Về điểm bắt đầu:
Con người đến với thế giới này trong sự ngạc nhiên thông qua cái ảo tưởng hoặc lầm lỡ của bậc phụ huynh.
Tôi tự hỏi rằng "Họ lớn lên bằng "tình yêu" hay bản năng?"-Tôi chẳng biết. Cảm nhận về cuộc đời con người thông qua cách nhìn nhận của tôi cho biết con người chẳng thua gì thứ rác rưởi mà họ vẫn vứt đi hằng ngày. Cuộc sống thật vô nghĩa nhưng ta vẫn cứ bám vào nó bằng các "chi giả" như bạn bè, gia đình, công việc,...Tôi chỉ thấy điểm đến cuối cùng của cuộc sống là cái chết chẳng hơn kém, nếu tin vào tái sinh thì đích đến vẫn không thay đổi, ta cứ sinh ra rồi chết đi.
Con người đã làm rất tốt việc thay phiên nhau trả lời câu hỏi kinh điển "Ta sinh ra để làm gì?"-Và cũng chẳng có câu trả lời hoàn chỉnh nào. Mục đích của việc sống trải dài từ ý định của Chúa cho tới ý chí tự do, rồi tôn giáo, chiến tranh cho tới chủ nghĩa hiện sinh nhưng tất cả cũng chỉ là ngọn nến trước cơn cuồng phong mang tên cái chết.
Tôi có cảm giác như tất cả những người đã chết hoặc đang sống đang bịa đặt ý nghĩa rằng con người ta vẫn có thể sống một cách ý nghĩa dù cuối cùng ta đã chết, rõ ràng đây là một ý nghĩ tồi vì nó chỉ có ý nghĩa đối với những con lợn đầy lạc quan tin tưởng nó sẽ hạnh phúc trong đầm lầy với đồng loại. Làm như thế nào có thể tận hưởng khi thứ tình bạn, tình yêu kia có thể tan vỡ bất cứ lúc nào, liệu ta có thể tận hưởng mọi khoảng khắc của cuộc sống ngay cả khi trong đám tang người ta yêu thương nhất? Những con lợn kia chắc chắn là đang trốn chạy khỏi nỗi sợ cái chết bằng cách cố làm cho mình cười thật nhiều, kết thân với những con lợn khác thật nhiều, cố làm ra vẻ thành công thật nhiều, rồi thật nhiều thứ vô nghĩa khác. Mọi thứ xung quanh ta chẳng có ý nghĩa gì khi ta chết đúng không? Phải chăng ta đang chết mỗi khắc trôi qua? Con người chẳng thể làm gì để cuộc sống họ có ý nghĩa hơn vì đằng nào họ cũng chết. Nếu nói cuộc sống không đáng sống nhưng quá trình sống mới là thứ xứng đáng để ta sống thì cũng chẳng có nghĩa lý gì cả vì nó chỉ đối với những ai thấy đáng và trong lúc đó họ đã bị kéo xuống cái đầm lầy rồi.
Tôn giáo nói thật nhiều về sự sống sau cái chết. Đó là phóng đại tâm thức sợ hãi cái chết của con người được tích lũy trong toàn bộ lịch sử con người, tiếp nhận rồi truyền thừa liên tục y như bản năng sinh đẻ vậy. Tôn giáo thật xấu xa nhỉ? Đúng là nó hướng con người đi đến cái thiện nhưng bằng những lời dọa nạt rằng Địa Ngục như cái hố có sẵn chảo dầu sôi hay dòng sông mắc ma luôn rộng mở cho "kẻ ác" rơi xuống. Pháp luật cũng vậy nhưng nó tệ hơn tôn giáo ở chỗ là hiển thị rõ sự phân biệt lợi ích của kẻ nắm quyền và kẻ bị ràng buộc. Thế cái gì là tốt và cái gì là xấu? Tôi cho rằng tất cả đều tương đối hoặc phi lý vì tôn giáo, pháp luật luôn thay đổi theo sự phi lý của con người qua từng giai đoạn nhận thức (giống như mỗi lần chết đi thì lại thông minh hơn...) và không dừng lại do nó không bao giờ đạt được tính tuyệt đối như "cái chết chắc chắn sẽ đến".
Về cái kết:
Thật ngạc nhiên là con người vẫn vui tươi mà sống, họ chấp nhận cái cuộc sống vô nghĩa toàn những thứ lặp đi lặp lại và sống như một con rô bốt. Có lẽ, sự phụ thuộc vào cảm giác khoái cảm khi giao hợp, sung sướng khi nhận lời khen hay cảm giác thỏa mãn khi giao tiếp với đồng loại đã giúp họ "nhận ra" cuộc sống này không phi lý như họ chưa từng biết.
Tự tử ư? Tự tử chẳng có ý nghĩa gì cả vì nó chẳng đem lại một trải nghiệm nào về sự sống, biết đâu ta sẽ lại tái sinh rồi tiếp tục chịu đựng cái vòng lặp chết tiệt này. Cứ đánh cược rằng tiếp tục sống rồi biết đâu ta sẽ có đáp án cho sự giải thoát khỏi vòng lặp này mà như thế thì lại tiếp tục sống một cách vô nghĩa, tham gia vào các hoạt động vô nghĩa, chờ đợi cái chết đến. Mọi thứ thật vô nghĩa.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất