Đã từ lâu, suy nghĩ tích cực một là một quan điểm sống được sự ủng hộ của rất nhiều người, thậm chí giờ đây khi mình tìm kiếm với từ khóa “suy nghĩ tích cực”, mình sẽ thấy một loạt bài viết bàn về “abc cách/xyz bước để suy nghĩ tích cực” (thậm chí có cả wikihow), nhiều đến nỗi, hình như người ta chẳng bận tâm đến việc tại sao mình lại nên làm như thế nữa. Trong một xã hội hiện đại và rối ren, suy nghĩ tích cực được coi là chìa khóa dẫn dắt ta đến một tương lai tươi sáng.
Với tư cách là một người suy nghĩ không mấy tích cực (tự nhận), mình cũng phải đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, mình nghĩ chúng ta nên có cái nhìn rộng lượng hơn về sự tiêu cực trong cuộc sống. Tích cực hay tiêu cực, đều là những mảnh ghép cần thiết trong suy nghĩ, vận dụng chúng như thế nào sao cho đúng, mới là thứ chúng ta cần quan tâm.
90318278_654941818669575_273123730631163904_o.jpg

Không phải ai cũng phù hợp với những suy nghĩ tích cực như bạn nghĩ.

Khi nói đến tích cực và tiêu cực, cơ bản ta có thể nhìn thấy hai loại người đáng quan tâm: những người suy nghĩ tích cực kiểu chiến lược (strategic optimists) và những người suy nghĩ tiêu cực dạng đề phòng (defensive pessimists). Tích cực chiến lược là khi bạn nghĩ tới viễn cảnh tuyệt vời nhất và lấy đó làm cơ sở lên kế hoạch, đường đi nước bước để đi đến viễn cảnh đó. Trong khi ấy, tiêu cực đề phòng tức là bạn sẽ luôn tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Phần lớn mọi người đều cho rằng nhưng người tích cực chiến lược sẽ thành công hơn trong cuộc sống, nhưng những nghiên cứu tâm lý học hành vi lại chỉ ra điều đó chỉ đúng một phần. Trong cuốn The Positive Power of Negative Thinking, tác giả Julie Norem và Nancy Cantor qua các thí nghiệm, cho rằng có rất nhiều người biến những lo âu, căng thẳng thành động lực để hành động và đạt được những kết quả cao. Trong một thí nghiệm, Norem cho những người tham gia thực hiện hai viễn cảnh hành động và so sánh mức độ ảnh hưởng của điều kiện tâm lý đến khả năng thành công của hành động đó. Cụ thể hơn, những người tham gia sẽ thực hiện ném phi tiêu, nhưng trước khi ném, họ được yêu cầu: nghe một đoạn âm thanh được cho là làm thoải mái đầu óc, hoặc tưởng tượng ra những vị trí mà mình có thể ném trượt. Kết quả là, việc nghe âm thanh thư giãn giúp những người suy nghĩ tích cực tăng độ chính xác đến 30%, còn việc nghĩ đến viễn cảnh không may đem đến thêm cho những người suy nghĩ bi quan 30% cường hóa. Mặc dù có nhiều bằng chứng chỉ ra những suy nghĩ lạc quan có thể giúp tăng cường khả năng sáng tạo và năng lượng của não bộ, nhưng điều đó không có nghĩa điều gì trong cuộc sống cũng cần đến hai yếu tố này. Thậm chí trong nhiều trường hợp, chính những suy nghĩ tích cực lại khiến bạn thui chột mất khả năng. Nếu bạn muốn làm hư một người tiêu cực dạng đề phòng, cách đơn giản nhất là làm người đó vui vẻ và thoải mái, Norem nhận xét. Trong một thí nghiệm khác, một bài kiểm tra đòi hỏi sự tập trung và chính xác được đặt ra, những chuyên gia vờ như khảo sát thông tin cá nhân, bảng điểm đại học của người tham gia và cố tình nói với họ: “Dựa vào những gì tôi thấy ở bạn, tôi nghĩ bạn sẽ làm rất tốt trong bài kiểm tra này”. Kết quả là, những lời động viên ấy có thể giúp những người suy nghĩ tích cực chiến lược tăng 14% số điểm, trong khi lại làm hủy hoại 29% số điểm của những người bi quan. Hóa ra, mối quan hệ tích cực – tiêu cực với hành động con người không phải lúc nào cũng tuyến tính. Bạn cứ tưởng tượng khi bạn là một người không hay đặt mục tiêu quá cao trong cuộc sống, và bạn sống ổn với những kết quả đó, đột nhiên có người khác đặt ra một kì vọng lớn cùng những chỉ tiêu (hoặc ít nhất là họ khiến cho bạn nghĩ như vậy), điều đó sẽ làm bạn bị áp lực và nhiều khả năng chất lượng của kết quả cũng sẽ giảm dần.
Phải hiểu rằng, mỗi người trong chúng ta đều trải qua một quá trình trưởng thành với môi trường khác nhau, từ đó hình thành nên bản tính và lối sống riêng biệt. Những người suy nghĩ tiêu cực đôi khi bởi nó xuất phát từ bên trong con người họ, chứ không phải là họ chọn làm như thế. Điều tốt nhất ta có thể làm để giúp những người hay suy nghi bi quan là cùng họ suy ngẫm và nhận thức rõ được tính cách của họ, từ đó tìm ra cách ứng xử phù hợp, tối ưu hóa sự phát triển của bản thân. Vậy nên chớ có lúc nào cũng chăm chăm câu cửa miệng rằng “hãy suy nghĩ tích cực lên” và lấy đó làm lời khuyên một cách bừa bãi bạn nhé.

Tích cực cũng nên ở mức vừa phải thôi.

Những người theo chủ nghĩa tích cực đôi khi mắc phải thói quen lạm dụng sự tích cực vào mọi vấn đề, bất kể là chủ quan hay khách quan. Cách họ đánh giá sai thực tế khiến mọi sự việc và vấn đề bị “đơn giản hóa”, dẫn tới những quyết định đưa ra thường là vội vàng. Mình quan sát thì thấy chuyện này thường xảy ra với những người không phải trực tiếp chịu hậu quả cho quyết định của họ, hoặc phải rất lâu sau họ mới có cơ hội nhìn lại những hậu quả ấy. Một người luôn chỉ nghĩ đến những viễn cảnh tích cực, đôi khi rơi vào cái bẫy tưởng như mọi thứ đang trong tầm kiểm soát trong khi sự thật lại là không. Họ có xu hướng bỏ qua những điểm bất ổn để tránh phải suy tư, muộn phiền. “Đen thôi, đỏ quên đi” là câu cửa miệng quen thuộc của những người kiểu ấy. Mình nghĩ là số lượng người suy nghĩ như vậy mà thành công trong cuộc sống chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Suy nghĩ tích cực quá mức cũng khiến cho người ta mất đi động lực để cải thiện chính họ. Khi bạn đặt ra một mục tiêu nào đó, nói thì thường dễ hơn làm phải không? Đã bao nhiêu lần bạn đăng lên mạng xã hội rằng bạn sẽ quyết tâm chạy bộ để giảm cân, tập thể dục buổi sáng, hay lấy lại thói quen đọc sách của mình? Bỏ qua những đứa bạn thân sẵn sàng quả quyết “để tao chống mắt lên coi mày kéo dài được bao lâu”, thì hầu hết hẳn sẽ là một loạt lời bình luận động viên, thậm chí là khen ngợi, nếu bạn là người có nhiều mối quan hệ xã hội tốt. Luôn nghĩ đến những viễn cảnh tươi sáng, mình tạm gọi là “dương tính” với những ánh hào quang, dễ khiến ta bị đắm chìm trong ảo vọng, và kết quả là sự thỏa mãn ấy làm họ đánh mất sự kiên định cần thiết để hoàn thành được mục tiêu của mình.
Nhớ lại, mỗi lần có dịp đến những nơi chùa chiền (thường là đi cùng gia đình trong dịp đầu năm, lễ Tết), không biết mọi người hay cầu nguyện điều chi, nhưng mình thì thường là sau khi cầu an lành may mắn cho những người thân thiết, điều duy nhất mình cầu xin cho bản thân là đạt được những thành tựu xứng đáng với công sức của mình. Từ nhỏ mình đã có suy nghĩ như vậy, để không bao giờ rơi vào trạnh thái lạc quan thái quá và luôn ý thức được mình cần phải cố gắng ra sao để cuộc đời mình tốt đẹp hơn.
Để có cái nhìn sâu hơn về mặt trái của chủ nghĩa tích cực, xin mời đọc bài post của Trà Kha trên Spiderum (thực ra mình thấy nhiều quan điểm của bài này hơi có phần thái quá).

Sự tiêu cực cũng có cái giá của nó.

Mình là một nhà khoa học máy tính (computer scientist), người ta gọi những người như mình là những con mọt sách bi quan (và cả hồ nghi). Khi xử lý một vấn đề, bọn mình có thói quen chỉ ra những viễn cảnh tồi tệ nhất. Có thể bạn không biết, thực ra điều này lại rất có ý nghĩa trong ngành công nghệ thông tin, thậm chí được liệt vào danh sách những phẩm chất cần có của một kĩ sư hàng đầu. Một phần mềm càng được coi là tốt khi nó bao quát và xử lý được càng nhiều tình huống xấu có thể xảy đến. Cũng như chơi cờ vậy, để giành được chiến thắng, quan trọng nhất là có thể nhìn được những nước đi của địch thủ mà có thể khiến mình thua. Chỉ cần bạn hiểu rõ về bản thân, trên đời này luôn có chỗ cho bạn thuộc về. Nếu suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn thành công trong nhiều lĩnh vực, thì suy nghĩ tiêu cực cũng sẽ đem đến những điều tương tự như vậy thôi. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình những người thể hiện rằng họ không bao giờ lo lắng lại có hiệu suất công việc kém hơn những người thi thoảng lại làm như vậy. Một CEO luôn lạc quan không thể dẫn dắt công ty đi lên mà không cần tới một cánh tay phải (có thể là CTO, CFO), biết cách nhìn nhận ra những hạn chế, những viễn cảnh không may để chuẩn bị và đưa ra điều chỉnh kịp thời [*]. Một người chưa bao giờ nghĩ tới thất bại sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đột nhiên phải nếm mật nằm gai. Một người không trân trọng những giây phút buồn đau sẽ không bao giờ thấm thía ý nghĩa của niềm vui và hạnh phúc. Theo quan điểm của Phật Giáo, mọi thứ hiện hữu trên thế gian này đều có hai mặt trái ngược: phải và trái, thấp và cao, thất bại và thành công, lạc quan và bi lụy. Cuộc đời sẽ trọn vẹn khi ta tìm được điểm cân đối giữa những thái cực này. Lần tới khi bạn vấp ngã, cứ ngồi yên đó mà suy nghĩ, phản tư, chớ có vội vàng đứng dậy chỉ để tỏ ra mạnh mẽ với ai, bạn nhé.
7dfa0993e8d3018d58c2.jpg

Tích cực, tiêu cực và Chủ nghĩa Khắc Kỷ (stoicism).

Mình muốn kết lại bằng việc phân tích cách áp dụng suy nghĩ tích cực, tiêu cực trong cuộc sống dựa trên Chủ nghĩa khắc kỷ (CNKK), một trường phái triết học được khai sinh ở Athens khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. CNKK hướng đến việc rèn luyện tinh thần con người sao cho cứng rắn và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những nỗi đau và áp lực trong cuộc sống. Theo quan điểm của CNKK, sở dĩ ta đau khổ là vì ta đã chọn sai cách trong việc nhận định các vấn đề, để tiến tới hạnh phúc, chúng ta cần sống hòa hợp với bản chất con người và những thứ xung quanh.
CNKK chia phân vùng cuộc sống theo ba khía cạnh:
  • Những gì ta có thể kiểm soát (hành động và suy nghĩ của bản thân)
  • Những điều ta không thể kiểm soát (những yếu tố tự nhiên và hành động của người khác)
  • Những gì ta có thể kiểm soát một phần (những công việc có sự tham gia của người khác)
Với cách chia như vậy, mình thấy rằng, với những gì ta không thể kiểm soát, tốt nhất là nên tìm đến những suy nghĩ tích cực, bởi nó sẽ giúp ta vực dậy tinh thần và hồi phục nhanh chóng hơn. Những suy nghĩ tích cực khi đó sẽ khiến ta có cái nhìn mạch lạc, rõ ràng và thanh thản hơn về sự mất mát, trong khi những suy nghĩ bi quan sẽ dìm ta xuống vũng lầy tâm lý của sự khổ đau, bất hạnh. Nhẹ thì khiến sự phát triển của bản thân bị trì trệ, nặng thì có thể dẫn tới trầm cảm, tự kết liễu cuộc sống của chính mình. Tiếp theo, với những gì ta có thể kiểm soát, tốt nhất là vận dụng nhiều hơn những suy nghĩ bi quan. Lí do là bởi vì có thể kiểm soát, ta dễ rơi vào cạm bẫy của sự tự cao, lạc quan thái quá và phớt lờ những hiểm họa tiềm tàng. Cuối cùng, với những gì ta có thể kiếm soát một phần, những công việc có sự tham gia của người khác, điều ta nên làm nhất là lên một kế hoạch thật chỉn chu. Để làm đươc việc đó, bạn cần tư duy theo theo cả hai hướng lạc quan và tiêu cực. Vì có sự tham gia nhiều người, gần như chắc chắn rằng sẽ có những tình huống không như ý bạn. Một sự chuẩn bị trước (ít nhất là về tinh thần) sẽ giúp bạn rất rất nhiều. Trong khi đó, suy nghĩ lạc quan sẽ đem đến sự tin tưởng cần thiết giữa các cá nhân để có thể cùng nhau hợp tác và đạt được kết quả cao.
1-5.jpg

Tóm lại, tích cực hay tiêu cực, ở hai cực thái quá của chúng, đều không hề tốt. Chúng ta nên cẩn thận và sáng suốt khi gán nhãn bản thân hay người khác trong vấn đề này. Người tích cực là người biết vận dụng cả sự tiêu cực, kẻ bi quan là kẻ đánh mất đi sự lạc quan. Đôi khi tích cực hay tiêu cực, không đơn giản chỉ là lựa chọn trong cuộc sống. Hiểu rõ mối liên hệ của bản thân và thế giới mới thực sự là chìa khóa dẫn tới thành công.
Nhiều ý tưởng trong bài này được mình xây dựng từ nội dung của các bài viết dưới đây:
  1. https://www.psychologytoday.com/us/blog/give-and-take/201310/the-positive-power-negative-thinking
  2. https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=3E4043
  3. https://vietcetera.com/vi-sao-hay-suy-nghi-tich-cuc-la-mot-loi-khuyen-phan-tac-dung/
  4. https://vietcetera.com/khac-ky-stoicism-la-gi-tai-sao-no-giup-ban-song-tot-hon/