Một trong những ưu điểm lớn nhất của mình chắc là giỏi lắng nghe. À không, chắc chắn là giỏi lắng nghe. Mình tự tin về khả năng này đến mức ấp ủ một bài viết dạng cẩm nang, với tựa đề “Làm thế nào để giỏi lắng nghe?” từ lâu lâu lâu lắm rồi. Mọi người có thể coi đây là phần đầu tiên của series đó, vì đợi mình gom hết tất cả những gì mình biết về chuyện lắng nghe vào một bài hoàn chỉnh chắc phải chờ thêm vài năm nữa.
Ở bài đầu tiên của series Lắng nghe 1, bước đầu tiên, để trở thành một người giỏi lắng nghe là bạn phải cho người nói biết là bạn đang nghe cái đã. Mình đã tra nhiều nguồn thông tin trên google, người ta hướng dẫn cách lắng nghe dựa trên các nghiên cứu khoa học và quan sát thực tiễn cụ thể lắm, bạn có thể tham khảo. Vì ở đây mình không bài bản được như thế, những điều mình viết hoàn toàn dựa trên trải nghiệm cá nhân. Nhưng nhờ vậy mình đúc kết được một số mẫu câu cụ thể, để khi bạn nói ra đối phương sẽ biết là bạn đang nghe. Mình mong là chúng sẽ dễ áp dụng hơn cho bạn.
Lưu ý duy nhất là chỉ dùng những câu nói dưới đây khi bạn thật lòng cảm thấy thế, là được.

Cảm ơn, vì đã kể cho mình nghe.

Những người xung quanh mình nói với mình rất nhiều chuyện, và tất nhiên không phải ai kể xong một câu chuyện mình cũng cảm ơn. Mình chỉ nói thế khi,
Người ta vừa kể mình một bí mật to tát, theo kiểu đó là một điều nặng trĩu trong lòng mà họ chẳng kể với ai, nhưng bằng cách nào đó họ tin mình, và để mình biết.
Hoặc họ với mình chẳng liên quan gì đến nhau, cái tự dưng họ kể chuyện. Để xóa bớt đi bầu không khí ngượng ngùng, để chờ mình chia sẻ lại một câu chuyện tương đương, hay để mình hiểu họ hơn vì họ cũng muốn hiểu mình chẳng hạn. 
Hoặc đôi khi họ không kể, họ chỉ huyên thuyên về những gì họ nghĩ. Nghĩ về tuổi già, tuổi trẻ, về những bài hát hay bộ phim, về người này người kia đã xô đẩy cuộc đời họ như thế nào. Đặc biệt mình hay cảm ơn khi họ huyên thuyên về những nỗi lo sợ. Phải dũng cảm như thế nào mới dám bộc bạch hết những điều mình sợ cho người khác nghe?
Có nhiều người coi việc trò chuyện, chia sẻ là chuyện đương nhiên và xem nhẹ chúng. Nhưng riêng quá trình chọn lọc người nghe và lấy dũng khí để chia sẻ những suy nghĩ trong đầu với họ, chấp nhận rủi ro là mình có thể không có phản hồi mình mong đợi, hoặc thậm chí là bị đánh giá, coi thường, tổn thương,... là một việc không đơn giản. Với cá nhân mình, việc được trò chuyện và được lắng nghe là một chuyện xứng đáng với lời cảm ơn.
Một khi cảm nhận được sự biết ơn chân thành và sẵn lòng lắng nghe từ phía ta, tin mình là người khác sẽ kể thêm nhiều câu chuyện nữa, nhiều lần nữa, cho bạn.

Bạn vất vả rồi.

Câu này mình thấy mọi người dùng nhiều rồi nè. Nhưng mà từ bây giờ, hay là mình thử dùng nhiều hơn nữa đi? Vì thực ra, với cuộc sống ngày nay ấy mà, có chuyện gì mình làm mà không phải vất vả đạt được đâu.
Đi làm sớm tối ngày đêm là vất vả. Cặm cụi kiếm việc, làm freelancer là vất vả. Cãi nhau với bố mẹ, người yêu là vất vả. Vật lộn với những suy nghĩ tiêu cực của chính bản thân mình là vất vả.
Nhưng mình nghĩ việc chẳng làm gì, an bình yên ổn sống tốt qua thêm một ngày hôm nay nữa, cũng là vất vả rồi.
Có lần mình nói câu này vào cuối buổi tám chuyện vu vơ. Khi các bạn của mình vẫn đang sống vui vẻ, và hạnh phúc, không mệt nhọc tí nào. Nhưng nghe mình nói vậy các bạn vẫn vui, vẫn cảm động.
Việc được ghi nhận khiến người ta cảm thấy mình nên cố gắng nhiều hơn. Cứ nói vậy với những người bạn cảm thấy xứng đáng đi. Hãy để những cuộc trò chuyện kết thúc cùng những lo toan thường nhật đó đi. Dù cuộc sống chẳng đỡ vất vả hơn, nhưng có lẽ ít nhất chúng ta cũng sẽ vất vả khi hạnh phúc.

Bạn vui là được.

Cuối cùng, sau khi nghe người ta kể chuyện xong, bạn có thể cùng họ gỡ rối hay cho họ lời khuyên nếu họ cần, và nếu bạn biết rằng điều gì thực sự sẽ tốt cho họ. Nhưng nhớ kết bài bằng câu, “Bạn vui là được.”
Cứ phản biện mình nếu muốn. Chê mình sáo rỗng cũng không sao. Nhưng với mình, trên đời này chẳng có gì quan trọng hơn việc sống hạnh phúc.
Mình cho rằng thế giới này chưa nói câu nói đó đủ nhiều. Người ta cứ tính trước tính sau, lo được lo mất, sợ hơn thua thiệt thòi, cố gắng sắp xếp mọi thứ liên quan đến lý tính một cách ổn thỏa. Để mà làm gì đâu ấy? 
Mình có đứa bạn có cái gu thẩm mỹ thấy gớm. Mỗi lần nó nhờ mình chọn đồ mình đều cố ý lựa cái đồ bớt lòe loẹt hơn, nhưng nếu nó cứ à ưa chọn cái còn lại, thì thôi, “Lấy đi, mày vui là được.”
Mình có bà chị gái sinh nhật năm 30 tuổi bê nguyên bộ văn phòng phẩm màu hồng hình con kỳ lân về nhà. Có dùng hết được đâu ấy, nhưng thôi, bả vui là được.
Mình có nhỏ bạn thân mấy bận cứ thích quay lại với tên người yêu cũ mình đánh giá là một thằng dở tệ. Lúc nó chia tay thì mình mừng, nhưng dứt không được, quay lại yêu thì ok, miễn mày vui, là được.
Cá nhân mình thấy điều người ta tìm kiếm khi trò chuyện cùng người khác không phải là lời khuyên, mà là cảm giác vỗ về. Nên là thử nói đi, “bạn vui là được”, để người ta biết được là sau cùng thì bạn không mong muốn gì hơn ngoài việc người đó sống an yên, rạng rỡ.
Chúc bạn từ nay về sau, được lắng nghe nhiều hơn.
rồi mỗi ngày trôi qua đều có thêm những câu chuyện nhẹ nhàng khiến bạn hạnh phúc.
Quỳnh.