CHUYỆN CHƠI ĐÀN (Kỳ 2): LÀM SAO ĐỂ TÌM THẤY ĐƯỢC PHONG CÁCH - CẢM HỨNG CHƠI NHẠC CHO RIÊNG MÌNH
Khi mới chơi đàn/chơi nhạc, phần lớn chúng ta đều háo hức tiếp nhận nhiều thứ thông tin khác nhau, từ những lời rỉ tai rằng "newbie...
Khi mới chơi đàn/chơi nhạc, phần lớn chúng ta đều háo hức tiếp nhận nhiều thứ thông tin khác nhau, từ những lời rỉ tai rằng "newbie thì phải tập bài A, quẩy bài B"; những bức hình khoe lại chiến tích bấm F chặn, những thắc mắc liệu rằng chơi đàn có kiếm được người iu không, hay các ca khúc top trending được hết cô J.F này đến bạn H.L kia cover lại.
Mình liệt kê ra đây không phải có ý cà khịa gì, nhưng nhìn nhận khách quan xem, trong tâm trí của người mới thì cái gì cũng muốn khám phá cả, và một cách vi diệu thay, đây lại là lúc chúng ta dễ sa ngã vào sự nản kèo, cạn kiệt đam mê chơi nhạc hơn bao giờ hết.
Mình liệt kê ra đây không phải có ý cà khịa gì, nhưng nhìn nhận khách quan xem, trong tâm trí của người mới thì cái gì cũng muốn khám phá cả, và một cách vi diệu thay, đây lại là lúc chúng ta dễ sa ngã vào sự nản kèo, cạn kiệt đam mê chơi nhạc hơn bao giờ hết.
Chung quy là một do chữ thôi: "THIẾU". Thiếu định hướng, thiếu trải nghiệm, thiếu cảm hứng, thiếu tinh tế, thiếu kiên nhẫn, thiếu sự dẫn dắt phù hợp.
Tý nữa mình sẽ nói kỹ hơn về từng loại "thiếu" này, nhưng hãy cứ hiểu rằng chúng ta phải tự giải đáp hết những câu hỏi dấy lên từ chính trong lòng chúng ta, rằng bạn/em/anh/chị/mày/cưng muốn cái gì từ việc chơi nhạc? Mọi nguồn thông tin có sẵn (kể cả bài viết này) chỉ có giá trị tham khảo như sách văn mẫu thôi, còn quan trọng nhất phải là chính chúng ta chứ không ai khác. Trong giai đoạn này, đừng bỏ lửng cảm giác âm nhạc của mình để bấm bụng tuân theo những giáo án, những bản nhạc quá tào lao ăn xổi mà chúng tuyệt nhiên không đem lại lợi ích/niềm hứng cảm lâu dài cho chúng ta. Tất nhiên là tập nhạc cụ gì cũng phải lăn lộn hành xác suốt một thời gian dài thì mới khá lên & người học đàn gần như phải trả bài đúng theo giáo trình/chỉ định từ người dạy, nhưng nếu bạn không hề có chút sẵn sàng nào để bằng lòng khổ luyện hay bất cứ sự thấu hiểu/hy vọng nào để cố gắng vượt qua thì ngày bạn rao bán đàn của mình chắc cũng không còn lâu nữa đâu.
Có nhiều người hay nói: nghiệp dư, tập chơi chơi giải trí hữu nghị thôi mà, mắc chi mà phải “có phong cách”? Có phải trở thành nghệ sỹ, vào sâu bít hay đi diễn kiếm tiền đâu mà phải cần phong cách?
Ừ thì, kiếm tiền là chuyện để sau hẵng nói (khi mình đã ngoi ngóp lên làm master rồi), nhưng trước mắt thì bạn sẽ làm gì với cây đàn của bạn đây? Bạn cần phải tập những thứ gì? Làm gì để tiếng đàn mình quánh ra nghe được được? Đến cảnh giới nào thì chúng ta mới cảm thấy đủ? Vì không thấy được hướng đi nào, chúng ta rất dễ sa lầy vào sự hài lòng dù rằng nó vẫn chưa tới đâu cả. Chính vì thế, chúng ta mới cần đến “phong cách”, như là một thứ mục tiêu cụ thể hơn để chúng ta nhìn lên & đi lên, chứ không nhìn xuống & đi xuống. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn tham khảo được một hình mẫu chơi đàn lý tưởng, và hoàn toàn rõ ràng để hướng đến. Quan sát cách họ chơi, thế tay họ xếp, nhạc họ đánh, lời họ khuyên, bài họ tập…hoàn toàn chủ động theo ý muốn của chúng ta. Đừng có tự ti nghĩ rằng mình chỉ đang là “khỉ bắt chước” hay “học vẹt”. Đây là đang trong giai đoạn vỡ lòng đấy, cũng giống như ngày xưa chúng ta tập đọc tập viết theo cô giáo đấy thôi. Phải đạt đến trình độ nào đó thì mới thôi bắt chước được chứ. Nhắc lại, đừng có tự ái mà suy diễn lung tung. Bạn chỉ cần biết: bạn phải tìm mọi cách để khiến mình giỏi lên. Nhạc mình chơi phải tốt thì mình mới tận hưởng được những lợi ích từ việc chơi nhạc mang lại. Tìm được phong cách sẽ giúp bạn giải đáp được câu hỏi: chơi nhạc như thế nào, và tìm được cảm hứng sẽ giúp bạn khẳng định chắc nịch cho câu trả lời của mình.
Rồi thì, mình nói tiếp về các dạng “thiếu”:
1. Thiếu định hướng: cái này vừa là lỗi từ ngoại cảnh, vừa là lỗi của chúng ta nốt. Xin phép tự lấy bản thân làm ví dụ, mình không phải là con nhà nòi – tức không có bố là nhạc công chuyên nghiệp, mẹ là ca sỹ phòng trà, ông hàng xóm là Vinahouse Producer hay có một ca đoàn giáo xứ gần đó để đi học nhạc (ké). Thế giới mình lớn lên là thế giới tỉnh lẻ, mọi khái niệm về nghệ thuật gần như là tròn vo như hột vịt lộn. Ấy thế mà mình vẫn tìm học & chơi đàn phà phà thôi, chẳng vấn đề gì cả. Như một cái bập bênh, ngoại cảnh càng thiếu thốn thì chúng ta càng phải tự thân vận động nhiều hơn. Không ông bà nào định hướng cho ta thì ta tự định hướng thôi. Cụ thể, chúng ta cần “một phương tiện”. Tại thời điểm vừa sang năm 2020 này thì "phương tiện" có mà đầy: Youtube, Soundcloud, Spotify, Itunes, Zing Mp3, NCT…không khó để chúng ta tìm ra được một thể loại âm nhạc vừa vặn với mình & một nghệ sỹ tạo được cảm hứng để mình hướng tới. Cách đây 8 năm (2012), mình biết đến các nghệ sỹ Fingerstyle Guitar như Kotaro Oshio & Sungha Jung, và nghe đi nghe lại những bản Ballad tình cảm của Kotaro-sensei thì đúc kết ra được một điều: đây là cái mình thực sự cần đó! Bằng guitar sẵn có, không cần phải lập band ăn nằm mà vẫn tạo ra được những giai điệu có thể khuây khỏa tâm hồn mình. Năm 2015, mình biết đến K-indie, K-R&B; và bản “Just” của Zion.T ft. Crush giúp mình ngộ ra được sự áp phê kinh khủng từ việc sử dụng hòa âm nâng cao, các tiến trình hợp âm phức tạp để tạo ra những giai điệu mới mẻ, xé bỏ đi lối mòn Canon & 1-bài-4-hợp-âm-cơ-bản mà nhạc Việt cứ nhai tới nhai lui mãi. Để chơi được nhạc của Kotaro Oshio thì ta cần biết gì: học cách Tuning sang hệ dây khác, cách rải dây cho tiếng đàn nghe dịu dàng hơn, Nail attack, Slapping harmonic, Tapping, Palm, các phong cách nhạc chẳng thấy giống nhạc Việt cho lắm, các loại hợp âm mà trước đó chửa bao giờ nghĩ ra được. Để chơi được các hòa âm phức tạp thì ta cần gì: cách lắng nghe nhạc thật kỹ để phân tích được treble – middle – bass, muôn màu các loại hợp âm nâng cao, các cách kết hợp hợp âm, cách jazz/blues hóa một bản nhạc & vài ba trick khác. Không một ai mớm cho mình những thứ này cả vì xung quanh không có ai chơi đàn giống mình, tất cả là do tự mình khám phá hết thôi, nhưng một khi đã nhớ rồi thì sẽ nhớ rất lâu vì đây là sự tiếp thu kiến thức chủ động của bản thân. Sự giác ngộ, đó chính là phong cách rồi đấy. Nào có hoa mỹ đâu nào :v
2. Thiếu trải nghiệm: có bao giờ bạn lại nghĩ rằng mình muốn chơi nhạc mà mình không muốn nghe nhạc không? Nghe cứ như đùa vì đó là điều không ai dám nói ra cả, nhưng nó có thực & nó đã/đang xảy ra ở rất nhiều người. Mình lắm lúc cũng khá choáng váng khi nghe nhiều bạn bán than với mình rằng: “Em chơi đàn chứ em cần biết đến mấy bài top zing là đủ rồi, nghe nhiều có chơi được hết đâu?”, “Chơi bài gì thì nghe bài nấy thôi anh à”, “Nhạc nước khác thì nghe có hiểu gì đâu, nghe làm chi?” Có lẽ mình sẽ không nói về tác hại của lười nghe nhạc đối với người chơi nhạc nữa, nó quá rõ ràng rồi, nên mình muốn tập trung vào việc bảo ban hơn. Ở bài viết kỳ 1, mình đã có khuyên: hãy nghe nhạc với góc độ phân tích của người nhạc công, vì đó là tư duy cần để học hỏi & tạo sự trải nghiệm. Một cách tích cực, ta hãy nên tin rằng việc nghe nhạc chính là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” đó. Mỗi một bài nhạc là học thêm một điều hay, tăng một bài nhạc trong playlist của mình chính là bạn đã tích lũy thêm một phần hữu ích cho thế giới âm nhạc của bạn. Mình khuyên, để nghe nhạc chủ động nhất, bạn hãy tìm/mua nhạc & lưu về máy tính/điện thoại của mình – tức là nghe Offline đó. Chúng ta có thể nghe mọi lúc mọi nơi, vào mọi thời điểm buồn buồn chán chán trong ngày & giản lược bớt các thao tác lên mạng. Còn về việc nên nghe gì/nghe nhạc của ai, mình xin phép để dành cho bài viết tiếp theo với các Recommend Artist do cá nhân mình đúc kết được, nhưng hãy nhớ đến “các phương tiện” đã nói lúc nãy để tối ưu hóa sự tìm kiếm của mình.
3. Thiếu cảm hứng, thiếu tinh tế: cái này chẳng qua là hệ quả của ý (1) & ý (2) thôi, nhưng hãy nhớ: âm nhạc là nghệ thuật, và chơi nhạc cũng là một hoạt động làm ra nghệ thuật. Để được vậy, chúng ta cần duy trì được một mặt bằng cảm xúc & một sự rung cảm nhất định đối với các yếu tố thanh âm. Nếu bạn là một người cộc cằn khô khan & suy nghĩ hời hợt, mình e là con đường chơi nhạc của bạn sẽ chông gai hơn. Muốn “làm mềm” cảm xúc mình ra, chỉ có cách là thay đổi quan điểm & nhận thức, chấp nhận việc mình sến sẩm đa cảm hơn và xem đó là chuyện phình thường của bất kỳ ai yêu mến nghệ thuật. Và mong là bạn đừng có học đòi, bắt chước xài chất kích thích để lên đồng như mấy ông nghệ sỹ sống lỗi ngoài kia vì chúng chỉ là những hoạt chất hóa học gây ức chế lên cơ thể mình trong khoảng thời gian nào đó nên đến hồi hết thuốc thì cục súc vẫn hoàn cục súc mà thôi. Bạn đâu thể xài chúng đến hết cả cuộc đời này được, tiền nào chịu sao nổi 😊 (mấy ông đại gia 3 đời bỏ qua câu này của tui nhé).
4. Thiếu kiên nhẫn: không chỉ âm nhạc, mọi thứ trên cõi đời này đều cần ở chúng ta một chữ “nhẫn”. Việc này không dễ đâu, nhất là với mấy thằng cọc tính & cầu toàn giống như mình. Nhưng mình thấy, ở cái ý (1), nếu đã ngộ ra được chân lý thì vấn đề còn lại chỉ là thời gian thôi. Chúng ta sẽ hăng say lao động nếu chúng ta có một hoài bão để vươn đến, một chân giá trị mà mình sẽ thấy tự hào vì cuộc đời phế vật của mình giờ đã có ý nghĩa. Cái này gọi là “Ikigai” (lẽ sống) thì phải. Bài toán về lý tưởng sống được giải quyết sẽ kéo theo lời giải về sự nhẫn nại. Chúng ta sẽ nhận ra được mình đã kiên trì hơn rất nhiều so với việc đi học trên trường, liếm giày sếp nơi công sở hay đảm trách một vai trò nào đó trong xã hội này.
Mặt khác, chúng ta cũng nên suy xét đến sự xao nhãng – một loại Tuesday khốn kiếp chuyên phá bĩnh sự chuyên tâm của mình. Nếu đã trót chọn chơi nhạc để đầu tư bản thân, mình khuyên các bạn nên tiết chế lại những hoạt động không hề đem đến giá trị tương đồng với các hành vi nghệ thuật. Tóm gọn lại phạm vi hoạt động của mình, tăng cường các khía cạnh có thể bổ trợ cho tâm hồn/thói quen chơi nhạc như đọc sách, học thêm ngoại ngữ, hoặc ít ra là có tý vận động để đầu óc bớt luẩn quẩn lại. Sự thông tuệ sẽ giúp ta gia cố được thêm khả năng tập trung của mình.
5. Thiếu sự dẫn dắt phù hợp: có một số ông tánh kỳ lắm, giữ khư khư kinh nghiệm bí quyết chơi đàn của mình kín bưng như bí mật kinh doanh. OK, giấu thì cứ giấu, nhưng thiết nghĩ chia sẻ & truyền đạt cần phải là một thiên chức sương sương của những thế hệ đi trước. Và vì thế nên mình mới viết ra hết cái đống này (chứ không thì đi ngủ cho khỏe chứ mắc chi phải mệt dzậy :v ). Nếu có dịp chỉ dạy trực tiếp, mình sẽ kèm cặp được sâu sát hơn nhưng phần còn lại nằm ở đằng ấy, trong vai trò người mới, cũng nên chủ động tầm sư học đạo. Tìm một người truyền cảm hứng, khai sáng tư tưởng mà không cần dắt theo bên người cây búa & cái liềm. Phần còn lại là ở các bạn. Đời bạc như vôi, nếu một người cho bạn được những lời khuyên thực sự & giúp bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn của người mới tập, bằng mọi giá hãy trân quý lấy người đó.
Rồi, bài viết cũng dài, nên mình sẽ tóm lại ở các điểm mấu chốt: sự khai thác triệt để các phương tiện lưu trữ/chia sẻ nhạc trên không gian mạng, sự thấu hiểu nhu cầu âm nhạc của bản thân, sự quan sát - học hỏi tiếp thu có chọn lọc & buộc phải trải qua thời gian nhất định để âm nhạc thẩm thấu dần vào trong đầu chúng ta, một người hướng dẫn đàn anh có lương tâm & tấm lòng cao cả xíu xíu. Ai rồi cũng sẽ khác, nhưng phần nhiều sẽ tìm được phong cách âm nhạc đúng đắn phù hợp.
Chúng ta có thể cười khi nghĩ lại về ngày xưa tại sao mình lại nông cạn yếu nhớt thế, nhưng nếu không kịp nhận ra thì làm sao đi tiếp được đến bây giờ, để ta cười toe toét chứ không phải là khóc rấm rứt vì lỡ làng tiếc nuối. Đây là một khía cạnh thiên về tinh thần của người chơi nhạc, ắt sẽ trừu tượng ở một số chỗ, nhưng mong các bạn sẽ hiểu được :)
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất