Dù chưa “chốt” được một công việc chính thức nào, mình vẫn trong hành trình tìm việc nhưng vẫn muốn chia sẻ để mọi người có thể nói: “Đi tìm việc vui mà ^^”.
"Nhất định bước ra khỏi buổi phỏng vấn không được hối hận về những điều mình đã nói/chưa nói"
"Nhất định bước ra khỏi buổi phỏng vấn không được hối hận về những điều mình đã nói/chưa nói"
Những tư duy giúp mình cảm thấy chuyện đi tìm việc nhẹ nhàng hơn là:

1. Tìm nơi mình “thuộc về”

Mình luôn muốn tìm một nơi làm việc mà mình sẽ gắn bó lâu dài, làm hoài luôn, cho đến khi nơi đó trở thành “vùng an toàn” của mình và mình muốn đi tìm môi trường khác mới hơn để phát triển bản thân, thì mới nghỉ việc ở chỗ ấy.
Suy cho cùng, “động lực nội tại” (intrinsic motivation) là thứ sẽ giúp mình duy trì một công việc, vì chúng ta không thể kiểm soát những thứ mình không thể kiểm soát được.
Ví dụ mình vào một nơi vì lương cao, thì cũng sẽ có nơi trả lương cao hơn.
Nguồn ảnh: Verywell mind
Nguồn ảnh: Verywell mind
Mặt khác, với mình, mình cảm thấy rất mệt mỏi mỗi khi vào một nơi mới, rồi phải học, làm quen mọi thứ (tổ chức, công việc, sếp, đồng nghiệp,...) từ đầu.
Vậy nên, mình cực kì chú trọng việc ứng tuyển cho công việc gì, vào tổ chức nào,...

2. Tìm việc giống như “bán hàng”

Mình thấy mỗi lần tìm việc là mỗi lần mình đi “chào bán” bản thân.
Khi “chạy số”: Mình đặt mục tiêu mỗi ngày tìm được bao nhiêu tin tuyển dụng công việc phù hợp, mỗi tuần đi phỏng vấn/hẹn được bao nhiêu lịch phỏng vấn,... Nhờ vậy mà lần tìm việc trước vào năm ngoái, mình chỉ tốn chưa đến 3 tuần để có được offer đầu tiên.
Khi phỏng vấn: Mình không bao giờ xem buổi phỏng vấn là việc nhà tuyển dụng hỏi - mình trả lời, mà đó là một buổi bàn bạc để xem mình giá trị của 2 bên có phù hợp với nhau không. 
Với mình, đó là một mối quan hệ WIN-WIN, tức cả 2 cùng có lợi. Mình cần tìm việc, nhưng mình cũng sẽ làm việc cho họ (nếu được nhận). Họ cần vị trí đó nên họ mới tuyển mình, thậm chí thực tế là khi họ tuyển được mình, họ cũng được tiền mà.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Vậy nên cứ thoải mái trao đổi thôi, chắc chắn bạn sẽ tìm được nơi phù hợp với mình, miễn bạn đủ hiểu và thể hiện bản thân một cách thống nhất.

3. “Mình không hoàn hảo”

Không phải mình sẽ chỉ nói về điểm yếu của mình, ý mình muốn nhấn mạnh ở đây là chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân.
Bởi vì 3 lý do sau:
+ Lúc trước mình luôn cố gắng thể hiện mình tốt hết mọi thứ để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Hậu quả là nhiều lần sau khi nhận việc, mình không thể hiện được như khả năng và tiềm năng mà mình đã thể hiện trong quá trình tuyển dụng. 
+ Việc chấp nhận bản thân không hoàn hảo cũng là biểu hiện của sự khiêm tốn. Dù sao nhà tuyển dụng cũng sẽ thích ứng viên có thái độ hơn kĩ năng hơn đúng không? Nhưng nếu bạn có cả hai, thì quá tốt.
+ Lần tìm việc này, mình cho nhà tuyển dụng thấy cả những gì mình làm được và chưa làm được trong quá khứ, những điều mình nhận ra ở bản thân, những đặc điểm của bản thân mà đó có thể là lợi thế/bất lợi cho công việc mình ứng tuyển. Và họ rất khuyến khích điều đó ở một bạn trẻ mới ra trường.
Quan trọng là làm sao để họ thấy những điểm mạnh của mình có thể bù cho những khuyết điểm ấy.

4. Đi tìm việc là cách để hiểu tổ chức mình sẽ làm việc

Bạn sẽ cảm thấy hành trình tìm việc thú vị hơn khi bạn không đứng ở tâm thế “đi xin việc”.
Bạn sẽ hiểu được văn hóa nơi mình đang ứng tuyển, đồng nghiệp của mình, thậm chí sếp của mình trong tương lai, khi để ý từng điểm chạm của nhà tuyển dụng với mình.
Điều đó thể hiện từ cách họ tiếp cận bạn qua điện thoại, gửi mail phỏng vấn, trả lời mail của bạn, đến cách họ đón tiếp bạn, trao đổi/trò chuyện với bạn trong buổi phỏng vấn và khi trả kết quả phỏng vấn cho bạn.
Vậy nên cứ tự tin mà “thảo luận” với nhà tuyển dụng, vì bạn không chỉ cần việc, bạn còn cần đảm bảo trải nghiệm và quyền lợi của mình sau này.

5. Tìm việc là cơ hội học hỏi từ người trải nghiệm khác mình

Đâu phải lúc nào mình cũng có dịp được gặp những người giỏi, có kinh nghiệm đi trước như lúc đi phỏng vấn, cũng như có dịp suy ngẫm để hiểu bản thân hơn như lúc đi tìm việc. 
Vậy nên mình luôn:
+ Suy ngẫm về bản thân (tham khảo mô hình Ikigai), đưa ra tiêu chí công việc lý tưởng.
+ Cố gắng hẹn được nhiều buổi phỏng vấn nhất có thể
+ Chuẩn bị kĩ trước khi phỏng vấn.
+ Cuối cùng là tận dụng buổi phỏng vấn để hỏi người phỏng vấn mình nhiều nhất có thể (về môi trường làm việc, kinh nghiệm thực tế, hoặc cơ bản là nhờ họ đóng góp ý kiến và sửa CV cho mình,...).
Vậy đó, giờ thì, mong rằng chúng ta sẽ tìm được công việc thật ưng ý ^^.