Tôi không bao giờ quên buổi tối nóng bức, tôi và con bạn đi trên đường tới cửa hàng thuốc để mua que thử thai.
Con bạn đứng nép sau tôi, chần chừ bảo tôi vào mua hộ nó, bảo tôi nó sẽ chết mất nếu ai đó biết nó phải thử thai.
Tôi vẫn không quên nó vội vàng nhưng lén lút vào nhà vệ sinh, run run không biết dùng thứ đồ xa lạ này thế nào. Tôi vẫn nhớ sự chờ đợi. Người ta đôi khi chờ đợi vì niềm hạnh phúc, chờ đợi người tình hay chờ một tin vui. Nó ngồi chờ một cái thở phào. Nhớ cái bóng nó ngồi trông mong, nhớ nó đã khóc mỗi tối vì phải chịu sự lo lắng về việc có thai một mình. Tôi nhớ người đáng lẽ phải cùng nó chờ đợi giờ chỉ còn là cái tên Người dùng Facebook. Không một cái tin. Không cuộc gọi. Không gì.
Tôi nhớ nó đã háo hức kể về người đó với tôi. Lúc mới yêu người ta muốn khoe cho cả thế giới. Lúc đó tôi ngồi đợi nó, tận ba mươi phút, chờ nó thay đồ háo hức trong buổi hẹn đầu tiên. Này, anh đó tốt lắm mày ơi. Anh đó khiến tao cảm thấy như một công chúa. Anh ấy dắt tao sang đường, đi phía ngoài để tao không bị xe quệt, anh ấy vén tóc cho tao khi ăn phở và anh ấy coi tao là nhất.
Nhưng tôi lại là người ở bên khi anh ấy của nó đang hậm hực với đĩa lòng tự tôn của riêng mình. Đĩa lòng chấm với nước mắt của nó. Với những xót xa vào buổi đêm, nó nằm một mình trong căn phòng tối om và cố khóc thật nhỏ để không ai nghe thấy. Cô "công chúa" của ai, từng được "coi là nhất" và từng "là tất cả" giờ phải cố giấu diếm nỗi đau của mình, vặn nhỏ volume xót xa sao cho thật bé, thật bé: chẳng ai thích một đứa con gái ủ rũ.
Tôi nhớ mẹ tôi nói tôi giữ mái tóc dài vì phụ nữ quan trọng nhất là sự nữ tính. Tôi vẫn nhớ lúc tôi cắt hết tóc trên đầu. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi bảo tôi nói dối về việc bị trầm cảm để sau này vẫn lấy được chồng, bảo tôi đừng ăn nói thẳng thắn quá làm "chúng nó" tự ái. Guu.vn cũng hay nhắc tôi, đàn ông như trẻ con, phải như người mẹ chiều lòng anh ta.
Tôi nhớ cuộc giằng co giữa đường với một bạn nam vì bạn ấy muốn dắt tôi sang đường nhưng tôi nhất quyết tự đi. Bạn trao cho tôi danh hiệu công chúa không biết sang đường, bảo tôi nếu không muốn chết thì phải đi theo bạn ấy.
Tôi nhớ một người anh học Vật lý học bảo tôi là anh sẽ không bao giờ cãi nhau với bạn gái vì con gái thường lằng nhằng, thường nói nhiều và anh không chấp đàn bà. Tôi nhớ lúc tôi đi cùng anh, anh lúc nào cũng kể về mình, về việc anh vĩ đại thế nào khi có thể nhận biết những nốt nhạc và có thể hát những bài heavy metal mà không tổn thương cổ họng. Tôi nhớ lúc anh biết tôi chơi đàn bằng tay trái, câu đầu tiên anh hỏi À thế em chơi thế nhưng quạt linh tinh đúng không?
Tôi nhớ khoảng thời gian bạn tôi ai cũng muốn có người yêu để được cưng, được đèo đi ăn, mua quần áo và được săn đón. Tôi nhớ lúc tôi nhận ra mình là một vật sở hữu, một thang định giá bản thân của người thuộc đảng phái gọi là "phái mạnh" khi người đó cố gắng đặt tay lên người tôi, cố đụng chạm vào tôi giữa đám đông để khẳng định tôi là cái gì đó của họ. Tôi nhớ mỗi lần thấy tôi, mọi người lại hỏi Mày có người yêu là anh A đúng không? mà chẳng phải câu gì khác. Tôi nhớ cảm giác mình là một tiện ích mở rộng, một chút nâng cao cho cuộc đời thêm tươi sáng của họ. Tôi nhớ họ dựa vào tôi để có một lý do cho niềm vui. Tôi nhớ việc bị áp đặt một phóng chiếu rằng tôi ưa nói nhiều, người kia là kẻ kiệm lời, lạnh lùng và kiểm soát, trong khi tôi thì bất ổn. Có lẽ là vì ta giống mấy con tinh tinh lùn, khi đi gọi bạn tình sẽ muốn làm nổi bật sự khác biệt về giới để thu hút nhau. Thế tinh tinh lùn cái có nói nhiều không? Chúng có biết điều ấy không? Tôi nhớ cảm giác sợ hãi khi nghĩ về việc ấy, về việc tôi là ai, sự cố gắng của tôi từ trước đến giờ là gì, cá tính của tôi, nhân cách của tôi, những gì làm nên tôi ra sao? Những thứ ấy liệu còn có ý nghĩa? 
Tôi nhớ lúc được khen Em rất xinh. Rất nhiều câu Em rất xinh, trong mắt anh em xinh đẹp nhất. Nhiều lúc nhìn vào gương tôi thấy mình là kẻ xấu xí, tởm lợm và thô kệch. Lúc đó rõ là tôi chẳng xinh. Niềm vui lớn nhất của một đứa con gái là được khen xinh sao?
Mấy lời khen đầu môi, kết thúc cũng ở đầu môi và trở thành sự im lặng. Trong mắt Người dùng Facebook thì bạn tôi chắc cũng đẹp nhất, nhưng người chạy tới nhà nó lúc nửa đêm vì nó bị chảy máu quá nhiều lại là tôi. Nếu chúng tôi là phái yếu, nếu chúng tôi là phái đẹp cần được bảo vệ bằng mọi giá, thì những người tự coi là mạnh mẽ đang ở đâu? Phái yếu - cách họ gọi - phải tự thu vén những gì ngây thơ, non nớt của mình để dành chỗ cho những điều nó chưa sẵn sàng sao?
- Anh xin lỗi.
Đó là câu mà bạn tôi nhận được. Một câu xin lỗi, chẳng làm cái bóng nhỏ tí hin của nó lớn hơn để gánh thêm nhiều rủi ro từ bệnh viện dồn xuống. Nó chẳng bao giờ khóc trước mặt tôi. Bao giờ nó cũng tươi cười, vô tư và trẻ con. Lúc đến khám nó vẫn tưng tửng tới nỗi bác sĩ hỏi nó khám lần thứ mấy rồi mà bình thản thế. À, thực ra nếu không bình thản cũng chẳng có ai mặc áo choàng tới giúp. Mấy lời khen xinh giờ trông chỉ giống họa tiết trên ghế ngồi chờ ở viện: nhỏ nhặt, và lặp đi lặp lại.
Sau đó tôi bắt đầu nghĩ có lẽ chúng tôi trông giống những chiếc tử cung biết đi. Tôi chẳng phải nhà nữ quyền gì cho cam, chỉ tưởng tượng về chuyện đó thôi: những chiếc tử cung bọc gọn gàng trong da và vẻ ngoài trông có vẻ tươi tắn. Mắt tròn, môi đỏ, nói những lời dễ nghe. Tử cung thì chẳng biết sang đường hay có sở thích gì nổi bật. Và chắc nó chỉ biết mỗi việc đẻ như một nghĩa vụ phục vụ phong trào Khuyến sinh... Hoặc như người ta nói, phụ nữ yêu bằng tai. Chỉ cần nghe vài lời ngọt nhạt là có thể yêu hết mình, rồi nhận lại những quả đắng. À, có phải thế không cơ chứ?
Những nghiên cứu hết từ tinh tinh lùn lại sang vượn, rồi truy tìm gốc gác của cái gọi là vai trò giới, rồi cái gọi là nguồn gốc của trọng nam khinh nữ chẳng có hồi đáp rõ ràng. Quá khứ dường như chỉ để lại bạn tôi một mình trong phòng, hoảng loạn và sợ hãi trong đêm vì băng huyết. Có lẽ chúng tôi đang cố làm một thứ gọi là đảo ngược tự nhiên, ngăn một cuộc đời được sinh ra. Chúng tôi cứ như được kéo xệch tới và ban cho một cái quyền người ta thường tung hê: quyền quyết định một mạng sống. Cô của bạn tôi cũng bảo thế: sau khi cháu xong, cháu hãy giữ lại túi noãn hoàng để chôn như một người. Điều ấy làm tôi phẫn nộ. Chôn như người là cái gì chứ? Một cái túi thai chưa được hai tuần tuổi thì người ngợm gì chứ? Như thế khác gì ngầm bảo chúng tôi vừa làm tội gì đó như giết người và chúng tôi phải có trách nhiệm nhớ về cái tội đó mãi mãi. Thế là sau đó lại dẫn sang một lối mòn của những cuộc tranh luận trước đó và bây giờ vẫn có, nào là thế nào gọi là ác, có nên phá thai không, rồi mẹ ơi đừng giết con, bố ơi nhớ đeo bao, rồi nữ quyền, rồi alpha male, rồi toxic femininity,  natalism vs. antinatalism, rồi đủ thứ đủ thứ làm chúng tôi hoang mang ủ rũ tôi không kể hết được. Tuy phẫn nộ thế nhưng sau khi nhận hóa đơn tiền thuốc gần một triệu, chúng tôi bảo nhau đi về với một cái thở phào. Hiện thực, may ra vẫn đáng sống. Vì dù chúng tôi biết mình được trao cho cái nghĩa vụ gì đó từ khi đẻ ra và hơn thế được ban một ý niệm rằng mình có thể làm chủ đời mình như những người phụ nữ độc lập và quyết đoán và là một giống nòi ưu việt hơn các động vật khác, có trí khôn và ý thức, chúng tôi vẫn có thể cố gắng, và chúng tôi vẫn có thể rất vui vẻ. Mặc kệ âm mưu đằng sau thế giới là gì, chúng tôi biết mình có nhau và vẫn tiếp tục bước đi, vì chúng tôi có thể đi.
Tranh: This Bloom is About to Wither (Diese Blüte Will Verwelken), 1939.

Đọc thêm: