“Không có ai sinh ra biết làm UX/UI hết á.”  “Dù đời đối xử như thế nào với mình, mình vẫn yêu nó.”
Trong số Humans of Spiderum lần này, hãy cùng nhà Nhện lắng nghe những chia sẻ từ anh Hoàng Nguyễn, Co-Founder và Design Coach tại GEEK Up, về chủ đề ngành thiết kế UX/UI - lĩnh vực tiềm năng được dự đoán sẽ trở thành xu hướng phát triển trong vòng 5 năm tới. 
Dưới sự dẫn dắt của host Andy, Spiderum tin rằng những chia sẻ của anh Hoàng không chỉ có tính ứng dụng với người trong ngành mà cả nếu ngoài ngành đi nữa, bạn cũng sẽ nhận được cho mình rất nhiều bài học thú vị về việc chọn nghề và phát triển sự nghiệp đấy.

Hành trình đến với thiết kế UX/UI 

Andy: Trong chuyện làm nghề, câu hỏi mình thích gì, muốn làm gì không phải là câu hỏi dễ để trả lời, đặc biệt với các bạn 18, 19 tuổi. Với cá nhân em, em cũng đã phải nhổ cây mình trồng xuống sau khi nhận ra đây không phải là lĩnh vực dành cho mình. Vậy còn anh Hoàng thì sao, lý do gì anh lựa chọn trở thành UX/UI designer?
Anh Hoàng: Đây là câu hỏi mà anh được hỏi nhiều nhất và anh cũng đã trả lời nhiều nhất. Mỗi lần như vậy anh đều rất bồi hồi nhớ lại. Hồi đó nếu mà nói anh có đam mê, niềm tin nào thì anh không dám nhận. Lúc anh tốt nghiệp thiết kế đồ họa, anh cũng chưa có khái niệm UX/UI hay Product design. Anh chỉ đơn giản thấy lĩnh vực Branding - xây dựng thương hiệu, quảng cáo đang có sự cạnh tranh rất là lớn. Nhìn sang xung quanh, bạn bè cùng lứa cũng rất giỏi. Anh cảm thấy mình không phải là một người có khả năng quá nổi bật trong lĩnh vực thiết kế đồ họa để có thể cạnh tranh trên thị trường. 
Kết hợp với việc thời điểm đó, sau khi nhà nước mình có Internet tốc độ cao, môi trường số rất phát triển. Anh nghĩ rằng đây sẽ là một mảnh đất màu mỡ, nhiều cơ hội cho anh. Vì vậy, anh đã thử tìm hiểu xem là với background, kỹ năng mình đang có là thiết kế đồ họa cộng với Internet thì anh có thể làm công việc gì.
Sau khi đưa ra mục tiêu như vậy thì đến lúc anh bắt đầu chọn công ty đầu tiên, anh đứng trước 3 sự lựa chọn: Một công ty thiết kế thương hiệu với mức lương là 8 triệu; Một công ty quảng cáo rất nổi tiếng với cơ hội thực tập sinh. Vì đây là công ty khá có tiếng trong lĩnh vực quảng cáo, branding nên dù thực tập nhưng triển vọng với anh rất lớn; Một công ty web lương 4 triệu.
Đứng trước những sự sự lựa chọn đó, anh không hề khó khăn đưa ra quyết định. Với mục đích tìm kiếm công việc kết hợp giữa năng lực thiết kế và môi trường số thì anh thấy thiết kế web là lựa chọn phù hợp nhất, dù lúc đó anh cũng gặp rất nhiều phản đối từ bạn bè. Với công việc thiết kế web, anh đã có nhiều cơ duyên để thực sự tham gia, hiểu hơn về UX/UI và đi được đến bây giờ. 
Andy: Với bản thân em, dù ban đầu không học đúng ngành mình yêu thích nhưng trong quá trình đi làm em đã tìm được thứ mình thích và muốn theo đuổi. Nhưng vào lúc đấy, em cũng không biết đó có phải là cơ hội dành cho mình không nữa. Với kinh nghiệm của anh, liệu có những yếu tố nào để xác định được đâu là cơ hội phù hợp, đúng người đúng thời điểm không? Đặc biệt với đặc thù của ngành UX/UI.
Anh Hoàng: Trong bất kỳ mọi việc, anh luôn muốn hướng đến những điều mình có thể thay đổi, kiểm soát được để có những hành động phù hợp. Trước khi làm đất, gieo hạt, mình phải xác định mình muốn trồng cái gì và đâu là môi trường phù hợp với nó. Và khi mình biết cây mình sắp trồng chỉ phù hợp mùa xuân thì không việc gì phải gieo hạt mùa đông. Đó vẫn là câu chuyện chúng ta cần hiểu thứ chúng ta làm để đưa ra sự lựa chọn của bản thân thay vì phó mặc cho thời tiết. Với anh, anh không tin vào điều gọi là đúng thời điểm hay sai thời điểm, chẳng có thời điểm nào là đúng hết. Bởi vì chúng ta không có thế giới song song để làm lại, cho nên đừng chờ đúng thời điểm. Chẳng có thời điểm nào là đúng, chỉ có thời điểm hiện tại và chúng ta muốn làm gì với nó thôi.
Vậy với suy nghĩ đó, chúng ta nên làm gì? Anh định nghĩa đam mê thành công là tổ hợp của công thức: Sở thích, thứ mình có khả năng làm tốt và thứ tạo ra những giá trị thật cho xã hội. Từ đấy, giá trị đó mang lại lợi ích cho bản thân. Ví dụ anh rất thích hát nhưng anh không có khả năng hát hay nên không ai sẵn sàng trả tiền nghe anh hát. Vậy thì có nghĩa là nếu đi làm ca sĩ thì anh không có thể biến nó thành một đam mê thành công. Và khi không thành công thì rất khó để duy trì đam mê. Vì chúng ta vẫn phải sống, vẫn có những cái trách nhiệm. Nên chúng ta phải hình dung nếu đây là thời điểm ta cần tìm một công việc để khiến mình thoải mái hơn thì hãy nhớ công thức này: thứ mình thích, thứ mình có khả năng và thứ đó tạo ra giá trị cho xã hội, đem lại lợi ích cho cá nhân. 
Vậy làm sao để mình xác định được thứ này. Bản thân anh đã làm những bước sau để xác định công việc hiện tại. Trước tiên, anh liệt kê ra những điều anh thích làm. Đầu tiên là chơi Game, thứ hai là vẽ, thứ ba là viết, thứ 4 là nói nhảm, thứ 5 là chơi thể thao. Và xếp theo thứ tự những thứ anh làm tốt và không làm tốt. Anh làm tốt nhất là chơi game, sau đó đến vẽ rồi đến viết,... 
Và anh bắt đầu so sánh tương quan giá trị của những công việc đó. Như hồi đấy anh làm tốt và anh thích chơi game, anh có thể kiếm tiền từ game khá nhiều nhưng nó không ổn định. Và anh xác định giá trị của game đem lại cho anh không bằng công việc ổn định như thiết kế. Sau đấy anh bỏ game để theo thiết kế. 
Tiếp đến, anh kiên trì trang bị kỹ năng, kiến thức cho công việc. Anh cũng cố gắng đạt được những thành tựu nhỏ. Mỗi thành tựu đó tạo động lực để anh đi tiếp. Cuối cùng là yêu đời, có nghĩa là đừng có đổ thừa cho hoàn cảnh, cho những sự kiện xảy ra xung quanh mình, chỉ có thể thay đổi bản thân mình thôi. 

Xây dựng nền tảng, phát triển sự nghiệp 

Andy: Sau khi đã xác định theo đuổi lĩnh vực UX/UI thì anh đã chuẩn gì để phát triển trong ngành ạ? Đây cũng là câu hỏi của bạn Nguyễn Huy gửi đến Người trong muôn nghề: “Để trở thành UX/UI designer có cần học đại học thiết kế đồ họa không?” 
Anh Hoàng: Để trả lời câu hỏi này thì trước tiên mình cần hiểu được UX/UI là hai công việc có tính chất khác nhau. Những người làm UX có trách nhiệm đến việc sản phẩm sẽ được người dùng cảm nhận như thế nào. Còn những người làm UI sẽ quan tâm đến việc sản phẩm được trình bày ra làm sao. Nếu tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy ở những công ty, tập đoàn công nghệ lớn, ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ sẽ có hai vị trí riêng biệt cho vị trí này. Mặc dù có những người ngoại lệ có thể làm tốt cả hai nhưng trên thực tế rất khó để làm như vậy. Một người chỉ làm tốt một thứ và có thể là biết làm thứ còn lại. 
Vì vậy, mình phải hiểu đây là hai vị trí riêng biệt, có tính chất khác nhau nên cũng có 2 cách để một người tiếp cận công việc này. Cách thứ nhất là nếu như bạn có khiếu thẩm mỹ và ưa thích vẽ, thiết kế thì bạn có thể bắt đầu từ thiết kế đồ họa và học các quy tắc thiết kế cơ bản, các nguyên lý thị giác, các phương pháp để tạo ra cái đẹp trong mắt người. Sau đó, bạn mới từ từ bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về thiết kế cho giao diện, ứng dụng, thiết bị và từ đó trở thành một UI designer. Đây cũng là cách anh bắt đầu khi anh tốt nghiệp thiết kế đồ họa và sử dụng những nền tảng học được để áp dụng trong thiết kế giao diện, từ đó học thêm về UX.
Còn nếu bạn là người có khả năng suy luận logic, hiểu biết về kinh doanh, lập trình thì bạn có thể bắt đầu từ UX design. Bạn có thể tìm hiểu nguyên tắc tâm lý học, các mẫu thiết kế tương tác và ghi nhớ ngôn ngữ thiết kế của hai nền tảng cơ bản là IOS và Android.
Andy: Tiếp tục, đến với câu hỏi của bạn Trần Linh Đông, bạn có hỏi là: “Để trở thành nhà thiết kế UX/UI thì mình có cần học lập trình không?
Anh Hoàng: Em không cần phải làm được công việc lập trình nhưng em nên biết 1 chút về cách người ta lập trình nên giao diện của mình, những giao diện được thiết kế bởi UX/UI designer. Vì nếu mình biết cách người ta lập trình giao diện như thế nào thì thiết kế của mình sẽ có tính thực thi cao hơn và có khả năng thuyết phục người khác tốt hơn khi trình bày trước team. Nếu mình không biết cách lập trình viên làm như thế nào thì trong trường hợp không may mắn gặp một người lập trình không muốn làm điều đó hay bảo mình không làm được thì lúc đó mình sẽ không có cách nào để bảo vệ ý tưởng của mình. Nên là mình chỉ cần biết kiến thức thôi, không cần biết cách làm. 
Andy: Với em, khi đã xác định được công việc mình muốn theo đuổi, em đã học thêm từ các anh chị, bạn bè, đọc thêm các thông tin ngoài và chủ động nhận thêm công việc để vừa làm vừa học. Em cũng sẽ chủ động hỏi lại feedback từ đồng nghiệp hay sếp. Còn anh Hoàng thì sao ạ, khi đã xác định lĩnh vực chuyên môn của mình, anh đã làm gì để phát triển sự nghiệp tối ưu nhất?
Anh Hoàng: Nhìn chung với anh phát triển sự nghiệp có thể xem là phát triển bản thân. Chúng ta có nhiều khía cạnh để phát triển và sự nghiệp cũng là 1 khía cạnh mà chúng ta cần tự phát triển bản thân để sự nghiệp có thể phát triển theo. Nhìn chung phát triển bản thân là quá trình mình học tập, rèn luyện để tạo ra nhiều giá trị hơn cho công việc của mình và như vậy tự nhiên công việc sẽ được thăng tiến, công nhận. 
Tuy nhiên, quá trình phát triển bản thân này lại diễn ra rất dài với nguồn lực có giới hạn. Mỗi ngày chúng ta chỉ có 24 tiếng và chỉ có 8 tiếng để làm việc, nếu bạn nào siêng năng thì làm 10, 12 tiếng nhưng dù sao năng lượng của chúng ta cũng không cho phép bản thân làm việc liên tục được. 
Vậy làm sao để phát triển bền vững? Mình cần hiểu năng lực của chúng ta trong một công việc nhất định được tạo ra bởi những thứ gì. Anh có định nghĩa năng lực là sự tổng hợp những thuộc tính cá nhân của 1 con người để đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo hoạt động đó đạt được kết quả cao. Giải thích ngắn gọn thì năng lực là tổng hợp những thứ chúng ta có, và những thứ đó giúp chúng ta làm tốt công việc đó.
Tất cả những thứ đó gom lại thành 3 danh mục: Kiến thức, kỹ năng và thái độ chúng ta có đối với lĩnh vực đó. Để có thể phát triển một cách bền vững thì mình không thể thiếu bất cứ thứ gì trong 3 điều trên. Đầu tiên chúng ta đều nhận thấy thái độ là quan trọng. Thái độ với công việc chúng ta đã chọn nó sẽ khác rất nhiều so với thái độ cho một sở thích nào đó. Chúng ta phải hình dung ra được khi mình chọn công việc đó mình phải có thái độ đúng đắn với công việc, tức là bất cứ thứ gì liên quan đến công việc, chúng ta phải tiếp cận với tư duy sẵn sàng làm, sẵn sàng chịu những cái thiệt thòi hay là chấp nhận đánh đổi để có thể phát triển kỹ năng. Đồng thời, phải luôn lắng nghe, luôn để cho mình tư tưởng mở để liên túc đón nhận thông tin từ người khác. 
Thứ hai là kiến thức - những nền tảng vững vàng để giúp mình áp dụng vào công việc. Cuối cùng là kỹ năng, chỗ này bắt đầu khó hơn một xíu. Có hai cách để ta có thể hình thành kỹ năng: Cách một là làm nhiều quen tay, đây là cách tạo ra nhiều thiên tài, nghệ nhân. Tuy nhiên, họ sẽ gặp rất nhiều vấn đề trong việc truyền tải kinh nghiệm bản thân cho người khác. Với suy nghĩ cá nhân của anh, cách này giúp mình phát triển công việc cá nhân nhưng không giúp mình tạo ra nhiều giá trị hơn được vào thời điểm nào đó - thời điểm khi mình không còn nhiều thời gian và năng lượng, như khi 40, 50 tuổi. Mình không thể chuyện gì cũng làm được, cũng không có nhiều thời gian để cắm đầu vào làm nữa. Đó là sự nghiệp không có bền vững. Bền vững là phải trải dài cả mấy chục năm.
Vậy thì cách thứ hai để tạo ra kỹ năng là bắt đầu từ kiến thức, áp dụng nó liên tục. Mình học được kiến thức A, áp dụng vào dự án. Mình nhận ra với ngữ cảnh này thì kiến thức A hiệu quả nhưng với ngữ cảnh, dự án khác, kiến thức A không hiệu quả. Từ đó mình hiểu lần sau nếu có ngữ cảnh tương tự thì có lẽ kiến thức A sẽ hiệu quả. Và tất cả những lần mình áp dụng vào dự án, nó tạo cho mình những lesson learned, những bài học và nó sẽ tạo cho mình những kỹ năng cực kỳ bền vững để mình có thể chia sẻ với người khác. Từ đó mình xây dựng team, giúp họ làm việc hiệu quả và tạo ra nhiều giá trị hơn. Khi mình dùng được kiến thức, kỹ năng, thái độ thì tự nhiên sự nghiệp của mình sẽ được phát triển bền vững, tối ưu. 
Trên đây chỉ là một phần trích đoạn chia sẻ của anh Hoàng Nguyễn. Các bạn có thể lắng nghe đầy đủ hai số Podcast của anh tại đây nhé: 
Ep1: https://b.link/NTMN-HoangNguyen-Ep1
Ep2: https://b.link/NTMN-HoangNguyen-Ep2
Đừng quên đăng ký theo dõi Kênh Người Trong Muôn Nghề để khám phá thế giới công việc rộng lớn và đầy thú vị tại:
Youtube: https://youtube.com/NgườiTrongMuônNghề
Anchor: https://anchor.fm/nguoi-trong-muon-nghe️
Spotify: https://b.link/spotify-NTMN
Nếu bạn có những câu hỏi hoặc thắc mắc liên quan tới công việc, hãy cùng chia sẻ với chúng mình tại Người Trong Muôn Nghề Confession: https://b.link/NTMN-Confessions