Nỗi cô độc là thứ giúp ta khai thị, nhưng nếu không dẫn ta về lại xã hội, nó có thể trở thành một ngõ cụt tinh thần.
“Tôi có rất nhiều bạn đồng hành trong nhà; đặc biệt vào buổi sáng, khi không ai gọi đến.” Nhận định về trải nghiệm sự cô độc của bản thân Henry David Thoreau diễn tả được nhiều những ý nghĩ chung chúng ta có về việc sống cô độc - và cả những ưu đãi rành rành của nó. Như đã trình bày thật sống động trong Walden (1854), tường thuật kinh điển về quãng thời gian nhà văn này đã ở một mình trong rừng Massachusetts, ông đến đó để “sống thật và rút cạn tủy xương của sự sống”. Tương tự như thế, khi tôi héo lánh vào nỗi cô độc, tôi hy vọng có thể nối kết được với một thế giới rộng rãi, không chỉ có con người, và khi làm được điều đó tôi cảm thấy mình được sống trọn vẹn, khôi phục lại điều được viết trong Phúc âm của Thomas, “kẻ đã từng, trước khi hắn khởi sinh.”
Vào cõi tự nhiên và trần trụi với tất cả những gì tìm thấy được ở đó luôn là một bước quan trọng trên “đạo” hay “lối” của Đạo giáo (đạo là dịch nghĩa đen của từ tao), dù đó là những giày vò của thánh Anthony, hay sự lánh đời của những bậc hiền giả Đạo giáo. Cô độc trong tự nhiên, chúng ta rũ bỏ những lề thói giữ xã hội trôi lững thững qua ngày - cụ thể hơn, tự do khỏi chiếc đồng hồ báo thời gian là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Chúng ta được khai mở trước những tập quán khác, ít thông thường hơn: trong tự nhiên, loài thú có thể trò chuyện với ta, chim chóc sẽ đôi khi dắt ta đến nơi có nước hay ánh sáng, gió có thể trở thành lớp da thứ hai. Trong tự nhiên, chúng ta thậm chí còn có thể tìm thấy cơ thể nguyên khởi, vật thụ tạo và sống động và bất khả phân với phần tạo tác còn lại - nhưng chỉ khi chúng ta thật sự tự do, không chỉ tự do thoát khỏi những giới hạn của đồng hồ, lịch lạc và lề thói xã hội, mà còn là tự do khỏi những hy vọng, kỳ vọng và sợ hãi đôi khi được chôn giấu trong lòng khi vừa đặt chân đến nơi này.
minh họa trang tựa sách Walden phiên bản 1882
Với nhiều người trong chúng ta, cô độc thật quyến rũ vì nó là “chốn thanh tẩy”, như cách triết gia người Israel Martin Buber từng gọi. Khao khát du hành vào chốn ấy có thể là niềm khoái cảm giản đơn của việc ở xa, không vướng bận bởi sự tủn mủn và suy hoại của vòng xoay hàng ngày. Với tôi, ở một mình là luôn tỉnh táo giữa một thế giới ồn ã, rối ren - tôi có cái mà nghệ sĩ dương cầm người Canada Glenn Gould từng gọi “chỉ số cô đơn cao” - nhưng đó cũng là một cách mở ra một không gian sáng tạo, để tự cho mình dịp trở nên lặng yên đủ để nghe hoặc nhác thấy tương lai.
Có những kẻ có khuynh hướng trở thành những trú khách hoàn toàn tạm bợ giữa hoang nhiên, những kẻ không trú lại lâu. Ngay khi được tái sinh bằng một phép chiêm nghiệm đơn độc, họ háo hức quay về cuộc chiến hàng ngày. Trong khi đó, những trú khách toàn tâm với thiên nhiên lại tìm kiếm hơn thế. Dẫu vậy, dù sự cô đơn thâm trầm có cho họ một cái nhìn về sự tối cao (hay nếu muốn gọi khác, sự thiêng linh), các câu hỏi vẫn ngay lập tức xuất hiện sau đó. Giờ thì sao đây? Mục đích của cái cô đơn này là gì? Nó phụng sự ai? 
Sự cô đơn có thể kích thích một ý nghĩa mới của sự đồng hành
Tự mang bản thân vào hoang nhiên như một phần sứ mệnh tinh thần là một chuyện, nhưng để tồn tại ở đó trong một trạng thái phấn chấn trơ trọi lại là chuyện khác. Nhà huyền học Anh-Mỹ Thomas Merton luận rằng “chẳng có hiểm họa nào to tát hơn đối với đời sống tinh thần cho bằng sự chìm đắm vào cõi phi thực, bởi cuộc sống được dung dưỡng và duy trì trong chúng ta bởi mối quan hệ sống còn với những thực tại bên ngoài cao viễn hơn chúng ta. Khi cuộc sống của chúng ta lấy dinh dưỡng từ cõi phi thực, nó phải đói khát thôi”. Nếu là một phần của con đường tinh thần hữu sinh, ông nói, chứ không đơn thuần là đào thoát khỏi sự mục ruỗng hay biểu hiện của sự thù ghét con người, “nỗi cô đơn của ta sẽ đơm thành trái khổng lồ từ linh hồn của những kẻ ta chẳng bao giờ nhìn thấy trên cõi trần.” Đây là một quan điểm mà Ralph Waldo Emerson, bạn và thầy của Thoreau, từng đề cập. Cô độc cần thiết cho con đường tinh thần, ông đã nghĩ, nhưng “chúng ta cần cô độc đó để gắn ta vào những hiển lộ của nó khi chúng ta ở ngoài đường và trong những tòa cung điện … nó chẳng nằm ở số lượng người nhiều ít xung quanh mà ở sự sẵn lòng của lòng trắc ẩn nó mang về.”
Tuy vậy, Thoreau lại cảm thấy rõ ràng sự mục ruỗng của một xã hội thỏa hiệp về chính trị, vị lợi và duy trì chế độ nô lệ. Di cảo Mũi Cod (1865) của ông, ít nhất một phần của nó, bày tỏ sự phẫn nộ, thậm chí buồn thương, mà dựa trên đó ông đã cho thấy ý định xoay lưng lại xã hội Mỹ. Nhưng phần lớn cuộc đời mình, ông vẫn duy trì gần như nguyên vẹn nguyên lý của Emerson, như đã kể lại trong Walden:
Ở đó nữa, như khắp mọi nơi, tôi đôi khi lại mong chờ Vị khách chẳng bao giờ xuất hiện. Vishnu Purana nói rằng, “người chủ nhà buộc phải vào chiều hôm ở lại sân nhà một quãng thời gian đủ để vắt sữa một con bò, hoặc lâu hơn nếu muốn, để chờ sự xuất hiện của một vị khách.” Tôi thường thực hiện nghĩa vụ tiếp đón này, chờ đủ lâu để vắt sữa cả đàn bò, nhưng chẳng thấy kẻ nào từ thị trấn đặt chân đến.
Có lẽ Vị khách đó chẳng bao giờ đến là một kẻ đến từ thị trấn - hay có lẽ từ một nơi nào đó khác, bí ẩn hơn - và có lẽ là một sự xuất hiện ít nhân từ hơn. Như Merton lưu ý, hoang nhiên là một chốn để trở nên lạc lõng, cũng như được tìm thấy. “Trước hết, sa mạc là là một nơi điên rồ. Thứ hai, đó là chốn trú ngụ của ác quỷ, bị vứt đi để “rong ruổi ở những chốn khô hanh”. Sự đói khát khiến con người phát rồ, và chính con quỷ cũng trở nên điên rồ vì niềm khao khát quyền năng đã không còn của nó - lạc lối vì nó đã xa lánh bản thân trong nó và khép chặt lòng trước mọi thứ khác.”
Karl Marx bày tỏ quan điểm này theo một cách khác. Trong quyển Góp vào phê bình Triết học Pháp quyền của Hegel (1844) ông cho rằng, “khác biệt gì giữa lịch sử tự do của chúng ta và lịch sử tự do của con lợn rừng nếu nó chỉ có thể tìm thấy giữa rừng sâu? Ai cũng biết rằng rừng xanh vọng lại những gì ta thét vào.” Marx xem tôn giáo - và bằng ngụ ý của mình, cả đời sống tinh thần nói chung - là “thuốc phiện của quần chúng” nhưng quan điểm trọng tâm là sự cần thiết phải thận trọng trước những nguy hiểm của tư duy rừng sâu. Như trong mọi câu chuyện cổ tích và diễm tình trung cổ, hoang nhiên là nơi cư ngụ của rồng, nhưng không phải tất cả bọn chúng đều sinh ra và lớn lên tại đó. Phần lớn những con rồng khác đều được kẻ hành hương mang đến, người mà sứ mệnh dường như đã thuần khiết và luận rõ từ lúc khởi hành.
Nếu cô độc không hướng ta quay về xã hội, nó có thể trở thành một ngõ cụt tinh thần, một hành động tự nuông chiều hay thoát li, như Merton, Emerson, Thoreau, và các hiền giả Đạo giáo đều đã biết. Chúng ta có thể ngưỡng mộ tự do của loài lợn rừng, chúng ta thậm chí có thể ghen tị, nhưng chừng nào những kẻ khác hãy còn bị giam cầm, đói khát, hay bị những rường lối của xã hội giam hãm, chúng ta còn có nghĩa vụ phải quay về và làm trong khả năng những gì có thể để giải phóng họ. Vì câu nói sáo vẫn đúng: bất luận ta làm gì, ta không thể nào tự do khi kẻ khác đang bị giam cầm, ta không thể thật sự hạnh phúc khi kẻ khác đang đau đớn. Và, dù cho túp lều cô độc trong hoang nhiên của ta có thần thánh hay tối cao đến đâu, đó vẫn là một thiên đường cằn cỗi của sự trống rỗng và thịnh nộ, trừ phi ta đã sẵn sàng quay lại và tham gia chủ động vào thế giới xã hội. Thoreau, biểu tượng dường ấy của sự chiêm nghiệm cô độc, rốt cuộc cũng quay về ủng hộ bãi nô. Và bằng cách này, ông đã dọn ra những nguyên tắc bất tuân dân sự về sau đã truyền cảm hứng cho Gandhi, Martin Luther King và những chiến binh hòa bình tham gia các phong trào chống đế quốc khắp toàn thế giới.

“Không ai là một hòn đảo, hoàn toàn cô độc,” một câu của John Donne được trích dẫn quá thường xuyên, nhưng tác động trọn vẹn của nó chỉ có thể được thấy trong phần còn lại, khi ông đã viết.
Mỗi người là một mẩu của lục địa, Một mảnh của đại dương. Nếu một hòn đất bị biển khơi lấy mất, Châu Âu sẽ nhỏ hơn. Và cũng vậy, nếu đó là cả một dải đất;
Nếu đó là thái ấp của anh Hay của bạn anh. Mỗi cái chết đều khiến tôi hao hụt
Bởi tôi là một phần của loài người. Cho nên đừng hỏi Chuông nguyện hồn ai, Nguyện hồn anh đấy.
Đây là một trong những nghịch lý của cô độc, rằng nó không trao cho ta một cuộc đào thoát, hay một thiên đường, hay một nơi trú ngụ, ở đó ta có thể kiêu căng duy trì sự liêm chính của bản thân bằng cách phớt lờ một thế giới xã hội độc ác, mục ruỗng; mà là một lối quay trở lại cái thế giới ấy, và một động cơ mới mẻ để tồn tại trong đó. Hơn thế, cô độc có thể kích thích một ý nghĩa mới của sự đồng hành - và cùng với nó, một sự tao nhã và hiếu khách vượt ngoài bất cứ những phép tắc tốt đẹp đề ra. Vì, dù ta là ai đi nữa, dù ta đã đạt được hay đã không đạt được gì đi chăng nữa, cuộc sống của ta phụ thuộc vào sự chuẩn bị cho vị khách chẳng bao giờ đến, nhưng sẽ đặt chân vào bất cứ lúc nào, dù từ rừng sâu hay từ thành thị.
Nguồn: aeon