Các bạn đã bao giờ thắc mắc, tại sao đa phần các bài viết nổi bật nhất trên Spiderum đều đem đến sự khích lệ lớn lao chưa? Hết gương thành công, rồi nghị lực vượt hoàn cảnh khó khăn, cho tới yêu đương cũng "sapiosexual", hoặc những kiến thức, lề lối tư duy vi diệu mà người thủ đắc chúng ắt hẳn sẽ có tương lai hơn người...
Đó là vì lúc ta vui, lúc ta phấn chấn, thì ta đâu có suy nghĩ gì đâu!
Niềm vui thì rất dễ trao nhau, dễ gây ấn tượng, nhưng nỗi buồn thì lại mang tính cách rất riêng tư và ý nhị, có khi lại chất chứa những nỗi niềm đáng xa lánh; thế nên nếu viết về nỗi buồn mà không thật chân thành, không phơi bày trần trụi cái dễ tổn thương của một người ra, thì thật khó mà gây được sự chú ý, chứ chưa nói tới việc tìm được sự đồng cảm.
Thành ra, mình nghĩ, nỗi buồn có khi là người thầy còn tốt hơn cả sự thật cuộc sống nữa...
Vì sự thật cuộc sống (vốn chỉ tồn tại trong cách nhìn chủ quan của ta) có thể lừa dối ta một cách dễ dàng bằng những lời giải thích tài tình, truyền động lực gây ảo tưởng, hoặc bằng những sự giải trí, thỏa mãn nhất thời. Khi mọi sự đều ổn, thì có vấn đề gì đâu?
Nhưng chính nỗi buồn, nó mới không lừa dối ta; nó là sự báo hiệu của cơ thể và tâm trí cho ta biết có điều gì đó đang sai lầm, và thiếu thốn trong đời sống chúng ta.
Và cũng bởi nỗi buồn không lừa dối ta, nên nó rất cần được ta hiểu, chứ không phải là dán nhãn, mạt sát nó là xấu xí, tiêu cực, là kẻ thù, rồi muốn dập tắt tiêu diệt nó, cuối cùng làm ta cứ mãi sợ hãi, xa lánh nó.
Mà muốn hiểu, thì ta phải thật sự kiên nhẫn mới được.
Đó là lý do, mình hy vọng rằng, bạn đọc cũng sẽ kiên nhẫn với bài viết khá dài này.

Đọc thêm:

Thái độ tiếp cận vấn đề của bài viết
Như tựa đề, bài viết sẽ viết về cái Tôi, và sự cô đơn.
Viết về cô đơn khó chỗ, sẽ thật vô ích nếu cứ cố gắng giải thích cho thật khách quan và thuyết phục; bởi mọi sự cô đơn được cân-đong-đo-đếm, được trung-bình-cộng trở thành "theo nghiên cứu của các nhà khoa học" với những oxytocin, dopamine, serotonin, dolphin,... thì hẳn đều sẽ rất khác so với nỗi cô đơn đầy tính riêng tư và độc nhất của mỗi chúng ta đây.
Thế thì, mình có thể nói điều gì? Và điều gì là không thể?
Hóa ra, nếu viết về cô đơn "một cách khách quan" thì cái "khách quan" đó đã xa rời cái cô đơn của mình mất rồi.
Thành ra, mình nghĩ tốt nhất vẫn là hãy cứ kể về hành trình vừa qua của chính mình trong việc đối diện và tìm hiểu sâu hơn về sự cô đơn của bản thân; và đương trong cái hành trình đó thì mình cũng đã có được một số phát hiện và trải nghiệm đáng khích lệ. Thế nên bài viết này sẽ là lời tâm sự của mình với mọi người, và coi xem liệu cuộc trò chuyện đây của chúng ta có lóe lên tia sáng nào chăng?
...

Cái Tôi và sự cô đơn


Nighthawks - Edward Hopper

Đọc thêm:

Trước nhất, hẳn sẽ là không hợp lý nếu nói về nỗi cô đơn mà không nói về thứ chứa đựng và làm chất liệu cho nó: tâm trí chúng ta.
Và để bắt đầu, mình xin kể lại một câu chuyện ngắn có thể là thuộc hạng kỳ lạ nhất trên thế gian này:

"Một con thú tiếp cận một con khác, phát ra vài âm thanh, và con kia tự đi đoạt mạng mình."

Câu chuyện trên đã chỉ ra một điểm đặc biệt quan trọng của loài người chúng ta, cùng tất cả những hệ quả do nó mang lại: ý thức về cái Tôi.
Ta nhận lầm ta là cái Tôi, và khi cái Tôi chết, ta đã chủ động tự đoạt mạng mình một cách đầy ý thức.
Còn nếu không tự tử - vốn là hành vi tự hủy hoại mang tính cực đoan cuối cùng, thì cũng chính cơ cấu đó của cái Tôi đã kèm theo rất nhiều hệ quả là các cảm xúc tiêu cực, mà cô đơn chỉ là một trong số chúng.
Vậy nên, nhận thức về cái Tôi sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc tìm hiểu nỗi cô đơn nói riêng và tất cả các cảm xúc khác nói chung. 
Và phần đầu của bài viết, mình sẽ bàn về cái Tôi.
...

Phần 1. Cái Tôi


Một trong những hình ảnh mang tính triết lý mà mình thích nhất, đó là hình ảnh một đứa bé đang xây lâu đài cát trên bãi biển.
LuAnn

Đọc thêm:

Đây là hình ảnh mang tính biểu tượng, xuất hiện ở mọi nền văn hóa, mọi dân tộc: một đứa trẻ chơi đùa một mình trong niềm hoan hỉ vô tư. Như một con mèo con vậy.
Thông thường, một đứa trẻ dù tụ tập chơi với bạn bè, hay chơi một mình, thì cũng đều tràn đầy niềm vui cả. Có khi trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, thì đứa trẻ cũng vẫn có khả năng quên hết mọi sự và chìm đắm một mình trong thế giới tưởng tượng của nó.
Mộ đom đóm - Ghibli
Thế nhưng, những người lớn chúng ta đây, thì lại có vấn đề, đó là cả lúc một mình, lẫn lúc nhiều mình, thì ta vẫn có thể cảm thấy cô đơn.
Đó là vì chúng ta đã hình thành, và dính mắc với cái Tôi, với cái hình ảnh mà ta xây dựng cho mình; và thế giới tâm trí ta, cùng với rất nhiều niềm vui và nỗi buồn, hầu như đều phụ thuộc vào cái Tôi cả.
Và trong bài viết này, mình sẽ dùng nhiều hình ảnh đứa trẻ vô tưngười lớn dính mắc cái Tôi để làm nổi bật vấn đề của chúng ta.
Lưu ý: Con nít ở đây mình nói chung chung, không xét tới những trẻ đặc biệt bị bạo hành lâu dài, hoặc thiếu thốn những nhu cầu cơ bản về tâm sinh lý.

1.1. Khái quát định nghĩa

Cái tôi, hình ảnh, căn cước, bản ngã,... (self, image, identity, ego,...)
Sẽ rất khó để định nghĩa cho rốt ráo cái Tôi được, vì các nhà triết học, phân tâm học còn cãi nhau chưa xong nữa mà!
Thế nên, để cho sự thông đạt của chúng ta được thuận lợi hơn, thì mình sẽ gọi khái quát những cái Tôi, Hình ảnh, Căn cước, Bản ngã... tất cả chúng, đều gói gọn lại là cách bạn nhìn nhận bạn trong mối quan hệ giữa bạn với xã hội, cả trong vô thức lẫn hữu thức. 
Và ở bài viết này mình sẽ dùng chữ "cái Tôi" để đại diện cho cách nhìn nhận ấy, trong lối nói thông dụng "những người thành công thường có cái Tôi lớn".
Cái Tôi được hình thành bởi tổng hòa của những danh từ, tính từ, cảm xúc, câu chuyện, kinh nghiệm, thói quen, tính cách... Một số thì cho rằng nó không rõ ràng, và hoàn toàn có thể bỏ một phát luôn kiểu như "cái gì nắm được thì cũng buông được"; số khác thì lại coi cái Tôi có hình tướng rõ ràng, có thể đặt tên, chia chẻ ra rồi giải quyết từng phần, kiểu nhà phân tâm học sẽ đào sâu ký ức, giấc mơ bạn để lôi ra và giải quyết một cái ẩn ức thuở ấu thơ chẳng hạn.
Mình thì nghĩ rằng, ta hoàn toàn có thể có lối tiếp cận cái Tôi trực quan hơn, đó là bằng quan sát thực nghiệm bản thân trong cuộc sống, kết hợp tham khảo thêm kinh nghiệm của người khác, mà mình sẽ diễn giải rõ ra thêm ở các phần tiếp theo.

1.2. Tại sao lại có cái Tôi?

Loài người là một loài mang tính xã hội. Do vậy, điều chắc chắn là ta cần sự giao tiếp, kết nối với người khác.
Ở buổi đầu của nhân loại, thì chúng ta vẫn còn sống bản năng, sơ khai, cái Tôi lúc đấy chưa thật sự rõ ràng và cũng không cần thiết lắm. Lúc đó chúng ta hoàn toàn không thể truyền đạt với nhau cái ý này: "thằng Khột Khẹt hôm qua trượt vỏ chuối bên bờ suối mắc cười lắm các mày ơi, haha"; mà chúng ta cơ bản chỉ là nhận diện nhau một cách tự nhiên như các cá thể động vật trong bầy đàn nhận diện nhau trên kênh Animal Planet thôi.
Nhưng qua thời gian, cùng với sự xuất hiện và hình thành của ngôn ngữ, chữ viết, văn minh, thì các cá thể cũng dần phải đóng các vai trò, hành vi phức tạp hơn, đòi hỏi kết nối con người ở quy mô lớn hơn như: nông nghiệp, chiến tranh, vương quốc, thị trường toàn cầu hóa,... và điều đó khiến cho sự giao tiếp trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Đó là lý do những danh từ như luật sư, lính tráng, công dân, quý tộc, nô lệ... xuất hiện cùng với nền văn minh. Và kèm theo với danh từ là các tính từ để đánh giá tính chất và giá trị của cá thể, ví dụ "công dân tốt". Danh từ và tính từ đó thì thường kèm theo rất nhiều cảm xúc, kinh nghiệm, thói quen, văn hóa, truyền thống...
Và để giao tiếp với người khác ở mức độ phức tạp như vậy, thì bạn cần có cái Tôi để cả bạn và người khác dù cho không quen biết thì cũng có thể nhận biết, đánh giá nhau một cách nhanh chóng, thuận tiện, cùng những ứng đáp cho phù hợp.
Ý trên rất quan trọng, bởi vì hầu hết vấn đề của ta thường gói gọn trong mối quan hệ giữa người với người.
Vậy là đối với xã hội, bạn không còn là một con người đúng nghĩa nữa, mà là một khái niệm trừu tượng cùng với rất nhiều danh từ và tính từ.
Tới đây, chúng ta có một kết luận quan trọng đầu tiên:

Cái Tôi, chính là sản phẩm của nền văn minh.

1.3. Những Danh từ, Tính từ tạo nên cái Tôi

Trước hết, chắc hẳn các bạn đều quen với những danh từ này: con, tôi, đàn ông, đàn bà, con người...
Ở trên là những danh từ còn chung chung, thế thì thử phân tách ra thêm coi sao: giáo viên, học trò, công dân, người chồng, người vợ, con cả, người lao động, lãnh đạo, nô lệ, giáo sư, tiến sĩ, người Việt Nam, bộ tộc Spiderum,... rất ư là nhiều.
Vấn đề là ta còn gán thêm tính từ cho chúng nữa: con "ngoan", trò "giỏi", đàn ông "đích thực", phụ nữ "đảm đang", Việt Nam "vô địch", lãnh đạo "liêm chính", người "tốt" người "xấu"... thậm chí còn có "là đàn ông thì phải uống cafe đắng" nữa.
Tất cả những danh từ và tính từ đó góp phần giúp ta định hình cái Tôi, cái hình ảnh mà ta xây dựng và định nghĩa cho ta.
Giờ bạn gán cho một đứa con nít cái danh từ, tính từ nào xem?
Rõ là khó. Hôm trước nó bảo nó muốn thành ca sĩ hát dạo (vì nó mới thấy anh kia lăn lết ngoài đường vừa đàn tèn tén ten vừa rên rỉ giai điệu nghe vui tai), hôm sau nó lại muốn trở thành cảnh sát (vì mới coi phim siêu nhân diệt bạo trông hơi bị ngầu).
Con nít nó chưa định hình rõ cái Tôi, cho nên nó có thể trở thành bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào mà không hề đắn đo, sợ hãi. Và người ta cũng chưa gán cho nó cái hình ảnh nào rõ ràng cả. "Con nít mà, biết gì đâu!"

Con nít nó chưa có cái Tôi, và người lớn chúng ta thì có, và đó chính là vấn đề.

1.4. Cái Tôi cùng những thỏa mãn của nó

Hồi còn nhỏ, mỗi khi bạn làm vừa ý ba mẹ, thì ba mẹ sẽ khen "con ngoan lắm", và cùng với đó là phần thưởng thỏa mãn thể lý (ví dụ: kẹo ngon đem đến cảm giác sung sướng).
Những tính từ như "ngoan" chính là dấu hiệu của phần thưởng.
Và khi thỏa mãn thể lý lặp đi lặp lại nhiều lần, não sẽ hình thành thói quen mang tính tâm lý, tự động. Thành ra đứa con nít chỉ cần được khen, chưa cần phần thưởng, là nó đã thấy sướng rơn rồi, vì nó biết chắc sẽ được thưởng.
Những đứa được khen nhiều, lại hình thành mô thức tâm lý mới, đó là nội chuyện tưởng tượng đến chuyện được khen, là chúng cũng đã thấy có động lực để học tập.
Thành ra, tưởng tượng chính là một thói quen thường nhật của chúng ta.
...
Ở trên là gia đình, thế còn xã hội thì sao?
Cũng vậy, khi đi học, có phải trò nào có điểm số cao, sẽ được cô giáo khen là "giỏi" đúng không?
Và rõ là mấy đứa trò "giỏi" sẽ rất sướng, vì vừa được thầy cô giáo đối xử thân thiện, điểm số cao, về nhà khoe điểm lại được bố mẹ khen, thưởng cho, chưa nói cuối học kỳ thì có phần thưởng to bự nữa.
Nếu như ở trên "ngoan" là dấu hiệu của phần thưởng, thì ở trường lớp "điểm số" sẽ là dấu hiệu.
Thành ra cơ cấu khen-thưởng dù ở nhà hay trường học thì cũng đều giống nhau cả.
Tới đây ta phải thắc mắc:
- Vậy mấy đứa "ngu", đứng chót lớp thì sao?
- Còn một đứa giỏi phải "giữ vững cái sự giỏi" thì sao?
Đứa không giỏi sẽ cảm thấy ganh tỵ vì không có được cái nó khao khát, và sợ hãi sự trừng phạt khi điểm thấp, khi không thuộc bài; còn đứa giỏi sẽ cảm thấy lo lắng và áp lực nếu không giữ được thành tích, sợ đánh mất nguồn thỏa mãn của nó.
Ở đây, "điểm thấp" là dấu hiệu của sự trừng phạt.
Vậy nên, nếu như cơ cấu hình thành thói quen giúp cho chỉ tưởng tượng là đã sướng, thì cũng cơ cấu đó khiến sự tưởng tượng cũng sẽ đem đến sợ hãi và áp lực, hay đau khổ. Càng ca ngợi sự thành công (thành tích, điểm số cao), thì cái bóng của thất bại sẽ càng rõ ràng và luôn chực chờ xuất hiện.
Từ những ý trên, các bạn có thể thấy sơ là nếu cái Tôi kèm theo những thỏa mãn tâm lý nhất định, thì chắc chắn nó cũng phải đón nhận người anh em sinh đôi của nó, đó là: bất mãn.
Nếu như con nít chỉ phải đối diện với cái Tôi "con ngoan trò giỏi" vốn cũng chẳng làm nó bận tâm mấy nếu đời sống không quá bị bạo hành; thì người lớn chúng ta lại có cái Tôi thâm căn cố đế, mâu thuẫn dai dẳng, và phức tạp hơn rất nhiều, tới mức tự ta làm ta khổ chứ chẳng cần ai khác tác động chi cả.
Sự sướng-khổ kèm theo cái Tôi của người lớn sẽ được mình trình bày kỹ hơn ở phần tiếp theo đây.
Cô đơn, hay những cảm xúc tiêu cực khác, chính là lúc mà mặt trái của cái Tôi hiển hiện.

Phần 2. Cái Tôi người lớn, và sự cô đơn


Cô đơn, nói theo cách hiểu thông dụng nhất, đó là cảm giác khi ta thèm được kết nối "thực sự" với người khác, và kỳ vọng không được thỏa mãn đó đã dẫn đến nhẹ thì cảm giác thất vọng, trống rỗng trong thời gian ngắn - điều vốn ai cũng đều từng trải qua, và là cảm giác cô đơn mang tính sinh lý, bản năng nhất thời, rất tự nhiên. 
Còn cô đơn mang tính tâm lý thì dai dẳng, dằn vặt hơn nhiều, lâu dài sẽ dẫn tới kiệt quệ về tinh thần, rối loạn tâm sinh lý.
Mặt khác, dù cho ta có kết nối với nhiều người chăng nữa, chụp ảnh nhóm rất tưng bừng, thì cũng bởi chúng ta không thật lòng với nhau vì còn lo sợ nhiều thứ, nên sau cuộc vui ta vẫn cô đơn hoàn cô đơn.
Vậy là, dù một mình, hay nhiều mình, thì ta cũng vẫn có thể cảm thấy cô đơn.
Trong khi con nít thì dù một hay nhiều mình, nó vẫn có thể tươi vui.
Cũng bởi cái Tôi cả.

2.1. Cái Tôi thâm căn cố đế, chia năm xẻ bảy của người lớn

Từ nhỏ tới lớn, những thói quen sướng-khổ kèm theo cái Tôi đã được tài bồi liên tục, từ gia đình, nhà trường, tới truyền thống, xã hội, kinh nghiệm, thói quen, định kiến... khiến cho cái Tôi của ta càng trở nên cố định, thâm căn cố đế.
Bây giờ hẳn bạn đã trở thành là đàn ông, đàn bà, người Việt Nam, người chồng, người vợ, người Bắc, người Nam,... bạn còn là doanh nhân, nhân viên, content-writer, sinh viên, nghệ sĩ...
Thêm vào đó, bạn còn là (hoặc đang phấn đấu trở thành) doanh nhân "thành đạt", "top-writer" trên Spiderum, người con "hiếu thảo", sinh viên "chăm chỉ", hoặc người trẻ "có ước mơ", hoặc vợ chồng "chung thủy"...
Và cùng với những tính từ trong ngoặc kép như ở trên, là rất nhiều động lực, trách nhiệm, vật lộn. Như "hiếu thảo" là phải có nhiều tiền phụ giúp bố mẹ, rồi phải kết hôn, sinh con báo hiếu bố mẹ. Hoặc "thành đạt" thì phải giỏi giang, kỹ năng cứng hay mềm nào cũng phải xịn cả. Hay "ước mơ" là trí tưởng tượng cho mình được hơn người, được khen ngợi cùng những thỏa mãn về danh vọng và vật chất.
Và có phải kèm theo những tính từ đó là nỗi sợ hãi, lo lắng không? Bởi nếu không thành công, thì bạn trở thành những "bất hiếu", "thất bại", hoặc "không có ước mơ" (không có ước mơ đồng nghĩa với bị gọi là "những kẻ lười, lì, an phận")...
Tự dưng, ta lại thấy hình ảnh đứa bé với những thưởng-phạt thuở nào, chỉ là bây giờ sự thưởng thì không được nhiêu, nhưng sự trừng phạt thì nặng nề và khó dung thứ...
Như Sulli (ca sĩ Hàn Quốc) vậy, cả cô lẫn xã hội đã o ép cô vào một cái khung mang tên "Idol", và chỉ một phút khao khát tự do, một chút ngông cuồng muốn cởi trói thôi là đã khiến Sulli nhận hình phạt ghê gớm, có khi là từ chính những người đã từng thần tượng cô. Cái Tôi, cái Hình ảnh Idol mà kèm theo đó là mọi nguồn vui của Sulli đã bị vỡ vụn, cô không còn biết bấu víu vô gì nữa cả, vì đã quá phụ thuộc cảm xúc vào cái Tôi, Hình ảnh cũ kĩ đó, và rồi đã tự kết thúc cuộc đời của mình một cách quá chóng vánh...
Khi cái Tôi đã thâm căn cố đế như vậy, thì việc cái Tôi đó vỡ vụn sẽ để lại sự đau đớn khó lòng mà tưởng tượng được, khi mà mọi niềm vui, khát khao, ước mơ,... của ta đều tan biến cùng với cái Tôi đó.
Thành ra cái phản ứng tự nhiên và thường trực của ta là làm mọi cách để bảo vệ cái Tôi.
Bảo vệ cái Tôi thì có rất nhiều cách, nhưng cái biểu hiện dễ thấy nhất của nó đó là khi một người phản ứng trước những sự đe dọa tới cái Tôi, ví dụ như họ gặp một thực tế, hay một lý luận chặt chẽ nào đó trái với kỳ vọng của họ. Và thường thì phản ứng của họ sẽ rất cực đoan, ngoan cố đến cùng, bất chấp lý lẽ để bảo vệ cái Tôi, mà ta có thể dễ dàng chứng kiến trong những mối quan hệ thân thiết như bố mẹ với con cái, hay sự phản ứng của những người có cái Tôi lớn.
...
Đó là về cái Tôi thâm căn cố đế, giờ bạn có thấy thêm là cái Tôi của bạn cũng đã chia năm xẻ bảy không?
Ở trường học|doanh nghiệp bạn là kẻ khác. Ở nhà lại là kẻ khác. Khi một mình thì bạn là một thứ, mà khi có ba mẹ, bạn lại là thứ khác.
Có người, chỉ cần nghe họ nhấc điện thoại, là bạn sẽ thấy họ có tới 4-5 giọng khác hẳn nhau: với cha mẹ, với người yêu, với sếp, với khách hàng, với kẻ thù, và với bạn bè.
Đó là vì chúng ta phải đóng đồng thời quá nhiều vai trò, mà cùng mỗi vai trò là rất nhiều khát khao, thỏa mãn, trách nhiệm, sợ hãi,... đan xen chằng chịt, có khi còn đối lập nhau. Chúng ta không còn là một bản thể hoàn chỉnh như một đứa con nít nữa, mà là rất nhiều cái bộ mặt khác nhau.
Đó là lý do bạn không thể "sống cho thật đúng là mình được".
Thành ra tác hại lớn nhất của cái Tôi chia năm xẻ bảy đó là mâu thuẫn nội tâm sẽ xảy ra rất thường xuyên, giữa cái bạn đang là (being) với cái nên là (should be) (sợ hãi) và muốn là (want to be) (lòng tham). 
Cũng bởi mâu thuẫn nội tâm vậy, nên trong một ngày nếu mà không có việc gì để làm một cách chú tâm, thì tâm trí ta sẽ cứ lo nghĩ (overthinking) hoài không thôi, lâu dài rất dễ dẫn tới kiệt quệ về tinh thần. Đây là trường hợp mà rất nhiều bạn trẻ thành thị có tri thức, thích đọc sách gặp phải, khi họ ham muốn và sợ hãi đồng thời quá nhiều thứ.
Vậy là:
Cái Tôi thâm căn cố đế khiến bạn làm mọi cách để bảo vệ nó.
Cái Tôi chia năm xẻ bảy khiến bạn không nhận ra đâu là thật sự bạn.
Thế còn lúc không có cái Tôi thì sao?
(Lưu ý: Mâu thuẫn nội tâm là một ý tưởng rất lớn mà nếu diễn giải ra thêm thì sẽ rất dài, cho nên bài này sẽ chỉ đề cập sơ thôi.)

2.2. Sự cô đơn

Cái Tôi, luôn luôn trong mối quan hệ người với người. (coi 1.2)
khi cái Tôi bặt dứt, thường là trong những lúc bạn còn một mình sau một ngày dài, thì trong chốc lát, bạn bỗng đối diện với chính bạn, một cách trần trụi không gì tô đắp; lúc đấy không còn người nào để mà bạn so đo, để bạn giành khôn, bạn bá chủ, bạn được khen ngợi, bạn bị chửi, bạn chửi,... cả.
Bấy giờ ở đấy không còn cái Tôi nào cả, không có bất cứ tiếng nói nào xuất hiện trong đầu.
Chỉ còn cảm giác trống rỗng ập đến, dồn dập, không thể mô tả được bằng ngôn từ; bạn như một con nghiện bị cắt thuốc vậy.
Bạn sợ quá chừng!
Vì đời sống thường nhật của bạn luôn có cái Tôi thường trực, lao chao suốt ngày. Cho nên khi nó biến mất thì bạn cũng sẽ cảm thấy bất an như người nghiện mới bị cắt thuốc vậy.
Bạn cứ thử ngồi yên 5 phút không suy nghĩ gì thử xem? 
Rõ là khó, đúng không? 
Giờ bạn đã hiểu tại sao có những lúc đáng sợ như vậy.
Phản ứng đầu tiên của tâm trí bạn với nỗi cô đơn, với cảm giác đau đớn trống rỗng, đó là nó kích thích những lời nói, và trí tưởng tượng mang tính tiêu cực trong đầu bạn, càng làm bạn cảm thấy tệ hơn.
Thế là bạn bức bối quá, bạn cầu sự giải thoát, mà giải thoát bằng cách nào?
Đó là bạn tìm sự giải trí để né tránh nó (cảm giác và tưởng tượng tiêu cực) đi; hoặc bạn lao ngay vào công việc, để dập tắt, lấn át nó; hoặc bạn tìm đọc sách, để giải thích nó, tin (ảo tưởng) rằng mình sẽ có một cái Tôi rõ ràng hơn với thật nhiều niềm vui.
Ngay cả cái mong muốn được kết nối với ai khác, nếu mà không vô tư, thì cũng chỉ giống một hình thức giải trí thôi: một là để bạn né tránh|quên đi cái Tôi [tiêu cực], hoặc tìm đồng minh cổ vũ cho cái Tôi [tích cực] thôi.
Bạn thử nhớ lại xem, có phải lúc bạn tụ tập bạn bè, luyện manga, anime, chơi game, hay đọc sách, đọc blog,... thì bạn quên mất cái Tôi, hoặc ước ao một cái Tôi cao vời vợi không?
Và những lúc như vậy, ta đều thích cả, vì một là cái Tôi nó khiến ta mâu thuẫn nội tâm, mệt mỏi quá rồi; nên những lúc quên đi cái Tôi thì cơ thể, tâm trí ta sẽ lại trở nên nhẹ nhõm, tích cực. Hai là ảo tưởng cái Tôi xịn xò thì luôn đem đến sự khích lệ, thế là cũng một thứ thỏa mãn như nhau.
Ba cái công cuộc đó (né tránh, lấn át, giải thích) vốn đã được ta thực hiện suốt cả đời, và chúng cũng đã thành công ở mức độ nào đấy.
Khi ta vui, ảo tưởng, thì có vấn đề gì đâu cơ chứ?
Nhưng cô đơn nó không đi đâu cả, bạn làm sao mà trốn tránh, lấn át, giải thích bạn-thật-sự (bản thể trần trụi bạn) mãi được?
Khi giải trí, công việc, tri thức trở nên quen thuộc, nhàm chán, và không còn ý nghĩa gì nữa; hoặc bỗng dưng cái Tôi bị đổ vỡ vì một hoàn cảnh ngặt nghèo nào đấy của số phận, có khi là một tiếng sau cuộc vui, vài ngày sau cái kế hoạch xịn xò, hay 10 năm sau, khi mà đôi vai không còn gánh nổi mớ trách nhiệm nặng nề, khi mà hình tượng ngụy tạo đã bị đập cho vỡ vụn, thì cuối cùng ta lại đối diện ta đây: một bản thể không còn cái gì để bấu víu vào.

Một con người trần trụi.


2.3. Đối diện với sự cô đơn

Thật ra, cô đơn, hay trống rỗng, buồn phiền, âu lo, lạc lối... tất cả chúng, đều là tổng hợp một mớ cảm xúc hỗn độn trong cơ thể|tâm trí ta cả. Không phải cứ đặt tên thì ta sẽ nhìn rõ được chính xác chúng, rồi hy vọng giải quyết được chúng.
Cảm xúc hoàn toàn không thể diễn tả bằng ngôn từ cho chính xác được.
Làm sao ta giải thích được mớ cảm xúc này?
Thành ra lý trí, hay những sự giải thích hùng hồn, rất khó khăn trong việc nắm bắt, và hiểu cảm xúc của chính mình.
Thế nên, mình thấy có một cách rất hiệu quả để hiểu rõ hơn những cảm xúc tiêu cực trong ta, giúp ta quen với chúng hơn và không còn quá lo sợ về chúng như trước nữa, đó là hãy dối diện, quan sát cái mớ cảm xúc hỗn tạp kia.
Giờ, bạn xét kỹ xem, có phải lúc cảm giác cô đơn xuất hiện, bạn cảm thấy rất kinh khủng không?
Đó chính là lúc quan trọng, là lúc bản thể trần trụi của ta xuất hiện.
Sau khi cảm giác đó chợt đánh ta một phát, nó liền kích thích những sự tưởng tượng, những ẩn ức, những sự kiện,... và đặc biệt là những "ngôn từ" do ta nói, hoặc do ta tưởng tượng người ta nói với ta xuất hiện ồ ạt.
Ngôn ngữ chính là dấu hiệu của giao tiếp, và cái Tôi luôn xuất hiện trong sự giao tiếp. 
Nếu bạn có thể quan sát nhanh, thì bạn sẽ bắt gặp các "văn bản" ngôn từ đó đang nói gì.
"Mình cô đơn quá", "Mày là đứa bất hiếu", "nó là đứa thất bại"..."mình quá vô dụng", "cuộc sống quá bất công", "ôi tương lai mình chắc khổ lắm"... (đại loại vậy)
Khi mà cái cảm giác tiêu cực, ức chế ập đến, những sự tưởng tượng và ngôn từ trong đầu cũng sẽ mang tính chất tiêu cực, phòng vệ để ứng với chúng.
Mà có phải ngôn từ thì sẽ kích thích, gợi nhớ lại thêm một đống thứ không?
Ví dụ thôi, hồi xưa bạn đã chứng kiến cô giáo đánh đòn rất ác liệt một đứa bạn học, chửi nó là "đồ thất bại!", thì cái chữ "thất bại" đó cùng cảm giác, ký ức đáng sợ đó nó ghim vô tiềm thức bạn, và bạn hoàn toàn không thể nhớ và ý thức được chúng.
Chúng chỉ xuất hiện trở lại cùng với từ ngữ "thất bại", dưới dạng các cảm giác ớn lạnh. Và cảm giác đó lại kích thích đủ chiều hướng, đá qua một chuyện khác, mà chuyện này lại xuất hiện trong trí tưởng tượng bạn, cùng với những trao đổi ngôn từ giữa bạn và các nhân vật với nhau.
Bạn sẽ tưởng tượng người yêu nói gì đó với bạn, rồi bạn đáp trả ra sao để bảo vệ cái Tôi. Rồi tưởng tượng tiếp người yêu sẽ đòi chia tay,... người yêu sẽ quen người khác, rồi bạn trách móc họ bạc tình gian dối ra sao... bạn trả thù thế nào...
Ngôn từ cứ thế mà đẩy trí tưởng tượng của bạn đi quá xa, quá ảo, quá cực đoan, khác biệt hoàn toàn với sự thật. Tâm trí bạn lúc này quá ngợp vì đống  liên tưởng và ngôn từ ấy.
Những sự tưởng tượng trong đầu đó riết rồi sẽ tạo những thành kiến (ví dụ "mình chân thành, nó giả dối"), gia cố thêm cho chúng, rồi một dịp nào đó sẽ bật ra bằng lời nói, khi mà bạn phản ứng với người ta, và tới đó bạn mới thấy những lời nói đó nó ngu ngốc thế nào.
"Ý em không phải là vậy..."
...
Nhận thức về sự thiếu hiểu biết của bản thân đã giúp mình nhận ra rằng mấy lời nói trong đầu vào những lúc cảm giác tiêu cực xảy ra đa phần đều là sai lầm, phi logic cả, thậm chí là còn gây thêm những ức chế mới. Và do vậy mình đã chọn cách chỉ thuần quan sát cảm xúc, tắt đi chức năng ngôn ngữ trong những lúc như vậy.
Và khi làm vậy, thì điều gì xảy ra?
Lúc những câu nói đầu tiên bắt đầu lao nhao, mình nhận thấy chúng, rồi mình ý thức "ok tắt chức năng ngôn ngữ nào", và các nhân vật trong trí tưởng tượng tự dưng trông rất mắc cười, như phim câm vậy. Còn nếu là giọng nói của mình bị tắt, thì cái còn lại là một mớ cảm xúc lùng bùng. 
Tắt ngôn ngữ không chỉ là tắt giọng nói, mà còn tắt chữ viết của mình và người khác nữa (ví dụ những bình luận trên mạng với nhau).
Một hồi sau, cái mớ cảm xúc đó, cái mớ hơi thở dốc, lồng ngực thắt lại, tim nhói lên, đập thình thịch, người như muốn đổ rạp xuống,... cái mớ không thể mô tả đó, nó tự dưng biến mất. Sự tưởng tượng ghê sợ cũng mờ ảo dần rồi biến mất theo luôn.
Cảm xúc tiêu cực giống như cơn hỏa hoạn vậy, mình không tiếp thêm xăng cho nó, một hồi là nó hết cháy.
Tâm mình tự dưng hoàn toàn tịch lặng. Một cảm giác sung sướng ập đến.
Thế là, mình được hội ngộ cái bản thể trần trụi này đây.
Những lần sau nữa, khi cô đơn|buồn chán|thất vọng|trì hoãn,... tự dưng đến, mình thường ngưng mọi chuyện lại, ngồi yên, chào đón chúng một cách tự nhiên, thế là lát sau chúng biến mất, nhẹ nhàng như cơn đói bụng vậy:

"Ồ, hóa ra nó không đáng sợ như mình nghĩ."



...

Lời kết


Một buổi chiều nọ, trời Sài Gòn đang nắng bỗng chuyển sang âm u, từng con gió nổi lên, giật mạnh cửa sổ nghe ầm ầm. Thế là mình ra đứng ngay hiên nhà, để đón cơn mưa. Làn gió mang hơi ẩm và cái mát lạnh của mưa phả vô mặt mình, những cành lá rung lắc mạnh, cảm giác lúc ấy khiến mình mê tơi, sung sướng khó tả. Những kỉ niệm thời con nít cởi trần tắm mưa, tung tăn khắp phố phường lầy lội lại tự nhiên ập đến... mùi của cảm giác đó, cứ như vị của tự do vậy.
Phải chăng những lúc như vậy, những lo lắng, bộn bề của cuộc sống tự dưng biến đi đâu mất, chúng ta được tự do hoàn toàn? 
Chỉ có một tâm trí tự do hoàn toàn khỏi tất cả những cái Tôi, những định kiến, lo lắng, hơn thua, tham lam, mới có thể cảm nhận được hoàn toàn hương vị của cuộc sống như nó vốn là.
Mà có phải để tự do khỏi tất cả những cảm xúc tiêu cực đó, để không bị chúng ám ảnh nữa, chúng ta phải hiểu chúng chăng - những lời thì thầm của cơ thể và tâm trí cho ta biết có điều gì đó đang sai lầm, và thiếu thốn trong đời ta?
Và để hiểu chúng, chi bằng ta ngồi lại, đối diện, quan sát, và cuối cùng là tự chúng rời đi một cách tự nhiên?
Hiểu, chính là buông xả thanh thản.
...
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.
Trà Kha
 

P/s: Giải thích thêm về "tắt chức năng ngôn ngữ".
Tắt cái chức năng ngôn ngữ là để quan sát được cảm xúc.

Nhưng muốn tắt đúng là không dễ, vì cần có nhận thức (nhận thức càng rõ thì động lực càng lớn) về bản chất của ngôn ngữ, mà chuyện đó lại hơi khó giải thích một tý. Vì quá khó giải thích, và không dám giải thích (vấn đề của văn minh: thu phục đám đông), nên mấy cái tôn giáo hay kêu người ta đọc thành tiếng, đều đều cái kinh của họ, để dập tắt cả 2 luôn: giọng nói + cảm xúc.

Niệm "nam mô a di đà" hay thiền chú tâm vào hơi thở, đều là hình thức "cùng một lúc" dập tắt giọng nói và cảm xúc.

Chính vì dập được cảm xúc và suy nghĩ (giọng nói), nên thường đi chùa, thánh đường về là người ta thấy rất sảng khoái. Nhưng đó chỉ là lợi ích rất ngắn hạn.

Phân biệt được 2 món Cảm xúc (bản thể = đang là) và Giọng nói (giọng nói = ngôn ngữ = văn minh = cái Tôi = muốn là/nên là=lo nghĩ|overthinking) chính là cái cần đạt được nếu muốn hiểu bản thân hơn, và tìm được cái vui thực chất và lâu dài hơn.

Sau khi tắt chức năng ngôn ngữ (aka ngưng lại cái giọng nói của mình/người khác, và cả văn bản người ta/mình đang ghi ra trong trí tưởng tượng), thì cái còn lại trong não chính là cảm giác lùng bùng.

Tìm thấy được cái cảm giác đó, là một phát hiện mang tính cá nhân rất lớn.

Sau đấy nếu mà thực hành nhiều hơn, thuần thục hơn, thì mấy cảm xúc tiêu cực rõ ràng là không đáng sợ như ta thường nghĩ nữa. Vì không có giọng nói (ngôn từ kích thích ẩn ức, cảm xúc, trí tưởng tượng...) thì đống cảm xúc đó thiếu xăng nên sẽ tắt rất sớm. Lúc đó cá nhân đã ý thức phân biệt rõ đâu là cảm xúc, đâu là giọng nói.

Sau khi quen với việc quan sát cảm xúc (vốn chỉ đem đến lợi ích ngắn hạn nhưng lại rất cần thiết để chúng ta bình tâm hơn), thì cấp độ cao hơn chính là theo đuổi cái giọng nói, nhìn ra chính xác cái vấn đề của mình.

Theo đuổi và nhận ra bản chất của văn bản (qua giọng nói), chính là lợi ích dài hạn.

Văn bản đó thường kiểu thế này "nó quá ngu nên không hiểu mình", "mình quá vô dụng", "cuộc sống quá bất công", "thôi tương lai tôi toang rồi",... (đây là những "văn bản" duy ngã|self-centre activity; khác với văn bản vô tư, mang tính sáng tạo và không có cái Tôi)

Nhận ra các câu (văn bản) đó, và theo đuổi, phản biện chúng đến cùng để thấy bản chất của chúng (aka từ bỏ dần những cái Tôi), chính là cái cấp độ cao hơn. Đó là cấp độ của các nhà trí thức và học giả, khi họ chả ngán tư tưởng nào cả, và ít khi so sánh bản thân với người khác (aka những câu nói "tôi ngu lắm" của Socrates, Lão Tử, Montaigne, Richard Feynman,...).
Khi bạn đã có thể cởi bỏ dần những cái Tôi - thứ vốn khiến tâm thức bạn trở nên nát vụn và trì trệ, thì bạn sẽ có cơ may cởi trói được cái Bản thể bạn (cái Bản thể bị những cái Tôi ảo tưởng che mờ, lấn át đi mất), cái Bản thể tràn đầy năng lượng, thúc giục bạn dũng cảm dấn thân vào miền chưa biết!

******

Vì vấn đề tâm lý mang tính nền tảng là rất rộng, cho nên mình dự định sẽ còn viết thêm vài bài xung quanh vấn đề này, mang tính hệ thống bổ sung cho nhau, bởi còn quá nhiều điều để chia sẻ.
p/s 2: bài này hay nè