Blade 1998 và The Matrix 1999: Ai mới là người cứu rỗi nhân loại?
Cặp đôi 1998-1999 aka 666-777 Trong cơn phê Kitô giáo được truyền cảm hứng bởi nhóm nhạc thước đo SNSD , tôi nghĩ rằng mình nên...
Trong cơn phê Kitô giáo được truyền cảm hứng bởi nhóm nhạc thước đo SNSD, tôi nghĩ rằng mình nên chia sẻ một số hình tượng người hùng từ thuở nhỏ, và sẵn tiện giúp các Sone visualise hình ảnh một nhân vật đậm chất Kitô để bớt phèn.
Một comment trong bài trước đã khiến tôi nhớ tới một bộ phim hiện đại, ăn khách và phát ra được chất cổ điển Kitô giáo: The Matrix 1999. Ngay từ đầu, nước phim đã khiến tôi cảm thấy sự sạch sẽ luôn bao trùm toàn bộ. Cái không khí thần thánh ấy càng hiện rõ hơn với sự xuất hiện của nhân vật Thomas Anderson (Neo). Ngoại hình trong sáng đến ngây thơ của anh không thể ngăn cản tôi liên tưởng tới Jesus. Khoảng khắc anh được gọi là The One đã liên kết được sự nghi ngờ của tôi về cái tên Trinity và xác định được trực giác thô sơ của mình về chủ đề phim: sự cứu rỗi nhân loại của Jesus.
Dù sự cứu rỗi này có phải nhuốm máu thì việc giết người trong The Matrix rất sạch. Nó kết thúc nhanh, không đau đớn và ngầu. "Dodge this" có lẽ là câu ngầu lòi nhất góp phần tẩy sạch cái không khí giết người như ngoé của phim khi Trinity nã một phát đạn vào sọ The Agent. Hơn nữa, độ graphic máu chảy đầu rơi đã được hạn chế hiệu quả để bảo toàn sự sạch sẽ đó. Máu đa phần xuất hiện rất tiết chế. Nó không hề chảy thành vũng mà chỉ lấm tấm vài giọt như con bò rụng lông, như cây me rụng lá. Những thứ này suy cho cùng là để phục vụ tối ưu cái sứ mệnh cao cả kia của Jesus. Bản thân cái tên Anderson- "đứa con của loài người/sự dũng cảm" (son of man/manliness) đã có sự liên kết trực tiếp với hình ảnh Jesus, nên dù Neo giết người thì vẫn cứ sáng ngời ngợi.
Vậy điều này sẽ như thế nào với một nhân vật ngay từ tạo hình và xuất thân đã mang màu sắc của quỷ dữ?
Blade 1998 là một phim mà phải nói là cột mốc đáng nhớ trong tuổi thơ non nớt của tôi. Từ hồi học cấp 1, tôi đã xem phim này và thật kì lạ là độ graphic 18+ chưa hề quay trở về hiện tại để ám ảnh tôi. Nó là một bộ phim phản ánh một thế giới đen tối, nơi người anh hùng phải phá vỡ các chuẩn mực đạo đức thông thường để cứu nhân loại. Sự nghiệt ngã đó có thể khiến anh ta trông như một kẻ tử vì đạo cực đoan (như Travis của Taxi Driver), nhưng thực chất khẳng định rằng anh là một con người trân trọng giá trị chính nghĩa, nhưng thay vì bằng sự nhân từ thì lại là sự hung bạo.
Bị nguyền rủa và được cứu rỗi
Eric Brooks (Blade) được sinh ra trong lằn ranh của sống chết. Brooks có nghĩa là dòng nước hay dòng chảy và thường được dùng để đặt tên cho những người sống gần dòng nước (hồ, suối, sông và biển) hay sống gần sự chuyển động không ngừng nghỉ của vòng xoáy cuộc đời. Ngoài ra, nó có nguồn gốc từ cái tên Baruch trong Hebrew mang nghĩa "được phù hộ" (blessed).
Mẹ Blade sinh ra anh sau khi bị một vampire cắn. Chất độc từ vết cắn đó đã khiến bà qua đời và đồng thời, tạo nên một Day Walker của giới vampire. Anh thừa hưởng sức mạnh thể chất vượt trội của vampire và khả năng kháng ánh sáng mặt trời, bạc và tỏi của con người. Nhưng Blade cũng giữ lại hai khuyết điểm của hai loài: cơn khát máu và sự lão hoá. Blade hoàn toàn có thể trở thành một vampire có địa vị bằng sức mạnh đó nhưng anh lại chọn để trở thành người bảo vệ của loài người trong một xã hội mà vampire đứng đầu chuỗi thức ăn.
Sinh ra là một vampire nhưng Blade căm ghét vampire đến xương tuỷ. Giống như Bruce Wayne, anh hận tên vampire đã tước đi mạng sống của mẹ anh. Anh ghét bản thân khi anh không thể kiềm chế cơn khát máu mà giết người. Nhưng quan trọng nhất, sự thù hận của Blade đã được cứu rỗi bởi Abraham Whistler, một người có tạo hình giống Jesus và mang cái tên của tổ phụ đầu tiên của Kitô giáo.
Whistler đã cố gắng giết Eric khi anh đang hút máu một người vô gia cư nhưng khả năng kháng bạc, tỏi và ánh sáng mặt trời của anh để thuyết phục Whistler nhận nuôi anh. Sau này, Whistler một cách thầm lặng mà trở thành người cha tinh thần của Blade. Đây là một chi tiết khá thú vị vì Blade, một đứa con của quỷ lại được sự bảo bọc của tổ phụ Kitô giáo. Quá khứ của Whistler chia sẻ với Blade một điểm: cả gia đình ông bị giết bởi một tên vampire xa lạ, nhưng nỗi đau của ông còn lớn hơn cả Blade vì ông có một gia đình để mất trong khi Blade sinh ra đã là trẻ mồ côi. Có lẽ vì vậy mà khi thấy một Eric bé nhỏ không nơi nương tựa, ông đồng cảm với Blade và muốn truyền đạt ý chí của mình cho anh như một người cha dạy con.
Sự hiện diện của Whistler như sự tồn tại đến thê lương của Kitô giáo trong thế giới vampire-Satan thống trị. Giống với tổ phụ Abraham kiên nhẫn được chọn bởi Chúa cho sứ mệnh gầy dựng một Kitô giáo đang bị đe doạ bởi các ngoại thần, Whistler là người có đủ sự thù hận và bản lĩnh để trở thành người tiên phong sứ mạng thợ săn vampire và giúp con người giành lại thế chủ động. Sự kết hợp giữa Blade và Whistler đánh dấu một sự thay đổi trong sứ mệnh Kitô giáo truyền thống. Thay vì Chúa tự tạo ra đứa con của riêng mình thông qua loài người (Đức Mẹ Mary) để chống lại Satan như việc Neo được sinh ra với tư cách là con người để chống lại ma trận thì ở Blade 1998, Chúa sẵn sàng cảm hoá đứa con của quỷ để chống lại quỷ dữ.
Đây là sự thay đổi rất chân thật của Blade 1998 so với The Matrix 1999. Chính nó đã thuyết phục tôi chọn Blade là hình tượng người anh hùng cứu rỗi nhân loại trong thế giới hiện đại, mà ở đó sự đúng sai rất mập mờ và sự khắc nghiệt của hoàn cảnh không cho người hùng của ta nhiều sự lựa chọn đạo đức.
Ngoài lề: Không biết có phải là chủ ý muốn dùng màu da để phân biệt đứa con của quỷ và Abraham của tác giả truyện tranh hay không, mà Blade là một người da màu. Nhưng tôi nghĩ đây là một sự phân biệt màu da được dùng để tối ưu hoá ngôn ngữ hình ảnh như cách người da vàng hay được dùng cho stereotype mọt sách khờ khệt, thay vì để miệt thị.
The Holy Trinity và gia đình
Chúa Ba Ngôi là một cổ mẫu được dùng ở rất nhiều nền văn hoá và ở Kitô giáo, nó là một biểu tượng kinh điển của văn hoá phương Tây. Trong The Matrix; Morpheus là Chúa Cha, Trinity là Chúa Thánh Linh và Neo là Chúa Con. Trong Blade 1998, Whistler là nền tảng đầu tiên, Karen Jenson là sự phát triển và Blade là kết hợp được hiện thực hoá của hai điều trên. Cái đầu là tĩnh hay nền tảng vững chắc và cái sau là động hay sự phát triển. Dù không bám chặt chẽ phạm trù Kitô giáo nhưng chúng là hai đặc điểm cổ mẫu của nam tính và nữ tính.
Trinity của Blade 1998 khác The Matrix ở năm chỗ: 1. Blade không phải là con của Chúa Cha mà là của quỷ, 2. Khác với một Trinity chủ động tìm Neo, Karen được tìm bởi Blade trong một phi vụ ngẫu nhiên, 3. Chính Whistler và Blade khai sáng Karen về thế giới vampire 4. Karen không cùng Whistler dạy dỗ Blade, mà phát triển Blade sau khi Whistler hoàn thành trách nhiệm của ông và 5. Trinity và Neo yêu nhau.
1. Người cha
Sự tương tác giữa Chúa Cha và Chúa Con là chủ đạo trong mối quan hệ Chúa Ba Ngôi. Ở đây, tôi chỉ đề cập tới điểm cao trào của nó. Trong The Matrix, việc Morpheus bị bắt đi bởi The Agent khiến Neo và Trinity cùng nhau đi giải cứu ông. Trong khi ở Blade 1998, Whistler bị cắn và đánh trọng thương bởi Frost nhằm đẩy Blade vào tình huống ngặt nghèo. Whistler dù có chết cũng không muốn trở thành vampire và sẽ luôn trung thành với sứ mệnh của ông: săn vampire và không thoả hiệp với chúng. Blade cuối cùng phải giết Whistler để hoàn thành di nguyện của ông.
Đây là chi tiết cho thấy thế giới của Neo và Blade khác nhau đến như thế nào. Neo quyết định lao vào ma trận cứu Morpheus nhưng Blade còn không có sự lựa chọn dễ dàng như Neo, vì lựa chọn của anh liên quan trực tiếp tới chuẩn mực đạo đức Whistler đã theo đuổi suốt quãng đời. Nó có vẻ trông dễ hơn là việc nhảy vào chỗ tự sát của Neo, nhưng sự chất vấn tâm lý của Blade rõ ràng phức tạp hơn nhiều. Neo không cần suy nghĩ nhiều để đưa ra quyết định trên vì anh đơn giản không sợ chết để cứu Morpheus, trong khi vấn đề của Blade không phải sự sống chết của bản thân mà là sự bất lực khi lý tưởng Whistler truyền cho anh không cho phép anh cứu Whistler. Đây là một điểm khiến tôi thích Blade hơn Neo. Thế giới của Blade đòi hỏi người anh hùng sở hữu không những sức mạnh vô song mà còn là bản lĩnh tư tưởng.
Vì hệ quả của bi kịch gia đình, tư tưởng Whistler lấy vampire là cốt lõi của mọi thứ nên hệ thống đạo đức ông chỉ bao trùm lấy mối quan hệ giữa ông với vampire. Whistler dạy cho Blade những kĩ năng cơ bản và chuẩn mực đạo đức đơn giản của một thợ săn - giết vampire và xem vampirism là sự ô uế linh hồn. Vì vậy, tôi luôn cảm thấy nó cứng nhắc và thiếu đi sự phổ quát cần thiết để ôm gọn lấy loài người - các tạo vật tâm huyết của Chúa.
2. Người mẹ
Ngay từ họ Jenson, Karen đã cho thấy cô chính là hiện thân của lòng bao dung của Chúa. Jenson có nghĩa là "Chúa thật cao cả" (God is gracious). Để tạo sự linh hoạt trong tư tưởng của Blade, Karen đã bổ sung một điều nằm ngoài phạm trù giáo dục của Whistler: sự thương người hay sự nhân văn.
Cô được Blade cứu chỉ vì giây phút cô đau đớn vì vết cắn vampire khiến Blade nhớ tới người mẹ đã chết của mình. Nếu như lẽ thường, Blade có thể bỏ mặt cô như cách anh muốn tránh xa sự dơ bẩn của lũ vampire hay giết cô tại chỗ để ngăn chặn quá trình ô uế vampirism.
Karen là một điều kì diệu mang tới sự thay đổi trong cuộc sống của Whistler và Blade. Mới đầu cô còn bị Whistler và Blade xua đuổi như một cản trở cho cuộc Thánh chiến của họ. Hơn nữa, vì nỗi bi kịch cá nhân, họ không quan tâm tới con người cho lắm dù đang diệt trừ kẻ thù của loài người. Nhưng sự cứng đầu của cô đã thuyết phục họ giữ cô lại bên mình.
Karen mang trong mình tính nữ của Trinity: sự sáng tạo và sự thay đổi. Nỗ lực tận dụng kiến thức khoa học của cô đã dẫn tới sự ra đời của thuốc kháng lại sự chuyển hoá vampire. Nó giúp cô trở thành người đầu tiên bị cắn bởi vampire nhưng không trở thành chúng. Đây là điều mà ban đầu, cả Whistler và Blade không tin sẽ thành sự thật. Trước đó, Blade thường sẽ giết những người bị cắn vì anh tin rằng không có khả năng để giúp họ trở lại thành người. Sự có mặt của Karen như thắp sáng lại hi vọng của Blade về loài người. Giờ anh biết rằng nhiệm vụ của anh không chỉ là giết vampire mà còn là bảo vệ loài người trước vampire. Ngoài ra, Karen còn tạo ra một vũ khí giúp Blade giết được vampire quyền lực nhất, Deacon Frost: thuốc chống đông máu.
Sau cái chết của Whistler, trọng trách chăm sóc Blade giờ được giao cho Karen và cô đã hoàn thành vai trò của mình trong những phút cuối của phim. Thời điểm Blade như sắp cận kề cái chết vì thiếu máu thì Karen xuất hiện để Blade hút máu cô và hồi lại sức mạnh. Đây là khoảng khắc (dù hơi trần tục) Karen toát lên hình ảnh một người mẹ rõ ràng nhất, dù cô không hạ sinh ra Blade hay dạy dỗ Blade từ những ngày đầu. Hơn nữa, đây cảnh mô phỏng lại sự hồi sinh của Jesus nhưng không phải bởi Chúa Cha mà là bởi Đức Mẹ. Đối chiếu điều này với khoảng khắc Trinity hôn Neo và vô tình cứu sống anh thì sự hồi sinh của Blade thật hơn và kịch tính hơn.
Dù đến sau, Karen là mảnh ghép cuối cùng cho chiến thắng của Blade trước quỷ dữ. Nhìn chung, Whistler cùng Karen đã tạo nên một Blade hoàn chỉnh. Nếu liên hệ với đời thực, cổ mẫu Trinity này truyền đạt một triết lí mang tính thực tiễn: một đứa trẻ không thể nào thiếu đi father figure và mother figure.
3. Gia đình
Vấn đề gia đình là điểm khác biệt đáng kể giữa Trinity của Blade và The Matrix. Blade có tận hai gia đình. Whistler và Karen là hai động lực chính thôi thúc Blade diệt trừ Deacon Frost, kẻ đã cắn mẹ anh và là người cha quỷ dữ của anh. Từ Frost, Blade kết thúc cả mạng sống người mẹ ruột tưởng đã chết nhưng về sau lại hoá thành vampire. Ở một phương diện nào đó, Blade giết chính cha mẹ ruột mình để bảo toàn ý chí của người cha và người mẹ thật sự yêu thương anh. Bởi vậy, tôi mới cảm giác rằng phiên bản Trinity của Blade 1998 trần tục hơn The Matrix vì nó thử thách đạo đức của mối quan hệ cha mẹ-con cái.
Thực chất điều này cũng được phản ánh trong Kinh Cựu Ước khi Chúa tạo ra loài người. Trong Gen 1:31, Chúa đã nói loài người "rất tốt" hoặc "tov meod" trong tiếng Hebrew. Nghĩa gốc Hebrew của từ này còn sâu sắc hơn cả từ "rất tốt". Nó được dùng để tả sự kì diệu đến tuyệt đẹp đến cận hoàn hảo của con người, một tạo vật dựa trên Chúa. Quan trọng nhất, "tov meod" không chỉ sự đẹp đẽ ở biểu hiện hình thể của con người, mà phải còn ở mối quan hệ giữa con người-Chúa, con người-con người và con người-bản thân mình. Nếu như không có mối quan hệ thì cái đẹp của con người cũng biến mất. Đây cũng là lí do Chúa tạo Eve cho Adam vì chỉ mỗi mình Adam làm việc và chăm sóc vườn địa đàng thì thật là cô quạnh. Chúa nghĩ rằng công việc và mối quan hệ nên là hai thứ đi đôi với nhau và hai thì lúc nào cũng tốt hơn một. [1]
Kết nối với Blade 1998, ta có được một bài học: Không phải vì ta đẻ ra đứa trẻ đó mà ta trở thành cha mẹ thật sự của nó. Chỉ có sự thương yêu và dạy dỗ mới khiến ta là cha là mẹ của nó. Đó mới là cái đẹp mà cha mẹ dành cho con cái.
The Vampire
Xã hội vampire Blade đương đầu có riêng cho mình một lịch sử, một ngôn ngữ, một tôn giáo và một hệ thống cấp bậc. Tôi khá bất ngờ khi vampire, một sinh vật thú tính trong văn hoá đại chúng lại có đủ sự văn minh để tạo dựng nên một hệ thống phức tạp trong Blade 1998. Điều này chứng tỏ phim không hề hời hợt mà gán cho vampire một khuôn mẫu phản diện cứng nhắc như The Agent. Thế giới Blade phức tạp và "người" hơn nhiều so với ma trận vì nó không chịu sự chi phối của thuật toán và logic.
1. Nguồn gốc của Vampire
Thế lực siêu nhiên tạo nên giống loài vampire chính là vị thần máu La Magra. Thoạt đầu, tôi cứ tưởng vampire trong Blade là một sinh vật hoàn toàn được tạo từ năng lực thần thánh và ma thuật. Nhưng sự xuất hiện của Karen, một nhà huyết học tôn vinh sức mạnh khoa học đã khiến cho vampire trông như một giống loài khiếm khuyết hay nói trắng ra là các cá nhân mang mầm bệnh ung thư.
Từ phần đầu phim, Karen được giới thiệu bằng một cú shot cận cái bảng tên gắn ở ngực: chuyên gia huyết học Karen Jenson. Sau shot đó, phim chuyển sang cảnh các huyết cầu được phóng đại trong kính hiển vi. Cô phát hiện ra rằng hồng cầu vampire có hai mặt lồi, một sự đối nghịch với hồng cầu hai mặt lõm của con người và tế bào vampire có hai nhân, một dạng thường thấy của tế bào ung thư. Một lời giải thích cho cơn khát máu của vampire là vì HGB trong máu của chúng không duy trì được độ bình ổn lâu và dễ bị tụt thấp, dẫn tới việc chúng hay bị thiếu máu. Thay vì hấp thụ sắt để tái tạo máu như con người, vampire đi hút chính máu người. Triệu chứng thiếu máu này khá giống với bệnh tan máu - sự tự huỷ hoại ở hồng cầu hay một dạng đột biến gene. Chính sự phân tích này của Karen đã giúp cô điều chế một loại thuốc gene therapy chứa retro virus để đảo lại cấu trúc DNA của vampire, thứ vốn là một sự đảo ngược từ DNA người. Sự trái ngược này cũng là một ẩn dụ cho sự phi nhân tính và trái với đạo làm người của vampire.
Hơn nữa, việc biến một con người thành vampire không khác gì quá trính virus lây bệnh cho con người. Có một đoạn Karen đề cập tới việc virus vampire này lây sang đường tình dục, một ẩn dụ cho virus HIV. Nếu truy nguyên về nguồn gốc vampire trong văn hoá phương Tây, có thể thấy hình ảnh phổ biến nhất của nó miêu tả một tên vampire dị dạng đang hút máu từ cổ của một người con gái xinh đẹp. Các cặp đối lập nam-nữ, xấu xí-xinh đẹp, quỷ-con người, và cộng thêm với sự xuất hiện của máu và vị trí cắn ở cổ rất mẫn cảm đã tạo ra một cảm giác rất dục tính về hình ảnh vampire. Đây là một hoán dụ của hình ảnh một tên thú tính đang phá trinh một thiếu nữ.
Vì vậy nói vampire là tín đồ của tôn giáo Satan, một kẻ thích máu me và hay lấy hiện thân là con dê dục tính là không sai. Với góc nhìn khoa học của Karen, lũ vampire là tụi bị nhiễm HIV và chả có gì đáng để tự hào về bản thân hay sức mạnh phi thường của chúng. Cô còn chêm thêm một câu rằng: vampire chả phải là một giống loài mà thật ra là một bệnh truyền nhiễm đầy khiếm khuyết.
2. Tôn giáo của Satan
Ngôn ngữ cổ của vampire là thứ đầu tiên cho thấy sự văn minh của giống loài khát máu này. Nó được dùng trong giao tiếp lẫn ghi chép kinh thánh của giới vampire (The Book of Erebus). Đây là một ẩn dụ cho tôn giáo của Satan. Tôn giáo này là một open secret vì các chính trị gia và cảnh sát chóp bu loài người đều biết. Các linh mục của tôn giáo này là vampire và những tín đồ là familiar hay vampire wannabe (những con người muốn thành vampire).
Lí do con người bị thu hút vào tôn giáo này cũng là vì những mong muốn vượt quá khả năng con người: sức mạnh vô song và sự trường sinh bất tử. Vampire dù có thể bị giết hoặc chết vì tuổi già nhưng có con người nào mà có hệ miễn dịch với hầu hết các loại bệnh, khả năng mọc lại tứ chi sau khi bị chặt đứt, và có tuổi thọ hơn 2000 năm hay không? Không khác gì tà giáo ngoài đời, phần thưởng của tôn giáo này cho những tín đồ là rất lớn mà không hề đòi hỏi sự cố gắng cật lực của chính nghĩa. Nó chỉ đòi hỏi sự bán rẻ linh hồn và tự do để trở thành nô lệ cho vampire mà thôi. Một cái giá rất hời cho những người thích đốt cháy giai đoạn.
Mỗi familiar đều có một hình xăm chữ vampire cổ trên người để thể hiện rằng mình thuộc giáo phái này và vampire nào là người kết nạp họ. Nó được dùng để đánh dấu nô lệ con người của vampire như đánh dấu quyền sở hữu gia súc trong trang trại. Vampire nào mà giết nhầm familiar của vampire khác sẽ bị trừng phạt. Hơn nữa, những người bị cắn bởi vampire mà không được đánh dấu hoặc không có sự bảo kê của vampire sẽ bị trừ khử bởi tôn giáo này. Lí do là họ có thể chỉ là những con mồi trong tầm nhìn của một vampire đói khát và việc họ còn sống sau sự cố đó là mối đe doạ tới sự bảo toàn bí mật của xã hội vampire.
3. Nội chiến
Không khác gì xã hội loài người, xã hội vampire cũng có sự đấu đá giữa các phe phái mà ở đây là pure blood vs turned blood. Các vampire được sinh ra tự nhiên đại diện cho nhóm bảo thủ muốn chung sống hoà hợp với con người, trong khi các vampire từng là con người lại muốn công khai áp đặt sự thống trị đó lên loài người. Các turned blood muốn khai chiến với loài người để khẳng định vị thế đứng đầu chuỗi thức ăn.
Hầu hết pure blood có ngoại hình đã đứng tuổi. Những vampire mà sự lão hoá đã thể hiện trên khuôn mặt thì chắc chắn đã tồn tại từ thời loài người còn ăn lông ở lỗ. Họ sống đủ lâu để hiểu được giá trị của việc sống ẩn dật và hoà mình vào thế giới loài người. Dù hay tự cao tự đại cho rằng chính dòng máu thuần khiết đã cho họ sự thông thái nhìn xa trông rộng, nhưng cuối cùng niềm tin của họ ít nhất đảm bảo một tương lai an toàn cho giống loài vampire. Ngoài ra, có sự bảo thủ nào mà để cho quyền lực của hội đồng vampire bám rễ từ chính trị, cảnh sát cho đến nhà băng và tài chính quốc tế của loài người chưa? Bảo thủ không hẳn phải là sự dừng phát triển, mà chính là sự phát triển chậm rãi đầy toan tính và thận trọng.
Nhìn chung, turned blood là những kẻ ảo tưởng mình là giống loài thượng đẳng hơn loài người. Đa phần chúng có ngoại hình rất trẻ nên không bất ngờ là chúng lúc nào cũng ồn ào và hay kích động. Như một điều dự đoán, kế hoạch thôn tính loài người này đã bể tan tành vì Blade đã ngăn cản được. Kể cả khi nó có được thực hiện trơn tru thì đã vô tình phá huỷ một luật đảm bảo sự tồn vong của vampire, văn hoá bí mật.
Một điều thú vị là bản thân Blade cũng là một pure blood nếu như dùng định nghĩa "born a vampire" mà các pure blood trong hội đồng vampire thường nói. Blade sinh ra đã là một vampire và thuốc chữa vampirism không có tác dụng với anh vì dòng máu vampire đã là một phần trong DNA. Pure blood vs turned blood dường như là mâu thuẫn xuyên suốt Blade 1998. Bản thân các pure blood trong hội đồng cũng không ưa Blade nhưng giữa họ và Blade cùng có chung một suy nghĩ: không muốn trở thành mối đe doạ của loài người và không xem con người là súc vật tầm thường nằm dưới chuỗi thức ăn.
Nhắc tới cái đẹp của con người trong Kinh Thánh. Vì con người là sinh vật giống Chúa nhất nên những ai mà xem con người là loài hạ đẳng đều bị Chúa nhìn nhận là những kẻ ngu dốt, bần tiện và hẹp hòi. Từ đây, có thể thấy đa phần các pure blood đủ thông minh để nhận ra điều này. Con người nếu muốn diệt trừ vampire thì đó là điều trong tầm tay vì ngoài sống lâu và khả năng tái tạo cơ thể thì vampire rất dễ chết bởi những thứ vô hại với con người như nước tỏi, bạc và tia UV.
Vì vậy, tự lượng sức bản thân hay khiêm tốn vừa là một đức tính (tư tưởng của Blade) và vừa là một khả năng được trau dồi qua bao năm (sự tồn tại trường kì của các pure blood).
Jesus thời hiện đại
Khi nhắc tới thời hiện đại, mọi người thường hay nghĩ nó sẽ là thứ giết chết đi những giá trị truyền thống lâu đời của thời phong kiến. Nhưng với Blade 1998, sự hiện đại của nó không hề đạp đổ đi di sản của truyền thống mà còn phát triển nó để phù hợp hơn với cái thế giới mà Kitô giáo muốn cứu rỗi.
Sự trần tục của Blade đến từ xuất thân quỷ dữ của anh nhưng điều đó không hề ngăn cản anh trở thành Jesus của thời hiện đại. Bản thân Jesus đã là sự kết hợp giữa trần tục và thần thánh hay con người và Chúa. Phiên bản của Blade 1998 chỉ thay đổi phần con người sang quỷ. Con người vs Chúa đã là một sự đối lập tương đối nhưng Satan vs Chúa thì chắc chắn là sự đối lập 100%. Một cá thể có danh tính kép thì sẽ phù hợp với một thế giới thiện ác lẫn lộn, và tuyệt vời hơn nữa là quỷ diệt quỷ có một cái gì đó thật hơn rất nhiều so với Chúa diệt quỷ.
Thực chất, điều này đã được mô tả trong Kinh Tân Ước. Câu chuyện Jesus được rửa tội bởi John The Baptist, chi tiết hơn là đứa con của Chúa được một người thường rửa tội mang hàm ý rằng Jesus buộc phải là người thì mới có khả năng cứu rỗi nhân loại. Kết nối điều này với Blade 1998, Blade bắt buộc phải là quỷ thì mới có cơ hội cứu rỗi nhân loại mà phần lớn ở đây là các con chiên đã quay lưng lại với Chúa hay turned vampire. Điều này được thể hiện rõ ở phân cảnh cuối phim, khi Karen muốn chữa vampirism cho Blade nhưng anh từ chối vì tin rằng danh tính và sức mạnh vampire sẽ giúp ích cho hành trình phía trước của mình.
Giống với Jesus nguyên bản, vị Jesus này có sức mạnh lấy 1 địch cả 100 người. Dù chỉ là một cá nhân nhưng Blade đã gieo rắc nỗi khiếp sợ lên xã hội vampire trên quy mô cả nước. Cảnh mở đầu phim đã cho thấy rằng bầy cừu vampire đã sợ như thế nào khi được diện kiến con sói Blade-Daywalker đơn thương độc mã. (Đây có lẽ là một trong những màn giới thiệu nhân vật ngầu lòi nhất của lịch sử phim hành động Mỹ. Hãy xem liền đi. Tôi chắc chắn bạn sẽ không hề hối hận).
Nhưng khác với Jesus nhân từ dồn hết tất cả tội lỗi của nhân loại vào mình, Blade cứu rỗi nhân loại bằng hành động và bạo lực. Nhân loại ở đây bao gồm cả con người và những turned vampire. Tuy nhiên vì sự phức tạp trong thế giới của Blade, sự nói ít làm nhiều và bạo lực của anh cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định để thuyết phục những kẻ lầm đường lạc lối trở về với Chúa.
Về con người, những nhóm chưa được khai sáng có thể không tin Blade về sự tồn tại của vampire, và những nhóm còn lại thì bị quyến rũ bởi sự trường sinh bất tử của vampire để cuối cùng thành những familiar. Về turned blood-những kẻ phản bội Chúa nặng nề nhất, đây là nhóm Blade không nhân nhượng mà giết và còn giết nhiều hơn cả pure blood vì số lượng đông và độ hăng máu cao. Nhưng xét một mặt nào đó, sự dễ dàng này cũng là một thử thách Blade phải vượt qua.
Sự bao dung của Chúa với những kẻ phản bội là chủ đề chính cho câu chuyện của nhà tiên tri Hosea trong cuốn "The Book of the Twelve". Chúa bắt Hosea cưới một người phụ nữ tên Gomer mà Chúa biết sẽ không hề chung thuỷ với Hosea. Đến khi Hosea chịu không nổi mà li dị cô ta thì Chúa lại bắt Hosea cưới lại Gomer. Cuộc hôn nhân hợp tan giữa Hosea và Gomer là hoán dụ cho sự níu kéo đến tuyệt vọng của Chúa với một nhân loại đang ruồng bỏ Chúa. Chúa đang trừng phạt nhân loại vì họ đã phản bội Chúa nhưng chỉ cần họ trở về với Chúa, Chúa sẵn sàng yêu thương và cứu rỗi họ khỏi chiến tranh và sự đói khát (Hosea 13:9, 14:1 & 14:4).
Nhờ có Karen, một đại diện cho sự nhân từ của Chúa mà Blade có được cơ hội để giải quyết sự nan giải này. Thay vì giết turned vampire, anh có thể tiêm liều thuốc giải vampirism vào họ để kéo họ ra khỏi sự suy đồi đạo đức. Có hai cách diễn giải liên quan tới Kitô giáo cho điều này: 1. Cho họ cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời và 2. Thuốc vampirism chính là cây thánh giá hay niềm tin vững chắc vào Chúa để giúp chống lại sự chiếm hữu linh hồn bởi Satan.
Suy cho cùng, việc Blade tàn sát vampire là một lời cảnh báo tới những pure blood và turned blood muốn mở rộng quy mô tàn sát con người và cả những kẻ muốn trở thành vampire. Nhờ sự xuất hiện của Blade, các vampire sẽ luôn sống trong nỗi sợ bị Blade giết chết và phải cân nhắc kĩ khi muốn làm điều gì đó tổn hại tới loài người. Điều này thực ra rất phù hợp với Blade, đứa con của quỷ. Quỷ dạy các giá trị đạo đức cho những kẻ có tiềm năng sa ngã bằng cách trừng phạt những kẻ đã phạm tội trước đó. Đôi khi để ngăn chặn sự sa đoạ, sự khai sáng và nhân từ là chưa đủ mà cần phải có sự răn đe đầy tàn khốc.
Ai mới là người cứu rỗi nhân loại?
Thời điểm ra mắt của Blade 1998 vs The Matrix 1999 chỉ cách nhau đúng 1 năm. Đây là sự trùng hợp thú vị vì quỷ và Chúa cũng cách nhau đúng 1 số. Số 6 đại diện cho quỷ và số 7 đại diện cho Chúa. Vậy liệu quỷ là một thực thể gần Chúa hơn là đối nghịch với Chúa? Liệu việc xác định người cứu rỗi nhân loại theo phạm trù quỷ-Chúa hoặc thiện-ác có quan trọng trong một thế giới màu xám? Nếu như quỷ được hậu thuẫn bởi Chúa để cứu nhân loại thì có vấn đề hay không?
Thực ra nếu truy về nguồn gốc từ demon (quỷ) trong tiếng Hy Lạp là Daimon thì Daimon chỉ những linh hồn có quyền năng nhưng thấp cấp hơn Theos (thần-deity). Điều này cũng chỉ ra rằng trong nghĩa cổ, quỷ không hề tiêu cực và chia sẻ rất nhiều điểm với các vị thần chính danh, mà trong Kitô giáo chính là Chúa. Dĩ nhiên, cái này tôi ăn cắp từ bài viết rất hay: NGUỒN GỐC về một số KHÁI NIỆM CƠ BẢN về KITÔ GIÁO. Đọc đi mấy bạn. Debunk khá nhiều thứ hay ho về Kitô giáo.
Ngoài lề: Một conspiracy theory được đưa ra là liệu những người làm hai bộ phim này có liên hệ với nhau? Nhà sản xuất của Blade 1998 là New Line Cinema và công ty này trực thuộc Warner Bros, nhà sản xuất The Matrix 1999. Kì lạ hơn nữa là năm NLC được mua lại bởi WB thì cũng là lúc Wesley Snipes kí hợp đồng đóng Blade. Ngoài ra, cả hai phim đều lồng ghép yếu tố văn hoá Nhật. Nhưng có vẻ Blade 1998 muốn đề cập cả mặt tối bên cạnh mặt sáng của nó. Một cảnh trong phim đề cập tới văn hoá loli của Nhật. Nó vừa kawaii (với văn hoá Á Đông) và vừa rợn người (với văn hoá phương Tây) vì mấy đứa con nít mặc đồ hơi quá tuổi và khán giả thì toàn là đàn ông đứng tuổi.
Tôi biết là dù tựa đề là so sánh Blade vs Neo nhưng rõ ràng tôi viết bài này chỉ để nói về Blade. Có bốn lí do tôi đưa Neo vào: 1. Giữa Neo và Blade có tạo hình khá giống nhau, 2. Cả hai đều liên quan tới Kitô giáo, 3. Cần sự so sánh để nổi bật Blade và 4. Blade 1998 bị underrated quá và The Matrix 1999 bị overrated quá.
Là một đứa thích sự ngầu lòi thì tôi sẽ thích những con người có nhiều vết sẹo cuộc đời như Blade hơn là những người sạch sẽ, ngây thơ, hay ăn hên và được boost sức mạnh như Neo.
Vậy thì bạn sẽ chọn ai? Ai sẽ là biểu tượng anh hùng trong đời bạn? Hãy chia sẻ đi vì tôi viết một bài dài lê thê như vậy không phải để chơi đâu.
Nguồn tham khảo:
[1]: Jeff Myers & David A. Noebel 2015, Understanding The Times: A Survey of Competing Worldviews, Chapter 2: Christianity
The Illustrated Bible by Publisher DK
Tóm tắt cốt truyện Blade Trilogy
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất