Vì sao người ta đọc được nhưng không ứng dụng được?
Khi không nhận lại được gì từ sách, người ta dễ buộc tội cho cuốn sách họ đọc không tốt, thay vì xem xét lại cách mình xây dựng mục tiêu đọc sách.
Có bao giờ cậu chọn đọc và làm theo một cuốn sách nhưng cuối cùng lại cất đi vì nhận ra chúng không giúp được gì; hoặc đơn giản đó không phải là thứ cậu tìm kiếm trong thời điểm này?
Ở kênh bookstagram @manh.di.viet.thue, mình nhận được nhiều tin nhắn xin gợi ý sách từ followers. Ban đầu, mình nghĩ chỉ cần giới thiệu sách mình thấy hay là được. Nhưng mình bắt đầu lo lắng rằng những sách mình thấy hữu ích thì chưa chắc các bạn ý thấy vậy. Trên thực tế đã có vài trường hợp tư vấn sách thất bại, việc đó như một điểm chí mạng với mình. Về logic, nếu bạn là một book reviewer thì bạn phải có trách nhiệm giới thiệu cho mọi người cuốn sách nào ổn áp nhất.
Mình bắt đầu tìm hiểu về vấn đề này khoảng 1 năm trước. Đó là lúc mình nhận ra một dấu hiệu thường thấy:
Khi người ta không nhận lại được gì từ sách, người ta dễ buộc tội cho cuốn sách họ đọc không tốt, thay vì xem xét lại cách mình xây dựng mục tiêu đọc sách.
Điều này dễ hiểu khi việc truyền thông về văn hóa đọc đã vô tình gói gọn mindset của việc đọc trong bối cảnh "đọc sách đơn thuần". Chính vì vậy, mục tiêu đọc sách thường bị giới hạn theo dạng mục tiêu về số lượng, mục tiêu chinh phục 1 dòng sách/ 1 cuốn sách/ 1 tác giả cụ thể. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều cách để xác định mục tiêu đọc sách và rất nhiều trong số đó hoàn toàn giúp cậu đem sách áp dụng vào cuộc sống được.
Chúng ta ít nghĩ đến việc đặt lợi ích của việc đọc trong một bức tranh rộng hơn, chẳng hạn coi việc đọc như một công cụ để giải quyết các vấn đề cá nhân.
Vì vậy, trong bài viết này mình muốn chia sẻ với mọi người cách mình setup mục tiêu đọc sách, sao cho chúng ta có một cái first starter để chọn đúng cuốn sách mình cần, cũng như áp dụng nhiều nhất có thể những gì trong sách vào cuộc sống.
Ở cuối bài viết, mình đính kèm mẫu file word gồm các câu hỏi giúp cậu thiết lập một lộ trình tư duy để tìm ra vấn đề cốt lõi của bản thân, trước khi bắt tay vào tìm một cuốn sách để giải quyết vấn đề đó.
1. Tổng quan về logic thiết lập mục tiêu đọc sách để giải quyết vấn đề cá nhân:
Bản chất của việc thiết lập mục tiêu đọc sách như này là kỹ năng nhận diện vấn đề và giải quyết nó bằng việc đọc (problem solving). Vì vậy, trong mẫu file xác định mục tiêu đọc sách, mình xây dựng một bộ câu hỏi để hướng dẫn người đọc theo một lộ trình tư duy nhất định bao gồm:
[1] Nhận diện và mô tả lại những dấu hiệu không tốt trong cuộc sống thường ngày
[2] Liên hệ những mô tả ở thời điểm hiện tại với các thông tin trong quá khứ, để mở rộng dữ kiện cho câu trả lời
[3] Định hình vấn đề bằng cách liên tục đặt câu hỏi "tại sao"
[4] Tham khảo ý kiến từ nguồn bên ngoài, thường là người mà cậu tin tưởng.
[5] Thiết lập kỳ vọng cho cuốn sách của mình.
2. Quá trình tư duy thiết lập mục tiêu đọc sách:
a. Nhận diện, khoanh vùng và mô tả các rắc rối
Không phải ai cũng nhận diện được vấn đề của bản thân. Đa phần chúng ta nhầm lẫn giữa khái niệm "vấn đề" và "rắc rối". Trong khi "vấn đề" là nguyên nhân thực sự của sự vật, sự việc và cần phương án để giải quyết; thì "rắc rối" là hậu quả của một chuỗi hành động sai gây nên.
Ví dụ: Nếu một ai đó học kém thì đó là hậu quả, là rắc rối. Còn nguyên nhân/ vấn đề đằng sau thì có rất nhiều khả năng, do phương pháp dạy, do người dạy, do không hợp cách tư duy... Trong số đó, nguyên nhân nào là chính xác thì sẽ cần kiểm tra.
Đó là lý do vì sao, trong file, mình đặt câu hỏi về mộ tả dấu hiệu, rắc rối lên đầu tiên. Vì chúng ta cần phải coi những dấu hiệu như điểm bắt đầu để truy tìm nguyên nhân cốt lõi.
Quay trở lại với file, ở câu hỏi đầu tiên này, để tránh bị loạn và ngợp, Mình gợi ý mọi người nên:
[1] Khoanh vùng phạm trù rắc rối cần giải quyết trước. Ví dụ: gia đình, học tập, công việc, mối quan hệ xã hội...
[2] Viết hết những thứ hiện lên trong đầu, tránh suy nghĩ nhiều
b. Liên hệ dấu hiệu hiện tại với quá khứ:
Đôi khi vấn đề của cậu không hẳn bây giờ mới phát sinh, nó có thể đã có từ lâu nhưng bản thân không phát hiện ra vì nhiều lý do. Vì vậy bước liên hệ những dấu hiệu này tới các sự kiện từ quá khứ rất quan trọng. Gợi ý trả lời câu hỏi này bao gồm:
[1] Tương tự bài tập 1, viết hết những thứ hiện ra trong đầu, tránh suy nghĩ nhiều
[2] Sự kiện quá khứ có thể nằm ngoài phạm trù rắc rối ban đầu. Ví dụ nếu cậu gặp rắc rối về giao tiếp ở môi trường công sở, rất có khả năng cậu gặp chuyện tương tự trong môi trường gia đình.
Nếu câu trả lời là không có thì chúc mừng cậu. Điều đó chứng tỏ là vấn đề của cậu mới xảy ra gần đây, chưa gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng tới cậu và việc giải quyết chúng sẽ dễ dàng hơn.
Còn nếu cậu có rất nhiều thứ để điền vào mục này, đừng quá lo lắng, chúng ta sẽ dùng nó như dữ liệu để đi đến mục tiếp theo.
c. Định hình vấn đề của bản thân:
Ở phần này, mình mong các cậu đặt nhiều câu hỏi "tại sao" càng tốt. Tại sao tình huống này lại xảy ra? Điều gì khiến cậu cảm thấy không thoải mái?...
Gợi ý để điền mục này:
[1] Chia thành 2 phần: nguyên nhân chủ quan (từ phía mình) và nguyên nhân khách quan (tác động bên ngoài)
[2] Chưa cần phải tìm nguyên nhân chính xác ở bước này, hãy thiết lập mọi giả thiết mà cậu nghĩ ra.
d. Tham khảo ý kiến từ người cậu tin cậy:
Chia sẻ điều cậu đã thu thập được thông qua 4 bài tập trên với người cậu tin cậy, hỏi thêm về việc họ nghĩ sao về những điều này. Từ đó chỉnh sửa và bổ sung vào file.
Việc có một ai đó review lại vấn đề cá nhân của cậu khá quan trọng. Họ sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn, cho chúng ta những kiểu câu hỏi khác để suy nghĩ lại về vấn đề của mình. Bởi vì, khi nghĩ một mình, những người không có kinh nghiệm sẽ dễ cho rằng mọi thứ hoàn toàn là lỗi của mình; hoặc hoàn toàn là lỗi của người khác. Một trường hợp khác là họ vẫn nhầm lẫn giữa "vấn đề" và "rắc rối".
Khi mình gặp rắc rối vì bị phân tâm, mất tập trung trong công việc; do ngoài việc chính thì phải xử lý những yêu cầu từ các bộ phận khác. Mình từng nghĩ rằng vấn đề của mình là không biết cách quản lý thời gian và công việc. Tuy nhiên, khi trao đổi với bạn leader trực tiếp, bạn đã cho mình những câu trả lời mà mình không hề nghĩ đến trước đây:
- Có thể mình không thiết lập ranh giới rõ ràng trong thời gian làm việc cá nhân và thời gian làm công việc phối hợp. Hậu quả là để người khác chiếm thời gian của mình.
- Không đặt ưu tiên cho bất kỳ công việc nào trong khối lượng công việc đồ sộ, coi chúng quan trọng ngang nhau, dẫn đến việc bị áp lực một cách không cần thiết.
Những thông tin đó là dấu chỉ quan trọng đã giúp mình gặp được cuốn sách "The One Thing" - một trong những cuốn sách quan trọng giúp mình thiết lập lại cách tư duy trong quá trình làm việc tại công sở.
e. Đặt mục tiêu đọc sách để giải quyết vấn đề cá nhân:
Đến bước này thì mình tin là các cậu đã có đủ tư liệu để thiết lập mục tiêu đọc sách rồi. Mình chỉ để lại một vài gợi ý sau:
[1] Suy nghĩ về mục tiêu đọc sách theo hướng giải pháp cho vấn đề cậu tìm được thông qua các câu hỏi trên. Ví dụ: nếu vấn đề của cậu là khả năng quản lý thời gian, thì mục tiêu của cuốn sách phải giúp cậu nâng cao kỹ năng quản lý thời gian và cung cấp các bộ công cụ giúp cậu đạt được điều đó.
[2] Trong một số trường hợp, không phải ai cũng xác định được vấn đề của mình ngay cả khi đã hoàn thiện phần trả lời. Nhưng đừng lo lắng bởi vì không biết vấn đề của mình ở đâu, cũng là một loại vấn đề. Trong trường hợp như vậy thì mình có xu hướng xác định mục tiêu theo hướng: tìm cuốn sách giúp mình “hiểu rõ những người đang trải qua tình huống giống tôi”.
Bản thân mình cũng từng rơi vào tình huống như vậy. Mình có thể nhận diện được vấn đề trong công việc, học tập, nhưng rất dở nhận diện vấn đề trong các mối quan hệ và cảm xúc cá nhân. Mình từng rơi vào tình huống khi ai đó cư xử không tốt với mình, mình muốn thể hiện ra ngoài là mình không ổn nhưng ko biết làm thế nào. Hồi đó mình không biết rõ vấn đề là gì, thông qua một vài lời giới thiệu, mình tiếp cận với cuốn sách “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” chỉ đơn giản là xem xem những người có tình cảnh giống mình họ sẽ như thế nào. Và cuốn sách đó trở thành một dấu hiệu dẫn lỗi Manh tìm đúng vấn đề của mình, đó là bỏ rơi cảm xúc bản thân. Từ đó mang đến các cuốn sách khác giúp mình nhận diện và ứng dụng để khắc phục vấn đề này.
3. Cách lấy file
Để lấy file, cậu vào instagram @manh.di.viet.thue. Ở phần bio, click vào biolink của mình, kéo xuống tìm file xây dựng mục tiêu đọc sách. Click vào link và ấn tạo bản sao là dùng được. Chi tiết hướng dẫn bên dưới:
Kết luận
Vì file này hướng tới việc suy nghĩ và nhìn nhận bản thân nhiều hơn, nên có thể các cậu sẽ gặp một chút khó khăn trong giai đoạn đầu. Đôi khi chúng ta sẽ cần nhiều lần thử để xác định đúng mục tiêu đọc sách.
Việc xác định mục tiêu đọc sách là bước đầu, tiếp đó chúng ta sẽ cần phải thiết lập kỳ vọng của cá nhân về một cuốn sách tốt, để tăng khả năng giúp đỡ của cuốn sách cậu mua vào cuộc sống. Phần này phức tạp hơn một chút, và mình sẽ chia sẻ về nó trong các bài viết sau.
Giống như file quản lý sách, file xác lập mục tiêu đọc sách chắc hẳn sẽ còn nhiều thiếu sốt, mình rất mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người để có thể hoàn thiện hơn. Cứ thoải mái bình luận dưới bài viết này hoặc nhắn tin cho mình nha. Hẹn gặp lại mọi người trong những bài viết tiếp theo, see ya!
---
Một số bài viết khác của mình:
---
Xin chào, mình là Manh Đi Viết Thuê, mình viết về sách, văn hóa đọc và những quan điểm về cuộc sống. Mời mọi người ghé qua Instagram @manh.di.viet.thue để đọc thêm các nội dung về sách của mình nha.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất