Thi thoảng, tôi lại tự thắc mắc: Sao những bài viết của mình phần đa là những dữ liệu trong quá khứ? Thế mãi có chán không? Sao ta không nói về hiện tại hay tương lai, lại cứ buộc lạt mình vào những hoài niệm?
Tôi hỏi, sau đó rất nhanh thôi lại tự trả lời: Hiện tại là để sống, chứ kể thế quái nào được. Và rằng có những kí ức, ta chỉ có thể nhắc lại bằng thứ cảm xúc ổn định của những tháng năm về sau đó, còn khi ở thời điểm mà kí ức là hiện tại, ta ấy hả, thậm chí thấy mình còn không kịp hít thở...!
Có một đoạn tuổi thơ, trong tôi dường như một phần nào đó, vẫn có ấn tượng để nhớ về...
Tôi năm đó, có lẽ là học mẫu giáo. Tôi học mẫu giáo lớn. Em trai tôi học mẫu giáo bé. Ngoài thằng em trai luôn luôn cùng ở chung những ngày thơ ấu, tôi còn có rất nhiều anh chị, nhưng thời điểm ấy chỉ có thêm ông anh hơn tôi sáu tuổi còn đang ở nhà. Năm đó, ông anh tôi vẫn còn bé lắm.
Vào dịp nghỉ hè, hằng ngày ba mẹ tôi đều đi vắng, ba anh em cứ quanh quẩn tự chơi cùng nhau. Mấy cái trò đơn xơ như dích hình, bắn bi, đấu ốc hay thi thoảng nhào vào nhau túm đầu vật lộn, cứ thế loanh quanh từ trong nhà ra đến mảnh sân con con phía trước, không cần gì hơn, ấy chính là cả thế giới trong mắt lũ trẻ con tụi tôi rồi.
Tuy nhiên, cái thế giới tưởng như đã bé tẻo thế kia, ai dè đâu vẫn có thể tiếp tục bé hơn bằng một cách tôi không hề mong muốn.
Nhà tôi khi ấy là một căn nhà vách tôn nằm dưới gần mép đáy thung lũng, trên miếng đất be bé được họ hàng cho cất nhờ. Phía dưới nữa là mấy mảnh vườn của những người họ hàng, chúng tôi gọi là cô, chú họ. Cô, chú họ tôi có vẻ là những người lớn thích quy củ và sự yên tĩnh, bằng cách kết hợp hai phẩm cách trên, một nền quân luật được thiết lập dành riêng cho mấy anh em tôi trong thời điểm nào chẳng biết, đột ngột ra đời.
tôi lúc ấy còn quá bé để có thể hiểu cụ tỉ những yêu cầu mà người lớn muốn chúng tôi thực thi, nhưng viễn cảnh khi nó được áp dụng chính là, bầu không khí sợ hãi ngột ngạt của những đứa trẻ không có sức chống cự, chúng tôi không còn dám la hét, không còn được tự do chạy nhảy chơi đùa trên mảnh sân nhà mình nữa, kể cả ở trong nhà. Vì các người họ hàng luôn thường xuyên xuất hiện đột ngột để kiểm tra bọn trẻ chúng tôi, đặc biệt là vào buổi trưa. Họ sở hữu những gương mặt y chang các vai phản diện trong phim, kiểu có thể khiến bọn trẻ con run cầm cập chỉ bằng một ánh mắt, và bọn trẻ còn run hơn khi ánh mắt đó đảo ngang quét dọc, xem nhà có lộn xộn không, tụi bay có bày trò phá phách gì không? có ngủ trưa không?..v...v... ti tỉ lí do từ logic đến phi thực tế nhất có thể được đưa ra để lí giải cho hành động trừng phạt tiếp theo, thường là các thao tác với dụng cụ khiến mông đít chúng tôi sưng vù, mẩn đỏ. 
Ông anh tôi thường là nạn nhân tiêu biểu cho hệ thống trừng phạt cảnh tỉnh này, có lẽ vì ổng lớn hơn chúng tôi và kiểu lầm lì ra vẻ đếch sợ của ổng đến là ngứa mắt ( tôi đoán thế ). Thường xuyên anh tôi phải tự đích thân đi kiếm dụng cụ cho màn vụt roi vào đít chính mình, đây cũng là cảnh tượng tôi ghét nhất, hơn cả việc chính mình còn đang sợ run lẩy bẩy, còn thằng em thì tái mét mặt mày bất động bên cạnh.
Người lớn luôn có cách để những đứa bé phải phục tùng và thỏa mãn mục đích của họ, dù một trong số đứa bé ấy có không ít đứa chứa kĩ năng xoay xở vượt qua tình huống khó. Chẳng như ông anh tôi, suốt một thời gian cũng đã nghiên cứu đủ trò mèo học lóm trên phim để đối phó. Cái trò mèo nhất tôi nhớ là ổng tự mình kiếm một khúc roi, sau đó dùng dao chặt hờ từng khúc, với ý đồ khi các vị kia vung roi đánh vào đít ổng thì cây roi sẽ tự động.... gãy ra. Điều may mắn cho anh tôi có lẽ là sản phẩm từ nỗ lực ngớ ngẩn ấy chưa có dịp bàn giao thành công, không thì khả năng cao là mông đít anh tôi sẽ được khuyến mãi thêm n lần hình phạt không có cơ hội được tái sử dụng những ngày sau đó.
Tuy vậy, ngoài mấy trò vặt vãnh mua vui ấy, ông anh tôi thực sự rất thông minh. Anh chàng đã đoan đoán được nguyện vọng thực sự của các vị họ hàng hắc ám, đó là bầu không khí tuyệt đối yên tĩnh từ chúng tôi. Điều này dẫn đến một đoạn sự kiện tiếp theo, cái cách mà thế giới từ nhà ra sân của ba anh em tôi từ từ thu bé lại.
Mùa ấy là mùa các nhà vườn thu hoạch khoai tây. Tôi đoán vậy vì mỗi chiều đi làm về, người mẹ hiền của chúng tôi đều mang về theo rất nhiều khoai mót, chất đầy cái gầm bếp. Ông anh tôi liền nảy ra ý tưởng. Mỗi buổi sáng, khi cả nhà chỉ còn lại ba anh em, anh tôi liền luộc một rổ khoai tây rồi sau đó, dẫn hai đứa em vào trong chuồng gà, khóa cửa thiệt chặt. Anh tôi thuở ấy chất chứa một niềm tin, chuồng gà sẽ bảo vệ ba anh em tránh khỏi các thế lực tấn công ngoài kia. Chuồng có hai lớp, lớp trong chính là cái kho làm nhà ngủ cho gà. Ba anh em vào tận trong này, để cho chắc ăn, chúng tôi leo tít lên trần kho, ngồi dọc ngang trên những cây xà. Cái trần từ đó biến thành lãnh địa của lũ nhóc trốn...địch, rổ khoai là lương thực cho cả ngày. Những ngày đầu tiên, tôi không nuốt nổi miếng khoai vô tới bụng vì cái mùi phân gà xộc từ dưới xộc lên. Ngược hẳn với anh tôi, vừa điềm nhiêm bóc vỏ, đút tọt miếng khoai vào mồm, vừa một tay vạch lớp nilong trên vách để... quan sát vị trí địch. Thằng em tôi thì tôi chẳng nhớ nữa, ngày ấy chúng tôi còn nhỏ quá!
Thế giới của ba đứa bé ngỡ ngàng thâu lại vỏn vẹn trong cái không gian ngột ngạc, tối bẩn, hôi hám của chuồng gà. Phía dưới là bầy gà kêu cả ngày xao xác, phía trên trần là ngôi nhà mới của ba đứa bé, nơi mà chúng tôi có cảm giác được an toàn, dù cho bọn mạt gà cắn kinh hết người, dù cho mùi khoai y như mùi phân không hơn không kém, thì nỗi sợ cũng vơi bớt, dù trong ý thức ba đứa bé ngày ấy, có khi còn không biết điều mình sợ là gì?
Ở trong chuồng gà, sống với bầy gà, mỗi ngày ba cái não tí teo phải tìm đủ trò để giải quyết sự buồn chán. Tôi những ngày đó cũng đã để cho tư tưởng mình phiêu lưu rất nhiều, chỉ có cách dùng tâm trí mình khiêu vũ giữa tình huống như thế, chúng tôi mới có thể biến chuồng gà thành lâu đài, biến lũ gà thành anh em chiến hữu, và nâng niu cái tuổi thơ sóng gió của mình thành những kỉ niệm để nhớ về. Nhắc tới đây, tôi cũng thương ông anh tôi thiệt nhiều, thì ra trước khi tôi với thằng em được sinh ra, cái thế giới của anh tôi-lúc đó anh là con út còn nhỏ hơn chuồng gà gấp chục lần. Cụ thể là bằng ... cái phản. Thời ấy ba mẹ chưa dựng được nhà, chúng tôi còn ở nhờ cái lán giữ vườn của họ hàng. Và tại đây, chính trong trung tâm lãnh địa của...quân địch, mấy anh chị tôi lúc bấy giờ gần như chỉ ngồi trên... phản chơi mỗi ngày, không dám nhúng cả chân xuống đất. Ông anh tôi thậm chí có bận suýt chết... vì nhịn cả ngày không dám đi tè. Cũng may buổi chiều mẹ về kịp...!  sau lần đó, nhà tôi cũng chuyển đi luôn.
Vì nhà mới cách nơi cũ chỉ bằng một cái dốc ngó lên, nên tình hình cũng chẳng mấy thay đổi gì. Chỉ khác là đoạn trường của tôi ngắn hơn, dù ám đầy mùi ác mộng, còn thế giới của ông anh tôi thì to ra được chút đỉnh, cũng không đến nỗi phải chết vì nhịn tè.
Ánh nắng rồi cũng sẽ lộ diện dẫu đêm dài thiệt dài... Trong trường hợp này, ánh nắng của tôi chính là bà chị kế anh tôi, là chị của tất cả chúng tôi. Chị tôi hơn anh tôi bốn tuổi, thời điểm đó đang bôn ba vừa làm vừa học ngoài phố. trong một dịp về thăm nhà, chị đã phát hiện ra tình huống khổ sở của mấy đứa em ( Dĩ nhiên thôi, vì vụ cái phản kia cũng không thiếu phần tham dự của chị ). Chị tôi-một thanh niên bất khuất mười sáu, mười bảy tuổi- bằng tất cả lòng xót em và sự phẫn uất cao độ, quyết định trở thành anh hùng giải phóng cho chúng tôi bằng một đôi câu mặt đối mặt, mắt găm mắt với ông chú họ. Kết quả là: Chú họ bị chạm tự ái đã từ mặt chị tôi một thời gian dài. Chúng tôi nói lời tạm biệt bầy gà, chính thức được nhảy nhót tự do trên mảnh đất sân nhà. Kết thúc một quãng đời tuổi thơ ám ảnh vì sự ích kỉ vô thức của người lớn.
Giờ đây, khi hiện tại năm nào chỉ còn là hồi ức, tôi vẫn thầm cảm ơn mỗi khi nhớ về. Cám ơn ba đứa trẻ trong chuồng gà năm ấy, cũng như ba đứa trẻ đã sống sót trên tấm phản của những năm xa xôi nào, bằng bất kì sự diệu kì nào có thể hình dung, chúng đã sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng mỉm cười...!
Đêm dài rồi sẽ có những đêm sâu hơn, dài hơn...
Nhưng nếu chỉ cần ráng chút nữa thôi.Một chút nữa thôi...!
Ngày mai, ráng hồng sẽ lộ ở chân trời
.........!

...................................................................................................................................................
                                                                                                                       8/2/21
                                                                                                                      THE.. 3h'