Tôi là con nhà giáo viên, thế nên từ bé cứ mỗi năm cứ đến ngày 20/11 tôi lại thấy từng lứa học sinh của mẹ đến chơi nhà mình. Tâm trạng chung của mẹ tôi và nhiều thầy cô khác đều là cảm giác vui vẻ vì truyền thông, phụ huynh và học sinh quan tâm, nhớ đến mình.

Cho đến bây giờ sau rất nhiều năm qua đi, cứ mỗi dịp 20/11 tôi lại nghĩ rất nhiều về những gì mà mẹ mình với tư cách giáo viên nghĩ về sự dạy, và chính tôi với tư cách là học sinh, sinh viên (và trong tương lai rất có thể là một người làm giáo dục) nghĩ về sự học. Gần đây tôi có đọc được bài viết của tiến sĩ Giáp Văn Dương nói về Chân - Thiện - Mỹ - Hòa trong giáo dục.
Tôi xin trích một đoạn trong bài báo đó ở đây:
So sánh giữa các nghề đã đi qua, tôi thấy nghề dạy học là nghề khó nhất. Nghề dạy học không chỉ là một khoa học, mà hơn thế, nó còn là một nghệ thuật. Và đặc biệt, người thầy phải là chính điều họ dạy, thì điều đó mới có ý nghĩa.
Còn nếu người thầy chỉ dạy như nhắc lại sách vở, còn mình thì sống hoàn toàn khác so với điều mình dạy, thì việc dạy đó chỉ có tính cách hình thức, dạy cho xong việc, vì thế không có kết quả. Cuốn sách giáo khoa tốt nhất chính là đời sống của người thầy. Nội hàm giáo dục đúng nghĩa sẽ không chỉ giới hạn ở tri thức sách vở, mà còn phải mở rộng sang cả giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống thì mới đầy đủ.
Đó lý do tôi tin vào bốn giá trị giản dị đã được kiểm chứng bởi địa lý và thời gian: Chân - Thiện - Mỹ - Hòa.
Chân là thông tin và tri thức sử dụng phải chân thực, được kiểm chứng. Chân là mục đích của tư duy và nội dung của khoa học.
Thiện sống sao cho không gây hại cho mình, cho người khác và cho cuộc sống xung quanh. Thiện là mục đích của hành xử và nội dung đạo đức.
Mỹ là luôn hướng đến cái đẹp, cái tự nhiên nhất có thể. Mỹ là mục đích của sự trở thành và nội dung của nghệ thuật.
Hòa là luôn giữ được sự cân bằng, hài hòa với mình, với người và với thiên nhiên, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Hòa là mục đích của lựa chọn và nội dung của tổ chức xã hội, sinh hoạt văn hóa và tôn giáo.
Khi đọc đến những dòng này, đặc biệt là những quan điểm xung quanh chữ Hòa trong triết lý giáo dục ấy, tôi cứ nghĩ mãi đến câu chuyện của cô bé Totto-chan với một tuổi thơ kỳ lạ: cô bé vừa vào lớp Một đã bị đuổi học nhưng lại được nhận vào một ngôi trường kỳ lạ làm bằng những toa xe lửa cũ của thầy hiệu trưởng Kobayashi – trường Tomoe. Ở đó học sinh thì được thoả thích thay đổi chỗ ngồi mỗi ngày, không bị cấm nói chuyện với bạn chim bạn sóc; chẳng những thế, khi đã học hết bài, các bạn còn được cô giáo cho đi dạo. Đặc biệt hơn ở đó còn có một thầy hiệu trưởng có thể chăm chú lắng nghe Totto-chan kể chuyện suốt bốn tiếng đồng hồ về những người bán hàng rong và con chó của em, dạy học sinh biết quý trọng những điều nhỏ bé nhất như những cây cỏ mà các bác nông dân chăm sóc.
Trong thời buổi giáo dục nước nhà vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn những câu chuyện thầy cô phạt học sinh bằng nhục hình, học sinh đánh thầy cô ngay trên lớp, phụ huynh đòi gắn camera để theo dõi nhất cử nhất động của các giáo viên... tôi vẫn luôn suy nghĩ về nền giáo dục cũng như những người thầy cô đã từng dạy dỗ mình. Ngày xưa ở thời của những 9X đời đầu như chúng tôi mặc dù điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn hơn nhưng không có những chuyện phi lý, phản giáo dục ấy. Tôi luôn nghĩ mình may mắn vì trong suốt đời đi học chưa từng bao giờ phải "đi tiền" thầy cô – có chăng chỉ là những bó hoa hoặc món quà nhỏ ngày Hiến chương Nhà giáo; cũng không đi học thêm nếu cảm thấy không phù hợp nhưng chưa từng bị "trù ẻo". Mẹ tôi, sau nhiều chục năm đứng lớp vẫn nhận dạy kèm tại nhà một vài đứa trẻ con nhà khó khăn và thi thoảng vẫn bớt tiền học vì "thương chúng nó". Tôi tự hỏi, những người thầy như những thầy cô của tôi, như mẹ tôi, những người dạy bằng tất cả tâm huyết của nghề giáo bây giờ còn nhiều không? Có bao nhiêu thầy cô đã từng bước vào nghề rất tâm huyết, từng hi sinh rất nhiều nhưng đã quá mệt mỏi bởi gánh nặng kinh tế và áp lực xã hội ngày một cao? Có bao nhiêu đứa trẻ Việt Nam đang hàng ngày đến trường với niềm vui sướng được khám phá ra một điều gì đó mới mẻ? Và có bao nhiêu phụ huynh cho con đi học với mong muốn nó sẽ Nên Người, chứ không phải để trở thành Ông Nọ Bà Kia?
Thật trùng hợp là 9toTalk tuần này lại trùng đúng vào ngày 20/11 nên tôi cũng muốn cùng anh chị em trên Spiderum cùng chia sẻ những suy nghĩ của mình về nền giáo dục. Theo mọi người, thế nào là một nền giáo dục hài hòa, và làm sao để có thể cân bằng được giữa thầy và trò, giữa thầy cô và nhà trường, giữa gia đình và xã hội? Làm thế nào để trò muốn đến trường học, thầy muốn tới trường dạy, và trường học không còn là một chiến trận đầy áp lực, mà là chốn của những bình yên và sự thăng hoa tri thức? 

9toTalk là chuyên mục được đăng vào 9h tối thứ 4 hàng tuần tại Spiderum.com để cùng các tác giả nổi bật thảo luận về các chủ đề mang tính thời sự; hoặc đôi khi chỉ là những chia sẻ, suy ngẫm.
Xem thêm các 9toTalk khác tại: