Đây là cái bìa sách
Đây là cái bìa sách
Hẳn chúng ta đã quen thuộc với khái niệm lập ngân sách chi tiêu, kiểu như 40% cho các khoản chi tiêu hàng tháng, 10% cho tiết kiệm, 10% cho đầu tư, 10% cho hưởng thụ... Nhưng liệu những điều này có thực sự cần thiết hay là cách tối ưu cho việc quản lý chi tiêu của chúng ta?
Tin ca bn đang đi đâu?
Chúc mừng bạn! Bạn đã có mặt ở thời điểm hiện tại. Việc biết được bao nhiêu tiền đã đi vào và ra khỏi cuộc sống của mình—hôm nay, tuần trước, tháng trước và kể từ khi bạn nhận khoản tiền tiêu vặt đầu tiên—là một thành tựu to lớn, một bước tiến lớn hướng tới trí thông minh tài chính. Tuy nhiên, xét về hành trình mà chương trình này sẽ dẫn bạn đến, bạn mới chỉ bắt đầu. Những nhận thức bạn đã có, dù rõ ràng đến đâu, cũng chỉ là khởi đầu cho những gì đang chờ đợi phía trước.
Để thực hiện bước 1 và bước 2, bạn chỉ cần tin vào lời của các chuyên gia (các tác giả và những người khác đã thành công nhờ chương trình này) rằng việc “đếm” tiền một cách "ám ảnh" này là cần thiết để phá vỡ sự kiểm soát mà tiền bạc đang có đối với cuộc sống của bạn. Cho đến giờ, bạn chỉ cần đặt tên và con số cho những thứ hữu hình như thu nhập, chi tiêu, số dư ngân hàng và tài sản của mình. Tuy nhiên, với bước 3, bạn sẽ cần nhiều nỗ lực hơn từ chính bản thân mình để biến nó thành công. Đây là lúc bạn bắt đầu quá trình đánh giá thông tin mà bạn đã thu thập được.
BẠN CÓ CẦN LẬP NGÂN SÁCH CHI TIÊU KHÔNG?
Cách tiếp cận với tiền bạc này thực chất lại trái ngược với việc lập ngân sách.
Đúng là, lập ngân sách có thể là một công cụ tuyệt vời để "thuần hóa" những khoản chi tiêu ngông cuồng và đưa chúng vào khuôn khổ. Dựa trên thu nhập của bạn, ngân sách giúp bạn lập kế hoạch chi tiêu sao cho mọi thứ được đảm bảo hàng tháng, và bạn không chi tiêu bốc đồng đến mức tiêu hết tiền thuê nhà cho một chiếc váy đẹp hay số tiền dự định để trả các khoản hóa đơn chưa thanh toán vào những cuộc mua sắm đêm muộn. Nhưng ngân sách chỉ là một công cụ lập kế hoạch, trong khi chương trình này là một công cụ để bạn nhận thức về điểm "đủ" của mình. Chương trình này tập trung vào sự độc đáo của bạn thay vì những danh mục ngân sách thông thường với các lời khuyên phổ biến như: nhà ở nên chiếm 25% đến 35% tổng thu nhập, thực phẩm 20%, hoặc chăm sóc sức khỏe 5% đến 10%. Hoặc chỉ tiết kiệm 5% thu nhập và mong đợi rằng vào các khoản an sinh xã hội sẽ bù đắp đủ cho phần còn thiếu. Áp dụng những chuẩn mực này vào cuộc sống có thể sẽ dẫn bạn đến con đường “bình thường”: làm việc từ 9 đến 5 cho đến khi bạn 65 tuổi.
Bạn có thể giống như Justin, người đang dành ra 10 giờ mỗi tuần làm việc nhà để đổi lấy việc có một căn phòng trong nhà của một phụ nữ lớn tuổi. Chẳng có chỗ nào cho điều đó trong một bản ngân sách chi tiêu cả. Justin đang tiết kiệm tiền để mua một chiếc xe cắm trại. Liệu anh ấy có thể xếp khoản đó vào mục nào trong ngân sách? Anh ấy dự định sống trên xe và du lịch khắp nước Mỹ, liên hệ với các chủ nhà couch-surfing để xin một chỗ đậu xe trên đường lái. Ngân sách cho một kỳ nghỉ ư? Nhưng anh ấy cũng dự định viết blog về hành trình và mời các nhà tài trợ ủng hộ. Vậy đó có được xem là thu nhập không? Anh ấy còn muốn học cách tìm kiếm thức ăn tự nhiên và có thể đi săn. Liệu điều đó nên được xếp vào mục thực phẩm? Hay giải trí?
Những danh mục này cho thấy rằng không phải ai cũng có thể nhét cuộc sống đầy ngẫu hứng và phức tạp của mình vào những đường thẳng cứng nhắc của một bảng tính. Không giống như ngân sách, bước 3 trong chương trình này mang lại cho bạn sự tự do trong việc nhìn nhận rõ ràng về tiền bạc mà không phải hy sinh cá tính hay tính sáng tạo của mình.
Thay vì sử dụng các danh mục và tỷ lệ phần trăm tiêu chuẩn để lập kế hoạch chi tiêu, với cách tiếp cận này, bạn sẽ khám phá ra các mô hình của mình từ việc quan sát cách bạn thực sự sử dụng năng lượng sống của mình và tiết lộ mối quan hệ độc đáo của riêng bạn với tiền. Nhận thức này chắc chắn sẽ thay đổi bạn không phải vì một mục tiêu tài chính tùy ý, mà bởi bạn đơn giản là muốn sống một cuộc sống tốt đẹp.
 Hãy nghĩ về nó giống như sự khác biệt giữa ăn kiêng và ăn uống chánh niệm. Với chế độ “ăn kiêng”, bạn áp dụng một công thức vào chế độ ăn uống của mình để đạt được kết quả—giảm cân. Có một loạt các chế độ ăn kiêng khó hiểu ngoài kia, thường hoàn toàn trái ngược nhau, và những người không hài lòng với bản thân sẽ chuyển từ chế độ ăn kiêng này sang chế độ ăn kiêng khác để tìm kiếm sự cứu rỗi khỏi cân nặng dư thừa. Đó là sự thay đổi áp đặt từ bên ngoài vào bên trong.
Với ăn uống chánh niệm, bạn chậm lại và chú ý đến những gì mình thực sự đang đói. Khi thiếu đi sự tự nhận thức này, chúng ta có thể ăn khi cảm thấy mệt mỏi, khát nước hoặc đơn giản là cần một buổi đi bộ dưới ánh nắng. Với ăn uống chánh niệm, bạn cảm nhận hương vị của thức ăn. Vị giác là một cách cơ thể cảm nhận xem thứ mình đang ăn có tốt cho mình hay không. Bạn thường xuyên dừng lại để nhận biết xem cơ thể đã đủ no chưa, và nếu đủ rồi, bạn dừng lại. Đây là một quá trình từ bên trong ra ngoài, được hướng dẫn bởi sự khỏe mạnh và thoải mái của cơ thể, chứ không phải là tuân theo một tiêu chuẩn cứng nhắc nào.
Trong cuốn sách có tên Ăn kiêng không hiệu quả! (Diets Don't Work!) Bob Schwartz đưa ra bốn nguyên tắc để thoát khỏi chế độ ăn kiêng:
1. Hãy ăn khi bạn thực sự đói.
2. Ăn chính xác những gì cơ thể bạn muốn.
3. Ăn từng miếng một cách có ý thức.
4. Dừng lại khi cơ thể bạn đã đủ no.
Rất đơn giản. Tất cả những gì bạn cần làm là tỉnh thức. Tỉnh thức nghĩa là bạn trở nên ý thức được những gì mình đang nghĩ và cảm nhận, ngay khi bạn nghĩ và cảm nhận điều đó. Đó là việc nuôi dưỡng một người quan sát bên trong—người chỉ đơn giản là theo dõi mọi thứ đang diễn ra với một sự chú ý ấm áp, không phán xét, không đánh giá, chỉ tò mò.
Và khi bạn nhận ra mình đang quay lại với những thói quen cũ—ăn uống vì buồn chán, lủi thủi một mình trong bếp, ăn giữa những công việc, tự thưởng cho bản thân sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, hay ăn vì cảm thấy buồn bã, ghen tị hay tức giận—bạn chỉ cần quay lại trạng thái tỉnh thức, bỏ qua bước tự trách và quay về việc quan sát cơn đói, cảm giác no và động cơ của mình. Đơn giản—nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Điều này đòi hỏi bạn phải khám phá và rèn luyện một số “cơ bắp tinh thần” đã bị teo đi do không được sử dụng đúng cách. Bạn cần phải nhận diện cảm giác đói thực sự là gì, cảm giác no ra sao, điều bạn thực sự muốn khác gì với những ham muốn xuất phát từ cảm giác thiếu thốn kéo dài, và cuối cùng, bạn đang ăn gì trong chính khoảnh khắc bạn ăn. Chương trình tài chính này cũng hướng bạn đi theo cùng một con đường như ăn uống chánh niệm:
1. Bạn cần nhận diện và lắng nghe các tín hiệu từ bên trong, thay vì chạy theo những lời khuyên răn bên ngoài hay các ham muốn theo thói quen.
2. Bạn cần quan sát và điều chỉnh các mô hình chi tiêu của mình trong dài hạn, chứ không chỉ tập trung vào những gì bạn chi tiêu trong ngắn hạn.
Đây không phải là việc tuân theo ngân sách của chúng tôi (hay bất kỳ ai khác), với những danh mục và tỷ lệ thu nhập tiêu chuẩn được đề xuất cho từng hạng mục. Đây không phải là việc tự thề thốt vào đầu mỗi tháng rằng bạn sẽ làm tốt hơn. Đây cũng không phải là việc tự trách mình vì đã không làm được. Điều cốt lõi là tự bạn nhận diện được: điều gì là nhu cầu thực sự của mình so với ham muốn, những khoản chi nào thực sự mang lại cho bạn sự thỏa mãn, điều gì đại diện cho “đủ” đối với bạn, và thực tế bạn đang chi tiền vào đâu. Chương trình này dựa trên thực tế của bạn, chứ không phải là một tập hợp các quy tắc chuẩn mực bên ngoài. Vì thế, sự thành công của nó phụ thuộc vào tính trung thực và sự chính trực của chính bạn.
Và đây chính là điểm khác biệt của chương trình này so với hàng chục, thậm chí hàng trăm “công thức” khác về sức khỏe tài chính. Nó dựa trên sự tỉnh thức, sự thỏa mãn và sự lựa chọn, chứ không phải là việc lập ngân sách hay khổ sở cắt giảm chi tiêu.
Bước 3 là lúc bạn bắt đầu rèn luyện những “cơ bắp nhận thức” này. Nếu bạn chưa quen, có thể bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu ban đầu, nhưng thực tế thì không có gì đau đớn khi thực hiện bước này cả. Trái lại, nó còn rất thú vị!
Chú thích:
Couch-surfing: Là một hình thức du lịch tiết kiệm, trong đó khách du lịch ở nhờ nhà người địa phương miễn phí, thường là trên ghế sofa, nệm hoặc một chỗ ngủ đơn giản. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu văn hóa giữa chủ nhà (host) và khách.
-----------------------
Lời nhắn nhủ:
Vì tác phẩm này quá hay nhưng chưa có nhà xuất bản nào mua bản quyền và phát hành bằng tiếng Việt, nên mình đã dịch cuốn sách này để chia sẻ với các bạn đọc là người Việt. Mình hy vọng mọi người sẽ ủng hộ tác giả và nhà xuất bản bằng cách mua một bản ebook tiếng Anh của cuốn sách. Việc này có thể dễ dàng thực hiện qua Google Play Books (link: https://play.google.com/store/books/details/Your_Money_or_Your_Life_9_Steps_to_Transforming_Yo?id=AxxD2jUMB0MC&hl=vi&gl=US) hoặc đặt mua bản in tiếng Anh tại Việt Nam. Mình đã mua một phiên bản của cuốn sách này và nếu bạn thấy nó thú vị mong các bạn cũng làm vậy để ủng hộ tác giả.
Bạn có thể tìm đến với series này của mình tại đây: https://spiderum.com/series/Nemo1810/Tien-cua-ban-hay-Cuoc-cua-ban-j42Bw8CmZ732