Bài tổng hợp "sách thay đổi cuộc đời" nhận được những phản hồi có thể nói là ngược hoàn toàn với mong đợi của mình. Mọi người đề cập đến nào truyện tranh, tạp chí, truyện kiếm hiệp đủ cả. Điều này thực sự khiến mình phải nghĩ nhiều hơn về tác dụng của sách. Kết luận có lẽ chả mới mẻ gì nhưng vô cùng quan trọng, cực đáng để nhắc lại là: 

Suy nghĩ + điều bạn đúc rút được mới quan trọng, chứ không phải là tầm vóc hay độ chất (nặng + sâu) của tác phẩm. 

Cái này cũng giống kiểu Adam Smith, ông tổ của Kinh tế học, chỉ ngồi uống rượu vang Pháp ở Scotland quê ông thôi mà cũng nghiệm ra được sự quan trọng của chuyên môn hóa (làm thứ bạn giỏi nhất, được điều kiện hỗ trợ tốt nhất) và đẩy mạnh thông thương đến sự phồn thịnh về kinh tế. (Quảng cáo tí cho series Kinh tế học sắp ra lò)


Bài này mình muốn viết sâu hơn 1 chút về cái cách suy nghĩ ấy, qua trải nghiệm với cuốn sách mà mình xin khẳng định là thay đổi hoàn toàn đời mình! 
Có lẽ nhiều bạn sẽ ngạc nhiên vì mình không chọn một trong ba tác phẩm Stoicism, nhưng "Crime and Punishment" (Tội ác và trừng phạt) của Fyodor Dostoevsky có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với bộ ba ấy, vì một lý do đơn giản: nó là nền tảng cho sự lựa chọn của mình với Stoicism - một điều hy vọng mình có thể làm rõ trong bài viết này.


Tóm tắt tác phẩm: 
(cần thiết cho bài viết, và chắc chắn không làm mất đi tí ti nào sự tuyệt vời của tác phẩm nếu bạn lựa chọn đọc nó)


Crime and Punishment (CAP) kể về cậu sinh viên Nga ngố nghèo nàn và tội ác giết người của mình. Điểm nhấn đặc biệt của tác phẩm là ở cái suy nghĩ chính xác đến hiển nhiên nhưng lại ít được đề cập đến: hầu như tất cả những vị anh hùng, những người thay đổi xã hội và lịch sử, hướng con người đến những thứ tốt đẹp hơn, thực ra lại toàn là những kẻ giết người hàng loạt. Suy nghĩ này dẫn đến việc cậu, tự đánh giá tư duy của mình là sáng suốt và mong muốn đóng góp cho xã hội ở tầm cao nhưng lại gặp khó khăn ở thời điểm đó về tài chính, tìm đến một phương án mà cậu cho là hoàn toàn hợp lý: giết người cướp của. Người cậu chọn để giết là một bà lão già không gia đình sống bằng nghề cho vay nặng lãi, người mà theo cậu là đáng chết. Tuy nhiên, hình phạt đối với tội ác của cậu là sự giằng xé của lương tâm đến suy nhược, và cậu chỉ tìm thấy sự thanh thản sau khi ra đầu thú và đã phải trải nghiệm cuộc sống lưu đày khổ sai vài năm mà thôi. Bởi vì sau cùng, cậu vẫn chỉ là một con người.
Điểm cốt lõi của CAP là sự ảnh hưởng của một tội ác, một hành động mà trước khi thực hiện được cho là hoàn toàn hợp lý với nhân vật, nhưng những hậu quả tâm lý mà anh nhận được thì hoàn toàn trái ngược với cái "hợp lý" giả thiết ban đầu.
Vậy, đâu là cái sai mà nhân vật chính trong truyện đã mắc phải? Hay nói cách khác, câu hỏi ta nên đặt ra cho bản thân mình là:

Nếu trong hoàn cảnh ấy, ta nên dựa vào cái gì để đưa ra quyết định cho mình?



Vậy, điều này có liên quan gì đến Stoicism?
Sau một thời gian khá dài tìm hiểu và thực tập, mình khá tự tin vào hiểu biết của mình về trường phái triết học này (nếu bạn có ý kiến khác xin để lại comment). Có lẽ không sai khi nói rằng tính hợp lý của Stoicism đến từ việc nó lựa chọn cách tiếp cận dễ dàng nhất
Luôn tuân thủ những phẩm cách của con người, dù cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa
Cụ thể hơn, khi 1 Stoic đứng trước hoàn cảnh tương tự như nhân vật trong CAP, điều anh ta nghĩ tới là lời dạy của Epictetus:
Is a brother unjust? Well, preserve your own just relation towards him. Consider not what he does, but what you are to do, to keep your own will in a state conformable to nature. (Epictetus - The Enchiridion)


Lược dịch: "Nhưng nếu anh tôi hại tôi?" Trong hoàn cảnh ấy, hãy cố giữ cho thái độ của bạn là thái độ phù hợp với 1 người em. Đừng quan tâm điều anh ta làm, mà hãy chú trọng đến việc bạn có thể làm để giữ cho thái độ của bạn thuận với tự nhiên (tức là không bao giờ làm hại anh mình)
Và hoàng đế Marcus Aurelius định nghĩa rõ hơn:
Begin the morning by saying to yourself, I shall meet with the busybody, the ungrateful, arrogant, deceitful, envious, unsocial. All these things happen to them by reason of their ignorance of what is good and evil. But I, who have seen the nature of the good that it is beautiful, and of the bad that it is ugly, and the nature of him who does wrong, that it is akin to me, not only of the same blood or seed, but that it participates in the same intelligence and the same portion of the divinity, I can neither be injured by any of them, for no one can fix on me what is ugly, nor can I be angry with my kinsman, nor hate him. For we are made for cooperation, like feet, like hands, like eyelids, like the rows of the upper and lower teeth. To act against one another then is contrary to nature; and it is acting against one another to be vexed and to turn. (MeditationsMarcus Aurelius)


Lược dịch: Hãy bắt đầu mỗi ngày mới bằng việc nói với bản thân mình: "Hôm nay tôi sẽ gặp những người thô lỗ, kiêu ngạo, tráo trở. Tất cả họ đều phạm sai lầm vì không nhận rõ đâu là đúng đâu là sai. Nhưng tôi biết những quy luật của tự nhiên, cái thanh thản khi làm những việc mình cho là phải, và cái lo sợ bất an khi làm điều trái, nên tôi sẽ k cho mình bị ảnh hưởng bởi họ. Nhưng, tôi cũng sẽ không tức giận hay khinh thường, chán ghét họ, những “người thân” của tôi trên thế giới này. Họ với tôi như chân tay, mắt mũi trong cùng 1 cơ thể, chỉ có thể hòa thuận mà k thể chống đối nhau. Vì các bộ phận mà chống đối nhau là trái với tự nhiên".

Điều đó cho thấy, kể cả kẻ kia có là một tên cho vay nặng lãi đê tiện, hay thậm chí một tên sát nhân hàng loạt, theo Stoicism, nó cũng sẽ không làm thay đổi lựa chọn của bạn: giết người sẽ đi ngược lại với phẩm cách của bạn như một con người trong xã hội. Và vì vậy, bạn không hại ai cả, dù người ấy có xấu xa đến thế nào, hay việc bạn lựa chọn không hại người ấy có mang lại hậu quả như thế nào cho xã hội nữa.

Phải, điều bạn đang nghĩ hoàn toàn chính xác nhé. Đặt trong hoàn cảnh ta đang xét, đây là một cách tiếp cận rất ích kỷ (chỉ tập trung giữ những phẩm cách của bản thân, đặc biệt nếu trong trường hợp kẻ đứng trước mặt ta là một kẻ sát nhân hàng loạt sẽ gây thêm nhiều tội ác khác).
Và điều mình muốn nhắn nhủ ở đây là: 

Bất cứ một trường phái nào cũng có những ưu điểm và hạn chế của nó. Vì vậy, mỗi người cần thực sự tư duy để hiểu rõ những hạn chế ấy, đồng thời nghĩ về những hoàn cảnh có thể khiến chính bản thân cảm thấy lung lay về những gì mình tin tưởng.

Tuy nhiên, Stoicism không phải là không có lý lẽ để biện bạch lại đâu nhé. Giả sử trong trường hợp tên giết người hàng loạt, ta có thêm 1 tình tiết mới, đó là những người hắn giết cũng đều là những kẻ giết người (nhưng ta, hoặc có thể cả xã hội không hề biết điều đó). Hay xa xôi hoang tưởng hơn, chính sự xám hối của hắn trong tương lai sẽ khiến hắn hy sinh đời mình để bảo vệ hàng nghìn người trong 1 thảm họa. Nếu điều đó thực sự xảy ra, có lẽ bạn sẽ thấy lựa chọn không giết hắn không còn quá khó khăn để chấp nhận, đúng không?

Thêm 1 ví dụ nữa nhé, ví dụ có thể nói là kinh điển trong khóa học về sự công bằng (Justice) rất nổi tiếng của thầy Michael Sandel ở Harvard:
Giả sử bạn trông thấy 1 đoàn tàu mất lái đang lao thẳng vào 5 người công nhân cuối đường ray. Bạn biết chắc 5 người này không thể thoát được, nhưng có 1 cách là bạn có thể điều chỉnh để đoàn tàu hướng sang 1 hướng khác mà chỉ có 1 người công nhân khác đang làm việc mà thôi. Vậy, bạn sẽ làm thế nào?


Có lẽ phần lớn sẽ coi việc thò tay vào làm tàu chuyển sang giết 1 người là đáp án hiển nhiên, vì cứu 5 người luôn tốt hơn 1 người. Tuy nhiên, nếu ta thêm vào đó 1 giả thiết, như người mà bạn sẽ giết đó là 1 anh hùng, người sẽ cứu cả 1 dân tộc khỏi áp bức, trong khi 5 tên công nhân kia là những kẻ ác, những kẻ giết người. Khi đó, quyết định ta cho là hiển nhiên này sẽ mất đi rất nhiều tính thuyết phục, đúng không? 
Điều đó cho thấy sự thiếu thông tin và sự không chắc chắn của tương lai khiến cho quyết định của bạn, thậm chí là một quyết định bạn cho là hiển nhiên đúng ở thời điểm bạn đưa ra, cũng hoàn toàn có thể mang đến những kết quả xấu. Vì vậy, Stoicism chỉ tập trung vào yếu tố đầu vào, tức là những phẩm cách của bạn mà thôi (vì hiển nhiên đó là điều bạn chắc chắn được). Và đó, theo mình, là một lựa chọn thuận với tự nhiên, dù cho có những tình huống nó sẽ khiến bạn phải tự vấn lương tâm của mình, như trong trường hợp phải để 5 người chết trên đây. 


Kết
Qua bài viết này, mình hy vọng bạn thấy được sự cần thiết của việc suy nghĩ sau khi đọc. Có lẽ không sai khi khẳng định rằng: việc bạn đọc một cuốn sách thượng đẳng, nghe tên thôi đã thấy kinh, không quan trọng bằng việc bạn nghĩ gì sau khi đọc, nó ảnh hưởng thế nào đến những thứ bạn biết, và nó sẽ khiến bạn hành động như thế nào trong những tình huống bạn có thể gặp trong cuộc sống.
Và để kết thúc, xin nhắc lại một lời khuyên mình khá tâm đắc trong cuốn "How to live 24 hour a day" của Arnold Bennett (1 cuốn SELF-HELP hẳn hoi nhé, nhưng mình hoàn toàn tự tin để giới thiệu cho cả thế giới):
Unless you give at least forty-five minutes to careful, fatiguing reflection (it is an awful bore at first) upon what you are reading, your ninety minutes of a night are chiefly wasted. 


Lược dịch: Nếu bạn không dành ít nhất 45 phút để suy nghĩ cẩn thận và cặn kẽ về những gì bạn đọc, thì 90 phút đọc trước đó chỉ là lãng phí mà thôi.

A Dreamer

👉 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỰC HÀNH CÙNG SENECA, BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA BỘ SÁCH NGAY TẠI ĐÂY:

Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)

Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)


Các bài viết khác của tác giả: