Đoàn Dự, Tiêu Phong và Hư Trúc là bộ ba nhân vật chính, ba anh em kết nghĩa trong tác phẩm kiếm hiệp "Thiên Long Bát Bộ" của cố nhà văn Kim Dung. Ngoài việc đem đến một thế giới kiếm hiệp hấp dẫn và thú vị với đủ mọi cung bậc cảm xúc yêu thương, ghen ghét, thù hận, đố kị, vui vẻ, sầu bi thì bộ truyện này còn thấm đẫm một tinh thần Phật giáo. Tinh thần Phật giáo đi theo bộ truyện từ đầu đến cuối, theo chân bộ ba nhân vật chính trên hành trình cứu đời giúp người của họ.Tam độc trong Phật giáo ở đây là Tham, Sân và Si. Trong nội dung của bài viết này, tôi muốn bàn đến mối liên hệ của bộ ba nhân vật chính với tam độc Tham, Sân, Si và hành trình diệt trừ đi tam độc của họ.
Hình tướng của Tam độc trong biểu tưởng bánh xe luân hồi.
Hình tướng của Tam độc trong biểu tưởng bánh xe luân hồi.
Nhân vật chính đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết là Đoàn Dự, được miêu tả là một "anh đồ gàn" không biết võ công nhưng có cái miệng rất lợi hại. Đoàn Dự xuất thân cao quý nhất trong bộ ba nhân vật chính, đó là một vương tôn công tử, cháu ruột của vua nước Đại Lý, gia tộc thừa kế hai trong số những bộ võ công lợi hại trong tác phẩm. Với địa vị đó thì cảm tưởng rằng Đoàn Dự đã có mọi thứ trên đời, từ địa vị, tiền bạc, người tình, võ công, và không còn gì trên đời có thể khiến anh ta thèm muốn. Nhưng trớ trêu thay Đoàn Dự lại là người có sự ham muốn lớn nhất trong bộ ba, qua đó ứng với chữ đầu tiên trong bộ ba tam độc: chữ Tham.
Chữ Tham bắt nguồn từ "Lubh", nghĩa là bám chặt vào hoặt cột lại. Trong trung tâm của bánh xe luân hồi, biểu tượng của chữ Tham là một con chim. Theo định nghĩa, khi giác quan được tiếp xúc với một đối tượng khả ái, đáng ưa thích, thông thường sẽ phát sinh sự luyến ái hay bám víu. Sự Tham của Đoàn Dự trong tác phẩm là sự Tham Ái.
Sự Tham của Đoàn Dự được thể hiện xuyên suốt tác phẩm qua mối quan hệ của anh những người con gái mà anh ta tiếp xúc. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất ở mối tình của anh với Vương Ngữ Yên, một "mỹ nhân trong các mỹ nhân", "thần tiên tỷ tỷ" trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ. Đoàn Dự từ khi gặp Vương Ngữ Yên đã nhất nhất đi theo cô mà không màng đến thế sự, gia đình hay chính bản thân mình. Tuy nhiên, gần như trong suốt cả bộ truyện, Vương Ngữ Yên không hề đáp lại tình cảm của Đoàn Dự, vì cô cũng có ngưòi trong mộng của riêng mình. Đó là lí do khiến Đoàn Dự vô cùng phiền não.
Vậy làm sao để diệt được sự Tham? Theo định nghĩa, không thể nào diệt trừ hoàn toàn được sự Tham. Tuy nhiên, có một trạng thái tinh thần đối lập với Tham, đó là sự buông bỏ. Vào cuối truyện, sau khi năm lần bảy lượt bị Vương Ngữ Yên từ chối, Đoàn Dự đã quyết định buông bỏ mối tình của mình và một lòng mong Vương Ngữ Yên được hạnh phúc. Bằng chứng rõ ràng nhất chính là cuộc nói chuyện của anh với Mộ Dung Phục, người tình trong mộng của Vương Ngữ Yên, ở gần giếng khô. Chính vào lúc này, Đoàn Dự đã vượt qua được chữ Tham, vượt qua được sự bó buộc sở hữu, mà chỉ mong rằng người kia được hạnh phúc. Đáng tiếc rằng Mộ Dung Phục cũng lún sâu vào sự Tham mà không tin lời của cả Đoàn Dự lẫn Vương Ngữ Yên. Sự Tham của Mộ Dung Phục sẽ được nói kĩ hơn vào lần khác. Quay trở lại với Đoàn Dự, khi quyết định buông bỏ, anh lại có được người tình trong vòng tay. Làm việc tốt với tâm không mong cầu, điều đó cũng chính là giáo lý của nhà Phật. Đó là hành trình diệt sự Tham của Đoàn Dự.