Chuyện gì đang xảy ra ở Gaza?
Vào ngày 7 tháng 10, Hamas—một tổ chức chính trị đại diện cho người 2 triệu người Palestine trong Gaza—đã tấn công trực tiếp vào Israel một cách "vô cớ" và "không khiêu khích" bằng việc phóng khoảng 3000 tên lửa vào Israel. Đồng thời, khoảng 2500 chiến sĩ người Palestine đã vượt rào để tấn công những căn cứ quân sự, và giết người dân Israel ở những vùng lân cận. Khoảng 1400 người Israel đã bị giết, và khoảng 200 người dân Israel đã bị bắt làm con tin ở Gaza.
AP Photo/Hatem Ali
AP Photo/Hatem Ali
Một ngày sau đó, chính phủ Israel đã chính thức tuyên bố chiến tranh với Hamas. Chính phủ Israel đã và đang công kích vùng đất Gaza một cách kịch liệt với mục đích để “tiêu diệt Hamas.” Nhưng trớ trêu thay, người dân thường Palestine lại đang là nạn nhân phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những hành động sau của chính phủ Israel.
Trong một dải đất lớn khoản 365 km2, Gaza đã bị thả khoảng 6000 quả bom trong vòng 96 giờ, tương xứng với số bom Mỹ thả trên Iraq trong vòng 1 năm trong chiến tranh Iraq, giết chết khoản 3,500 người Palestine (70% là là trẻ em, phụ nữ và người già), và làm bị thương khoản 12,000 người. Chính phủ Israel đã cúp hoàn toàn nguồn điện, nước, internet và khí ga của Gaza. Họ đã kêu gọi khoảng 1 triệu người di cư tị nạn từ miền Bắc Gaza tới Nam Gaza trong vòng 24 tiếng, và rồi đánh bom con đường mà họ đang di cư. Chính phủ Israel đã thả chất độc phốt pho trắng (white phosphorus) vào Gaza, một loại chất vốn đã bị cấm dùng vào những khu người dân ở bởi luật pháp quốc tế cũng đã được sử dụng bởi chính phủ Hoa Kỳ trong chiến tranh ở Việt Nam. 
Vì bây giờ Gaza không có điện, người dân không thể nào dùng mạng truyền thông để liên lạc với cộng đồng quốc tế và cập nhất về những gì đang xảy ra, những nhà báo là hy vọng để thế giới ý thức được tội ác của Israel—nhưng Israel cũng đang nhắm vào và ám sát không những các nhà báo, mà còn những nhân viên liên hợp quốc đang viện trợ cho người dân. Hiện giờ người dân Gaza không có nơi nào để di cư vì ranh giới với Israel và Ai Cập đều bị đóng. Họ cũng không còn nguồn điện, nước và thức ăn để tiếp tục duy trì sự sống. Đã vốn dĩ được mệnh danh là "nhà tù ngoài trời" (open air prison), nay tình trạng trong Gaza còn tàn khốc hơn.
Hiện giờ, đa phần truyền thông phương Tây đang đứng về phía của Israel, đồng thời lên án những hành động của Hamas là mang tính “khủng bố,” thay vì “kháng chiến” (resistance) và Hamas là một “tổ chức khủng bố” tách rời khỏi người dân Palestine, thay vì là một phần tử đại diện của người dân. Một điển hình cụ thể là tổng thống Joe Biden bịa ra chuyện mình thấy những thước phim của 40 đứa bé người Israel bị chặt đầu bới Hamas để biện hộ cho chiến lược tàn sát dân thường của Israel. Hiện nay, những nền tảng META bao gồm Facebook, Instagram, Thread, etc. đang đóng lại các tài khoản truyền thông đang cập nhật và phân tích tình đang diễn ra ở Gaza mà gây bất lợi cho Israel. 
Về phía người Palestine, sau hành động của Hamas, đa phần các tổ chức chính trị đại diện người dân đã đồng loạt kêu gọi tăng cường sự kháng chiến trên mọi mặt trận với một mục tiêu chính: kết thúc sự chiếm đóng của Israel trên đất Palestine. Kể cả những tổ chức xã hội dân sự của Palestine cũng đồng thời lên tiếng và đặt trách nhiệm về những diễn biến bạo lực vừa qua vào chính phù Israel. Nhưng tại sao những tổ chức này lại đổ tội hoàn toàn cho chính phủ Israel? 
Tuy việc gọi tên hành động vừa rồi của Hamas là “bạo động” không sai, nhưng cái thấy rằng những hành động này là "vô cớ" và "không khiêu khích" có đúng không? Nhưng ta nên nhớ rằng gốc rễ của bạo động là sự đàn áp. Chúng ta cần phải lùi lại để nhìn bức tranh tổng quát của sự việc này trong bối cảnh lịch sử của nó để nhận diện chính xác những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta—một chiến dịch diệt chủng (genocidal campaign) của chính phủ Israel được hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp bởi phương Tây đối với người dân Palestine vốn đã bắt đầu từ sau thế chiến thứ nhất. 
Lịch sử về sự hình thành của Israel
Đã 75 năm kể từ khi chính phủ Israel đã di dời cưỡng bức người Palestine khỏi nhà của họ bằng nhiều hình thức bạo động có chủ đích khác nhau để chính thức sáng lập nên quốc gia Israel. Chiến dịch này bắt nguồn từ sau thế chiến thứ nhất, khi mà vùng đất Palestine—vốn là một vùng đất cư ngụ của các nhóm người Palestine đạo Hồi Giáo, Do Thái và Công Giáo sống với nhau dưới sự thống trị của đế chế Ottoman—đã được “giám hộ” bởi đế quốc Anh. Sở dĩ đế quốc Anh muốn cai quản khu vực này là vì họ muốn Ai Cập và Kênh đào Suez—một kênh giao thông giữa biển Địa Trung Hải và biển Đỏ, một tuyến đường thương mại quan trọng giữa Châu Á và Châu Âu—được nằm trong vùng kiểm soát của mình. Với sự “giám hộ” này, chính phủ Anh có thể củng cố chính sách đế quốc để tăng cường sức mạnh kinh tế của mình. Lúc bấy giờ, tuy người Do Thái mới di cư đến sống ở Palestine chỉ có khoản 1% – 2%, nhưng đế quốc Anh xem họ là một cơ hội để thực hiện hóa chiến lược kiểm soát Palestine. 
Người Do Thái vốn là một nhóm người không quốc gia rải rác khắp Châu Âu, được kết nối bởi những giá trị văn hóa, những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của đạo Do Thái (Judaism). Vì nhiều lý do khác nhau (bao gồm lý do là người Do Thái đã giết chúa Jesus, hoặc việc là họ không chấp nhận Jesus là đấng-cứu-thế được tiên đoán trong kinh thánh Cựu Ước → đặt ra một mối đe  dọa cho những lãnh đạo của đế chế La Mã và Kitô Giáo) mà nhóm người này đã bị kỳ thị về mặt xã hội, chính trị và kinh tế một cách có hệ thống ở khắp các quốc gia Kitô giáo qua nhiều thế hệ. Sau hàng ngàn năm, sự thù ghét người Do Thái vì lý do tôn giao dần biến đổi thành một hệ tư tưởng mang tính "sinh học": chủ nghĩa bài-Do-Thái (anti-Semitism). Chủ nghĩa này tin rằng người Do Thái là một chủng tộc hạ cấp, với mối nguy hại là làm ô uế sự tinh khiết của chủng tộc khác. Biểu hiện đỉnh điểm của chủ nghĩa bài-Do-Thái là nạn diệt chủng Holocaust—một cuộc diệt chủng của Đức cùng bè phái dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bài-Do-Thái được trỗi dậy khắp Châu Âu ở cuối thế kỷ 19, một nhóm người Do Thái đã thành lập và phát triển chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism)—một chủ nghĩa cho rằng để thoát khỏi chủ nghĩa bài-Do-Thái (Anti-Semitism) thì người Do Thái cần một quốc gia riêng. Chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã dần trở thành một phong trào có nhiều người ủng hộ trong chính phủ Anh. Một trong những lý do lớn mà nhiều chính trị gia Anh ủng hộ Zionism là vì bản thân họ cũng kỳ thị người Do Thái, và đây một cái cớ để đẩy họ ra khỏi quốc gia mình. Một lý do khác nữa mang tính chính trị và kinh tế. Họ muốn có một quốc gia ở Trung Đông để duy trì, củng cố và lan tỏa chính sách đế quốc nhằm đảm bảo lợi ích chính trị, kinh tế, và quân sự. Đối với nhiều chính trị gia Anh, ủng hộ phong trào phục quốc Do Thái là một mũi tên trúng hai con chim. Với bản tuyên bố Balfour vào năm 1917, chính phủ Anh đã chính thức hứa với những lãnh đạo của phong trào Zionist là sẽ giúp họ thiết lập một quốc gia ở Palestine—ngôi nhà truyền thuyết của người Do Thái trong kinh thánh. Trong quá trình này, họ không hề tham khảo ý kiến của người Palestine bản địa. 
Trong 30 năm này, Palestine vẫn nằm dưới sự "bảo hộ" của đế chế Anh, giống như Việt Nam cũng năm dưới sự "bảo hộ" của đế chế Pháp từ 1887 đến 1954. Kể từ năm 1917-1947, đế quốc Anh đã hỗ trợ những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái chiếm thêm đất đai, hoặc là vô thừa nhận, hoặc là thuộc về chính phủ trước đó. Quan trong nhất là đế quốc Anh đã hỗ trợ quân sự cho những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái để hình thành quân đội riêng. Với sức mạnh quân sự, những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái có thể cùng quân đội Anh dập tắt làng sóng phản kháng của người địa phương, giết chết những lãnh đạo chính trị người Palestine và tiếp tục mua đất và tái định cư khoảng 500,000 người Do Thái đến Palestine, mặc cho sự chống đối kịch liệt của người dân Palestine. Lúc bấy giờ, mặc cho dân số tăng nhanh, những người Do Thái mới di cư vẫn chưa có một quốc gia hợp pháp với một cơ quan chính trị riêng. Mọi thứ dần thay đổi về chiều hướng tiêu cực cho người Palestine bản địa vào năm 1948.
1948 Nakba (thảm khốc)
Vì không thể nào tiếp tục đối phó với sự phản kháng rộng rãi của người dân Palestine bản địa với sự di cư dồn dập của người Do Thái, mà đỉnh điểm là một số vụ bạo lực liên quan đến hai bên, đế quốc Anh bàn giao lại vấn đề của Palestine cho Liên Hợp Quốc. Vào năm 1947, Liên Hợp Quốc đề xuất giải pháp cho vấn đề này bằng cách vách ngăn Palestine thành hai phần riêng biệt, 55% cho người Do Thái, và 45% cho người Palestine—mặc dù dân số người Palestine đông hơn người Do Thái gấp đôi. Trường hợp này có đôi nét tương đồng với trường hợp Việt Nam bị vách làm đôi vào năm 1954 bởi những thế lực ngoại bang mà không có sự đồng ý của người bản địa. Người Palestine và các nước Ả Rập lân cận đồng loạt chống đối giải pháp này. 
Ngược lại, những nhà lãnh đạo Do Thái chấp nhận giải pháp này, và họ cũng đồng thời thấy được cơ hội để chiếm đoạt thêm nhiều đất hơn nữa. Biết là sau khi Anh rời đi, phe Do Thái sẽ có lực lượng quân đội hùng mạnh nhất vùng, Israel đã mạnh dạng tiến hành chính sách tàn sát và trục xuất đối với người Palestine với một loạt những cuộc công kích vào các ngôi làng nhằm khủng bố người Palestine. Loạt sự kiện này được người Palestine gọi là Nakba—cuộc thảm khốc. 
Trước ngày đế quốc Anh rút lui khỏi Palestine, quân đội Do Thái đã thi hành chính sách trục xuất và tẩy chủng tộc khắp Palestine, triệt tiêu khoảng 500 ngôi làng, chiếm lấy 10 thành phố, giết khoảng 15,000 người Palestine và trục xuất khoảng 725,000 người khỏi nhà của họ (vì bị đuổi hoặc bỏ chạy) đến những trại tị nạn ở Gaza, West Bank và những nước lân cận. Song song với những cuộc thảm sát này, David Ben-Gurion đã tuyên bố sự hình thành của quốc gia Israel, và Israel đã chiếm lấy 78% diện tích Palestine, thay vì là 56% được phân vùng bởi Liên Hợp Quốc. Sự kiện này đã khởi xướng cho cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel 1948 kéo dài khoảng 9 tháng giữa Israel với những quốc gia Ả Rập lân cận—Ai Cập, Iraq, Syria, Jordan, Liban, Ả Rập Xê Út và Yemen—với mục đích giành độc lập và giải phóng người Palestine. Tuy nhiên, nhờ lực lượng quân đội hùng mạnh, Israel đã thắng cuộc chiến tranh mặc dù người Do Thái chỉ chiếm lấy khoảng 25% tổng dân cư ở Palestine. Điều này đồng nghĩa là 725,000 người dân Palestine đang tạm trú ở các trại tị nạn ở Gaza, West Bank và những nước lân cận cũng không thể trở về nhà của mình.
Đối với người Palestine, sự kiện thảm khốc của năm 1948 vẫn chưa kết thúc, vì chính sách thuộc địa hóa đất đai của người Palestine vẫn đang tiếp tục diễn ra, và Israel hiện nay đã chính thức chiếm hữu khoảng 85% của Palestine. Hiện nay, sự đi lại của khoảng 3 triệu người Palestine ở khu tị nạn West Bank thì bị khống chế bởi luật quân sự, còn khoảng 2 triệu người ở Gaza thì gần như bị biệt lập với thế giới bên ngoài.
Như chúng ta thấy, sự hình thành chính thức của quốc gia Israel và sự tàn sát, trục xuất, và diệt chủng của người Palestine đi đôi với nhau. Đây là tại sao Israel thường được gọi là một chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid) vì nền tảng sáng lập của nó là một hệ thống chính sách phân biệt chủng tộc nhằm tước đi quyền của người Palestine—bao gồm quyền tiếp đất, quyền trở về nhà, quyền di cư, vv—nhằm cô lập họ ra những khu riêng biệt để củng cố quyền của người Israel. Đây là một biểu hiện của chủ nghĩa thực dân (colonialism) với một hình thức khác với phiên bản Châu Âu trước đó ở chổ là nó tìm mọi cách để trục xuất dân bản địa để chiếm hữu đất đai thay vì bóc lột họ.1948 Nakba không phải là một sự kiện riêng lẻ, mà là một phần của hệ luỵ của chủ nghĩa đế quốc (imperialism) và chủ nghĩa thực dân (colonialism) vẫn đang tiếp diễn. Đỉnh điểm của chế độ này là sự diệt vong hoàn toàn của người Palestine. Đối với chính phủ Israel, sẽ không có chuyện hai bên có thể sống hòa hợp với nhau.
Tạm kết
Với bối cảnh lịch sử trên, ta có thể thấy rằng sự đáp trả của Israel không đơn thuần là “tự vệ” hay là “trả đũa,” mà là sự tăng tốc có chiến lược trong chiến dịch diệt chủng người Palestine vốn đã kéo dài 75 năm nay. Đây không phải đơn thuần là một cuộc "chiến tranh,” vì sức mạnh của hai bên không đối xứng. Đây là một chiến dịch diệt chủng. Israel đang dùng Hamas như một cái cớ để thúc đẩy chiến dịch diệt chủng này, và nếu không tỉnh táo, thì ta đang gián tiếp cho Israel cái cớ để đường đường chính chính triệt tiêu người dân Palestine. Nếu không tỉnh táo, thì ta đang bình thường hóa sự diệt chủng của người Palestine.
Và tương tự, khi đặt hành động bạo lực của Hamas vào bối cảnh trên, ta có thể mạnh dạng gọi tên nó là một cuộc "phản công" (counter-offensive), một cuộc cuộc khởi nghĩa trong quá trình phi-thực-dân-hoá (decolonization) của một nhóm người đã bị đàn áp, khủng bố và triệt tiêu suốt 75 năm. Dĩ nhiên, quá trình phi-thực-dân-hoá cũng có những chiến thuật bất bạo động, mà điển hình là BDS (boycott, divestment and sanctions)—một phong trào khuyến khích sự tẩy chay, thoái vốn và trừng phạt về mặt kinh tế với Israel. Mục đích của phong trào là để tạo áp lực cho Israel rút lui khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời tôn trọng quyền của người tị nạn Palestine được trở về nhà. Nhưng Israel luôn tìm cách đàn áp phong trào này, khiến cho nhiều người chỉ thấy bạo động là con đường duy nhất. Nhưng ta nên hiểu rằng dù có bạo động cỡ nào, cũng không thể so sánh với loại bạo lực có hệ thống của chế độ thực dân. 
Gaza có liên hệ gì tới Việt Nam? 
"Peace March," 14/11/1972, San Francisco, California. (Photo: Harvey Richards Media archive)
"Peace March," 14/11/1972, San Francisco, California. (Photo: Harvey Richards Media archive)
Chính sách thực dân bạo hành của Israel không khác gì những gì Hoa Kỳ đã làm với Việt Nam và những nước lân cận năm xưa.
Trong cuộc chiến ở Việt Nam, đất nước ta cũng đã bị chia làm hai để Hoa Kỳ có thể sử dụng miền Nam Việt Nam để khống chế sức ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa Cộng Sản ở khu vực Đông Nam Á—mà hệ luỵ cho người dân bản địa cũng là bị trục xuất, bị lưu đày, bị thả bom, bị thả chất độc, vv. Ông bà ta cũng đã từng trải qua nỗi đau oan uổng của người Palestine. Thế lực đã tàn phá Việt Nam, và giết chết hàng triệu người dân Việt cũng chính là thế lực đang tiếp tay cho nạn diệt chủng người Palestine của Israel.
Một trong những lý do khiến Israel có khả năng lộng hành như vậy ngoài sự hỗ trợ của đế quốc Anh, là nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của chính phủ Hoa Kỳ. Kể từ thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã hỗ trợ tài chính khoảng 158 tỷ mỹ kim cho Israel, hơn bất cứ nước nào khác. Hơn nữa, Hoa Kỳ còn cung cấp cho Israel vũ khí, lực lượng quân sự và an ninh để đảm bảo đội quân Israel là lực lượng hùng mạnh nhất khu vực Trung Đông. Về mặt chính trị, Hoa Kỳ luôn bảo vệ Israel trước sự phản đối của dư luận quốc tế. Điển hình mới nhất là Hoa Kỳ đã phủ quyết một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để tạm dừng cuộc chiến nhằm mục đích cho viện trợ đến được với người dân với lý do là nghị quyết này chưa nhấn mạnh đủ quyền “tự vệ” của Israel. 
Một trong những lý do mà Hoa Kỳ ủng hộ Israel là vì họ cần Israel để đóng vai trò như một thế lực quân sự có thể duy trì sự ổn định ở Trung Đông và dập tắt những tình trạng bất ổn mà có thể đe dọa quyền tiếp cận các nguồn dầu của khu vực. Đồng thời, Israel là một sự đối kháng với sức ảnh hưởng của Nga trong khu vực. Chính sách đế quốc của Hoa Kỳ và chính sách thực dân của Israel tương trợ lẫn nhau. 
Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố vào năm 1969 rằng “người Việt hoàn toàn ủng hộ phong trào giải phóng của người Palestine và cuộc đấu tranh của người Ả Rập để giải phóng lãnh thổ bị chiếm đóng bởi thế lực của Israel.” 
Cuộc đấu tranh cho tự do, độc lập và thống nhất của người Việt và của người Palestine có liên quan mật thiết với nhau. Trong cái thấy của chủ nghĩa quốc tế (internationalism), thực ra chỉ có một cuộc tranh đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc và thực dân, với nhiều mặt trận khác nhau trên thế giới. Vào thế hệ của ông bà ta, cuộc chiến ở Việt Nam chính là chiến tuyến quan trọng nhất, và những chiến sĩ Việt Nam đã được mệnh danh là những người tiên phong cách mạng của thế giới. Những cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Vào thế hệ của chúng ta, Palestine chính là chiến tuyến chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc. 
Ta có thể làm được gì? 
Poster của Ismail Shammout<a href="https://www.palestineposterproject.org/artist/ismail-shammout-1930-2006"></a>
Poster của Ismail Shammout
Có hai việc ta có thể làm tùy vào tầm nhận thức của ta về vấn đề. 
Một là lên tiếng và lên án về chiến dịch diệt chủng của Israel đang diễn ra ngay bây giờ ở Gaza. Hãy chia sẻ về những gì đang xảy ra với người Palestine trên mạng xã hội. Vì truyền thông phương Tây đang bị thao túng bởi lợi ích của chủ-nghĩa-đế-quốc và chủ-nghĩa-phục-quốc-Do-Thái để bao che và biện minh cho chiến dịch diệt chủng người Palestine của Israel, nên việc chia sẻ về hệ luỵ (không đối xứng) của chiến dịch diệt chủng này với người dân cả hai bên trên mạng xã hội rất quan trọng. Mạng xã hội là một trong những cách duy nhất để nâng cao nhận thức cộng đồng về những gì đang thực sự diễn ra trong thời điểm hiện tại. Qua đó, ta có thể thể thể hiện sự ủng hộ của ta cho các nạn dân cả hai phe đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến, và kêu gọi ngừng chiến. Kinh nghiệm cho thấy chỉ có sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng quốc tế mới có thể tạo đủ sức ép để Israel tạm ngừng công kích lại. Song song, ta cũng có thể quyên góp cho các tổ chức đang cung cấp viện trợ cho các nạn nhân ở Gaza. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời.
Một bước xa hơn, gây tranh cãi hơn, những cũng đi tận cùng với vấn đề hơn—đó là ủng hộ cho sự độc lập và giải phóng của người Palestine. Giải phóng khỏi những thế lực thực dân và sự chiếm hữu đất đai để được trở về nhà. Độc lập để tự quyết về số phận của mình. Ta có thể không đồng tình với những hình thức kháng chiến bạo động của các nhà lãnh đạo người Palestine, nhưng ta phải tỏ tường một điều: cho tới khi người Palestine có độc lập và tự do, thì vòng tròn bạo lực sẽ không bao giờ có hồi kết. Phi thực dân hóa (decolonization) là con đường duy nhất. 
From the river to the sea, Palestine will be free. #Palestine #StopGazaGenocide #IStandWithPalestine  
________________________________________________________________
Các quỹ hỗ trợ người dân: 
Baitulmaal: baitulmaal.org
Medical Aid for Palestinians: Map.org.uk 
Islamic Relief USA: irusa.org 
Palestine Childrens Relief Fund: pcfr.net 
Middle East Childrens Alliance: mecaforpeace.org 
U.N.R.W.A: unrwa.org