Lần đầu tiên tôi biết đến "Chủ nghĩa Khắc Kỷ" (Stoicism) là từ những bài viết của tác giả Andy Lương trên Động Nhện. Ấn tượng ban đầu là cảm giác lạ lẫm, rồi thấy hay hay, thấy đúng đúng. Tiếp đến là giai đoạn ngờ vực. Khi chưa hiểu tường tận, chưa đủ kỹ và đủ sâu, thì cái hiểu hời hợt đó dễ dẫn đến muôn vàn thắc mắc chưa có lời giải đáp. Vậy là tôi đã tìm đọc nhiều hơn về Stoicism, về một số nhà Triết học nổi tiếng - điều mà trước đây tôi chưa bao giờ làm. Khi càng đọc nhiều hơn, dẫu quá trình đó chỉ là tìm hiểu về lý thuyết thôi chứ bản thân tôi chưa thể thực hành áp dụng vào đời sống của mình, tôi vẫn cảm thấy nó đã có tác động tích cực đến lối suy nghĩ và hành động của cá nhân tôi (một phần nào đó). Những vướng mắc mà tôi gặp phải, đôi khi lại tìm ra được hướng giải quyết từ những bài học mà chính tôi rút ra qua quá trình tự tìm tòi về Stoicism. Cũng có thể, vấn đề vẫn ở đó, tôi cũng chẳng giải quyết gì cả, nhưng tôi lại có được một tâm thế khác, như thể một người ngoài cuộc, đứng nhìn lại câu chuyện của chính mình, và trở nên bình tĩnh soi chiếu, bóc tách nó. Khi team Spiderum ra sách, tôi đã không ngần ngại mà đặt mua ngay. Ngày được cầm trên tay cuốn sách này, tôi khoe với dịch giả Andy Lương, và khen bìa sách đẹp. Nào ngờ, dịch giả bảo: "Anh còn phải chờ bao giờ về mới được cầm cơ". Ơ thế hoá ra độc giả chúng mình còn vip hơn cả dịch giả, vì được cầm "sản phẩm bằng xương bằng thịt" trước cả anh Andy cơ đấy!
Với cuốn này, tôi chọn cách đọc từ từ, nghiền ngẫm suy nghĩ, mỗi ngày đọc một ít chứ không đọc theo kiểu ngấu nghiến như cách đọc mấy cuốn tiểu thuyết Văn học. Có những bức thư tôi chọn đọc đi đọc lại nhiều lần và đánh dấu lại để thỉnh thoảng lấy ra xem. Tôi tự nhủ bản thân mình chính là Lucilius, và đây là xấp thư mà Seneca gửi cho tôi. Đặt mình vào nhân vật chính của các bức thư giúp tôi cảm thấy những dòng viết ấy như là lời nhắn nhủ tâm tình, khuyên giải, ủi an. Điều đó khiến cho câu từ lời viết trở nên hết sức gần gũi và không hề mang nặng tính giáo điều. Bài này tôi sẽ chọn viết về 7 bức thư mà tôi tâm đắc nhất trong 60 bức của tập 1. Đương nhiên là các bức thư khác vẫn có nhiều thông điệp ý nghĩa và giá trị, nhưng đây là những bức thư tôi cảm thấy có ích với mình ở giai đoạn này nhất.

1. Bức thư số 2: MỘT PHƯƠNG THỨC ĐỌC CÓ ÍCH

Trong bức thư này, Seneca đưa ra lời nhắc nhở "hãy cẩn thận về việc đọc quá đa dạng thể loại sách lẫn tác giả. Đó cũng có thể là biểu hiện của trạng thái dễ thay đổi và thất thường.... Người có mặt ở mọi nơi thì thực ra lại chẳng ở đâu cả". Những lời này khiến cho tôi thấy "nhột" vô cùng. Vì sự tham lam và hiếu kỳ của bản thân, tôi có xu hướng tìm đọc nhiều tác giả, nhiều thể loại trong một khoảng thời gian ngắn mà không thực sự dành cho mình khoảng lặng để suy nghĩ, trăn trở, và tạo dựng mối liên kết với một tác giả nào trong số đó. Điều đó đôi khi khiến đầu óc tôi rối rắm trong mớ hỗn loạn kiến thức. Có một giai đoạn, tôi đột nhiên say mê tâm lý học tình yêu, tìm kiếm sách và tài liệu của rất nhiều tác giả. Hậu quả là sau khi đắm mình vào mớ kiến thức phong phú đó, tôi lại thấy đầu óc mình trống rỗng, cuối cùng chẳng rút ra được điều gì giá trị cho bản thân. Thậm chí, tôi còn thấy lý thuyết hay quan điểm của tác giả này lại trái ngược với tác giả khác, tất cả trở nên loạn xạ và tôi chẳng biết đi đường nào. Vậy là tôi phải buông một thời gian, rồi sau đó chỉ tập trung theo dõi một hoặc một vài tác giả mà thôi.
Seneca cũng đã lưu ý: "chỉ nên đọc những tác giả đã chứng tỏ được giá trị của họ; và ngay cả khi bạn muốn đổi gió với một vài tên tuổi khác, cũng nhớ quay lại với những cái tên quen thuộc sau đó". Tôi cũng đã áp dụng điều này, dù rằng đọc văn của nhiều tác giả, tìm hiểu về kiến thức cùng một chủ đề do nhiều người viết, tham khảo lối hành văn của họ, rồi sau đó, tôi vẫn lại quay về với việc tập trung vào theo dõi một vài tác giả mà mình yêu thích nhất. Tôi đang thử thực hành theo lời khuyên của Seneca trong bức thư này, sau khi đọc vài thứ trong một ngày, tôi chọn ra một thứ mà tôi tâm đắc nhất ngày hôm đó, ngẫm nghĩ về việc tôi đã biết thêm điều gì, rút ra được điều gì cho bản thân.

2. Bức thư số 9: TÌNH BẠN VÀ HẠNH PHÚC TỰ THÂN

Một người theo Stoicism có thể có khả năng chinh phục khó khăn và bất hạnh, nhưng vẫn cảm thấy được chúng. Họ có thể cảm thấy hạnh phúc một mình, nhưng vẫn mong muốn có người thân, bạn bè thân thiết cạnh bên. Có thể lấy ví dụ như thế này, nếu cô A chọn cuộc sống độc thân đến hết đời, không phải là bởi vì cô ấy không muốn sự tồn tại của một người bạn đời, thật sự cô ấy vẫn khao khát có được một người đồng hành cùng mình suốt quãng đời còn lại. Niềm hạnh phúc của cô ấy không đến từ việc không muốn có chồng, mà đến từ khả năng chấp nhận việc không-có-chồng một cách bình thản.
Cái hay của Stoicism là không cô lập thánh nhân với đời. Không tuyệt đối hoá lối sống hạnh phúc một mình của thánh nhân và khuyên chúng ta rằng hãy sống một mình, hãy tách biệt với đời đi. Bởi lẽ, thánh nhân cũng phải có những mối quan hệ bạn bè, người thân, hàng xóm. Điều ta nên rèn luyện là dành thời gian với bản thân mình, và thoải mái với hoàn cảnh một mình. Hãy tìm về bên trong ta và học cách làm bạn với chính mình. Còn với các mối quan hệ khác, hãy dành thời gian cho những người thật sự quan trọng. Sâu thẳm bên trong, ta vẫn luôn muốn có người đồng hành. Nhưng nếu hoàn cảnh buộc phải sống trong cô độc không có người cạnh bên, ta hoàn toàn có thể thích nghi và sống tốt với điều đó.
Nếu rèn luyện được việc nhìn sâu vào bên trong và không chạy theo những mối quan hệ hời hợt, thì dẫu một ngày nào đó, vì một lí do nào đó, ta không thể ở bên cạnh bạn thân ta yêu quý, hoặc là khi một người bạn mất đi, một tình bạn mất đi, ta có thể học cách chấp nhận những điều đó xảy đến trong tâm thế thanh thản mà không oán trách hay tức giận, khổ đau.
Bức thư này cũng nói về động cơ của mỗi người khi kết bạn. Rằng tình bạn bắt đầu bằng thứ gì thì sẽ kết thúc bằng thứ ấy. Vậy nên, nếu bắt đầu bằng lợi ích thì sẽ kết thúc khi lợi ích không còn. Sự cao quý của tình bạn sẽ biến mất ngay khi một người chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Quan điểm này cũng sẽ có ý nghĩa nếu ta đem áp dụng vào tình yêu.

3. Bức thư số 20: TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHẤT QUÁN

Trong bức thư này, Seneca khuyên rằng hãy nên quan sát chính mình: từ thói quen ăn mặc đến cách bày trí nhà cửa, từ lối sống ăn uống cho đến cách tiêu xài cho bản thân và gia đình... Bạn không thể ăn uống thanh đạm nhưng lại tiêu pha quá tay. Bạn không thể rộng rãi với bản thân nhưng lại tằn tiện với gia đình. Nếu có những sự không nhất quán, thì đó chính là dấu hiệu cho thấy tâm trí ta chưa đủ vững vàng và vẫn còn bị dao động bởi những thứ bên ngoài.
Bức thư này giúp tôi học cách vạch định ra quy chuẩn cho chính mình, và cả những ranh giới cho bản thân. Khi phải làm hoặc phải nói những thứ mà bản thân cảm thấy nó đang đi ngược lại với những hệ giá trị mà mình đặt ra, hãy chọn cách khước từ. Thật ra, để thực hiện được những điều này thì chẳng phải ngày một ngày hai là làm được, nhưng tôi nghĩ rằng, mỗi ngày cố gắng nhích từng bước cũng được. Chỉ cần bản thân ý thức được điều mình muốn và điều không muốn, thứ gì là phù hợp và thứ gì không, là bước đầu đã dần hình thành những giới hạn riêng. Sau đó là học cách giữ được tâm trí bình yên và rèn luyện lòng can đảm. Một ngày rồi mười ngày, một tháng rồi mười tháng, cứ từng bước mà thực hiện thôi.

4. Bức thư số 24: ĐỐI MẶT VỚI SỢ HÃI

Thật ra tôi là một đứa rất nhát gan và hay lo nghĩ. Tôi hay sợ chuyện này chuyện kia ập đến, sợ bài thuyết trình sắp tới không thu hút người nghe, sợ mình không vượt qua được một kỳ thi quan trọng, sợ người thân ốm đau bệnh tật,....
Từ khi biết đến Stoicism, tôi quen dần với bài thực hành tưởng tượng tiêu cực để rèn luyện bản thân duy trì sự bình tĩnh và đối phó với những tình huống xấu nhất nếu chúng xảy ra. Như Seneca nói: "Nếu muốn chấm dứt lo toan, hãy tập trung tâm trí vào những thứ bạn sợ sẽ xảy ra, và tưởng tượng chúng chắc chắn sẽ xảy ra. Bất kể điều đó là gì, hãy ước lượng hậu quả trong đầu, và từ đấy, xem mình sợ đến đâu. Bạn sẽ sớm nhận ra những thứ bạn sợ thực chất không quá to tát hoặc sẽ chóng qua". Khi nghĩ về những tình huống xấu nhất có thể xảy đến bất cứ lúc nào, tôi bắt đầu vạch ra phương án để ứng phó với nó. Điều đó không giúp tôi hết sợ, nhưng nó giúp tôi không sợ hãi một cách vô căn cứ. Thay vào đó, tôi tập bình tĩnh suy xét và đề ra hướng khắc phục.
Gần đây, tôi bắt đầu nghĩ về cái chết hằng đêm, tự đặt câu hỏi, rằng nếu sáng mai mình không thức dậy được nữa thì sẽ thế nào. Nếu ngày mai tôi không hiện diện trên cõi đời này, điều gì khiến tôi hối tiếc nhất? Hoặc nếu những thứ quý giá của tôi mất đi, nếu những người thân yêu của tôi rời xa tôi, thì tôi sẽ thế nào?
Thầy tôi kể rằng, từ khá lâu, thầy tạo cho mình danh sách để đêm đêm "điểm danh". Đó là bộ danh sách gồm ba phần: Nhóm 1: "Những người đã mất", nhóm 2: "Những người đang sống" và nhóm 3: "Những người lâu rồi chưa có thông tin". Thầy luôn nghĩ về danh sách ấy mỗi đêm. Trước khi ngủ thầy sẽ dành một hơi thở để trong khoảng thời gian ngắn ngủi của hơi thở ấy, nghĩ về một người; một hơi thở thôi thì không là bao nhiêu so với không biết bao lần mình hít vào, thở ra trong ngày, hay nhiều hơn nữa... Và đương nhiên, thầy không bao giờ "điểm danh" hết được trong một đêm, nên thầy cứ nghĩ được bao nhiêu thì nghĩ. Thường thì thầy nghĩ về những người nhóm 1 trước, rồi đến nhóm 2, sau cùng là nhóm còn lại...
Tôi chỉ mới 25 tuổi, nghĩ đến chuyện lập cho mình một danh sách như thế quả thực khiến tôi rùng mình. Khi con người ta càng già đi, thì những người bên cạnh rời xa ta càng nhiều hơn, cái nghĩa trang trong lòng sẽ càng lớn thêm. Sự ra đi của những người tôi quen biết và những người thân yêu của tôi đã nhắc nhở chính tôi về sự vô thường của cuộc đời này. Nó giúp tôi học cách đối diện với thực tại, trân trọng những thứ mà tôi đang có và biết ơn vì mỗi ngày trôi qua tôi vẫn còn được bên cạnh những người tôi yêu thương.

5. Bức thư số 29: MỘT NGƯỜI BẠN VỠ MỘNG

Học cách là chính mình và không chạy theo đám đông chính là thông điệp của bức thư này: "Điều quan trọng không phải là bạn như thế nào trong mắt người khác, mà là bạn như thế nào trong mắt chính mình. Với đám đông tầm thường, bạn không thể chiếm được cảm tình của họ bằng bất cứ cách nào khác ngoài việc tự mình trở thành tầm thường".
Cố gắng mọi giá để làm hài lòng số đông là điều không thể. Việc ta luôn sợ bị ghét bỏ và làm tất cả mọi thứ để mong được đám đông công nhận, khen ngợi là điều không nên. Mẹ tôi thường dặn đi dặn lại, rằng nếu con không thích đám đông thị phi kia, con có thể chọn đi riêng một mình, thay vì sợ bị cô lập, miễn cưỡng gia nhập vào họ để rồi trở nên xấu tính lúc nào chẳng hay. Đó là cách mẹ dặn tôi tránh xa những thị phi của chốn công sở.
Trước đây tôi thường rất để tâm đến việc có bao nhiêu lượt like, thả tim, hay bình luận về một bức ảnh, một bài viết của mình trên trang Facebook cá nhân. Đôi khi tôi khao khát cảm giác được tán dương bởi số đông những người ở sau màn hình điện thoại. Nhưng dần về sau, tôi bắt đầu chọn cách ẩn mình và hạn chế chia sẻ những hình ảnh hay câu chuyện của mình. Tôi bắt đầu suy nghĩ về chất lượng, chứ không phải về số lượng những đánh giá về tôi. Điều đó khiến cho tâm trí tôi trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

6. Bức thư số 33: VIỆC SỬ DỤNG CÁC CHÂM NGÔN TRIẾT HỌC

Bức thư này nhắc nhở về vấn đề tự học, tự đúc rút ra các quy tắc cho riêng bản thân thay vì chăm chăm nói lại những gì người đi trước đã nói. Việc đọc nhiều và trích dẫn lại những điều trong sách chưa hẳn đã là hay khi người đọc chỉ biết đi mượn câu chữ của người khác. Điều này khiến tôi trăn trở và tự hỏi lại chính mình, khi tìm tòi kiến thức, tôi đã thực sự phát kiến, thực sự sáng tạo cái gì cho riêng mình trong quá trình học hỏi đó hay chưa? Tôi chỉ là ghi nhớ những thứ đã đọc vào đầu của mình, hay đã biết cách biến nó thành hiểu biết, biến nó trở thành thứ của riêng tôi và áp dụng nó vào cuộc sống của mình hay chưa?
Seneca đã nhấn mạnh "chân lý rộng mở cho tất cả mọi người", còn rất nhiều điều cần làm cho những người đi sau. Vậy cho nên, khi đi theo con đường của tiền nhân, ta hãy biết động não suy xét và mạnh dạn chuyển hướng nếu thấy có những điều không phù hợp. Hãy mạnh dạn đứng trên đôi chân của mình và tự nói ra những câu châm ngôn của riêng mình.
Tất nhiên không thể phủ nhận tính hiệu quả trong việc truyền đạt thông điệp và tư tưởng nhờ vào các trích dẫn, và chính tôi cũng có thói quen dùng nhiều trích dẫn. Điều quan trọng là ở chỗ, để hiểu được bản chất sâu xa của vấn đề, không thể chỉ dựa vào vài ba câu châm ngôn nghe xuôi tai, càng không thể chạy theo những câu từ hoa mĩ để lấp đầy trí nhớ. Nếu chỉ suốt ngày diễn giải lại những điều mà người khác nói thì sẽ chẳng thể nào có được sự khác biệt giữa bản thân và sách vở.

7. Bức thư số 5: SỐNG HÀI HOÀ

Đây là bức thư khiến cho tôi thực sự yêu thích Stoicism, bởi lẽ tính linh hoạt và hài hoà mà Stoicism hướng đến. Khi nghe tên Stoicism, tôi ban đầu đã tưởng tượng đến một lối sống gò ép bản thân có phần khắc khổ, xa lánh cuộc đời, từ bỏ mọi sự thoải mái và tiện nghi. Hoàn toàn không phải như vậy, Seneca đã chỉ rõ "điểm cốt yếu mà triết học hướng tới, đó là cảm giác của một cá nhân mong muốn được sống hoà hợp với cộng đồng". Quần áo ta mặc không nên quá sang trọng, nhưng cũng không được cẩu thả bẩn bẩn. Ta học cách không lệ thuộc vào của cải quý giá, nhưng cũng đừng cho rằng việc không sở hữu tiền của là dấu hiệu của tính cần kiệm. Việc mà ta hướng đến, đó là một cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không phải là một cuộc sống trái ngược với bình thường: "Bên trong tâm trí, hãy để ta hoàn toàn khác biệt, nhưng bên ngoài hãy giống như mọi người".
Sự hài hoà mà Seneca nhắc đến khiến cho tôi cảm thấy nhẹ nhõm nếu sau này mình có trở thành một người theo Stoicism "nửa vời". Seneca đã biến các nhà hiền triết trở thành một nhân vật truyền cảm hứng sống chứ không phải là một bậc vĩ nhân xa lạ. Bài học tôi rút ra là nếu như tôi muốn cảm hoá một cá nhân nào đó, người ấy có thể là em út của tôi, là học trò của tôi, thì điều cần lưu ý là làm cho mình trở nên gần gũi với người đó, chứ không phải làm cho mình khác biệt. Vì nếu không khéo, tôi chẳng những không thể gần gũi hơn mà lại càng đẩy người đó ra xa, hoặc tôi có thể rơi vào thế bị mỉa mai, căm ghét.
Tôi cũng chợt liên tưởng về một định kiến sai lầm trước đây của mình về Stoicism. Tôi đã từng cho rằng, Stoicism khuyên con người phải kìm nén cảm xúc cá nhân, và các nhà Khắc kỷ sẽ là kiểu người lãnh đạm, dửng dưng, không bị ảnh hưởng bởi niềm vui, nỗi buồn, những cảm giác sung sướng hay khổ đau. Nhưng sau này, tôi hiểu ra họ là những cá nhân vui vẻ và lạc quan về cuộc sống (mặc dù họ luôn dành thời gian để suy nghĩ đến tất cả những viễn cảnh tồi tệ có thể xảy ra với họ). Họ tận hưởng trọn vẹn những thú vui của cuộc sống (đồng thời cũng thận trọng để không trở thành nô lệ cho những thú vui đó). Stoicism khuyến khích chúng ta hãy trở thành những nhà quan sát nhạy bén về hoạt động của tâm trí con người, trở thành một chuyên gia trị liệu tâm lý cho bản thân ta khi đối diện với khó khăn và bất hạnh. Cuộc sống này không thể tránh khỏi khổ đau và mất mát. Vậy nên, ta hoàn toàn có thể cho phép mình khóc, có thể thở dài, nhưng cần phải biết điểm dừng. Trốn tránh và chối bỏ những cảm xúc tiêu cực không phải là điều mà ta nên làm. Thay vào đó là đối diện với những cảm xúc ấy và thoát khỏi nó.

Vài lời kết

Mỗi bức thư, Seneca không chỉ đề cập đến một vấn đề, mà ông lồng ghép rất nhiều thứ vào trong một bức thư. Ngoài ra, nhiều bức cũng có sự gặp gỡ lại ở những thông điệp giống nhau. Một điều tôi thích trong lối hành văn của Seneca là việc ông sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ rất ấn tượng, sống động.
Khi tôi đọc phần "Giới thiệu về những bức thư đạo đức", tôi rất thích việc các thông điệp, hay quan điểm của tác giả được liệt kê ra, có phần mở ngoặc chú thích rõ là nó sẽ được Seneca nhắc đến ở bức thư số mấy. Việc này giúp cho người đọc tiện tìm lại những bức thư mà họ tâm đắc, cũng dễ dàng hơn trong việc hiểu được mối liên kết giữa các bức thư có nội dung liên quan. Tất nhiên là cũng có những điều Seneca viết, tôi cảm thấy còn lấn cấn, chưa thực sự đồng tình, hoặc là do bản thân tôi chưa hiểu tường tận vấn đề, vậy nên tôi chọn cách chọn lọc những điều gì phù hợp và có giá trị với mình. Tôi nghĩ mình nên "đọc hài hoà" giống như cách Seneca khuyên "sống hài hoà" vậy đó!
Một điều tôi nhận thấy rất rõ chính là sự cẩn thận, chỉn chu trong cách trình bày. Các chú thích được trình bày rõ ràng, kỹ càng và chi tiết. Có một điều hơi cụt hứng, là các chú thích nhắc đến những bức thư từ 61 trở về sau thì tập 2 mới có. Tự dặn là cuốn này chỉ chú thích đến số 60.4 thôi nhưng đang đọc thấy chỗ nào đánh số, tôi lại cứ quên, lại giở ra mấy trang cuối để tìm. Rồi ngậm ngùi nhận ra phải đợi khi nào có tập 2 thì mới tra được. Thôi thì phải chịu chứ làm sao bây giờ. Khép lại cuốn sách, tôi cảm nhận được sự nỗ lực của cả một tập thể, đọc lại lời cảm ơn của người dịch ở phần đầu, thì càng thêm yêu mến và trân trọng những công sức của các thành viên Spiderum. Dịch giả còn chu đáo để lại email cho bạn đọc tiện trao đổi nữa.
Sau này, tôi sẽ thử đọc "Những bức thư đạo đức của Seneca" theo kiểu Bói Kiều. Chẳng hạn như, nếu gặp một vấn đề nào đó nan giải cần được giải đáp, định hướng, tôi sẽ thử với cuốn này. Với Bói Kiều, người ta khấn 3 câu: “Lạy vua Từ Hải /Lạy vãi Giác Duyên/Lạy tiên Thuý Kiều”, chắc "bói Seneca" thì nên thử nhắm mắt, tập trung tư tưởng, miệng khấn ông Seneca với ông Lucilius. Xong cũng nên xưng họ tên, tuổi, nói về vấn đề khúc mắc trong lòng. Sau đó chọn trước một tay làm chuẩn, giữ tâm an tĩnh, một vài phút cầm sách, rồi dùng hai ngón tay cái mở cuốn sách ra. Mà phải thành tâm, phải thật thành tâm. Rồi đó, "vừng ơi mở raaaaa...". Giở ngay trang nào, đọc thử lời của Seneca nhắn nhủ, rồi ngẫm nghĩ, rồi cắt nghĩa, rồi áp dụng vào trường hợp cụ thể của mình. Biết đâu tìm thấy bài học gì quý giá, có thể đó là giải pháp mà Seneca hiện về nhắc nhở thì sao. Huyền bí là chỗ đó!
👉 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỰC HÀNH CÙNG SENECA, BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA BỘ SÁCH NGAY TẠI ĐÂY:
Mong rằng bộ sách này sẽ giúp bạn tìm được "sự bình thản trong tâm hồn"!