
Không ai khác chính Socrates là nạn nhân của thảm họa ấy, thảm họa từ những chiếc phiếu bị bỏ một cách thiếu nhận thức. Vào năm 399 trước công nguyên, Socrates bị mang ra xét xử với tội danh truyền bá những tư tưởng sai lệch góp phần làm kích động những phần tử trẻ tuổi trong thành Athens. Một bồi thẩm đoàn tập hợp từ hơn 500 công dân thành Athens được mời đến để tham gia xét xử Socrates và với số phiếu quá áp đảo từ những kẻ vốn cũng chẳng ưa gì ông từ trước, ông đã bị kết tội. Ông được cho uống một thứ độc dược được cho là cần độc, bi kịch này mà nói đối với những kẻ giàu suy tư, cũng không khác mấy bản án của Jesus đối với người Cơ Đốc.
Hơn bao giờ hết, Socrates chưa bao giờ ủng hộ học thuyết tầng lớp tinh hoa của một xã hội có thể trở thành giai cấp lãnh đạo đáng tin cậy. Tầng lớp tinh hoa sẽ chỉ làm những gì có lợi cho chính nó. Nên đối với Socrates, chỉ những cá nhân có năng lực nhận thức vấn đề một cách hợp lý mới là những cá nhân xứng đáng được trao cho quyền lực để bỏ phiếu và đưa ra những quyết định quan trọng.
Chúng ta thường có những điểm nhầm lẫn chí mạng về sự khác nhau của một chính thể chính trị dựa trên một tầng lớp tinh hoa nắm giữ hay một chính thể chính trị dựa trên những quyền cơ bản của con người. Chúng ta bỏ phiếu và ít khi bận tâm tới những hệ quả có thể xảy ra từ chính những lá phiếu ấy. Đó cũng chính là mối hiểm họa mà Socrates đã luôn bận tâm để ngăn chặn trong chính xã hội Hi Lạp của ông lúc bấy giờ: những nhà lãnh đạo mị dân.
Tổ tiên người Hi Lạp đã có một vài bài học được xem như là đáng lưu tâm tới về những nhà lãnh đạo mị dân. Alcibiades được xem như là hiện thân của những chính khách giàu có, lịch thiệp, có tài hùng biện nhưng lại có khuynh hướng độc tài trong việc lèo lái Athens, chính ông là nguồn cơn đẩy thành bang vào cuộc chinh phạt thảm hại trên đất Sicily. Socrates biết rõ ràng mánh khóe của những kẻ chạy đua cho các cuộc bầu cử có thể dễ dàng làm số đông người bỏ phiếu ngã lòng về mình đến mức nào. Ông đặt một cuộc tranh luận giả tưởng giữa hai ứng cử viên, một bên là bác sĩ còn một bên là chủ cửa hàng kẹo. Chủ cửa hàng kẹo đã phát biểu như thế này về đối thủ của mình:
Nhìn đi, chính kẻ này là kẻ đã tạo ra không biết bao nhiêu khổ sở cho các bạn. Hắn ta làm đau bạn, cho bạn uống những thứ hóa chất đắng nhẹm rồi luôn ra vẻ nhắc nhở bạn rằng bạn phải hạn chế với các loại món ăn và đồ uống ưa thích nào đó của bạn. Hắn ta sẽ không bao giờ cho bạn tự do làm những gì bạn thích.
Rồi cũng chính Socrates đánh thức chúng ta bằng câu trả lời sắc bén của ông:
Các bạn nghĩ vị bác sĩ trên sẽ đáp trả lại như thế nào? "Tôi tạo ra không biết bao nhiêu khổ sở cho các bạn và luôn đi ngược lại với những ham muốn của các bạn bởi vì tôi biết như thế là tôi đang giúp các bạn sống lâu hơn" - nhưng nếu như tôi trả lời thành thật như thế sẽ chỉ gây ra thêm các đám đông hỗn loạn, các bạn thử nghĩ xem?
Chúng ta hẳn đã quên hết về những mối hiểm họa mà Socrates đã cảnh báo chúng ta về chính thể dân chủ. Chúng ta chỉ đơn thuần nghĩ rằng cứ chính phủ nào theo chính thể dân chủ cũng là tốt - mà bỏ sót một khía cạnh vô cùng quan trọng để chính thể dân chủ phát huy hết tính hiệu quả của nó đó chính là những cá nhân hoạt động trong bộ máy dân chủ phải là những cá nhân được đào tạo bài bản cho việc mình đang làm. Tương lai sẽ càng tăm tối hơn, nếu như xã hội loài người ngày càng có nhiều chủ cửa hàng kẹo học làm bác sĩ hơn là những vị bác sĩ thực chất.
Nguồn dịch: