suy nghĩ, mật độ khái niệm và khoảng hở
Giả thuyết Để bắt đầu, xin các bạn hình dung ra 3 tình huống giả thuyết như sau: Cùng một vấn đề, bạn lần lượt giải thích bằng...
Giả thuyết
Để bắt đầu, xin các bạn hình dung ra 3 tình huống giả thuyết như sau:
Cùng một vấn đề, bạn lần lượt giải thích bằng tiếng Việt, tiếng Anh và sau cùng là tiếng … Nhật và có thể phải trả lời một số câu hỏi về vấn đề đó nữa :)
Mức độ trôi chẩy của từng lần giải thích sẽ là khác nhau đúng không. Thường thì cùng một vấn ta sẽ giải thích trôi chẩy nhất bằng tiếng mẹ đẻ, trôi chẩy nhì bằng tiếng Anh và kém trôi chẩy nhất bằng một thứ tiếng mới học/ không biết. Vì sao?
Có rất nhiều phương án trả lời nhưng tôi tạm đặt ra giả thiết: Khi ta nói tiếng Việt, nói dễ vì các từ để nói rất sẵn, chúng cứ thoải mái mọc ra trong đầu. Khi đề cập đến vấn đề quen thuộc, các keyword lập tức hiện ra sẵn sàng trong đầu sau đó ta chỉ việc sắp xếp chúng lại theo ngữ pháp và cách biểu cảm tiếng Việt, một việc mà chúng ta rất quen làm, tức là mọi thứ diễn ra theo chu trình giả thiết sau:
0.chủ đề >> 1.keywords xuất hiện >> 2.các phương án sắp xếp xuất hiện >> 3. phát ngôn
Nếu ta nói tiếng Anh, độ trôi chẩy giảm xuống. Các keyword có thể ít hơn và cần thời gian lâu hơn để chúng xuất hiện. Khi chúng xuất hiện rồi thì tiếp theo các phương án sắp xếp (cách diễn đạt) cũng mất thời gian hơn mới hình thành trong tâm trí, đòi hỏi người nói ngoại ngữ phải luyện tập đi luyện tập lại thành thói quen mới có thể nói trôi chẩy, còn với 1 thứ tiếng mới học, như tiếng Nhật chẳng hạn thì chuyện gì xẩy ra ở bước 1, 2 trong sơ đồ trên bạn có thể tự đoán được đấy :) .
II) Khái niệm và mật độ
Tôi suy nghĩ thế này: Trong giao tiếp, như chu trình nêu ở trên, ta có bước 1. keywords xuất hiện. Khai triển khái quát ra, không chỉ giao tiếp, mọi tình huống trong công việc, trong đời sống cũng tương tự như thế. Khi ta đứng trước một tình huống công việc, một loạt khả năng có thể xuất hiện trong đầu ta dưới dạng các nhóm keywords. Khi nhìn đồng hồ hay xem lịch, lập tức ta nghĩ “đến giờ …. rồi”. Khi nghe một câu nói, lập tức ta có sự suy xét trong đầu xem có cần phản ứng gì không? … Điều tương tự xẩy ra khi ta xem một bức ảnh, nhìn một vật dụng …., bất cứ khi nào chúng ta chú ý đến một kích thích giác quan nào đó, các keywords lập tức xuất hiện.
Vậy keywords ở đây là cái gì? Tôi nhìn nhận keywords là các khái niệm. Chúng có thể là bất kỳ khái niệm nào. Khái niệm mới, cũ, mơ hồ, mạch lạc, vừa mới học, sắp quên hoặc từ xa xưa hiện về …. Mọi loại khái niệm. Để tiện, từ giờ tôi xin phép diễn đạt lại chu trình ở phần trên với “khái niệm” như sau:
0. chủ đề (kích thích giác quan và sự chú ý) >> 1. các khái niệm xuất hiện >> 2. các hệ thống khái niệm xuất hiện >> 3. lời nói hay hành động xuất hiện ...
Với “khái niệm” trong chu trình trên, tiếp theo tôi hình dung về “mật độ khái niệm” như sau. Vì 0. (tiếng Anh gọi là novelty) là luôn có nên các khái niệm luôn sinh ra (có lẽ trừ lúc ta ngủ sâu), chỉ có lúc sinh ra nhiều, liên tục hay lúc (các khái niệm) sinh ra ít hơn, thưa hơn (lúc ta nghỉ ngơi hoặc lúc không buồn làm gì cả). Thế thì sự khác biệt giữa các tình huống (nghe nhìn ngửi …) có thể biểu hiện ra bằng các “mật độ khái niệm” khác nhau. Với những tình huống đơn giản như đánh răng rửa mặt …, tâm trí ta sẽ có mật độ khái niệm thấp và với những tình huống phức tạp như có xung đột, mâu thuẫn, đối ứng khách hàng …. tâm trí ta sẽ ở mức mật độ khái niệm cao hơn.
Một ứng dụng nho nhỏ của mật độ khái niệm, như tôi đã từng mô tả, là ta có thể hiểu thêm một chút cơ chế của tình cảm. Một cách khái quát, nếu có 2 người, người nào khiến mật độ khái niệm của ta tăng cao hơn (khi ta nhìn, nghe thấy họ hay khi có ai đó nhắc về họ), chúng ta sẽ thấy họ đáng ghét/ đáng yêu hơn người còn lại :) . Cá nhân tôi thì tự khám phá ra rằng cứ mỗi lần đi siêu thị tôi lại thấy căng thẳng hơn bình thường vì … nhiều hàng hoá, nhiều kích thích giác quan quá :)
Những điều trên đây thực ra đã được quan sát từ lâu và nếu chỉ có vậy tôi đã không viết bài này. Thực tế tôi đã không có ý định viết cho đến khi sơ đồ khái quát ở dưới bỗng nẩy ra:
Sơ đồ trên biểu diễn (giả thuyết) sự kết hợp của các tình huống có thể và các mức độ cao thấp có thể của Mật độ tâm trí với 4 vùng và ý nghĩa của từng vùng:
- Vùng 1: Mật độ khái niệm thấp hơn mức mà tình huống yêu cầu
Ở vùng này, giả dụ như tình huống cố gắng giải thích/ trả lời câu hỏi bằng tiếng Nhật trong khi chưa thuộc hết mặt chữ, mật độ Khái niệm thấp hơn hẳn mức độ cần thiết nên kết quả là ta Không giao tiếp hay làm việc được - Vùng 2: Mật độ khái niệm trong khoảng mức mà tình huống yêu cầu
Khi ở vùng này, chúng ta giao tiếp, làm việc, giải quyết vấn đề, học tập và hoạt động bình thường - Vùng 3: Mật độ khái niệm hơi cao hơn mức mà tình huống yêu cầu
Khi ta hay thường suy nghĩ lan man về những chuyện đã hoặc sẽ xẩy ra, làm một việc nhưng nghĩ trăm việc hay suy diễn tình huống quá mức, mật độ khái niệm trong tâm trí thường xuyên ở mức cao hơn mức mà tình huống hiện tại đòi hỏi. Đây là lúc các hội chứng lo nghĩ, mất ngủ …. xuất hiện - Vùng 4: Mật độ khái niệm thường xuyên tăng cao mất kiểm soát
Nếu từ vùng 3 ta không xuống được vùng 2, có thể ta sẽ tiến đến mức này. Mọi thứ đều trở nên đáng sợ vì chỉ một cái nhìn, chỉ một câu nói cũng có thể khiến hàng triệu khái niệm và khả năng xuất hiện trong đầu. Mật độ khái niệm tăng cực cao nhấn chìm khả năng suy nghĩ mạch lạc thông thường và đầu óc chúng ta tê liệt trước những tình huống đơn giản nhất, kể cả đi xe máy ra ngoài đường hay đi siêu thị. Khi đau buồn tột độ hoặc hân hoan tột độ, cuộc đời có thể trở nên giống như những thước phim trôi qua trước mắt ta mà ta không phản ứng gì hoặc phản ứng hoàn toàn “không bình thường”. Chỉ có hai khả năng chờ đợi ta ở vùng nguy hiểm này: hoặc là trầm cảm hoặc là chân tay mồm miệng hoạt động loạn xạ
III) Suy nghĩ và Khoảng hở
Xin chú thích một chút sơ đồ ở trên. Sơ đồ này không định nói rằng chúng ta thường xuyên ở một vùng nào cố định, ví dụ vùng 2 (hoạt động bình thường) chẳng hạn. Tôi cho rằng trong ngày chúng ta có thể di chuyển giữa các vùng và cũng có thể gặp một vài rắc rối liên quan đến việc di chuyển này. Lấy ví dụ buổi tối của một ngày thứ 6 làm việc hưng phấn, chúng ta cảm thấy “đầy năng lượng” khiến chúng ta không muốn đi ngủ hoặc đi nằm nhưng không ngủ được. Khi ta muốn ngủ mà không ngủ được, đây là rắc rối liên quan đến việc di chuyển từ vùng 2 (hoạt động) xuống vùng 1 (nghỉ ngơi) do mật độ khái niệm vì một lý do nào đó bị neo ở vùng 2 và không chịu đi xuống. Dù sao và dù muộn thì sau đó chúng ta sẽ đi ngủ cho đến sáng thứ 7 hôm sau. Và mặc dù cuối tuần có rất nhiều hoạt động để làm: đi chơi đâu đó, giải trí gì đó … nhưng chúng ta vẫn lần khân không muốn dậy. Vì một lý do nào đó chúng ta trù trừ. Phải chăng do đang quen với mật độ khái niệm ở vùng 1 (nghỉ ngơi), nhưng vì không bị thúc bách với các cam kết và trách nhiệm như ngày thường nên chúng ta trù trừ ra vùng đó khỏi đó. Chưa sẵn sàng để deal với mức mật độ khái niệm cao hơn hẳn của vùng 2 (hoạt động) khiến chúng ta tạm thời trì hoãn bằng cách nán lại trên giường, chờ đợi một điều gì đó, một sự kiện gì đó sẽ giúp tự động nâng mật độ khái niệm của chúng ta lên :)
Đến đây, xin tóm tắt lại các giả định như sau:
- Tâm trí của chúng ta luôn mang năng lượng, gọi đó là năng lượng tâm trí (mind - energy)
- Khi năng lượng tâm trí tiếp xúc với các tình huống (thông qua kích thích giác quan - novelty), suy nghĩ phát sinh
- Bản chất của suy nghĩ là sự chuyển đổi từ Năng lượng tâm trí thành các Khái niệm và tiếp tục là các Hệ thống khái niệm. Quá trình chuyển đổi này là quá trình khái niệm hoá (conceptualization)
- Ở một thời điểm bất kỳ, tâm trí ở một trạng thái có Mật độ khái niệm nhất định
- Trong vài trường hợp, Mật độ khái niệm của tâm trí có thể tăng cao đến mức dọa mất kiểm soát hoặc mất kiểm soát (vùng 3 và 4 của sơ đồ ở phần trên)
Nếu là người thuộc vùng 3 đồng thời nhận thức được hiểm họa của vùng 4 trong sơ đồ ở phần II :), ta sẽ tự nhiên có quan tâm đến các kỹ thuật tâm trí. Với bảng tóm tắt các giả định trên, các kỹ thuật này có thể phân ra mấy nhóm:
- さ) các kỹ thuật khiến ngăn chặn hoặc làm chậm lại quá trình conceptualization
- り) các kỹ thuật giúp bình quân hoá/ phân tán năng lượng tâm trí ra nhiều tiêu điểm khác nhau, mỗi topic một ít
- と) các kỹ thuật giúp đảo ngược conceptualization, tức là kỹ thuật deconceptualization. Có một kỹ thuật rất hay được giới thiệu trong phần cuối của bài viết xuất sắc này của anh Trà Kha, dưới tên gọi "tắt đi chức năng ngôn ngữ" )
* ngoài ra cũng có thể các bạn sẽ đặt câu hỏi vì sao ko có loại kỹ thuật khiến làm mất hẳn quá trình conceptualization, trên lý thuyết loại kỹ thuật đó chắc hẳn phải tồn tại. Đó thực ra là câu hỏi rất khó, vì bản chất tại sao quá trình conceptualization này lại xẩy ra, cơ chế của suy nghĩ là gì?… vẫn là một bí ẩn lớn mà theo hiểu biết cá nhân tôi thì khoa học hiện tại chưa có mô tả rõ ràng, thậm chí kể cả khi tham khảo các quyển sách mà bạn bè tôi gọi là “nguỵ khoa học” thì tôi cũng chưa tìm thấy câu trả lời
Và một kỹ thuật mới khác mà tôi giới thiệu ở đây thì có lẽ thuộc về một nhóm hơi khác:
- て) kỹ thuật giúp tạm thời làm giảm mật độ khái niệm
Để tìm hiểu kỹ thuật đó, chúng ta phải xem lại bản thân các Khái niệm. Các khái niệm thường có đặc tính là biểu diễn được. Phổ biến nhất là biểu diễn bằng ngôn từ, hình ảnh, rồi đến biểu diễn bằng âm thanh hay mùi vị … Chính từ khả năng này mà ta có một gợi ý: Rằng các khái niệm là rời rạc. Cho dù chúng xuất hiện liên tục, cho dù chúng quấn quít ràng rịt với nhau như thế nào thì chúng vẫn rời rạc, và cho dù rất khó nhưng chúng ta vẫn có thể gỡ chúng ra thành các khái niệm riêng biệt như gỡ một nút chỉ rối. Giống như một bức ảnh, dù “thật” đến đâu khi zoom in hết cỡ ta vẫn thấy có các điểm ảnh, dù có vẻ liên tục thế nào thì giữa các khái niệm (và vì thế, giữa các suy nghĩ), vẫn có khoảng trống, vẫn có kẽ hở. Kỹ thuật mà tôi đang nói đến lợi dụng các kẽ hở này, vì thế tôi gọi nó là kỹ thuật Khoảng hở :)
Gần đây khi đọc cuốn "Creativity Inc." nổi tiếng, tôi tìm thấy một đoạn thú vị ở đó tác giả nói rằng những người học cách vẽ đồ vật thường vẽ tốt hơn, giống hơn khi họ chú ý đến các khoảng không. Họ vẽ tốt hơn khi thực sự quan sát đồ vật mẫu chứ không vẽ đơn thuần từ hình ảnh cái bàn cái ghế trong đầu mình. Khi vẽ trực tiếp từ khái niệm "cái ghế" chẳng hạn thì kết quả là một vật méo mó/ không cân đối, còn khi người vẽ thực sự quan sát khoảng không gian xung quanh cái ghế và ở giữa các chân ghế, giữa các tay ghế, khi đó mật độ khái niệm liên quan đến "cái ghế" trong đầu họ bằng cách nào đó giảm xuống, đồng nghĩa với khoảng hở giữa các khái niệm tăng lên. Và từ khoảng hở được quan sát ở bên ngoài cũng như khoảng hở bên trong tâm trí ấy, cái ghế được vẽ ra giống hơn, thật hơn !
Vậy ta cũng có thể làm như thế. Thay vì nhìn xung quanh, nhìn mọi người bằng cách nhìn quen thuộc, bằng khái niệm quen thuộc, hãy thử nhìn khác đi một tẹo. Thay vì nhìn mọi người, hãy để ý khoảng trống giữa họ, hãy để ý khoảng trống giữa các ngón tay, khoảng hở giữa các tờ giấy. Thay vì nghe âm thanh, hãy cảm nhận khoảng hở giữa các âm thanh như là khoảng âm giữa hai tiếng tích tắc của kim giây đồng hồ vậy. Khi nghe một bài phát biểu dài và mệt, thử tập trung vào khoảng hở giữa các câu, các từ ta nghe thấy. Ở bên trong, thử lặp lại một từ gì đó trong đầu và nhận ra khoảng hở của tâm trí giữa hai lần từ đó được lặp lại. Tìm ra khoảng hở ở bên ngoài, ở bên trong và tận hưởng các khoảng hở ấy.
III) Khoảng hở và khái niệm
Phải thú thực rằng tôi cũng mới chiêm nghiệm về kỹ thuật “Khoảng hở” này chưa được bao lâu và vẫn còn mò mẫm lắm. Để tìm ra và tận hưởng khoảng hở, kỹ thuật này cần có đối tượng để theo dõi.
Nếu bạn đã từng đọc sách về các kỹ thuật tâm trí như Search inside yourself, Lời nói dối vĩ đại của não … điều hiển nhiên là theo dõi hơi thở là kỹ thuật được tất cả các quyển sách này giới thiệu và hướng dẫn. Nhưng với cá nhân tôi, việc cố gắng làm theo các hướng dẫn này thật vô ích. Thậm chí tôi không thể theo dõi được hơi thở liên tục trong vòng 2 phút chẳng hạn.
Khi thử chọn đối tượng theo dõi là khoảng hở giữa các hơi thở, thật kỳ lạ là tôi làm lại làm được. Tại sao khi theo dõi hơi thở thì không được mà khi đổi ra theo dõi khoảng hở giữa các hơi thở thì tôi lại làm được? Tôi cũng không biết nữa! Thật kỳ lạ nhưng đó là sự thật. Trùng hợp một cách ngẫu nhiên là giờ tôi ngủ ngon hơn, bớt lo hơn. Và nếu quả thực những kỹ thuật này phát huy tác dụng thì:
Những khoảng đồ thị sụt xuống trong sơ đồ trên chính là những lúc mà một tâm trí dầy đặc suy nghĩ tận hưởng được khoảng hở giữa các khái niệm.
Và có thể đôi khi khoảng hở xuất hiện không phải do ta chủ động đi tìm kiếm. Khi một điều kỳ diệu xảy ra, các nhân chứng không biết nói gì. Khi những ông bố và bà mẹ ngắm nhìn đứa con lần đầu tiên, họ không thể thốt ra lời. Không có khái niệm nào nẩy ra trong đầu họ cho những tình huống đó!
Đó là khoảnh khắc mở toác ra đầy bất ngờ của khoảng hở.
“Vượt xa ngoài ý nghĩ của chúng ta về đúng và sai, có một cánh đồng. Tôi sẽ gặp bạn tại đó. Khi tâm hồn nằm xuống thảm cỏ, thế giới quá đầy ngập để nói về. Ý tưởng, ngôn ngữ, thậm chí cả cụm từ ‘lẫn nhau’ đều không còn ý nghĩa gì nữa.”— thơ J. U. Rumi —
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất