SCARLET - NGƯỜI BÌNH THƯỜNG PHI THƯỜNG
13 tuổi, Scarlet chuyển đến Canada - vùng đất với nền văn hóa và con người khác biệt, gặp vô vàn khó khăn như từng chia sẻ trong series...
13 tuổi, Scarlet chuyển đến Canada - vùng đất với nền văn hóa và con người khác biệt, gặp vô vàn khó khăn như từng chia sẻ trong series Học được gì qua 4 năm định cư ở Canada. Dù vậy, với nỗ lực và ý chí phi thường, cô gái nhỏ đã dần hòa nhập và định hình được con đường phát triển cho bản thân tại đất nước này. 15 tuổi, khi đã ổn định dần cuộc sống, Scarlet lần nữa đối mặt với những thách thức khi không biết mình muốn gì, mình nên làm gì,.. Đó cũng là thời điểm cô bắt đầu hành trình tìm kiếm đam mê của bản thân. 19 tuổi, Scarlet cho biết phía sau những thành tựu đã đạt được vẫn còn đó cảm giác hoài nghi, bất định về tương lai. Nhưng cũng như những lần trước, từ bỏ không hề nằm trong từ điển của cô gái phi thường này.
"TỚ CHỈ LÀ MỘT NGƯỜI BÌNH THƯỜNG"
Đó là câu khẳng định của Scarlet xuyên suốt buổi trò chuyện với đội ngũ Humans of Spiderum, và có lẽ cũng là ấn tượng đầu tiên trong mắt những người chưa tiếp xúc nhiều với cô gái nhỏ nhắn dễ thương, chủ nhân của những bài viết truyền cảm hứng vô cùng thú vị trên Spiderum này.
Scarlet năm nay 19 tuổi và đang theo học chuyên ngành Computer Science tại University of British Columbia. Nhiều độc giả hẳn cũng không hề xa lạ với hình ảnh cô gái tài năng với niềm đam mê lập trình được phát hiện từ sớm, và khắc họa thông qua các bài viết như Muốn học lập trình thì nên bắt đầu từ đâu? hay Chuyện mình được nhận vào Google. Nhìn sơ qua “lý lịch trích chéo” này, có lẽ từ cuối cùng mà chúng tôi nghĩ đến là từ “bình thường”; nhưng Scarlet thì không nghĩ vậy:
“Tớ có nhiều điều ngây ngô lắm, ví dụ như nếu bị hỏi bất ngờ thì không thể phân biệt được... 100 triệu hay 1 tỷ có bao nhiêu chữ số 0. Tớ sẽ đơ ra và không biết nên trả lời như thế nào. Cơ mà tớ cũng không ngại đâu, đó chỉ mới là một trong những điều ngây ngô của tớ thôi, kể ra thì còn nhiều lắm”
“Cô gái này quả thật cũng có những ngây ngô hết sức… thú vị” - chúng tôi thầm nghĩ vậy khi nghe tới đây. Nhưng dẫu sao thì ít nhất bây giờ đội ngũ Spiderum (và cả bạn) cũng biết thêm một cách để có thể làm khó Scarlet-bất-khả-chiến-bại rồi.
Bên cạnh đó, cũng như nhiều sinh viên năm nhất khác, Scarlet cũng mới trải nghiệm lần đầu tiên sống xa gia đình khi trúng tuyển kỳ thực tập hè tại Google.
“Mặc dù kỳ thực tập này có thể làm online vì dịch Covid, tớ vẫn lên đường sang Toronto và tự thuê nhà sống một mình.” - Scarlet chia sẻ.
Mục đích của Scarlet là đưa bản thân vào tình huống thử thách để học cách tự chăm sóc bản thân và sống chung với những người có suy nghĩ hay lối sống hoàn toàn khác mình. Cũng giống như bất cứ ai, trải nghiệm tự sống một mình lần đầu tiên này đến với Scarlet không hề dễ dàng khi cô gặp phải nhiều vấn đề khi sống chung với những người bạn cùng phòng không có ý thức dọn dẹp và giữ vệ sinh.
“Giống như mọi người, tớ cũng có những thời điểm rất mệt mỏi và buồn bực vì tình trạng này. Mà không chỉ có vậy, khoảng thời gian này thậm chí còn tệ hơn khi tớ bị rệp cắn trong vòng 1 tháng liên tục, phải tự đi khám và bị sốt li bì suốt nhiều ngày liền.”
Tương tự, trong quá trình đi làm, Scarlet cũng gặp phải nhiều khó khăn và thách thức mà cô tin người trẻ bình thường nào cũng từng trải qua. Với khả năng của mình, cô từng có cơ hội trải nghiệm rất nhiều môi trường làm việc khác nhau: nếu như khi làm ở Google, hệ thống công ty rất đồ sộ và mọi thứ đều được lên kế hoạch kỹ càng thì khi thử sức tại công ty phi lợi nhuận, hướng đến cộng đồng, Scarlet lại được trải nghiệm môi trường cởi mở, thân thiện và linh hoạt về thời gian. Còn với startup, cô có cơ hội làm tại nhiều vị trí từ kinh doanh, thiết kế đến lập trình. Dẫu vậy, việc thử sức ở nhiều môi trường mới, tham gia nhiều hoạt động khác nhau không khiến Scarlet tránh được những “khủng hoảng” rất đời thường với mỗi bạn trẻ trong lứa tuổi của mình: cảm thấy mất phương hướng, không biết đâu là điều mình thật sự muốn làm, đâu là giá trị, ưu tiên mình nên đặt lên hàng đầu.
Khoảng thời gian không ngừng trải nghiệm, thử sức ở nhiều lĩnh vực này ngược lại lại càng khiến Scarlet nhận ra xung quanh có rất nhiều người giỏi hơn mình, và càng cảm thấy mình… bình thường hơn. Cô tin rằng những thành tựu, cơ hội mà mình đạt được không bắt nguồn từ việc bàn thân có tài năng đặc biệt:
“Đó là kết quả của sự chăm chỉ và cố gắng, còn tớ cũng chỉ là một người bình thường thôi"
HAY... PHI THƯỜNG?
Nếu như những trải nghiệm, vấn đề hay khủng hoảng của Scarlet là điều bất cứ ai cũng có thể từng trải qua; thì cách nhìn nhận và giải quyết chúng của cô gái 19 tuổi lại mang một chút gì đó rất độc đáo và phi thường.
Chẳng hạn như thay vì nản lòng trước những khủng hoảng hay biến cố xảy đến với mình, Scarlet lại học cách chấp nhận và giải quyết chúng như một cách thức “luyện tập” cho bản thân dần trở nên tốt hơn. Quan niệm rằng mỗi việc xảy ra, dù có buồn phiền đến đâu, cũng đều sẽ dạy cho chính mình những bài học bổ ích, Scarlet luôn tiếp cận mọi việc với tâm thế tích cực đến bất ngờ. Đơn cử như trong câu chuyện gặp mâu thuẫn với bạn cùng nhà đề cập phía trên, thay vì tập trung đào sâu vào những điểm tiêu cực để đẩy mọi thứ lên cao trào, cô gái trẻ lại lựa chọn nói chuyện, tìm hiểu thêm về suy nghĩ, cảm nhận của họ để từ đó đưa ra góc nhìn khách quan và cách giải quyết phù hợp hơn. Cũng chính những trải nghiệm này càng giúp Scarlet trưởng thành, chín chắn và bản lĩnh hơn so với trước.
Hay như từng chia sẻ trong bài viết Học được gì qua 4 năm định cư ở Canada? (Phần cuối), trải nghiệm thất tình đã khiến Scarlet có động lực để... hoàn thành chứng chỉ Software Development Micromaster của UBC trong vòng 2 tuần. Scarlet đã dành toàn bộ thời gian này để học bài ở thư viện thành phố, trong trạng thái “nước mắt nước mũi chảy tèm lem vừa sụt sùi khóc vừa cắm mặt vào laptop chép bài, trên mũi còn cắm nguyên hai cục khăn giấy to tướng chống nhỏ nước lên mặt giấy, đều đặn 12-15 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần.”
Kể cả đối với việc bản thân cảm thấy mất phương hướng, Scarlet cũng coi đó như… một phần dự định và hoàn toàn bình thản tìm cách giải quyết. Với cô gái trẻ này, mất phương hướng cũng đồng nghĩa với việc cô đang cân nhắc tất cả mọi khả năng có thể xảy ra; và nếu tiếp tục thử sức mình ở nhiều lĩnh vực thì dần dần Scarlet chắc chắn sẽ biết được đâu là điều thật sự phù hợp với bản thân. Việc cô cần làm không phải lo lắng hay sợ hãi mà là giữ cho mình một tâm thế mở để không ngừng học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành. Nếu như lúc trước Scarlet đã trải nghiệm môi trường đa quốc gia, tập đoàn lớn, startup, làm nhiều vị trí từ truyền thông, lập trình đến kinh doanh thì gần đây cô đang thử sức với mảng UI/UX và sắp tới là Research and Development (R&D). Scarlet quan niệm rằng việc thử sức ở nhiều lĩnh vực - hay liên tục vượt ra khỏi vùng an toàn như vậy - sẽ giúp cô biết rõ được khả năng của bản thân đến đâu và trở nên tốt hơn mỗi ngày.
“Nếu cậu có thể làm đến cùng kể cả khi sợ hãi vì phải làm những điều mà mình chưa từng làm trước đây thì tớ nghĩ cậu sẽ không còn sợ bất cứ khó khăn nào cả.” - Cô chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi cảm thấy mất phương hướng, một điều cũng được Scarlet áp dụng là lên kế hoạch cho bản thân dựa theo những điều mình muốn đạt được trong tương lai. Như từng chia sẻ trong bài viết How-To: Thử tự lập kế hoạch cho 10 năm tới, cô tin rằng kể cả khi không biết mình muốn làm gì, vẫn sẽ có một mục tiêu nào đó mà cô mong muốn đạt được. Scarlet sẽ sắp xếp những ưu tiên của mình về trường học, bạn bè, gia đình,.. bằng cách đánh giá xem chúng có trùng với mục tiêu của mình không, và những ưu tiên nào có thể kết hợp với nhau. Với cách tư duy này, cô có thể lên dự định cho một tuần, một tháng, sáu tháng hay một năm tới; từ đó biết mình cần làm gì và bớt mất phương hướng hơn.
Chẳng hạn như đã chia sẻ trong bài viết trong series Học được gì qua 4 năm định cư ở Canada?, khi không nhận ra đam mê của mình là gì, Scarlet đã đặt ra kế hoạch trong vòng một tháng phải... hoàn thành đủ 100 giờ tình nguyện ở đất nước lá phong. Sau khi hoàn thành mục tiêu này, cô lại tiếp tục lên kế hoạch tham gia nhiều khóa học và sự kiện đa dạng để tìm ra mối quan tâm của bản thân; từ đó sớm định hình được con đường lập trình đang lựa chọn.
“Tuy nhiên không phải lúc nào tớ cũng làm theo y hệt những gì mình đã lên kế hoạch đâu. Nhiều khi chính cảm giác mất phương hướng lại là yếu tố nhắc nhở tớ rằng mình có đang đi đúng hướng hay không đấy.” - Scarlet chia sẻ.
Có lẽ đó cũng là điều mà cô bạn muốn nhắn nhủ đến những bạn đọc của Spiderum. Lo lắng, sợ hãi hay mất phương hướng đều là điều mà ai cũng từng trải qua nhưng làm gì với nỗi lo lắng đó mới là điều quan trọng. Cô tin rằng một người bình thường vẫn có thể làm nên điều phi thường nếu người đó cố gắng, kiên trì và biết tiếp cận vấn đề một cách phù hợp.
VIẾT LÀ ĐỂ CHIA SẺ, KẾT NỐI
Đến Canada từ năm 13 tuổi, Scarlet chia sẻ mình nhận thấy khác biệt văn hóa lớn nhất giữa Việt Nam và Canada là ở đây mọi người luôn giữ khoảng cách với nhau. Nếu như Việt Nam hướng đến tính tập thể, đoàn kết thì Canada chú trọng vào sự phát triển và định hướng của một cá nhân hơn. Việc lớn lên ở cả hai nền văn hóa khác nhau giúp Scarlet vừa có được những nhận thức riêng về phát triển bản thân nhưng đồng thời cũng có thể áp dụng những điều học được để giúp đỡ cộng đồng xung quanh mình.
Điều này thể hiện ngay trong chính cách cô lựa chọn chủ đề và đầu tư cho các bài viết của mình trên Spiderum. Với mong muốn chia sẻ để các bạn trẻ như mình có thể nâng cao kỹ năng, đầu tiên Scarlet sẽ xác định cụ thể đối tượng độc giả và hình dung trước xem họ đang gặp phải vấn đề gì mà cô đã từng có kinh nghiệm đối mặt và vượt qua.
Tiếp theo cô sẽ chia nhỏ những mối quan tâm đó, xây dựng bố cục bài viết kết hợp với việc tham khảo các nguồn tài liệu để có góc nhìn phong phú hơn. Scarlet thường cố gắng giữ bài viết của mình có từ 3 đến 5 ý chính vì biết được rằng não bộ người sẽ tiếp thu tốt nhất với số lượng này. Vậy nên cô sẽ suy nghĩ và giới hạn những điều mình muốn nói nhất trong bài, chọn cách truyền đạt và triển khai ý phù hợp để mọi người dễ nhớ và dễ liên hệ với bản thân. Là một người có thói quen làm việc logic và khoa học, Scarlet cũng sẽ tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn tham khảo khác nhau, có thể là từ những câu chuyện cá nhân, trải nghiệm của những người xung quanh hay từ kiến thức trong sách báo để có thể đem lại cái nhìn phong phú và đa chiều nhất cho độc giả.
Trong những bài viết của cô như Làm thế nào để tối ưu hoá việc phát triển bản thân?, Muốn học lập trình thì nên bắt đầu từ đâu? hay How-To: Thử tự lập kế hoạch cho 10 năm tới, Scarlet luôn áp dụng tư duy viết bài này và hướng tới việc giúp mọi người nhận ra vấn đề của mình, từ đó có thể phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Với cô, đó chính là cách tốt nhất để xây dựng những kết nối và đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
“Thông qua việc viết lách trên Spiderum, tớ cũng làm quen được thêm rất nhiều anh chị thú vị và cực kỳ giỏi như anh Huskywannafly, Hexpion hay chị Nga Levi chẳng hạn. Tớ cũng học được từ mọi người rất nhiều sau những lần nói chuyện hoặc làm việc cùng nhau” - Scarlet hào hứng chia sẻ thêm.
Ấy vậy mà đã có lần cô gái nhỏ quyết định tạm rời Spiderum vì sợ bản thân trở nên quá… tự mãn khi những bài viết của mình được mọi người đón nhận rất tích cực. Scarlet là vậy, luôn luôn khiêm tốn và có những suy nghĩ rất đặc biệt. Thật may là sau đó cô đã giải thích tất cả mọi chuyện trong bài viết Vì sao mình rời Spiderum và trở lại với Động Nhện, không chỉ thông qua các bài viết trên website mà còn trên cả trong những clip của kênh Youtube Spiderum và đặc biệt là trong 2 cuốn sách Du học ký: Vạn dặm có chi? và Người Trong Muôn Nghề: Ngành IT có gì?
Có thể nói, chính thái độ cầu thị, không ngừng nỗ lực trong mọi việc mình làm cùng mong muốn hướng đến cộng đồng đã khiến cho Scarlet trở thành một cây viết nổi bật, được nhiều người yêu quý đến vậy. Với Spiderum Team, Scarlet, không còn gì phải bàn cãi, chính là “một người bình thường phi thường”.
Thực hiện: Hoàng Phương
Thiết kế: Isa Quan
Thiết kế: Isa Quan
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất