Đêm 27-7-1987 ở Cát Bà, nhà văn Tô Hoài, khi ấy 67 tuổi, đã từ chối lời mời của một cuộc nhảy không nhạc trên nền xi măng, để ngồi trong góc tối nhìn vào đêm mịt mùng cái dĩ vãng xa lắc xa lơ một thời đã qua. Đêm 16-2-2023 tại hội trường trường đại học Tôn Đức Thắng, rời hàng ghế đại biểu, tìm một chỗ ngồi xa, tôi muốn ngắm cái náo nhiệt của học trò và sinh viên như một người ngoài, nhưng vẫn ở trong chính căn phòng ấy. “I was within and without, simultaneously enchanted and repelled by the inexhaustible variety of life” (F. Scott Fitzgerald, The Great Gatsby). Tôi thấy mình như nhân vật Jack Conrad của Brad Pitt trong phim Babylon ngồi xem sự náo động hỗn loạn của đám diễn viên khi Nelly Laroy vật lộn với con rắn đuôi chuông. Jack Conrad đã xem khung cảnh đó như xem một thước phim cuộc đời, và anh đã xúc động. Những con người ấy, quãng đời tươi đẹp của họ rơi vào những ngày cuối cùng của phim câm. Biết bao cuộc đời đã sống và chết trong và ngoài màn ảnh.
Giờ đây, trước mắt tôi, vẻ đẹp của tuổi hoa niên, tôi hiểu rằng cũng như tôi đã từng, các bạn đã chọn một màu áo, chải một nếp tóc, vì các bạn muốn rằng mình sẽ được nhìn ngắm. “I met someone that first spring, and I didn’t love him. But I very much wanted someone to look at me in all my youth and feminine momentum” (Sandra Lim, Boston). “Và hiện tại của các anh các chị chỉ là dĩ vãng của tôi” (Văn Cao, Tuổi già đến). Những chuyển động trong cái đêm hôm ấy khuấy động lên trong tôi một phút chốc cái tham lam được làm lại cái quãng đời tuổi trẻ, để yêu để chết muôn ngàn lần, và sống lại thêm triệu lần biết bao cuộc đời khác. 
Trở về nhà sau chuyến đi hai ngày một đêm, dành nguyên tối thứ sáu cho một giấc ngủ vùi bù lại những đêm trước, tôi tỉnh dậy ăn sáng cùng bố mẹ đến thăm. Lâu ngày không gặp, tôi nhận ra hai người cũng đã già nhiều, tóc bạc da mồi là không thể tránh ở tuổi 67, 68. Và họ đang chờ đợi một đứa cháu ngoại thứ hai dự kiến sẽ chào đời vào khoảng tháng 10 năm nay. 
Trong những chuyến tưởng tượng, tôi đã thâm nhập vào các vùng đất vô luân. Có khi mấy giấc mộng quái gở của một buổi trưa hay buổi tối là cái giá phải trả cho những phút nhàn rỗi buông tuồng. Xem một bộ phim tên là Infinity Pool có tài tử Alexander Skarsgård, tôi biết mình mãi vẫn ngụp lặn trong một vùng tranh tối tranh sáng những dục vọng và hoài niệm, sự kiên định và kế hoạch tương lai. Dạo này những bộ phim như vậy thường làm tôi ghi nhớ, The Menu, Triangle of sadness, hay A Cure for Wellness
Ông đồng nghiệp nhắn tôi rằng ổng muốn xin nghỉ phép hai tuần để làm phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, cái gọi là phẫu thuật lỗ khóa (keyhole surgery) để giải quyết sự chèn ép đĩa đệm giữa các đốt sống L3-L4 và L4-L5. Tôi nhớ mình cũng đã từng nằm trên cái bàn kim loại ở bệnh viện chấn thương chỉnh hình chụp X-quang khi tôi bị tương tự; nhưng tôi đã hết mà không cần phẫu thuật, khác với một cậu học trò của tôi. Thoát vị đĩa đệm, đó là món quà của những ngày tháng văn phòng. Việc tôi làm việc cùng ông, vốn là người Úc, và việc tôi hay tin một người quen vừa trở về từ Đài Loan, càng làm tôi thấy những áp lực công việc hóa nhẹ nhõm. Cái chết, vì thế lại là một thứ mà trong một số khoảnh khắc, chỉ là trò đùa.
“Dưới đó cách một khoảng là biển. Nhưng không còn sức chứa trong tôi cho những tưởng tượng về biển. Tôi có những việc khác phải làm. Tôi đã cố đánh mất mình, tôi chưa từng muốn đối mặt với cuộc đời mình thêm một phút giây nào nữa, nhưng đến đâu tôi cũng thấy nó. Tôi đã luôn trở về với chính mình. Những lang bạt đã qua. Không còn những chuyến đi vô định như vậy cho tôi nữa. Thế giới đã khép lại. Chúng ta đã đi đến tận cùng. Như trong một cuộc hội hè! Không còn đủ để buồn; Lẽ ra có cách để mở nhạc một lần nữa và tìm kiếm thêm nỗi buồn. Nhưng với tôi thì không. Có một điều chúng ta có thể không thừa nhận, nhưng thứ chúng ta thực sự muốn là có lại tuổi trẻ một lần nữa. Dù sao đi nữa, tôi đã không chuẩn bị để chịu đựng thêm. Nhưng tôi đã không đi đủ xa trong đời như Robinson! Sau tất cả, tôi đã không thành công. Tôi đã không có lấy một cái ý kiến hay, ý kiến hợp lý như của Robinson về việc khiến bản thân bị giết”. (Céline)
Cuộc sống thì đau khổ với người nghèo, phù phiếm với người giàu, và những hy vọng cho sự tiến bộ và hạnh phúc của con người chỉ là ảo tưởng.
Tôi đọc một chút về Salvador Dalí, những hình thức kiểu vậy làm người ta hay tưởng lầm đó là những tồn tại phô trương hời hợt, như ấn tượng tôi từng có về Marcel Duchamp. Nhưng cũng như trong phim The Menu, khi ẩm thực trở nên conceptual, nó đẩy người ta ra vùng của trật tự, nơi không còn ai hiểu, nên cái kiệt tác của Frenhofer là một kiệt tác không người biết.  
Sự cân bằng của tôi, tránh để tôi rơi vào siêu thực, là các kỳ hạn công việc và, gần đây, là một bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Mã Bá Dung.