/về nhạc, về văn, về liều, về…/
Vì hứng thú với ngành truyền thông nên tôi dành kha khá thời gian nghiên cứu, theo dõi, cập nhật xu hướng và biến động của các vấn...
Vì hứng thú với ngành truyền thông nên tôi dành kha khá thời gian nghiên cứu, theo dõi, cập nhật xu hướng và biến động của các vấn đề xã hội nói chung và giới giải trí nói riêng (văn vở thế đủ rồi, ý tôi là hóng drama). Trong lúc các streamers, nhạc sĩ, ca sĩ mải phân bua, đánh giá, lời qua tiếng lại về chất lượng sản phẩm âm nhạc thì tôi sẽ chỉ nhìn nhận nó dưới góc nhìn của một khán giả và dùng lí luận của một người học văn.
Tôi đã từng nói rất nhiều về chuyện mỗi lần đẩy con chữ của mình ra trước bàn dân thiên hạ, người cầm bút phải cần đến sự dũng cảm lớn ra sao; và cách lòng tự trọng thúc đẩy nhà văn phải luôn thử thách, làm mới chính mình như thế nào. Đó là cảm nhận của một người trực tiếp cầm bút viết, nhưng thực ra cũng là quy luật của nghệ thuật nói chung, không cứ gì văn học.
Nghệ thuật đòi hỏi ở người nghệ sĩ lòng can đảm hay thật ra là liều. Liều lĩnh. Can đảm để đối diện, dấn thân, phá cách, thay đổi và đương đầu (với khán giả, với tác phẩm và nhất là với chính mình). Nỗi sợ là yếu tố luôn thường trực trong người nghệ sĩ. Nó khiến họ mệt mỏi, áp lực, sợ hãi nhưng cũng là nhân tố thúc đẩy người ta cố gắng chạm đến đỉnh cao. Nghệ thuật là một lĩnh vực khắc nghiệt. Ở đó, chỉ có những gì tiệm cận đến xuất sắc mới được ghi nhận, nó không chấp nhận những tác phẩm tầm trung, nhàm nhàm, na ná nhau.
Chắc vì trùng tên nên từ sau khi xem tiết mục của Lâm Bảo Ngọc ở The Voice 2019, tôi đã chú ý theo dõi hoạt động nghệ thuật của chị sau khi chị đạt giải á quân. Các sản phẩm âm nhạc lẫn video cover trên youtube rất ít được chú ý mặc dù chất lượng mv lẫn trình độ thanh nhạc phải nói là đỉnh cao. Tôi cứ nghĩ á quân phải là một bàn đạp lớn để đưa chị đến với khán giả. Nhưng sau khi sức hút tại The Voice hạ nhiệt, người xem cũng dần quên luôn chị là ai. Đây là lựa chọn cá nhân của mỗi người thôi, nhưng nếu thay vì đi theo con đường nghệ thuật âm nhạc phục vụ quân đội, chị đi tìm cho mình một công ty quản lí, ekip hùng hậu, nhạy bén như của Chi Pu hay Amee chẳng hạn, tôi chắc chắn chị sẽ bật lên được. Có thể do ý thức được tài năng của mình và sự xô bồ, bát nháo của giới showbiz ngoài kia nên chị “khoảnh”, chị ứ thèm bước chân vào đấy, chị giữ tài trời này cho người biết trọng cái tài của chị nghe thôi. Nhưng nếu LBN thực sự muốn được khán giả biết đến giọng ca của mình, và muốn với tới đỉnh cao sự nghiệp, có lẽ chị thiếu một chút Liều.
Ngày còn là một người sống tràn đầy lí tưởng (chắc là hồi lớp 9, bây giờ không thế nữa), tôi không hiểu nổi tại sao người ta lại phản đối việc Chi Pu đi hát. Người đẹp đi hát lúc đó không còn là điều gì quá mới, và lí do lớn nhất để tôi ủng hộ Chi Pu là việc chị rất liều lĩnh. Bằng mớ lí thuyết về văn mẫu NLXH trong đầu, tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần có lòng dũng cảm để sẵn sàng đương đầu với làn sóng chỉ trích của dư luận và tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ thành công. Làm việc gì cũng thế cả thôi. Quả thực, so với lúc đó thì ở hiện tại, Chi Pu đã nổi tiếng hơn rất nhiều, nhưng tôi luôn coi Chi Pu là người thành công trong lĩnh vực giải trí, showbiz hơn là một ca sĩ thành danh trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp. Điều ấy cũng giống như việc nhà văn và người viết là hai khái niệm không thể đánh đồng vậy, ấy là còn chưa nói đến việc, nhà văn còn có nhà văm tầm trung, nhà văn kiệt xuất,… Vậy nên không phải cứ cầm bút lên là thành nhà văn, đấy mới chỉ là “người viết” thôi. Thiết nghĩ, để mọi người đỡ nhầm chắc cũng cần thêm khái niệm “người hát” thay vì cứ cầm mic lên thì tự gọi mình là ca sĩ.
Ba năm học lí luận và đủ thứ trên đời đã dạy tôi rằng, nghệ thuật thực ra không phải lĩnh vực chỉ cần dũng cảm là dấn thân vào được, liều là điều kiện đủ, không phải điều kiện cần. Phải nghĩ đến việc: mình có cái gì để mà chơi liều, đánh cược với đời kia. “Cái gì” mà tôi nói đến ở đây chính là tài năng. Không phủ nhận việc nỗ lực, chăm chỉ rèn luyện thì sẽ thành công nhưng nghệ thuật, chất “nghệ” phải xuất phát từ thiên tư, tài năng, cá tính riêng của mỗi nghệ sĩ. Cá tính, phong cách độc đáo sẽ là mỏ meo, neo giữ ấn tượng của họ trong lòng khán giả. Cá tính ban đầu có thể hoang dại, gai góc, như viên ngọc quý bị vùi trong đá nhưng qua mãi giũa, đẽo gọt, thêm chút liều thì sẽ thành viên ngọc tinh. Còn đã là hòn đá thì mài mãi cũng vẫn là đá thôi (cố chấp mài cho lắm khéo còn mòn luôn đi). Lúc ấy có liều cũng vô dụng.
Với tôi, trong nghệ thuật, tài năng là điều kiện cần, liều là điều kiện đủ. Và nghệ thuật không thể chỉ được tạo ra rồi mang đi cất tủ, khóa kín. Nó chỉ thực sự sống khi được đặt giữa cuộc đời, được khán giả tiếp nhận. Khi ấy, lại đòi hỏi thêm ở người nghệ sĩ lương tâm nghề nghiệp, tôn trọng người xem. Không thể nói “tác phẩm là của tôi, tôi thích làm thế nào là quyền của tôi, chịu thì chịu, không chịu thì thôi” được. Khán giả thời nay rất tinh, họ biết đâu là sản phẩm tâm huyết, chất lượng, đâu là “mồi nhử” câu view. Những thứ “sốc”, “độc” đến mức phản cảm, trái khoáy sẽ chỉ khiến người ta chú ý lúc ban đầu. Đến khi quen nhàm rồi thì sẽ lắng dần xuống như quả pháo xịt.
Có ai đó đã từng nói: liều ăn nhiều, không liều thì ăn ít. Nhưng đó là trong thương trường, còn trong lĩnh vực nghệ thuật… Xin lỗi, ở đây chúng tôi không làm thế.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất