Tính đa dạng thông tin - Photo: Wired
Vào năm 2013, James Evans, một nhà nghiên cứu khoa học máy tính kiêm tâm lí học thuộc Đại học Chicago đã thực hiện một nghiên cứu nhằm vào mối quan hệ giữa khoa học và chính trị. Ông tự hỏi liệu khoa học có phần nào “xóa nhòa” những mâu thuẫn chính trị giữa người với nguời, hay nói đơn giản hơn: liệu phe cánh tả và cánh hữu từng, dù chỉ một lần, có chung quan điểm về sinh học, vật lí, hay kinh tế học? Câu trả lời khá đơn giản: CHƯA HỀ.
“Thậm chí chúng tôi còn nhận thấy xu hướng phân cực mạnh mẽ hơn dự đoán ban đầu”, Evans chia sẻ. Thậm chí còn tồn tại một số lượng quan điểm khoa học khác nhau nhiều hơn cả số “đội thể thao” trên toàn thế giới. “Ban đầu, chúng tôi cứ ngỡ khoa học luôn là thứ đúng ở giữa. Rằng mỗi khi ta gặp khó khăn, ta có thể tìm đến khoa học, để từ đó tìm ra giải pháp, hoặc ít nhất cách-để-tìm-ra-giải-pháp. Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ không đơn giản vậy”.
Evans bắt đầu nghiên cứu trên Amazon. Còn nhớ câu chào hàng “Người dùng mua sản phẩm này cũng sẽ mua ...” chứ? Evans cùng những nhà nghiên cứu khác đã phân tích 100 sản phẩm khác được-cho-là-đã-được-mua-cùng 2 tựa sách Dreams from My Father (Barack Obama) và No Apology (Mitt Romney) (Cứ mỗi cuốn sẽ được giới thiệu là “người dùng cũng mua cuốn này, cuốn kia”). Quá trình này lặp đi lặp lại cho tới hết danh sách những sản phẩm được “khuyên mua”.
Trong nghiên cứu Nature Human Behaviour sau đó (2017), Evans đã mô tả lại kết quả nghiên cứu đó như một “hiệu ứng lăn cầu tuyết”, rằng “những sản phẩm được giới thiệu từ 2 đầu sách này đã bao trọn toàn bộ hệ thống bán lẻ sách trực tuyến lớn nhất thế giới”, hay nói đơn giản hơn, chỉ từ 2 tựa sách, Amazon đã “khuyên” người đọc nên mua tổng cộng 1303504 đầu sách khác.
Sau khi phân tích toàn bộ hệ thống (trên một mô hình tương tự), các nhà khoa học nhận ra dường như các hệ tư tưởng chính trị đã dẫn lối người đọc tới các đầu sách khoa học. Tuy vậy, kết quả cũng phần nào khá thú vị. Trong khi phe cánh tả thường có hứng thú với khoa học cơ bản (điển hình như vật lý, thiên văn, hay động vật học), ohe bảo thủ (cánh hữu) lại thường tìm đến khoa học ứng dụng và khoa học thương mại (tâm lý học tội phạm, y học, địa vật lý).
“Có vẻ như những khối óc bảo thủ có thiên hướng nghiên cứu khoa học như một khía cạnh của nền kinh tế - và mục tiêu họ nhắm tới trong quá trình này là một nền kinh tế khỏe mạnh. Còn ở bên kia chiến tuyến, những tâm hồn tự do coi khoa học như chuyến Du hành giữa các vì sao (Star Trek) - nơi họ khám phá thế giới, tìm kiếm những động lực phát triển mới, và tìm lại bản ngã của chính mình. Thành ra, khoa học chỉ đóng vai trò củng cố thứ thiên kiến xác nhận [ngự trị sẵn trong mỗi cá nhân]”, Evans cho hay. “Đầu tiên, ta nghĩ một điều gì đó đúng, và vì ta mong điều đó đúng, ta tìm đến những cuốn sách [có thể] chứng minh điều đó đúng”
Dù vậy, một kết quả phân cực vẫn dẫn lối Evans tới một ý tưởng [táo bạo]: Điều gì sẽ xảy ra nếu ra đặt một nhóm những người có tư tưởng trái chiều và cùng một chỗ để nghiên cứu? Evans biết rõ nơi không-thể-thích-hợp hơn để thực hiện một nghiên cứu như vậy: Wikipedia. Evans và Misha Teplitskiy, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoctoral fellow) tại Phòng Thí nghiệm Khoa học Mới (Laboratory for Innovation Science) thuộc Đại học Harvard, cùng nhiều cộng sự khác đã dành thời gian nghiên cứu 205000 đề mục Wikipedia và những trang “talk pages” (phần “mở” của Wiki, nơi các editors thảo luận để sửa đổi một bài viết) - [và bởi những talk pages này cũng là một phần của Wiki] bất cứ ai cũng có thể theo dõi những cuộc tranh luận phía sau mỗi bài viết trên Wiki.
Những “học giả” Wiki thường đánh giá chất lượng mỗi bài viết dựa trên quy chuẩn chung của trang này. Teplitskiy giải thích, “Chất lượng được đánh giá dựa trên những giá trị được-coi-như-cốt-lõi-nhất: Như nào là một đầu mục bách khoa toàn thư “tốt”? Đơn giản là người đọc sẽ trông chờ bài viết này dễ đọc, dễ hiểu, viết đúng trọng tâm, được dẫn nguồn đầy đủ và thể hiện được sự tương quan với các bài viết liên quan”.
Trong nghiên cứu Nature Human Behaviour, chương “The Wisdom of Polarized Crowds” (Trí tuệ của đám đông mang hệ tư tưởng khác nhau), Evans và Teplitskiy cũng nhận định rằng sự phân cực hầu như không ảnh hưởng đến thông tin được truyền tải. Theo đó, dù phân hóa khá mạnh mẽ trong tư tưởng chính trị, các nhóm biên tập Wiki vẫn hướng đến những bài viết tốt nhất - có độ xác thực thông tin cao và hoàn chỉnh hơn - thay vì đơn thuần ủng hộ những bài viết của những cá nhân cùng hệ tư tưởng (hoặc cánh tả, cánh hữu, hoặc trung lập). Đây là một kết quả không ai ngờ tới, và bởi vậy, tôi buộc phải ghé thăm hai nhà nghiên cứu để tìm kiếm một vài giải thích cho kết luận này.
Câu hỏi 1: Wiki cho ta thấy gì từ “sự đa dạng”?
James Evans: Người ta bàn luận về tầm quan trọng của tính đa dạng. Không phải chỉ chung chung mà phân tích cụ thể bản chất của “đa dạng”. Giả dụ như mỗi người chúng ta đều hướng tới những hệ tư tưởng khác nhau, tiếp nhận những nguồn thông tin khác nhau, được gắn với những “màng lọc“ khác nhau, ta sẽ có lợi thế khi “chơi sân nhà” - đóng góp những nguồn thông tin ta đã “lọc” được vào nguồn thao khảo của mỗi bài viết.
Biên tập viên của các chủ đề xã hội cho biết “Phải thừa nhận rằng cho đến mỗi cuối phiên tranh luận [nên sửa cái này, cái kia], mọi thứ vẫn rất căng thẳng”. Rồi họ đã miễn cưỡng chấp nhận kết quả sau mỗi phiên tranh luận? Đúng, và mấu chốt vẫn đề nằm ở đó. Nếu mỗi cá nhân quá dễ thay đổi tư tưởng, họ sẽ chẳng tìm đâu ra động lực, hay lí do để “lùng sục” những phản đề và số liệu liên quan để phản bác những người khác, và kéo dài phiên tranh luận. Chúng tôi nhận thấy rằng cuộc thảo luận càng dài, sự phân hóa trong tư tưởng của mỗi phe càng rõ rệt. Nếu họ chỉ đơn thuần “từ bỏ cuộc chơi”, ta sẽ chẳng bao giờ thấy lại được sự cạnh tranh khốc liệt giữa các phe - thứ giữ cán cân quyền lực ở thế cân bằng.
Câu hỏi 2: Những bài viết Wiki nào hưởng lợi nhiều nhất từ sự phân hóa tư tưởng chính trị?
Evans: Những bài viết chính trị. Theo sau là các đầu mục liên quan đến các vấn đề xã hội - những vấn đề dễ dàng được “đá qua” chính trị (ví dụ như chính phủ bla ble, khiến dân ble bla...). Thậm chí ngay cả những trang khoa học cũng hưởng lợi, bởi như đã nói đến ở trên, các khía cạnh khác nhau của khoa học thường đi đôi với những hệ tư tưởng chính trị khác nhau. Như một hệ quả tất yếu, những bài viết khoa học đuợc chú ý nhiều nhất là những bài liên quen đến phân cực chính trị. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu gặp phải những bài viết khoa học môi trường dù bao gồm cả biến đổi khí hậu và những vẫn đề tương tự, nhưng lại chừa ra đa dạng sinh học. Đơn giản vì những bài viết kiểu vậy cung cấp những thông tin [đã lọc] dựa trên những góc nhìn chính trị đa dạng, và hưởng lợi từ đó.
Misha Teplitskiy: Các nhà tâm lý học và học giả gọi hiện tượng này là “tác vụ liên quan”. Họ diễn giải rằng ý kiến đa chiều chỉ nên được ứng dụng trong các tác vụ, nơi sự đa chiều ấy thực sự có ý nghĩa (liên quan). Nhìn chung, ta thường chỉ coi sự phân hóa tư tưởng thực-sự-liên-quan đến chính trị, mà bỏ qua các vấn đề xã hội, và càng không nghĩ rằng khoa học có chút gì liên quan đến phân cực. Và dù trong thực tế khoa học có liên quan trực tiếp đến phân hóa tư tưởng, ta vẫn thường xem nhẹ khía cạnh này, rằng cho dù nếu có, nó cũng chỉ-nên-liên-quan-chút-chút thôi.
Câu hỏi 3: Việc con người gây ra biến đổi khí hậu là không thể bàn cãi. Vậy liệu những bài viết khuyến-khích-góc-nhìn-đa-dạng trên Wiki có trở nên méo mó [vì chính sự đa dạng này]? Và liệu điều này có phản bác lại luận điểm: tầm quan trọng của đa dạng hóa ý kiến trong nghiên cứu của anh?
Evans: Có vẻ anh đang đề cập đến tình huống sự phân hóa tư tưởng chỉ đơn thuần tạo ra những thông tin nhiễu. Nhìn chung, điều này rất có thể xảy ra. Merchants of Doubt là một cuốn sách khá đặc sắc về chủ đề tương tự, rằng các nhóm [mang hệ tư tưởng khác nhau] sẽ cố gắng đa dạng hóa góc nhìn trong những chủ đề có những góc nhìn kém đa dạng, điển hình như: mối tương quan giữa thuốc lá và bệnh ung thư phổi. Điều này xảy ra khá thường xuyên trên thế giới. Vì điều này xảy ra như mộ lẽ thường tình - một sự hi sinh vì các tiêu chuẩn khác cao hơn (trên Wiki), người dùng trang này vẫn luôn cố gắng “định hướng” những người khác, để rồi lại bị “định hướng” bởi những kẻ đằng sau cánh gà.
Nhắc đến biến đổi khí hậu, người ta có hàng tỉ góc nhìn để nhìn nhận sự việc. Và dù ta vẫn thường đồng ý với nhau rằng hoạt động của con người khiến gia tăng khí thải nhà kính, khiến tăng nhiệt độ trên toàn cầu, một nhận định như vậy vẫn có thể rẽ ta theo 2 hướng: hoặc coi con người là giải pháp cho vấn-đề-do-chính-con-người-gây-nên, hoặc trở nên ngạo mạn vì sứ mệnh trông-nom-che-chở cho hành tinh này. Sau cùng, những góc nhìn một trời một vực như vậy sẽ không chỉ kéo theo những mâu thuẫn.
Những trải nghiệm của chúng ta đơn thuần là những trải nghiệm chung chung. Hiếm có chủ đề khoa học nào đủ bằng chứng [để khuất phục những cái đầu ngang bướng]. Cảm quan cá nhân tôi là cái phần “hiếm” ấy là những lĩnh vực không, hoặc ít bị ảnh hưởng bởi sự phân hóa trong tư tưởng chính trị. Nhìn chung, sự phân hóa ấy không phải lời giải cho bất kì bài toàn nào. Nếu những góc nhìn chính trị khác nhau không đưa ra thêm những thông tin hữu ích, chúng sẽ chẳng còn nghĩa lý gì cả. Ta sẽ chỉ thấy toàn thông tin nhiễu. Hoặc thấy chính chúng ta bị ăn mòn bởi chúng.
Câu hỏi 4: Anh nghĩ sao về tin giả?
Evans: Đối với tôi, điều khó chịu nhất có lẽ là nhìn thấy tin giả ở khắp mọi nơi. Nhìn nhận khác đi, ta sẽ thấy mọi thông tin đều là giả. Mọi mẩu tin đều mang một dụng ý riêng, một góc nhìn riêng. Ngày nay, ta chẳng cần bất kì bằng chứng cụ thể nào để buộc tội cái này là giả, cái kia là giả. Việc này gần như đã trở thành một “đặc quyền” trong xã hội hiện đại. Tuy vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc ta đang tự cho mình quyền nhằm-mắt-làm-ngơ trước mọi thông tin đi ngược lại niềm tin của chúng ta.
Những góc nhìn khác nhau đem lại những thông tin khác nhau. Chúng buộc ta phải tập trung vào một chủ đề nhất định, và phải nỗ lực tìm kiếm những thông tin liên quan - thứ ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới nếu không mang một niềm tin nhất định. Thành ra mỗi góc nhìn đều mang những giá trị nhất định, chỉ là chúng ta đang cố gắng gạt bỏ chúng, từng tí, từng tí một.
Mọi thứ bắt đầu bằng việc Trump nói rằng mọi thứ thông tin trên đời đều là giả, theo sau bằng việc mọi người tin rằng Trump luôn phao tin giả, từ trước đến nay. Ta luôn bị ám ảnh bởi những bóng ma tin giả, và tình hình có vẻ đang xấu đi khi ngày càng có nhiều phương tiện gây nhiễu loạn thông tin. Bản thân tôi thấy tin tức trên các phương tiện truyền thông giờ cũng chẳng khác những mẩu tin trên mạng. Cảm giác lúc ấy như ta được khai sáng. Ta phát hiện ra có những định kiến trong hệ thống, rằng mọi thành phần trong hệ thống đó thật méo mó, và ta chỉ có thể chấp nhận [bị tha hóa] hoặc đứng lên chống lại.
Câu hỏi 5: Tại sao những bài viết chất lượng nhất đều được viết, hoặc được tham vấn bởi những nhóm mang tư tưởng chính trị đối lập?
Evans: Câu trả lời đến từ việc đặt những cá nhân mang những góc nhìn cố định, sở hữu lượng kiến thức ít-chồng-chéo (mỗi thứ biết 1 ít) nhất vào một cộng đồng được định hình và vận hành dựa trên những quy chuẩn nhất định. Một điều khá thú vị là những người nằm ngoài nhóm trên sẽ thường cảm thấy yếu ớt. Khi tham gia tranh luận trong những cộng đồng tương tự, họ tự mô tả cảm giác của bản thân như “vô cùng mệt mỏi” và “bị áp đảo hoàn toàn”. Tuy vậy, họ vẫn hài lòng với kết quả sau cùng.
Teplitskiy: Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó, bởi các nhóm đối lập sẽ tiếp tục tranh cãi căng thẳng hơn. Mỗi phe mang một lượng kiến thức khác nhau. Khi các thành viên được tập hợp lại, họ sẽ nỗ lực phối hợp để tạo nên phiên bản hoàn thiện nhất. Họ không chỉ nỗ lực hơn, mà những cuộc tranh luận cũng tập trung hơn hẳn. Họ tập trung vào những vấn đề vi mô, và nỗ lực hết mình để chỉ ra cốt lõi của vấn đề. Sau cùng, các phe trở nên mâu thuẫn hơn trong việc truyền tải thông tin sau-khi-biên-tập đến tay người đọc, nhưng lại ít “đánh hội đồng”, hay lăng mạ phe đối lập. Nhìn chung, họ tỏ ra công tư phân minh hơn, và phần nào giúp xóa bỏ những hành vi hăm dọa trong cộng đồng.
Câu hỏi 6: Chuyện gì xảy ra nếu các biên tập viên “công tư không phân minh”, hoặc nghiêng nhiều về phe cánh tả/hữu?
Evans: Ta thường bắt gặp một số người tìm đến các bài viết Wiki và than phiền rằng “chúng chẳng khác nào những bài truyền giáo của người Nga”, mà quên rằng thứ họ đang đọc đã được biên tập khắt khe qua những phiên tranh luận từ 3 đến 40 người. Trong khi việc duy nhất họ làm được là đọc bài, và bỏ qua công sức của những người đóng góp vào bài viết đó. Lần nào cũng thế, những cá nhân như vậy đều bị gắn mác phá hoại, bị sỉ vả không thương tiếc và bị tống cổ khỏi cộng đồng tri thức. Tồn tại một luật bất thành văn trong cộng đồng này: “Chúng ta đã góp phần xây dựng ‘khế ước xã hôi’ của riêng mình, còn chúng, chỉ là những kẻ noại đại từ đâu đến [và cười nhạo công sức mà ta đã bỏ ra]”. Nghiên cứu của chúng tôi còn ghi nhận những ngôn từ vô cùng không-đẹp-đẽ là bao dành cho những kẻ phá hoại.
Teplitskiy: Dữ liệu chúng tôi thu thập được mang tính gợi mở. Và tin tôi đi, những nhóm kiểm duyệt sẽ luôn có thành viên ở những phe đối lập tư tưởng. Việc “đảo chiều” (từ trung lập sang 1 trong 2 phe), bởi vậy, vẫn buộc phải tuân thủ quy chuẩn chất lượng.
Câu hỏi 6: Nghiên cứu của các bạn có để lại bài học nào cho các nhóm nghiên cứu không?
Teplitskiy: Một bài học rút ra là khi xây dựng thương hiệu, hoặc một nền văn hóa, hãy để cho mỗi thành viên biết họ đang tham gia một cộng dồng như nào, và coi đó là yếu tố cốt lõi của nền tảng. Một đặc điểm thú vị của Wiki là họ đã xây dựng một văn hóa cực kì mạnh mẽ. Để tham gia chế độ thử nghiệm (sandbox), bạn nên chuẩn bị tinh thần để củng có lập trường, chọn nguồn tham khảo đáng tin cậy, trích nguồn đầy đủ, và lắng nghe nhận xét từ mọi người. Điều này hẳn sẽ ngăn cản những người có ý định tham gia, nhưng lại không muốn chơi theo luật. Họ không dùng các biện pháp cứng nhắc để lọc những kẻ này ra, mà chỉ đơn thuần thể hiện đúng bản sắc văn hóa của mình, và những kẻ không thể thích nghi với môi trường này sẽ tự động rời đi.
Câu hỏi 7: Vậy phải chăng Wiki sẽ đóng vai trò trung lập như cứu cánh cho niềm tin của cả cộng đồng?
Evans: Tôi mong ta sẽ sớm thuyết phục được mọi người về tầm quan trọng của định kiến, rằng chúng là thứ tối quan trọng trong cách ta nhìn nhận thế giới này, và rằng mọi thứ trên đời này đều-mang-trong-mình-định-kiến. Bởi chỉ khi nhận thức đầy đủ và rõ ràng về định kiến, ta mới có thể xua tan những bóng ma định kiến [từ bao đời nay]. Và vì mọi thứ trên đời đều mang tỏng mình định kiến, hãy để những giá trị cốt lõi, và cao đẹp nhất của mỗi cá nhân dẫn lối chúng ta trên đường đời. Bản thân định kiến mang nhiều giá trị khoa học, và chúng tôi hi vọng có thể [tận dụng điều này] nghiên cứu sâu hơn những đám đông phân cực.
Câu hỏi 8: Kết quả nghiên cứu của anh giúp gì cho các nhà khoa học khác?
Evans: Tôi hi vọng rằng không chỉ các nhà khoa học, mà mỗi cá nhân mang hệ tư tưởng (chính trị) khác nhau sẽ nhận thức được: những người không thể hiện quan điểm chính trị có thể đang giữ những quan điểm đáng học hỏi khác, và cho dù họ không có gì để ta học hỏi, thì chính những trải nghiệm, và những góc nhìn của họ rất có thể sẽ mở ra những chân trời mới cho chúng ta. Và đó cũng chính là điểm mấu chốt trong tận dụng sự phân hóa tư tưởng: cho phép mọi người đóng góp, và xây dựng mọi thứ.
Nếu bạn đủ hiểu Wikipedia để có thể tự tìm đến trang “talk page” - một cộng đồng mở, nhưng vẫn còn quá đỗi sơ khai, và ít người biết đến - bạn sẽ tận mắt chứng kiến những cuộc tranh luận căng thẳng và dài hơi [cho dù về những chủ đề khá vụn vặt]. Rồi bạn sẽ nhìn nhận mọi người khác đi, nỗ lực phát triển những góc nhìn mới, những góc nhìn của “experts” (chuyên gia). Rồi bạn sẽ nhận lại những tri thức tinh túy nhất, bởi sẽ chẳng còn bất kì bộ lọc thông tin nào [để bóp méo nhận thức của bạn].

Bài viết được dịch lại từ tác giả BRIAN GALLAGHER trên Nautilus. 
Photo: Wired
Trans: Solivagant