Trong bài trước, có bạn comment vào rằng, mình nghe nói cuộc sống này là sự chờ đợi cái chết.

Tôi định comment phản bác, nhưng chợt nhận ra bản thân câu đó không có ý nghĩa gì cả. Chờ đợi thì sao? Chết thì sao? Câu đó chẳng phải một câu nói tiêu cực hay một câu cảm thán, nó chỉ là một câu nhận xét. Nước thì ướt, Giáo hoàng là người Công giáo. Kiểu vậy.

Chờ đợi thì sao nhỉ? Có lẽ sự tiêu cực khi tôi mới đọc comment này đến từ việc chẳng ai thích chờ đợi. Chờ đợi chứng tỏ một sự bất lực trước hoàn cảnh, mình không thể làm gì nên mình mới phải chờ. Các vị vua luôn khiến bề tôi, sứ giả nước bé phải chờ đợi. Barthes nói, việc khiến người ta chờ là việc thể hiện quyền lực cổ đại nhất nhì. Việc giam giữ tù nhân, đối với tù nhân đó, cốt yếu mà nói chính là bắt họ chờ đợi sự tự do, chờ đợi được hoà nhập với cộng đồng. Quyền lực này giờ lại thể hiện trên song sắt nhà tù, song sắt của sự chờ. Trong cuộc sống, ta xếp hàng chờ người đi trước tính tiền. Ta chờ con cá cắn câu. Ta chờ giờ kiểm tra một tiết. Ta chờ dòng tắc đường lúc 16 giờ chiều. Ta chờ người ta yêu.

Camus nói về chàng Sisyphus, ngày ngày phải đẩy tảng đá lên đỉnh núi. Số phận đó chắc là tệ, nhưng tôi luôn thấy thương cho số phận của Damocles hơn. Damocles trở thành vua trong một ngày, nhưng trong ngày đó, trên đầu ông luôn có một thanh gươm treo bằng sợi lông con ngựa. Sợi chỉ có thể đứt bất cứ lúc nào, và dù tận hưởng được bao nhiêu đặc quyền của vị vua, Damocles luôn sống trong sự chờ đợi và sợ hãi. Damocles luôn trong trạng thái chờ chết.
Nhìn vào sự chờ như vậy, ta có thể thấy nó toàn những đau buồn và tiêu cực. Nhưng, xung quanh sự chờ đợi luôn có gì đó khác. Chúng ta thường không phải lúc nào cũng chờ đợi và chỉ chờ đợi. Khi chờ trong tù, ta hối cải hoặc lập kế hoạch tương lai. Khi chờ trong đám tắc đường, chúng ta hát thầm một bản nhạc. Khi chờ con cá cắn câu, ta thả lòng mình vào nước. Khi xếp hàng chờ, ta lướt điện thoại. Khi chờ người ta yêu, ta khấp khởi nhìn thế giới bằng những cảm nhận rất khác. Trời hôm nay xám xám đẹp, tiếng trẻ con bi bô nói và tiếng điều hoà ru ru chạy nghe cũng hay hơn. Sự chờ tự nhiên vui vui.

Chờ đợi, cuối cùng có lẽ chỉ là một khái niệm. Đương nhiên là chúng ta đang chờ chết. Ai chẳng chờ chết! Nhưng, nói như vậy cũng chỉ bằng việc nói, như Georg Simmel so sánh, cuộc đời là một chuyến phiêu lưu. Và chuyến phiêu lưu thì nghe hay hơn sự chờ đợi nhiều! Vì vậy, thật khó để mà nghĩ việc chờ chết là một cái gì đó quá đáng vui hay đáng buồn. Khó mà có thể nhận xét một khái niệm là tốt hay xấu trong chính nó. Nó chỉ là chờ thôi.

Cái gì xảy ra cuối cùng ở sự chờ nhỉ? Cái đấy mới quan trọng chứ! Sự chờ sẽ thật tệ nếu ta biết trước mình sẽ bị điểm kém hay mình bị đuổi việc. Sự chờ sẽ thật là vui nếu ta biết ta sắp gặp gia đình sau chục năm xa cách và chỉ còn vài giờ nữa là tới. Sự chờ sẽ thật là bất ngờ nếu người ta yêu quý chạy lại ôm chầm ta từ phía sau.
Ngày 30 Tết, tôi chờ bạn trên Xofa. Chúng tôi lên đấy gọi hai cốc nước rẻ nhất, ngồi chờ giờ trôi, tính tiền rồi chờ thanh toán. Nghe thật là nhạt nhẽo. Nhưng những câu chuyện trong lúc chờ, về Chờ đợi Godot, về Kant và Deleuze, về tương lai, về năm mới... thật là tuyệt. Nếu được làm lại, tôi vẫn sẽ chờ như vậy.


Hôm nay, tôi viết bài này khi đang chờ.