Tôi đã tính là sẽ biến mất một thời gian, như trong nhiều mối quan hệ trước đây. Cái mường tượng rằng ai đó đang nghĩ “dạo này sao không thấy Tuân”, để rồi một năm sau thấy Tuân “trở lại và lợi hại hơn xưa” luôn làm tôi thích thú. Nhưng những khi tỉnh táo, tôi biết rằng nó thật ấu trĩ. Sao tôi lại nghĩ rằng mọi thứ xoay quanh mình? Hoặc sao tôi lại nghĩ rằng mình quan trọng đến thế với người khác? Sự thật là, tôi chỉ có ý nghĩa với mỗi mình tôi mà thôi. 
“You're doing this because you're scared, like the rest of us, that you don't matter. And you know what? You're right. You don't. It's not important, ok? You're not important. Get used to it.”
(Sam to Riggan Thomson, Birdman, 2014)
Hơn nữa, cái mong muốn mình trở nên quan trọng trong mắt người khác thật là thấm đẫm sự đê tiện vì sự có mặt của tôi xét cho cùng có ích lợi gì cho cuộc đời của người khác đâu mà đòi hỏi họ kỷ niệm 100 năm ngày sinh hay 1000 ngày vắng mặt? Người ta cũng phải có một cuộc đời riêng của người ta để sống, để bận tâm chứ?
'The night we never met' by AikBeng Chia
Nhưng rất không may cho cái ý định ấu trĩ của tôi là trước khi tôi kịp biến mất, cái nơi chốn mà tôi định sẽ làm một cuộc trở lại ấy thậm chí còn bay màu trước cả tôi.
Điều này gây ra một cú sốc nhỏ, vì dù tôi đã trù tính trước chuyện nó sẽ xảy đến nhưng tôi không ngờ rằng nó lại đến sớm như vậy. 
Nhân vật chính của câu chuyện biến mất này không phải là tôi nữa, mà là cái quán quen của tôi. Tôi đã đọc cái bài viết thông báo đóng cửa quán trên fanpage. Man, that’s good. Tự dưng tôi nghĩ tôi mà mở quán, thì tôi sẽ rất mong mỏi cái ngày quán đóng cửa để viết một bài điếu văn thật hay cho nó. Cũng giống như bài phát biểu vào những phút cuối của năm học lớp 12, hay wedding speech của một người bạn thân, một bài viết như vậy ngập những liên hệ đến cái gọi là “ký ức tập thể” và gây ra một xúc động chung, lớn lao hơn cái tôi riêng tư khả ố. Mọi sự chia ly, bế mạc luôn làm tôi thấm thía hơn những buổi tân gia, thôi nôi, hay đám cưới, vốn ngập ngụa mỡ màng và rượu chè phê pha lim dim mắt. Có lẽ người ta nên dành một sự ưu ái hơn cho những kết thúc, băng hoại, hoặc mục ruỗng, thay vì cố lờ nó đi như lờ đi cái tính chất mortality của mình bởi vì chính trong cái trạng thái “lasciate ogni speranza” đó, khi không còn hy vọng nữa, người ta mới tử tế với nhau hơn. Như cái lúc con tàu gãy đổ, mọi người bắn giết xô xát nhau là vì họ còn tham sống lắm. Nhưng những ai thật già, và chấp nhận cái chết, mới ôm hôn nhau, mới ngồi yên và cùng hòa tấu bản Nearer, My God, to Thee.
''Gentlemen, it has been a privilege playing with you tonight.”
Khi trên đời này không còn gì là quan trọng nữa, sống hay chết cũng chỉ như nhau, thì người ta sẽ thành thật và thẳng thắn hơn. “Let the sky fall. When it crumbles, we will stand tall. Face it all together”. Tôi nhớ trong cái buổi tiệc chia tay đó, anh bạn ngồi bên đàn piano cũng đã đàn bản Skyfall.
Nhưng có một suy nghĩ mà tôi muốn thành thật nói ra. Là tôi cảm thấy dường như các vị chủ quán cũng bối rối với chính bài điếu văn của mình. Đó là khi mình rơi vào một trạng thái mâu thuẫn vô cùng, dù biết rõ cái cảm xúc ngây thơ đáng lẽ phải có vào cái thời khắc cáo chung là buồn và khóc, nhưng cùng một lúc vì sự tỉnh táo cần có, hoặc vì những kỷ niệm đáng quên nhưng không thể quên, người ta chỉ biết cười chua chát, thậm chí là cười mỉa mai. Đó là lúc người ta rất vulnerable, nhưng để bản thân không bị tổn thương, họ trở nên cynical, rồi sau đó là lạnh lẽo luôn, như “đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô”.
Chẳng hạn, nếu bà chị tôi mà chết đi, tôi sẽ chẳng biết nên cười hay nên khóc, hỗn độn một cảm xúc kỳ quặc, vì đó là một người chị đã hủy hoại tôi, nhưng cũng chính là một người chị đã từng thương yêu tôi, một người mà tôi không chọn lựa ngay từ đầu nhưng là một người đã gắn bó với tôi quá lâu. Ý tôi là vậy đó.
Tôi thì chỉ là một người khách, một người khách đã “phá sản tình cảm ở tuổi 30”, nói như ông bố trong Call me by your name:
“We rip out so much of ourselves to be cured of things faster than we should that we go bankrupt by the age of thirty and have less to offer each time we start with someone new. But to feel nothing so as not to feel anything - what a waste!” (Andre Aciman, Call me by your name)
Tôi không bị tổn thương vì tôi thường vạch một ranh giới để bản thân có thể dứt ra bất cứ lúc nào một cách không vương vấn. Có lẽ vì không ai dạy cho tôi biết cách thể hiện tình cảm, cũng có thể tôi đã không cố gắng vượt qua sự uy hiếp của tuổi nổi loạn, nên tôi trở nên một người chẳng có gì để cho người khác hết. Ngay cả chính bày viết này, một tribute to my old haunt, cũng chỉ toàn là “me, me, me, me, me”. Mọi bi kịch của tôi đến từ việc tôi không bao giờ cảm thông được những người xung quanh. 28 năm qua, đến cả việc mẹ tôi thích ăn gì, ước mơ gì tôi còn không biết và không có một nhu cầu tự thân mình muốn biết.
Nhưng nói về cảm xúc của tôi, thì chính ở đây tôi đã có những khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi trong quãng đời hiện tại của mình. Nó lặp lại những say sưa tán chuyện với hội bạn thời trung học, một thứ đã không trở lại trong rất nhiều năm. Tôi cảm thấy không bị phán xét, và những ý tưởng của tôi được xem trọng. Nên có thể nói nơi đây với tôi là một therapy session, là một cái support group nơi tôi đến để vục mặt vào ngực của một gã đàn ông bị ung thư tinh hoàn và khóc như trong Fight Club, để tối về có thể ngủ thật ngon.
Nơi này là hội chợ phù hoa của Beelzebub, trên cuộc hành hương của mình tôi dừng lại ghé thăm và ở lì trong 22 tháng liền. Nơi này có đầy đủ những xao nhãng để tôi tạm quên đi nỗi câu thúc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời vốn đã khóa chặt mình vào ngõ cụt nhiều năm trước đó. Ở đây có cà phê và rượu, có âm nhạc và sách, có board game, có drama, có piano, có hồ cá, có nhóm tập làm văn, có trai xinh gái đẹp, có dự án làm tạp chí, có những bữa tiệc với dare pong, có những thứ bé bé dễ thương, và có một cơ số mối quan hệ cần thời gian hủy bỏ. Tôi hay nói đùa với bạn mình, người ta bày ra trò chơi hay lễ hội chỉ là để lấp đầy sự dài rộng của cuộc đời (hình như ở đây có một cuốn sách tên là Lễ hội của sự vô nghĩa, nhưng lễ hội nào mà chẳng vô nghĩa).
Nhưng vanity fair của Beelzebub (Beelzebub được nhắc đến trong bài Bohemian Rhapsody nhỉ, một bài hát cũng hay được mở ở đây), cũng tức là của thế giới này thì vẫn còn tiếp diễn, mãi tiếp diễn, còn vanity fair của tôi sẽ khép lại trong một tuần nữa. Sự chấm dứt này đồng nghĩa với việc tôi sẽ không có nơi để cảm thấy được “trở về” ở thành phố người điên này. Sau 8 tiếng làm việc và 30 phút kẹt xe nóng bức, rồi tôi sẽ lại lang thang tà tà dọc kênh Nhiêu Lộc để cơn gió mát thổi vào gương mặt bám bụi của mình, thi thoảng tự tưởng tượng ra đám tang của người thân rồi khóc trên xe máy, cho đến khi tìm thấy một quán cà phê không đến nỗi tệ để bước vào. Tất cả chỉ là một sự lặp lại những gì đã diễn ra 5 năm trước.
“Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những quán không. Bàn im hơi bên ghế ngồi. Ngày đi đêm tới, đã vắng bóng người”.
Tôi cũng muốn gửi đến vanity fair của tôi một lời tạm biệt. Tất nhiên với một kẻ như tôi, lời tạm biệt này chính yếu là gửi đến chính tôi của một quãng đời tuổi trẻ, của 22 tháng từ giữa năm 2019 đến hôm nay. Kỷ niệm ơi cứ yên tâm vì tôi bị một lời nguyền là không bao giờ có thể quên được cái gì, dù là nhỏ nhặt nhất (aka chấp nhặt và thù dai). Nên những gì đã diễn ra ở đây sẽ chẳng đi đâu hết, chúng vẫn chỉ ở trong tôi, và chỉ một kích hoạt tinh vi nào đó, như một bản nhạc hay một mùi hương, tất cả sẽ trở lại trong lòng mắt. Bây giờ thì, tạm biệt!

17.03.21