Trong cuốn “Suy tưởng” Marcus Aurelius có một câu nói dịch theo ngôn ngữ hiện đại như thế này” “Mày chém gió gì thì chém gió, ăn xong thì phải rứa bát”
Trong cuốn “Dọn giường đi rồi thay đổi thế giới", Đại tá hải quân Mỹ William H. McRaven cũng nói rằng: “Trong suốt cuộc đời trong lực lượng hải quân của mình, dọn giường là điều bất biến mà tôi luôn phải làm mỗi ngày Đó là nhiệm vụ đầu tiên trong ngày của tôi, và làm nó đúng rất quan trọng. Nó chứng minh tính kỉ luật của tôi. Nó thể hiện sự chú tâm đến từng chi tiết và vào cuối ngày, nó nhắc nhở tôi rằng tôi đã hoàn thành một việc gì đó, một điều đáng để tự hào, bất kể nhiệm vụ nhỏ bé đến thế nào.”
Hai lời thoại trên đã đến với mình gần như cùng một lúc. Để nhắc nhở mình về một lẽ sống quan trọng. Về phạm vi của những gì mà chúng ta cần thực sự quan tâm. Đó là TẬP TRUNG VÀO BẢN THÂN.
Phải chăng, chúng ta thường dễ dàng đưa ra những ý kiến, quan điểm cá nhân về những vấn đề búa lớn đao to, hay quan tâm quá nhiều đến những chuyện không liên quan đến mình. Đó có thể là cuộc thảo luận về những vấn đề vĩ mô, kinh tế chính trị xã hội, tin hot showbiz, hay bình phẩm, nói xấu người khác...trong khi những vấn đề thực tế nhỏ nhặt như dọn cái giường, rửa cái bát, gấp cái chăn hay giải quyết những vấn đề của chính mình thì chúng ta thường tặc lưỡi “Ờ thì, lúc nào làm chẳng được!”. Nói mới nhớ, chẳng phải lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng đưa ra lời khuyên cho người khác, nhưng đến chuyện của mình thì lại chẳng thể tìm được lối ra.
Để kiếm tìm sự bình thản, các nhà khắc kỷ vốn theo đuổi một triết lý sống rất đơn giản: Tập trung vào những gì mình có thể kiếm soát thay vì những thứ không thể kiểm soát. Chúng ta không thể kiểm soát thời tiết nắng mưa, giao thông ùn tắc, hay những gì người khác nghĩ về mình, nhưng chúng ta lại hoàn toàn có thể lựa chọn góc nhìn của bản thân, tìm ra bài học từ những thất bại và có quyền ngó lơ sự phán xét của những người khác. Giữa một thế giới bội thực thông tin như ngày nay, mình nghĩ, chúng ta cần nhắc nhở bản thân mỗi ngày về triết lý sống đơn giản này: Tập trung vào bản thân.
DỌN DẸP LÀ THIỀN ĐỊNH
Giống như viết nhật ký, dọn dẹp nhà cửa là một cách giúp mình thực hành chánh niệm. Có thể bạn sẽ nghĩ, việc nhà có gì to tát đâu, nhưng đối với mình, làm việc nhà giống như một cách để mình tĩnh tâm, thiền định ở trạng thái động. Việc nhà bắt chân tay mình phải cử động, giống như tập luyện. Và khi mình làm một việc gì đó bằng tay, não bộ sẽ được kích hoạt sự tập trung để nhắc nhở mình trở về hiện tại. Thay vì coi việc nhà là một nghĩa vụ, tại sao chúng ta không thể tận hưởng nó như một hoạt động thiền thư giãn. Sau một ngày dài làm việc ở công ty, chúng mình thường chỉ muốn nằm dài lướt mạng đúng không? Thay vì thế, mình thường mở youtube và bật một list nhạc cổ điển yêu thích, vặn volume ở mức nhỏ, trong lúc đó mình sẽ nấu cơm, nhặt rau, đi tắm, lau nhà, hoặc chơi với bé mèo một lát.
Khi rửa rau, mình chú tâm vào từng lá rau và rửa thật kĩ. Khi thái thịt, mình sẽ tập trung vào từng động tác, cảm nhận độ mềm của thịt ở đầu ngón tay. Mình lắng nghe tiếng lục bục của nước sôi, tiếng leng keng của muỗng, thìa. Mình thích ngắm nhìn anh chậm rãi ăn những món mình làm, hay khoảnh khắc hai đứa cùng nhau dọn dẹp. Mình thích căn bếp nhỏ nhưng ấm cúng, sạch sẽ. Dù bận bịu mình luôn cố gắng giữ căn bếp được tinh tươm, dao thớt được phơi khô, bát đũa xếp thẳng thớm gọn gàng... Mình yêu lắm cái cảm giác được áp mặt vào gối. Mùi vỏ gối thơm mùi nắng và xà bông. Mình yêu cái cảm giác thức giấc mỗi ngày, bước vào nhà tắm thoang thoảng hương hoa hồng. Mình yêu căn nhà mình, bởi lẽ ngoài 8 tiếng ở công ty, chúng ta dành phần lớn thời gian ở nhà.
Hạnh phúc vốn dĩ ở thật gần mà chúng ta chẳng hề nhận ra. Sự thật là nếu không dành đủ sự chú tâm, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều khoảng khắc quý giá.
Trong cuốn sách “The mountain is you”, Brianna Wiest có chia sẻ rằng: “Nếu không có sự ngăn nắp, chúng ta đang tự hạn chế cơ hội của chính mình. Không có điều gì tích cực, đẹp đẽ lại đến từ sự hỗn loạn”. Khi nhìn thấy mọi thứ trật tự và ngăn nắp, bạn sẽ cảm thấy khả năng tự chủ và kiểm soát cuộc sống của mình được nâng cao. Khi bạn làm chủ không gian sống, cũng là lúc bạn bắt đầu hành trình chữa lành tâm trí bên trong.
DỌN DẸP KHÔNG GIAN LÀ DỌN DẸP TÂM TRÍ
Khi làm việc nhà với toàn bộ sự chú tâm, bạn sẽ cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm vui khó tả. Dọn dẹp không gian là một cách giúp mình chữa lành và dọn dẹp tâm trí. Mình coi những vết bẩn trên đồ dùng, bát đĩa hay áo quần giống như những vết nhơ trong tâm trí. Khi cọ sạch một vết bẩn, mình có cảm giác như những khó chịu trong lòng cũng được giải toả. Phải chăng, dọn dẹp không gian chính là phiên bản hữu hình hoá những nỗi đau và thương tổn trong lòng mình?
Tất nhiên, sự tập trung mà mình nói đến khi làm việc nhà không nhất thiết phải là sự tập trung cao độ hay deepwork (làm việc sâu) như khi chúng ta làm việc. Sự tập trung mà mình đang nói đến ở đây sự an trú trong hiện tại và tận hưởng từng khoảnh khắc.
Ngày nay, khi những giác quan của chúng ta đang bị sao nhãng bởi những kích thích đến từ video ngắn, nhạc giải trí hay những hình ảnh bắt mắt trên các nền tảng công nghệ. Việc dừng lại để sống chậm hơn giữa một thế giới liên tục thúc đấy bạn phải “nhiều hơn, nhanh hơn” là một rào cản lớn. Những giác quan của chúng ta dần dần bị mài mòn, trở nên vô cảm trước những gì xảy ra xung quanh. Nhưng thật may mắn vì chúng ta vẫn còn một phương thuốc chữa lành: đó là rèn luyện sự chú tâm có chủ đích.
Bạn có thể bắt đầu ngay bằng việc đặt câu hỏi. Cho tất cả những giác quan của mình.
Từ nay, khi bạn rửa bát, thay vì chỉ rửa cho xong, bạn hãy thử chậm lại một chút. Bạn có lắng nghe thấy tiếng nước chảy, tiếng bọt xà bông, hay tiếng ly cốc lanh canh không? Bạn thấy nước đang lạnh hay ấm, chảy mạnh hay nhẹ? Bạn có đang đứng thẳng lưng không? Bạn có cảm thấy vui vẻ khi dọn dẹp hay đang cảm thấy khó chịu khi đây là việc bạn bị bắt phải làm?...
CÁCH BẠN LÀM MỘT VIỆC LÀ CÁCH BẠN LÀM NHIỀU VIỆC
Bạn biết không, cách chúng ta làm một việc chính là cách chúng ta làm nhiều việc. Cách bạn làm việc nhỏ chính là cách bạn làm việc lớn. Nhìn vào cách bạn rửa bát, quét nhà cũng có thể đoán được thái độ làm việc của bạn. Làm những việc nhỏ bé với một thái độ vui vẻ, chỉn chu chính là một trong những dấu hiệu chứng minh cách bạn làm những việc lớn với một tâm thế y như vậy. Đó là khi bạn lựa chọn một lối sống tập trung vào bản thân. Bạn biết thu nhỏ phạm vi những điều mà bạn muốn quan tâm. Bạn biết mình nên dành thời gian cho những ai cùng tần số với mình. Bạn sẽ trở nên tự lập hơn khi bạn tự biết làm những việc nhà cơ bản, nấu một bữa cơm (không cần quá cầu kì nhưng đủ dưỡng chất), dùng đồ xong đặt đúng chỗ, biết giặt cái áo mình mặc, biết lau cái nhà mình ở, ...
Chỉ khi bạn làm những việc nhỏ bé với một thái độ tận hưởng và trân trọng, bạn sẽ mang chính tâm thái ấy để làm những công việc khác lớn lao hơn. Chúng ta hay coi thường những điều nhỏ bé và nghĩ mình chỉ xứng đáng để làm những điều lớn lao. Nhưng bạn biết không, những người giỏi nhất luôn là những người làm tốt từ những điều cơ bản bình thường.
Vậy nên, nếu có một lúc nào bạn cảm thấy mệt mỏi hay mất định hướng, hãy thử đứng dậy làm gì đó: rửa bát, quét nhà, giặt giũ... Hãy làm bất cứ một việc gì đó có thể giúp bạn tập trung vào bản thân. Bạn sẽ trở nên thực tế hơn khi không lãng phí thời gian quý giá cho những việc không phải của mình.
Lily Trương
Ảnh mình chụp
Ảnh mình chụp