Vị buồn
Đôi lời: Dạo này tôi chán viết chuyên môn, thèm viết văn. Nhưng viết văn thì cũng vẫn đang dang dở vài mẩu. Có bản thảo cuốn sách,...
Đôi lời: Dạo này tôi chán viết chuyên môn, thèm viết văn. Nhưng viết văn thì cũng vẫn đang dang dở vài mẩu. Có bản thảo cuốn sách, bạn tôi làm biên tập gửi đi vài nơi trong năm nay, chúng nó bắt sửa. Tôi bảo "dí *** vào mà sửa". Xong lại hối hận không biết may có thằng nào nghe thấy đời xuất bản coi như đi tong. Nhưng vẫn có hứng thú cho người khác đọc. Nên thi thoảng tôi sẽ lấy một cái gì đó trong bản thảo đó ra, vứt lên đây. Chẳng may có ai biết tôi trước đây mà đọc rồi thì bỏ qua đi, nhé.
*
Thực ra nếu có ai đó hỏi tôi rằng nỗi buồn có vị gì, thì tôi sẽ nói rằng nó nhạt toẹt. Nó chả có cái vị mẹ gì cả. Bất cứ thứ gì có vị đều thú vị, nhưng nỗi buồn thì không. Mới buồn bạn có thể thấy nó đắng, nó cay, nó đè nặng lồng ngực, nó khó nuốt ở cổ, nó đưa bạn lên cao xuống thấp, nó khiến bạn nằm im một chỗ, nó khiến bạn không muốn gặp ai cả, vân vân và vân vân, nhưng lâu dần, nó chẳng khiến bạn cảm thấy cái gì cả ngoài một sự trống rỗng. Một sự trống rỗng dường như là vô tận, lại dường như là thoảng qua.
Tôi không thích nỗi buồn. Có điên mới thích. Mà, không biết buồn thì sẽ điên. Người điên có buồn bao giờ đâu. Người điên có cái thế giới sặc sỡ chim muông, hoặc rùng rợn ma quỷ, hoặc huyễn hoặc linh tinh gì đó, nhưng ở đó không có nỗi buồn. Đừng hỏi tôi vì sao tôi biết, bởi vì tôi cũng chẳng biết là vì sao tôi biết, tôi chỉ có cái cảm giác là nó như thế thôi, giống như kiểu giác quan thứ sáu vậy.
Nếu như ai đó khóc lóc, vật lộn, quằn quại, giằng xé, tôi sẽ nói rằng họ đau khổ. Bạn phải dùng từ chính xác để thể hiện một trạng thái tình cảm, nếu không người ta sẽ khó mà giao tiếp với bạn được. Ngược lại cũng vậy. Nếu như ai đó âm ỷ, chịu đựng, cắn môi, tấm tức, tôi sẽ nói rằng họ phiền muộn. Đến đây khoan hãy giở từ điển ra để phản bác, hãy cứ chấp nhận nó đi, có như vậy chúng ta mới có thể nói chuyện với nhau được. Tiếp tục nhé. Nếu như có ai đó mất đi một người, hay một vật trân quý nào đó, hay vì đột nhiên thấy lạc lõng giữa dòng đời chộn rộn, hay tự dưng thấy thế sự ngổn ngang, ta có đau đớn, rầu rĩ, tang thương...
Ô hay, vậy nỗi buồn là gì? Chẳng phải tất cả những thứ trên đều khiến ta buồn hay sao? Tại sao ông này lại lắm chuyện vậy, thừa chữ à?
Tất nhiên, ngoài việc thừa chữ, thì câu trả lời cho cái câu hỏi "Chẳng phải tất cả..." chính là "đúng rồi, nó là tất cả những thứ đấy, nhưng đồng thời cũng không phải là những thứ đấy".
Ô hay, sao lằng nhằng thế, dễ hiểu hơn được không? Gì mà là tất cả những đồng thời cũng không phải là tất cả?
Xin thưa, nó là khởi nguyên, nó là nguồn cội, nhưng nó không đến cái mức đau khổ, phiền muộn, đau đớn, rầu rĩ, tang thương... Nó là hạt, chứ không phải mầm. Nó là gốc, chứ không phải cành. Nó là nguồn, chứ không phải sông suối. Nó mênh mang và từ đó nó tỏa nhánh, phát triển, chia năm sẻ bảy, vươn xa hơn, cao hơn, trở thành những thứ với mức độ làm tâm trạng con người ta tụt xuống sâu hơn, làm tâm hồn con người ta rơi vào vùng đen tối hơn, khiến người ta xa cách hơn, đại loại là những thứ gì khiến tự dưng nụ cười của bạn tắt ngấm và thay vào đó là chau mày, nhăn mặt, nước mắt ngắn dài, và lặp lại một số hành động ở đoạn trên.
Có một ông nhà văn nào đó, hoặc một đám viết lách nào đó, sáng tạo ra cái cụm "nỗi buồn mênh mang". Và ngoài việc ông nhà văn này hay đám viết lách này lười quá thể, thì đúng là không có cụm nào nhanh gọn mà lại chính xác vậy.
Đúng rồi đấy, nó mênh mang, thênh thang, chơi vơi đâu đó, chứ chẳng hề rõ ràng để mà ta phân biệt. Ta buồn đôi khi vì một thứ, ta buồn đôi khi vì rất nhiều thứ. Một thứ thì nó gợi trong lòng, rồi nó lớn lên, rồi nó phát triển, rồi nó thành những cái như đau khổ, phiền muộn, đau đớn, rầu rĩ, tang thương... Nhiều thứ, thì có khi kết hợp hai ba thứ. Ví dụ như là ai đó thân thuộc qua đời và hôm nay hết tiền mua sữa cho con, thì thành đau khổ đi kèm với phiền muộn. Ví dụ như là đất nước xã hội chủ nghĩa giờ người với người còn tệ hơn người với chó đi kèm với vấn đề thưởng tết năm nay mất thì có tang thương kết hợp với rầu rĩ. Và khi tất cả mọi thứ khiến con người ta đang ở mũi voi xuống dưới đuôi chó, thì chỉ có thể nói là "buồn" mà thôi.
Tất nhiên nhiều người chả có lắm chữ với thừa thời gian đến thế để đi mà lý giải những cái việc này. Nhưng họ cảm được đấy. Họ biết đấy. Như là có ai đó nói rằng nỗi buồn "thoảng qua trong mắt". Hay như có ai đó thấy họ cười "mà như không cười". Như là có ai đó nói với ai đó "làm gì như chết rồi thế". Có ai đó hỏi họ vì sao, thì họ sẽ bối rối. Nếu như nỗi buồn nhỏ khiến họ như vậy, họ bối rối bởi không biết phải nói với người đối diện rằng nỗi buồn của họ tiến triển thành đau khổ, phiền muộn, rầu rĩ, tang thương như thế nào. Nếu như nỗi buồn của họ lớn, họ bối rối bởi lắm lúc chính họ không hiểu được vì sao mình lại có cái nỗi buồn to lớn như thế. Họ chỉ cảm thấy như có một con sóng, hoặc là một tảng đá, hoặc dễ hiểu hơn là một chiếc xe tải đâm sầm vào cái tâm hồn đầy hương đầy hoa của họ, khiến cho mọi thứ tan nát mà họ không hiểu là thắng khốn nạn nào lái cái xe tải đấy, hay lịch âm thế đếu nào nay lại có sóng thần, hoặc mẹ kiếp thằng nào phá núi trên đầu ông?
Nhưng mọi thứ không thể cứ tan tành mãi thế được. Tâm hồn con người ta sau một thời gian hết thằng này thằng kia, việc này việc kia, vào xé ra, thì việc họ khâu lại ngày càng nhanh hơn. Họ có thể bất ngờ lúc đầu, họ có thể hơi bàng hoàng đôi chút, nhưng rồi với cái bản năng sinh tồn vĩ đại và (có phần) khốn nạn mà tổ tiên ông bà, hay bố mẹ của họ ban cho, họ sẽ, ban đầu là cặm cụi, sau đó là nhanh chóng, cuối cùng là thành thạo, tự chắp vá được cái tâm hồn của mình. Để "nỗi buồn thoảng qua trong mắt", để "cười như không cười", để "như chết rồi", mà sau đó vẫn cứ bình thường như chẳng có việc gì xảy ra. Đố mà biết được đó là nỗi buồn nhỏ, hay nỗi buồn to. Đó ai mà biết được, ngoại trừ chính những người đang buồn?
Mẹ tôi vẫn hay kể, lần đầu tiên thấy tôi buồn, buồn lắm là khi nhà mổ lợn, tôi cứ không cho mà rằng: "Nhìn thương lắm, sao lại giết nó". Đấy là mẹ tôi kể. Còn lần đầu tiên tôi cảm thấy nỗi buồn là khi bị cho về ngoại một mình, cưới dì, đêm nằm thút thít. Sau đó thì bố ai mà nhớ được. Nhưng tôi biết, tôi buồn lắm lúc vì tôi thương, thương cái gì thì ngẫu nhiên lắm, và tôi buồn lắm lúc là vì tự dưng cảm thấy một mình đâu đó. Lớn lên rồi thì thêm nhiều thứ khiến cho nỗi buồn nó phát triển thành những cái ở trên nói kia kìa. Hoặc là tất cả. Như là lúc ngồi một mình trong một căn hộ đâu đó với tàn thuốc rơi, cứ rơi, mỗi một tư thế, mỗi một hành động là đưa điếu thuốc lên môi rồi hạ xuống, năm phút mà như cả đời người, miệng không có vị, đầu không suy nghĩ, tay chân chẳng cảm thấy điều gì. NHẠT. Nhạt vô cùng, chỉ đến khi điếu thuốc cháy vào tay mới giật mình thoát khỏi cái vị nhạt đó.
Hay là tư lự. Nghĩ rất nhiều, rồi chẳng nghĩ gì cả, rồi cứ thế mà ngồi nhìn ra phía trước, chẳng quan tâm phía trước có gì. Là hồ, là đường, là người, là cây rụng lá, là... cái gì đó thì cũng như không thấy gì cả. Rồi đột nhiên chuông điện thoại reo, rồi nhún vai, cười khẩy một cái và quay lại với nhịp sống hàng ngày. Ngay lúc đấy tôi không nghĩ là tôi sống. Sống theo nghĩa cảm nhận, chứ không phải sống theo cái nghĩa tim đập chân tay hoạt động.
Nhưng chính vậy, chính vì những cái khoảnh khắc như vậy, mà tôi biết rằng mình đang sống. Gì chứ, phải biết nhạt, mới biết mặn ngọt chua cay như thế nào. Cơ bản thôi, mà liệu có mấy ai hiểu được?
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất