logic is not enough
"kẻ giầu có nhất không phải là kẻ có nhiều nhất, mà là kẻ cần ít nhất" I. Logic là gì Theo wikipedia thì Logic hay luận lý học,...
I. Logic là gì
Theo wikipedia thì
Logic hay luận lý học, từ tiếng Hy Lạp cổ điển λόγος (logos), nghĩa nguyên thủy là từ ngữ, hoặc điều đã được nói, (nhưng trong nhiều ngôn ngữ châu Âu đã trở thành có ý nghĩa là suy nghĩ hoặc lập luận hay lý trí). Logic thường được nhắc đến như là một ngành nghiên cứu về tiêu chí đánh giá các luận cứ … Logic là sự phân tích và chứng minh tính hiệu lực của các suy luận.https://en.wikipedia.org/wiki/Logic
Như thế, logic đóng vai trò như một hệ thống nhằm thẩm xét hiệu lực của các lập luận và suy nghĩ. Để có logic, đầu tiên phải có suy nghĩ, lập luận, sau đó có thẩm xét và cải tiến chúng theo hướng ngày càng logic hơn. Tư duy logic luôn đóng vai trò thiết yếu trong việc giải quyết hầu hết các vấn đề đặt ra trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, mọi mặt của cuộc sống. Ngày nay, các tri thức, công nghệ mới nẩy sinh hằng ngày, các phương thức mới để kiếm tìm của cải, tình cảm, sự giải trí hay sự nổi tiếng cũng nẩy sinh hằng ngày, logic của cuộc sống vì thế mà thay đổi liên tục, tạo ra khoảng cách giữa các thế hệ, các nhóm người… Ai nhìn ra được một logic mới, ví dụ như một trò chơi có thể hấp dẫn nhiều người chơi chẳng hạn, người đó có cơ hội mở ra một hình mô hình kinh doanh hấp dẫn mới.
Người giỏi nhìn ra logic của mọi thứ
II. Nền tảng của tư duy logic và đặc tính của nền tảng này
Tiếp theo, không triển khai tiếp các ứng dụng của tư duy logic mà tôi thử suy xét về nền tảng của logic. Kết quả của quá trình suy xét này là phát biểu sau:
Mọi tư duy logic đều dựa trên sự vận hành một hay một vài hệ thống khái niệm
Vâng, nếu không có khái niệm, chẳng thể nào có logic. Một em bé mới sinh ra dù có đủ chân tay đầu óc nhưng sẽ chưa thể tư duy logic, vì em bé chưa hình thành cho mình bất cứ khái niệm nào hết. Nếu ai đó không học để biết các khái niệm về computer hay về tài chính chẳng hạn, họ không thể đọc hiểu một bài báo về các đề tài này chứ chưa nói đến việc tư duy về chúng.
Để đi tiếp, thử suy xét về các khái niệm và tôi cũng sẽ giới thiệu quan điểm cá nhân của mình về các đặc tính của khái niệm.
Khái niệm luôn có tính nhị nguyên: Cho một khái niệm bất kỳ, luôn có cái ‘trong nó’ tồn tại song song với cái ‘ngoài nó’; từ bản chất nhị nguyên này tất cả khái niệm đều đi kèm một sự phân chia giữa nội hàm và ngoại diên của bản thân khái niệm ấy. Mà bất kỳ ở đâu có sự phân chia thì ở đó có tính tương đối. Tương đối là đặc tính thứ nhất của khái niệm.
Lấy ví dụ. Khi ta nói “tôi 40 tuổi”, cái khái niệm “40 tuổi” ấy không tuyệt đối chính xác mà chỉ là tương đối. Khi ta nói “mặt trời bây giờ” thực ra đó chỉ là hình ảnh mặt trời khoảng 8 phút trước đây (8 phút là khoảng thời gian cần để ánh sáng đi từ mặt trời đến trái đất và chạm vào mắt ta). Khi nói “đỉnh everest cao 8848 m so với mực nước biển”, cái “mực nước biển” ấy chỉ là trừu tượng, quy ước và vì thế con số kia cũng chỉ là tương đối. Nếu tất cả các phép đo đều có sai số, thì hầu hết mọi khái niệm đều chỉ chính xác một cách tương đối, các khái niệm đều chỉ dựa trên một sự phân chia tương đối. Nhiều nhà khoa học cũng đồng tình rằng cuộc sống là một thể thống nhất, mọi sự phân chia cuộc sống thành các mảnh ghép khái niệm do đó đều tương đối. Cũng vì thế, tư duy dùng đến khái niệm cũng giống như một trò chơi ghép hình với các mảnh ghép khái niệm vốn tự chúng khá là superficial (đơn giản hoá sơ sài, chỉ mang tính hời hợt bề mặt …)
Đến với đặc tính thứ hai của khái niệm. Hãy xét một khái niệm bất kỳ, như tôi đã từng phân tích, không có khái niệm nào có tính tự thân, tự tồn tại bởi nó và cho riêng nó. Mọi khái niệm đều phải được giải thích bằng các khái niệm khác. Đây là tính tương thuộc, hay phụ thuộc lẫn nhau của các khái niệm. Nếu như trong triết học Marx có 1 nguyên lý gọi là mối liên hệ phổ biến, thế giới của các khái niệm cũng tuân thủ cùng một nguyên tắc như vậy. Không có khái niệm nào tồn tại độc lâp, mà một khái niệm luôn tồn tại trong sự phụ thuộc vào các khái niệm khác.
Cuối cùng, hệ thống khái niệm tương đối và tương thuộc ấy, cho dù rất phức tạp nhưng ở góc độ một cá nhân, nó có lịch sử phát triển của nó. Hệ thống khái niệm ở một người lớn cực kỳ phức tạp nhưng hãy nhớ nó từng phát triển từ những nền tảng đơn giản hơn nhiều. Những khái niệm nền tảng cho hệ thống ấy xuất hiện từ hồi chúng ta còn bé tẹo, trước cả khi ta biết nói. Và nếu lần ngược lại nữa trong lịch sử của một cá nhân, cả hệ thống xuất phát từ chỉ một cặp khái niệm duy nhất ban đầu. Cặp khái niệm đầu tiên xuất hiện trong đầu một cá nhân là gì? Là Tôi và Ko Phải Tôi :). Với tính chất phụ thuộc lẫn nhau giữa các khái niệm, Khái niệm Cái tôi, do đó trở thành khái niệm nền tảng mà về sau mọi khác niệm khác đều được lắp vào hệ thống theo một vị trí tương đối so với nó. Nói nôm na, mọi khái niệm trong đầu bạn đều ngầm chứa một mối quan hệ, đều được ngầm diễn giải thông qua khái niệm “Cái tôi”. Ở chiều ngược lại, “Cái tôi” cũng không ngừng tiến hoá qua mỗi trải nghiệm, mỗi mối quan hệ mới mang tính người-người hay người-vật. Mỗi khái niệm mới xuất hiện, “Cái tôi” lại tự điều chỉnh để phản ánh khái niệm mới ấy.
Đến đây, xin tóm tắt lại mấy đặc điểm trên:
Mọi khái niệm đều tương đối/ quy ước
Mọi khái niệm đều tương thuộc (phụ thuộc lẫn nhau)
Mọi khái niệm trong đầu bạn đều phụ thuộc vào “Cái tôi”, tức là quy ngã (được giải thích theo bản ngã cá nhân)
III. Logic là không đủ
Quay lại xuất phát điểm của chúng ta, như tôi đã nói: Mọi tư duy logic đều dựa trên sự vận hành một hay một vài hệ thống khái niệm. Nhưng (như ở phần trên đã chỉ ra), tính chất của mọi khái niệm đều là tương đối, quy ước và (hầu hết) quy ngã. Đây chính là hạn chế nội tại của logic thuần tuý.
Khi tư duy logic dựa trên một nền tảng mang luôn mang tính tương đối và quy ước như vậy, bản thân tư duy logic cũng sẽ luôn tương đối một cách không tránh khỏi. Trong lĩnh vực khoa học, người ta đã chạm đến hạn chế này với các Định lý bất toàn của Gödel. Còn trong cuộc sống hằng ngày, với trình độ tư duy logic của đại chúng và nhất là với những khác biệt lớn trong hệ thống khái niệm nền tảng giữa những cá nhân, tư duy logic bộc lộ nhiều giới hạn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tương tác người – người. Bạn đã từng tranh luận với bạn thân, đồng nghiệp, hay vợ/chồng về việc ai nên cư xử thế nào bao giờ chưa? Kinh nghiệm cá nhân của tôi là rất thương đau. Càng vận dụng tư duy logic vào những tình huống đó chỉ càng làm chúng trở nên nhanh chóng “đầy cảm xúc” và rồi kết thúc trong tâm trạng lộn xộn, dang dở, thậm chí cay đắng. Hoặc giả bạn theo dõi một cuộc debate giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ gần đây, sẽ cảm nhận rõ cái bạn thu được chỉ là một mớ bòng bong các khái niệm, cảm xúc lộn xộn còn vấn đề được làm rõ thì rất ít.
Nếu logic là một bức tranh thì khái niệm chính là nét bút. Khái niệm càng tương đối thì ngòi bút càng toè, bức tranh sẽ thiếu sự tinh xảo và tỉ mỉ. Muốn có bức tranh tinh xảo hơn thì đòi hỏi nét vẽ phải thanh mảnh hơn, càng suy luận kỹ lưỡng tỉ mì càng đòi hỏi các khái niệm có tính chính xác cao hơn (= tính tương đối hẹp lại). Nhưng giống như nét vẽ kia không thể thu về các điểm hay các đoạn “không có kích thước” lý tưởng trong Toán học lý thuyết, tính tương đối luôn có của khái niệm tạo ra một ngưỡng giới hạn mà bức tranh được vẽ bằng tư duy logic không thể vượt qua được, nếu cố tình vượt qua lúc đó các tư duy sẽ trở nên tự mâu thuẫn với chính nó.
Điểm cuối cùng này về giới hạn của Tư duy logic quan trọng ở chỗ nào? Nó quan trọng với những người tự đặt ra cho mình thử thách đi tìm chân lý, đi tìm cái gọi là “thực tại tuyệt đối”. Không nhiều, thậm chí cực kỳ ít nhưng tôi biết là vẫn có những người đi tìm cái này. Cá nhân tôi chỉ muốn gợi nhắn những người ấy rằng: Từ trước, chủ yếu chúng ta tìm hiểu mọi thứ bằng tư duy logic, nhưng vì tư duy logic dựa trên các khái niệm tương đối, tương thuộc và quy ngã nên những hạn chế nội tại đó sẽ khiến logic thuần tuý không thể xuyên thấu được bản chất tuyệt đối của thực tại. Chỗ bạn muốn đến là chỗ không thể đến được chỉ với đầu óc biện giải thông minh.
Tin rằng ai đó có thể nắm bắt được cái tuyệt đối bằng tư duy logic, vì thế, chỉ là ảo tưởng.
Dựa trên các khái niệm mang tính quy ước, tương đối và tương thuộc, tư duy logic thuần tuý sẽ không bao giờ xuyên thấu được bản chất tuyệt đối của thực tại.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất