Năm nay mình không hiểu sao đề thi văn lại gây xôn xao cộng đồng mạng, có thể là năm nào đề văn cũng gây xôn xao nhưng chỉ có năm nay thì mình mới để ý. Những bàn tán về vấn đề với việc dạy học văn và kiểm tra văn làm mình nhớ lại những thảo luận của mình với những bạn học cũ từ hồi trước và mình muốn chia sẻ lại ở đây. Mình thấy rằng vấn đề xoay quanh việc ra đề văn và dạy học văn không chỉ nằm ở chương trình giáo dục mà rộng hơn, là một vấn đề lớn trong xã hội.
Khoan nói về đề văn năm nay, hãy lội ngược dòng 10 năm về trước về một đề thi cũng từng gây xôn xao dư luận, là đề thi văn khối D năm 2012.
Đề văn năm đó gây được chú ý bởi câu hỏi số 2 (3 điểm) yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ quanh nhận xét sau: Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.
Bây giờ hãy đặt một bối cảnh giả tưởng là có một học sinh ngây thơ tin vào khái niệm đề mở và viết câu trả lời theo hướng sau (câu trả lời đã được tóm gọn ý):
"Em đồng ý rằng mê muội thần tượng thực sự là một thảm họa bởi vì em đã được tận tai nghe chia sẻ từ giáo viên người Trung Quốc dạy tiếng Hoa cho em và đang sinh sống ở Việt Nam. Cô kể rằng bố cô đến giờ vẫn còn mang nhiều ân hận trong lòng khi nhớ lại chuyện thời xưa bố cô làm lực lượng Hồng Vệ Binh trong cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc giữa thập niên 1960. Bố cô và cả gia đình khi đó vô cùng thần tượng Mao Trạch Đông, trong nhà có thể không có hình thờ ông bà tổ tiên nhưng luôn treo ảnh bác Mao ở những nơi trang trọng nhất. Khi bác Mao kêu gọi lực lượng thanh niên tham gia Cách Mạng Văn Hóa, bố của cô đã hăng hái tham gia lực lượng hồng vệ khi vừa tròn 18, vai đeo băng đỏ đi khắp nơi bắt những người lớn tuổi có dấu hiệu theo tiểu tư sản. Bố cô hăng hái đập phá hết đình chùa trong làng cho dù cha mẹ hết lòng can ngăn. Cùng với những thanh niên quá khích khác, bố cô bắt cả những người họ hàng xa, những người từng nuôi nấng ông, vì trong nhà họ có sử dụng đồ của phương Tây (được tuồn bí mật từ Hồng Kông sang), tham gia tra tấn đánh đập họ. Ông đã chứng kiến nhiều người bị đánh đến chết và cảm thấy sung sướng vì đối với ông như vậy đã bảo vệ được cách mạng. Đối với ông trên đời chỉ có lãnh tụ Mao, ông thuộc lòng từng lời bác Mao nói, cảm động khi nghe tiếng bác Mao đọc lời khen lực lượng Hồng Vệ trên đài. Rồi ông cũng nghe lời bác Mao sau này mà về nông thôn để tu rèn ý chí cách mạng, giúp đỡ xây dựng nông thôn mới. Vì điều này mà ông, và rất nhiều người bạn của ông, bỏ dở việc học hành. Sau này khi lớn hơn nữa và hiểu chuyện hơn, ông luôn thấy ân hận và tội lỗi vì những điều ông đã làm. Ông luôn cảm thấy day dứt vì đã từ mặt cha mẹ, và cảm thấy tự ti vì không được học tới nơi tới chốn. Do đó ông cố gắng dồn hết sức để cho cô được ăn học đàng hoàng, vào đại học, và luôn dặn dò cô đừng mê muội thần tượng như ông, để rồi phá nát cả một đời người."
Vậy với bài văn này người chấm sẽ đón nhận nó như thế nào? Vấn đề không chỉ là câu trả lời này đúng hay sai, mà là học sinh này có được phép nghĩ như vậy hay không? Và người chấm có được phép bàn luận tới câu chuyện được nêu trong bài hay không, hay người chấm coi như học sinh này bỏ giấy trắng không trả lời câu số 2?
Mình nghĩ đây là vấn đề với cách ra đề văn ở Việt Nam: đề mở nhưng lòng người không mở. Ai cũng biết rằng năm đó xã hội lan truyền ảnh các bạn trẻ điên cuồng thần tượng K-Pop đến mức khóc nức nở. Hẳn các lãnh đạo ở trên không thích điều này và Bộ Giáo Dục nhân cơ hội đó đưa thẳng vấn đề này vào bài, giống như truyền thông điệp ngầm cho học sinh hiểu họ phải suy nghĩ thế nào. Như vậy Bộ Giáo Dục giống như bắt học sinh phải đồng ý với quan điểm của các lãnh đạo gián tiếp thông qua kỳ thi văn: Chúng ta không chấp nhận hành vi mê thần tượng, và chúng ta sẽ ép tụi nhỏ phải đồng ý với góc nhìn của chúng ta. Các học sinh chắc chắn không có cách nào khác ngoài đồng ý.
Một hành động không hề đàng hoàng chút nào.
Trong tiếng Anh dạng câu hỏi kiểu này gọi là "loaded question": người đặt vấn đề tạo ra cảm giác gợi mở, hỏi thật lòng nhưng thực chất chỉ muốn nghe câu trả lời theo ý mình.
Nhiều người chỉ trích việc dạy và học văn lạc hậu, nhưng mình nghĩ rằng môn học này đáp ứng đúng một nhu cầu đã được hình thành ở Việt Nam: người có thẩm quyền muốn nghe, muốn đọc thứ đúng ý họ chứ không phải là suy nghĩ thật của người khác. Chúng ta muốn tỏ ra mình cũng tiến bộ như ai khác nên bảo rằng đất nước chúng ta có "tự do ngôn luận" nhưng chúng ta không chấp nhận các ý kiến trái chiều, nên chúng ta có thêm cụm từ "trong khuôn khổ". Còn khuôn khổ đó như thế nào thì đó là một ẩn số. Nếu chúng ta nhìn môn văn (và môn sử) dưới góc độ này thì nó đáp ứng đúng 100% mục đích đó, tức hai môn này đang được giảng dạy rất phù hợp với xã hội Việt Nam hiện tại.
Quay lại đề văn năm nay.
Mình tự hỏi nếu câu số 4 học sinh có được phép nói rằng bài thơ không giúp bản thân họ rút ra được lẽ sống gì cả thì có được chấp nhận không? Khi đặt câu hỏi như vậy chúng ta sẽ nhận ra rằng đề ở đây không có chút tự do nào cả và cũng không hề thực tế. Bởi vì tại sao lại bắt học sinh phải rút ra bài học cuộc sống từ một bài thơ xa lạ mà chỉ mới đọc được vài chục phút, cứ như người ra đề nghĩ rằng chỉ trong vài phút ấy, bài thơ như một chìa khóa kỳ diệu mở ra những tâm tư ký ức trong lòng người đọc, giúp họ tỉnh ngộ. Đó là một sự áp đặt.
Bản thân mình đã đọc rất nhiều sách và thấy rằng đọc hết cả một quyển sách may ra mới rút ra được một vài bài học trong cuộc sống, còn đây là một bài thơ ngắn (và tối nghĩa) lại ép người viết phải viết về bài học cuộc sống.
Và như vậy đề văn này bản thân nó đã ép người viết phải nói dối về cảm xúc, phải bịa đặt trong suy nghĩ. Thật mỉa mai cho một môn học luôn được ca ngợi là "học để làm người" lại đi ép người khác nói dối. Một điều mỉa mai khác thể hiện qua đề văn này là lạm dụng việc rút ra bài học cuộc sống.
Vấn đề này mình nói rộng ra ngoài chủ đề dạy và học môn văn, mà ở xã hội chúng ta nói chung, đó là chúng ta bị ám ảnh với việc "rút kinh nghiệm", "rút ra bài học" trong khi chúng ta thực sự không nghiêm túc với việc học hỏi từ những cái hay, cái tốt. Câu cửa miệng của rất nhiều người khi ai đó nói rằng ở nơi khác người ta có giải pháp tốt hơn là: nhà người ta khác nhà mình khác, nước ngoài khác Việt Nam khác.
Chắc hẳn nếu ai đó đưa ra giải pháp giáo dục và giảng dạy môn văn tân tiến theo mô hình các nước khác, hẳn ý kiến phản đối đầu tiên sẽ là: cách dạy và học này không dùng được ở Việt Nam, và chấm hết mọi cuộc thảo luận.
Bên cạnh đó, sự ám ảnh với việc "rút ra bài học cuộc sống" khiến nhiều người không hiểu được rằng đôi lúc có những cái đẹp, cái hay nó nằm ở chỗ khơi dậy cảm xúc của con người chứ không phải truyền đi các thông điệp to tát, đao to búa lớn gì cả. Nếu làm thơ chỉ với mục đích cố gắng truyền đạo lý cuộc sống thì mình thấy đó là một bài thơ giả tạo.
Ví dụ mình chia sẻ một bài thơ sau mà mình thấy hay của tác giả Edwin Arlington Robinson vì nó thật, và nó khiến mình suy nghĩ nhiều về ông Richard Cory dù mình không chắc là hiểu được hết thông điệp.
Bản dịch tiếng Việt của mình
Nếu bạn muốn đọc về phân tích bài thơ này bạn có thể đọc ở đây: Richard Cory Summary & Analysis
Mình nghĩ vấn đề lớn nhất của việc dạy và thi văn ở Việt Nam là như thế, nó phản ánh rất đúng với cụm từ "tự do trong khuôn khổ" trong đó người học được rèn luyện cách viết cho đúng ý người đọc, và không được thực sự bày tỏ những suy nghĩ chân thực của mình. Mình không hiểu được rốt cuộc những người soạn chương trình này họ kỳ vọng người học sẽ đạt được, chính xác là sẽ trở thành con người như thế nào sau nhiều năm nhồi nhét những kiến thức này.
Mình cũng xa rời trường phổ thông hơn chục năm nay, không còn bám sát các chương trình giáo dục. Nhưng mình đọc đề văn hiện tại và nhìn cách cháu mình đang học, mình đoán rằng việc dạy hiện tại vẫn không khác gì thời mình đi học chục năm trước.
Nếu các bạn có ý kiến đóng góp hoặc phản bác các bạn cứ thoải mái chia sẻ trong bình luận.