Ngày xửa ngày xưa, có một đôi bạn thân là Chó và hồ Ly, hàng ngày vui đùa cùng nhau. Rồi một ngày, cả hai đối diện với Tử Thần. Ngài bảo: “Một trong hai sẽ phải chết trong hôm nay, nhưng ta sẽ không phải người quyết định, mà sẽ giao việc đó cho số phận, hai con sẽ quyết định bằng cách oẳn tù xì, người thua sẽ là người chết hôm nay !”
Cuối cùng Hồ Ly chết, Chó khóc lóc ôm Hồ Ly nằm yên lặng trong lòng mà gào lên: “Đã nói là cả hai sẽ cùng ra búa, tại sao trong khi ta ra kéo thì ngươi lại ra bao?”
Hóa ra Chó muốn thua để Hồ ly được sống, tưởng rằng Hồ ly sẽ ra búa nên Chó ra kéo, nhưng không ngờ Hồ ly lại ra bao, vì nó nghĩ Chó sẽ ra búa. Cuối cùng, tất nhiên là Chó đã thắng.
Câu chuyện ngụ ngôn "Chó và Hồ Ly", một trong những mẫu truyện kinh điển mà chúng ta từng được nghe về lòng trung thực, luật nhân quả.
Liệu ta có đúng nếu tin rằng chó trung thực, còn Hồ Ly thì xảo quyệt?
Sẽ thế nào nếu câu chuyện chỉ dừng lại và kết thúc ngay sau khi Hồ Ly thua cuộc, và chó chẳng bao giờ có cơ hội để "phân trần" cho chính nó ? Bạn vẫn có thể kết luận rạch ròi đúng sai giữa hai bên chứ ?
Điều gì đã thay đổi? 
Một chi tiết thêm vào, một câu nói bâng quơ, lèo lái cả một câu chuyện. 
Có thể Hồ Ly đã lừa Chó, hoặc cũng có thể không ? Sẽ chẳng ai chắc chắn được, vì đó là câu chuyện của hai nhân vật, và chỉ duy nhất kẻ sống sót biết về sự thật và "thuật" lại nó. Chỉ có một điều chắc chắn là Cáo đã chết.
Một khởi đầu, một kết cục và chi tiết dẫn đến hai điểm, đó là cách một câu chuyện được kể. Trong khi kết thúc và khởi đầu là thứ đáng tin và dễ xác nhận nhất, chi tiết và nội dung thì có thể tùy biến theo mục đích cá nhân. Con người chúng ta thường bị hấp dẫn bởi chi tiết và nội dung của một câu chuyện, và ngược lại nhàm chán với sự thật trần trụi của nó: mở đầu và kết thúc.
Sẽ chẳng hấp dẫn gì khi chú thợ săn tình cờ gặp rồi giết sói và giải cứu hai bà cháu, mà không đề cập đến con chó sói nham hiểm và đã lừa lọc bà ngoại và cô bé thế nào. Sẽ thế nào khi truyện Tấm Cám chỉ là câu chuyện về một cô gái sống chung với mẹ con Cám, rồi trở thành hoàng hậu, sau đó trả thù gia đình mẹ kế. 
Mọi câu chuyện cần "chi tiết" để trở nên lôi cuốn, và cũng cần "sự thật" để người khác tin vào. Cùng một "sự thật" nhưng chi tiết khác nhau và cách liên kết chúng lại tạo nên những câu chuyện khác nhau.
Vậy mục đích của một câu chuyện là truyền tải sự thật ? 
Không! Sự thật là một phạm trù chủ quan hơn là khách quan. Mục đích của mọi câu chuyện là truyền tải một ý tưởng, một thông điệp, và khiến người ta tin vào nó bằng những "sự thật" được sắp xếp.

Câu chuyện bịp thế kỷ 

Hình ảnh Lance Armstrong trong giải Tour De France (Nguồn: Internet)
Lance Armstrong vận động viên đua xe đạp người Mỹ, từng là một cua rơ huyền thoại, hay giờ đây đúng hơn nên gọi anh bằng cái tên khác "gã bịp vĩ đại" của làng thể thao. 
Anh từng bị ung thư tàn phá tinh hoàn, phổi và não, phải trải qua điều trị xạ trị để níu giữ sự sống. Ngay sau khi khỏi bệnh, anh nhanh chóng trở lại yên xe đạp để tham gia giải đua Tour De France và vô địch đến bảy lần, được gọi là "Lance Armstrong và bảy kỳ công", đưa tên tuổi anh lên ngôi đền huyền thoại của làng thể thao lúc bấy giờ, niềm cảm hứng chiến thắng tử thần của nhân loại, là nguồn động lực của hàng triệu bệnh nhân chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. 
Một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, tôi đã ước là mình có thể nói như vậy!
Nhưng tất cả đã sụp đổ, một sự thật trần trụi được phơi bày, một từ duy nhất "Doping" giải thích cho tất cả. Lance và đồng đội bị vạch trần là đã sử dụng chất kích thích trong suốt bảy giải đấu huyền thoại của anh. Vị thánh bị lột bỏ đi ánh hào quang của mình. 
Câu chuyện về lòng dũng cảm, đam mê, một người đã chiến thắng căn bệnh ung thư những hai lần, chỉ là lần này sẽ không phải là một Lance Armstrong vô địch 7 lần Tour De France, một ảo ảnh được dựng lên bởi doping. Người ta tức giận không phải vì một Armstrong thần thánh chưa từng tồn tại, mà chỉ là họ không thể tin vào câu chuyện cổ tích ấy nữa. 
Câu chuyện vẫn ở đó, từng truyền cảm hứng và cứu rỗi niềm tin của hàng triệu người, Lance đã sai, anh không thần thánh, nhưng vẫn là anh, người chiến thắng ung thư đến hai lần, vẫn là anh, người lập ra quỹ từ thiện hàng triệu dollar giúp đỡ bệnh nhân mắc ung thư trên toàn thế giới. 
Một câu chuyện liệu có mất đi ý nghĩa chỉ vì vị thánh nào đấy rất "con người", và trở thành câu chuyện bịp. 

Câu chuyện bịp thường ngày

"Học giỏi sau này con sẽ trở nên thành đạt, không thì sau này sẽ bán vé số !" 
"Trẻ con mà đi lang thang thì sẽ bị ông kẹ bắt!"
"Phải ngoan thì ông già Noel sẽ cho quà vào này Giáng Sinh"
Nghe quen chứ ? Ai chắc cũng một lần nghe qua những câu thế này, và phải công nhận rằng nó rất hiệu quả. Nhưng liệu ai có còn nghi ngờ những câu nói trên là sự thật hay không ? Có lẽ là không, nhưng nó vẫn tồn tại vài truyền đi hàng thế hệ, những câu chuyện bịp đầu đời. Vì sao ?
Vì bọn trẻ cần thứ gì đó để tin vào, còn người lớn cần những câu chuyện đó để giáo dục. Sẽ thật tàn nhẫn làm sao ? Nếu ai đó nói quỵt toẹt ra với đứa trẻ con rằng ông già Noel không có thật, cả ông Kẹ cũng thế, rằng học hành cũng sẽ không đảm bảo cho chúng cuộc sống sung túc sau này. Tuổi thơ và sự hồn nhiên của nó sẽ vỡ một phần ngay sau khi biết được những sự thật không cần thiết ấy.
Buồn cười không khi bạn nhận ra cả tuổi thơ của trẻ con xoay quanh những câu chuyện bịa về ông tiên, kỳ lân, công chúa và hoàng tử ?
Chúng ta có từng tức giận với điều đó, những "sự lừa lọc" dễ thương ấy ? Hay chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi bị lừa suốt ngần ấy thời gian ? 
Tại sao lớn lên chúng ta lại tức giận khi biết mình bị lừa ? vì biết được sự thật hay là vì chúng ta đã rất muốn tin vào điều giả dối ấy ?
Và liệu chúng ta có luôn thật sự cần sự thật ?
Trong y học, có một khái niệm mà người ta gọi là "Giả Dược" (Placebo), một loại thuốc giả, hoàn  toàn không có một tác dụng sinh lí gì đến căn bệnh, nhưng đồng thời cũng không làm hại đến sức khỏe bệnh nhân. Phương thức chữa bệnh bằng sự lừa lọc, giúp cho người bệnh có tự nâng cao đề kháng của mình bằng phương pháp tâm lý.
Những câu chyện bịp có thể là những viên giả dược đó, mọi người đều không muốn uống, nhưng lại không thể phân biệt được, và đôi khi lại dựa vào nó để sống.
"Mọi chuyện sẽ ổn mà !"
"Không sao đâu !"
"Tao tin là như thế !"
Khi nói những lời này, sự thật là thứ bạn mong chờ ?
Một lúc nào đó người lớn sẽ rất cần một thứ gì đó để tin vào, một ngọn hải đăng giữa những màn đêm trắc trở, bất kể mọi người xung quanh có hét vào mặt họ rằng điều đó là sai. chúng ta vẫn sẽ kiên cường bảo bệ ánh sáng đó, niềm tin đó, một sứ mệnh đặc biệt. Có thể chúng ta sẽ bị gọi là những kẻ cứng đầu, ấu trĩ, nhưng không phải sẽ thật thảm thương hơn sao, nếu một con người không có bất cứ thứ gì để tin vào ?
Vậy đúng sai và sự thật có nhất thiết là yếu tố tiên quyết để đánh giá một niềm tin, một câu chyện? Thế còn những thông điệp của nó thì sao ?

Kết luận

Bạn có nhận ra khi càng lớn, thứ chúng ta tin sẽ dần vơi đi, liệu đây có phải lý do mà khiến chúng ta đôi khi lạc lõng.
Có một lúc bạn sẽ nhận ra rằng ngây thơ, dễ tin không hẳn là một khuyết điểm, rằng đôi khi vài chuyện không cần nhất thiết phải đi chứng minh hay đòi hỏi một câu trả lời. 
Lần tới khi nghe một câu chuyện nào đấy, bạn hãy thử cố gắng lắng nghe thông điệp người kể muốn truyền tải, thay vì hỏi: "Điều đó có là sự thật ?"
Hãy thử như thế này: "Ta có nên tin hay không ?"
Nó không những giúp bạn tránh bị lừa mà còn có thể giữ thái độ cởi mở hơn với người kể. Vì tôi tin, mục đích mọi câu chuyện điều là một thông điệp, và người nghe mới là người quyết định xem nên làm gì với thông điệp đó.
Sự thật suy cho cùng cũng chỉ là môt phạm trù chủ quan hơn là khách quan
"There is no truth, there is only perception"
Gustave Flaubert