Mình là một sinh viên vừa mới tốt nghiệp vào Tháng 9/2021. Lúc trước, mình từng nghĩ cứ làm thật nhiều hoạt động ngoại khóa để được làm việc tại những công ty đa quốc gia hoặc môi trường có người nước ngoài thì mới gọi là giỏi. Thế nhưng, sau khi có cơ hội phỏng vấn (bằng nhiều hình thức khác nhau) tại các công ty theo mình cũng là có danh tiếng như TikTok, Schneider Electric, Shopee, Sony Electronics, Abbott, Chợ Tốt…, mình lại được nhận công việc tại một tổ chức nghề nghiệp ở vị trí lead, mức lương cao hơn so với các bạn sinh viên vừa ra trường một chút (mình lấy mức trung bình là 8 triệu/tháng). Quan trọng hơn hết, mình khá hài lòng về offer lần này, vì trước mắt mình thấy công việc này phù hợp với giá trị mà mình luôn làm từ trước đến giờ - công việc mang lại giá trị tích cực cho xã hội.
Nhân lúc Sài Gòn đang dần trở lại cuộc sống bình thường sau thời gian dài giãn cách xã hội, mình hi vọng qua bài viết này bạn sẽ có rút ra được tư duy cần có của một ứng viên và tự rút ra được đâu là những yếu tố giúp bạn biết đâu là công việc phù hợp với bản thân mình nhé.

1. Chúng ta TÌM VIỆC, không XIN VIỆC 

Mình khá ấn tượng với bài post này của YBOX, không phải vì cách xử lý tình huống một cách thẳng thắn của YBOX, mà bởi vì quan điểm:
...bạn không phải XIN VIỆC, mà cạnh tranh bình đẳng để có được việc làm, bạn TÌM VIỆC & NHẬN VIỆC. Bạn HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI TRẢ BẤT CỨ CHI PHÍ NÀO ĐỂ CÓ VIỆC LÀM.
Đối với mình, quan điểm này thể hiện mối quan hệ WIN-WIN giữa ứng viên với nhà tuyển dụng. Từ trải nghiệm làm Nhân sự trong quá trình học đại học và theo sự quan sát của mình, cũng như qua những lần trao đổi với các anh chị làm tuyển dụng tại các công ty mình từng ứng tuyển, mình thấy xu hướng của Nhân sự ngày nay họ chỉ tuyển những người phù hợp để làm việc tại công ty với các tiêu chí như lý do bạn apply vào công ty, động lực của bạn dành cho ngành hàng của công ty, mức lương mong muốn, phong cách làm việc của bạn có phù hợp với văn hóa công ty không,...và trình độ của ứng viên chỉ là một trong những tiêu chí của “sự phù hợp” đó thôi. Nhân sự ngày xưa có tư duy “cho việc”, nhưng Nhân sự ngày nay còn phải đảm bảo trải nghiệm của ứng viên để họ làm nên thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer Branding), quan trọng là để thu hút được nhân tài.
Nhận mail từ chối nhưng mail đó được viết riêng cho mình thì không có gì phải buồn nhen :D
Nhận mail từ chối nhưng mail đó được viết riêng cho mình thì không có gì phải buồn nhen :D
Tóm lại một câu là: Người tìm việc thì nhiều và việc tìm người cũng không thiếu, nói một cách khác là nếu vẫn chưa có công ty nào “say Yes” với bạn, thì đừng quá buồn, chỉ là bạn chưa tìm được công việc phù hợp với mình mà thôi. 

2. Câu chuyện của mình

Công việc đầu tiên:
Khi học đại học, trải nghiệm làm ở một tổ chức thanh niên quốc tế từ đầu năm 2 đại học giúp mình nhận ra sau này muốn làm trong mảng giáo dục hoặc làm gì đó liên quan đến phát triển con người. Vì vậy mình apply vào làm tại một Trung tâm tiếng Anh với công việc Tư vấn khóa học, lúc đó mình muốn kiếm tiền là chủ yếu. Khi vào được chỗ này, mình thấy cơ hội kiếm thu nhập cao thật (làm Sales mà). Nhưng làm được tầm gần 4 tháng thì mình quyết định nghỉ việc vì doanh số mình chạy không ổn và mình nhận thấy anh Sếp khá là toxic. Sau khi làm ở đây xong mình nhận ra:
+ Cá nhân mình có một giá trị đó là sự chính trực (integrity), nên dù có thể mình đã không lấy nguồn data mình có được từ việc chạy chương trình trong quá trình làm ở tổ chức kia.
+ Mình không phù hợp công việc Sales (không đạt doanh số dù tư vấn rất nhiều, mình cũng không cảm thấy hứng thú khi tư vấn cho người khác)
+ Sếp của mình hay dùng lời lẽ nặng nhẹ với nhân viên mỗi khi không đạt doanh số, nói xấu nhân viên sau lưng nhân viên này với nhân viên khác, mình thấy điều đó rất toxic ở môi trường làm việc. Vì vậy, với mình việc tìm một người Sếp tốt cũng ở nơi làm việc cũng rất quan trọng.
Công việc thứ hai:
Bonding cùng công ty <3
Bonding cùng công ty <3
Sau đó mình đậu phỏng vấn vào một công ty thời trang với vị trí Junior HRBP Executive. Mình thấy mọi thứ đều ổn, từ chị Founder đến những anh chị trong core team và teammates của mình đều là những người có growth mindset, luôn khuyến khích và tiếp thu ý tưởng mới, mình được trả lương nhĩn hơn mức trung bình của một sinh viên sắp ra trường một chút (mình lấy mức trung bình là 8 triệu/tháng), ngoại trừ các điểm sau:
+ Mình luôn phải làm việc ngoài giờ dù thời gian làm việc chính thức của công ty là từ 8h30 sáng - 6h tối từ thứ Hai đến thứ Bảy. Có lúc mình phải họp lúc 9h 10h tối cùng team.
+ Giá trị mà sản phẩm công ty mang lại trái với giá trị cá nhân của mình: Mình đang theo đuổi lối sống tối giản, vì vậy mình luôn cố gắng ăn mặc đơn giản hết sức có thể, trong khi công ty mình lại làm về thời trang cho phân khúc luxury, gồm 3 brand cho 3 phân khúc khác nhau, nhưng giá cả sẽ tầm từ 900 ngàn đồng - 10-20 triệu đồng cũng có.
Sau đó mình viết đơn xin nghỉ với lý do đầu tiên làm việc ngoài giờ quá nhiều, nhưng sau đó mình có kể chuyện này cho các anh chị Nhân sự phỏng vấn mình thì các anh chị đều nói lý do thứ hai mới là lý do khiến mình muốn nghỉ việc và mình thấy nó đúng.
Vậy nên, mình sẽ viết thêm 1 bài để giải thích từng tiêu chí chọn công việc của mình trong tuần này, những tiêu chí đó là:
+ Tiền lương.
+ Hệ giá trị của bản thân mình phù hợp với giá trị mà sản phẩm công ty mang lại cho khách hàng.
+ Sự phù hợp về văn hóa công ty.
+ Cuối cùng là cách vận hành của công ty, công việc của mình phù hợp với giá trị cá nhân của mình.

3. Thế thì…

Chưa đủ hiểu bản thân mình thì sao?
Câu trả lời của mình chỉ có 1 thứ đó là: “Trải nghiệm”.
Mình không muốn dùng từ “thử”, bởi từ “thử” có thể mang chúng ta đến một biểu hiện tiêu cực - làm “thử” nên mình sẽ không chịu dấn thân vào những công việc mình làm. Vì vậy, mình hi vọng nếu mọi người chưa đủ hiểu bản thân mình là ai hay hiểu mình muốn gì hoặc điều gì sẽ tốt nhất cho mình, thì mọi người hãy trải nghiệm để hiểu bản thân mình hơn. Nếu vẫn không biết mình phù hợp với cái gì, thì ít nhất bạn biết mình không phù hợp với cái gì rồi.
Nguồn ảnh: FreeHugs Vietnam (Tất nhiên là có mình trong đây :3)
Nguồn ảnh: FreeHugs Vietnam (Tất nhiên là có mình trong đây :3)
Vậy còn…
Mình luôn cảm thấy không hài lòng với điểm nào đó của công ty thì sao?
“Đồng nghiệp của mình rất tuyệt, làm việc ăn ý, nhưng lương công ty không như mình mong muốn…”
“Công ty này thì có nhiều hoạt động gắn kết nhân viên. Công ty mình toàn làm training cho nhân viên thôi, không có hoạt động vui chơi gì nhiều cả…”
Không có nơi nào là hoàn hảo, nếu bạn cảm thấy không hài lòng điểm nào đó của công ty, thì hãy nghĩ rằng “bạn vào đây là để làm cho công ty trở nên tốt hơn”. Bởi vì, khi được nhận vào công ty có nghĩa là họ thấy bạn có giá trị hay tiềm năng gì đó mà công ty đang cần. Còn nếu bạn không thể chịu được điều đó, thì “say goodbye” và tìm chỗ làm mới nè, miễn là hãy luôn chủ động cho trải nghiệm của mình là được.
Lời cuối cùng...
Một quan điểm mình từng được nghe thế này:
Thường ai cũng nghĩ mình phải làm việc theo đúng giá trị và đam mê của mình, nhưng sao mình không trải nghiệm nhiều thứ để mình tự xây dựng nên giá trị cho bản thân mình.
Ở đây mình không muốn tự bác bỏ quan điểm cá nhân là hãy tìm công việc phù hợp với hệ giá trị của bản thân mình, mà mình muốn áp dụng câu nói này khi bạn chưa biết được giá trị của mình là gì thì hãy đi tìm nó bằng cách trải nghiệm nhiều thứ khác nhau, và sau khi trải nghiệm, bạn sẽ tìm được giá trị của bản thân bạn là gì thôi.