Bạn có thể lại đọc bài “Kinh nghiệm tìm việc (Phần 1): Chúng ta đang xin việc hay tìm việc” tại đây để hiểu trải nghiệm làm việc ở 2 công việc trước của mình và dễ nắm bắt các ý bên dưới hơn nhé.
(Từ đây mình xin phép sẽ dùng từ “tổ chức” thay cho “công ty”, vì tổ chức có nghĩa rộng hơn là bao gồm doanh nghiệp và những tổ chức khác như NGO/NPO, tổ chức không vì lợi nhuận (non-for-profit),...)
Thời kì đầu đi tìm việc, tiêu chí để ứng tuyển một công việc của mình đơn giản lắm. Hồi năm nhất Đại học mình từng làm TTS Nhân sự cho một công ty startup, thật ra trước đó mình chỉ nghĩ mình muốn làm Nhân sự nên mình ứng tuyển tất cả các công việc liên quan đến Nhân sự. Sau đến năm giữa năm tư, mình thấy mình thích làm gì liên quan đến phát triển con người, có thể là làm giáo dục hoặc làm trong bộ phận Nhân sự của một tổ chức nào đó là được. Thế là mình đã nghỉ 2 công việc trước chỉ sau chưa đầy 4 tháng làm việc. 
Mình nhận ra có nhiều thứ cần phải cân nhắc đến ở giai đoạn ứng tuyển. Nếu cứ đâm đầu “rải CV” cho mọi công việc có vẻ phù hợp, thì bạn không chỉ tốn thời gian và công sức, mà có thể trải nghiệm làm việc sau này của bạn cũng không như ý muốn (nếu may mắn bạn đậu phỏng vấn), vì vậy nếu có “rải CV” thì cũng hãy “rải” một cách có chọn lọc.
Ở đây mình tự hiểu là bạn đã có một chiếc CV, mail ứng tuyển,... thật chỉnh chu, chuyên nghiệp rồi. Hi vọng qua bài viết này bạn có thể tham khảo và đưa ra được “chân dung công việc phù hợp” cho mình. Dưới đây là những tiêu chí để mình biết một công việc có khả năng phù hợp với mình không. 

1. Giá trị mà sản phẩm tổ chức mang lại cho khách hàng có phù hợp với hệ giá trị của bản thân bạn hay không?

Khi bản thân bạn không phù hợp với giá trị mà tổ chức mang lại cho khách hàng thì bạn sẽ rất khó để “bán” sản phẩm dù làm trực tiếp (Front Office) hay chỉ hỗ trợ cho các bộ phận đó (Back Office).
Khoảnh khắc khiến mình nhận ra điều này là: Lúc làm ở một công ty thời trang, có một lần mình thấy chị khách hàng mua một bộ đồ dạ hội giá 15 triệu và chị rút thẻ ATM ra trả rất dễ dàng. Lúc đó mình thật sự sốc và đã nghĩ trong bụng: “U là trời, có tiền nhiều sao hông lấy để giúp người khác đi hoặc ít nhất đầu tư cho bản thân mình tốt hơn như học cái gì đó chẳng hạn”. Trong khi đó mọi người ở công ty không có vấn đề gì, còn mình sau đó đi làm trong một tâm thế không thoải mái lắm, nói nửa thật nửa đùa là mọi người thì muốn bán được hàng, còn mình thì không (!)...
Mình nghĩ QUAN TRỌNG NHẤT là mình có thật sự được truyền cảm hứng bởi những giá trị mà tổ chức mang lại cho khách hàng hay không, vì đó liên quan rất nhiều đến hệ giá trị bản thân của bạn, là động lực thôi thúc chúng ta làm việc mỗi ngày trong những công việc mình làm. Khi mình thật sự được sống và làm việc đúng với giá trị của mình, thì công việc sẽ là cuộc sống của mình luôn.
(Bạn có thể đọc thêm về Work-Life Integration tại đây).

2. Văn hóa tổ chức bạn ứng tuyển thế nào?

Văn hóa tổ chức không chỉ là những giá trị của tổ chức được ghi trên Website tổ chức (đây chỉ là nguồn tham khảo lúc đầu thôi), thường mình sẽ dễ kiểm chứng văn hóa tổ chức trong buổi phỏng vấn nhất. Vì vậy, đừng để buổi phỏng vấn chỉ là nơi người phỏng vấn hỏi - bạn trả lời, mà hãy tận dụng cơ hội này để tìm hiểu nơi bạn ứng tuyển, khi đó trải nghiệm phỏng vấn của bạn cũng khác hơn đấy.
Về văn hóa của tổ chức, nếu là mình, mình sẽ tìm hiểu dựa trên những khía cạnh sau:
+ Văn hóa của tổ chức (toàn thể) thông qua người phỏng vấn.
+ Tư duy, cách làm việc, tính cách của cả đồng đội và Leader trong team mình sẽ vào, vì người Leader ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa của team lắm.
Khi đi phỏng vấn ở tư thế “chủ động” như vậy, ngoài "ăn điểm" trong mắt nhà tuyển dụng, bản thân mình cũng hiểu xu hướng của ngành và yêu cầu đặc trưng về con người của ngành đó (nếu mình ứng tuyển vào nhiều tổ chức trong cùng 1 ngành/lĩnh vực) và hiểu bản thân mình hơn. Từ đó những lần sau mình sẽ cân nhắc có nên ứng tuyển những tổ chức trong ngành/lĩnh vực đó hay không.

3. Cách vận hành của tổ chức, công việc của bạn có phù hợp với những giá trị mà mình sống và làm việc theo hay không?

Mỗi người sẽ có các giá trị mà nếu sống khác đi bạn sẽ cảm thấy khó chịu, nếu trong quá trình làm việc, bạn cứ phải “chịu đựng” trong thời gian dài mà bạn không nhận ra, không nhìn nhận vấn đề “có gì đó sai sai” với mình, không chia sẻ với những người liên quan hoặc hành động gì để giải quyết, đối mặt với nó, bạn sẽ dễ bị căng thẳng khiến mình không thể nhất quán trong hành động và suy nghĩ. Vậy nên, cách vận hành của tổ chức - nơi bạn mong muốn được phát triển và gắn bó lâu dài, và công việc của bạn cũng không được trái với các giá trị cá nhân của bạn để bạn thấy thoải mái cống hiến và phát triển hơn tại tổ chức.
Ví dụ như bạn là một người trân trọng sự công bằng, nhưng vì lý do nào đó mà buộc bạn phải nhận hối lộ để thiên vị cho người nào đó, thì chắc chắn bạn sẽ không thể làm công việc đó hoặc về lâu về dài nó sẽ không tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn.
Hoặc như lúc mình làm tại một Trung tâm tiếng Anh (mình có kể câu chuyện này ở PHẦN 1), dù có thể, mình vẫn không lấy thông tin của những bạn từng tham gia chương trình mình tổ chức gửi cho Trung tâm làm data để làm telesales, vì một trong những giá trị cá nhân của mình là sự chính trực (integrity).
Thường mình sẽ xem các chính sách, việc tính lương,...của tổ chức hoặc bản thân công việc mình làm mỗi ngày có minh bạch, rõ ràng và hợp lí hay không, có vi phạm pháp luật hay đạo đức hay không...Nếu bạn vẫn chưa nghĩ ra được những giá trị cá nhân của bạn là gì, bạn có thể phản tư (self-reflect) về những trải nghiệm trong quá khứ để xem:
+ Có lần nào một việc gì đó khiến cho bạn cảm thấy khó chịu (có thể đến từ bạn hoặc người khác) không?
+ Có lần nào bạn không thể làm việc gì đó vì nó vi phạm vào giá trị nào đó của bạn không?
+ Nếu bạn thấy mình đang sống theo rất nhiều giá trị, vậy thì đâu là những giá trị mà bạn không thể thỏa hiệp hoặc chúng là ranh giới (boundaries) để bạn quyết định làm hay không làm một việc gì?
Nếu vẫn chưa kết luận được thì từ giờ bạn nên bắt đầu để ý những điều này qua những trải nghiệm của mình. Bên dưới là một số giá trị cá nhân mình tìm trên mạng, bạn có thể tham khảo nè.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

4. Cuối cùng là tiền lương :D

Nhiều người sẽ hỏi mình: “Bạn làm bằng đam mê ư?”.
Khả năng cao mình cũng sẽ đồng ý. Vậy thì vì sao mình để tiền lương không là tiêu chí đầu tiên trong bài này, trong khi đây là thứ đầu tiên mình sẽ nhìn vào? 
Theo mình thì bên cạnh tiền lương thì đi kèm theo những thứ khác rất quan trọng và không thể thiếu. Về tiền lương, mình thường đặt ra mức tối thiểu mình cần có để “sống” trong một tháng, vì ở thời điểm này, ít nhất trong hoàn cảnh của mình - là một sinh viên vừa mới tốt nghiệp, mình đang trân trọng việc được ra ngoài học hỏi và xây dựng bản thân (về trải nghiệm, kiến thức, kĩ năng) nhiều hơn. Tuy nhiên đây chỉ là mục đích của mình thôi, mỗi người sẽ có mục tiêu, mục đích riêng, có thể còn tùy ngành nữa (Mình nghe nói có nơi nhận Thực tập sinh IT với mức lương 12 triệu/tháng...), miễn là bạn giải thích mức lương mong muốn của mình một cách hợp lí cho nhà tuyển dụng là được.

Lời cuối cùng

Một tư duy mình muốn mọi người có mỗi khi ứng tuyển một công việc nào đó là:
Thay vì tìm cách để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, thì hãy tự hỏi là “Bạn muốn nhà tuyển dụng biết gì về bạn qua CV, Cover Letter, mail ứng tuyển, buổi phỏng vấn,...?”. Khi bạn thể hiện nhất quán những giá trị mà mình có, thì bạn không chỉ đậu phỏng vấn mà về sau bạn còn có trải nghiệm làm việc tại tổ chức đó tốt hơn nữa. 
Ở trên là những tiêu chí mình rút ra được sau 1 thời gian “lên bờ xuống ruộng” với hành trình tìm việc. Hãy dấn thân ứng tuyển vào những công việc cho đến khi bạn đủ hiểu bản thân và biết được mình phù hợp với công việc thế nào.
Chúc bạn sẽ tìm được công việc mà mỗi sáng thức dậy bạn sẽ đi làm vì "mình muốn làm", không phải vì "mình phải làm" công việc này nhé ;)