LÀM ĐỂ SỐNG CHO MÌNH HAY SỐNG ĐỂ LÀM CHO CHỦ
Vào tháng 9/2021 một câu chuyện liên quan đến bê bối về lao động và tình cảm trong hiệu sách BooksActually , thương hiệu từng được...
Vào tháng 9/2021 một câu chuyện liên quan đến bê bối về lao động và tình cảm trong hiệu sách BooksActually, thương hiệu từng được coi là thành công lớn nhất của ngành sách độc lập ở Singapore được đưa lên trang thông tin điện tử Ricemedia khiến dư luận bất ngờ và kéo theo rất nhiều cuộc tranh cãi.
Đặc biệt, một trong những vấn đề được quan tâm nhất sau vụ việc này là về sự thiếu hụt các tiêu chuẩn làm việc và ứng xử trong các cơ sở kinh doanh nhỏ giữa chủ thuê lao động và nhân viên (nhất là nhân viên nữ) – được cho là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi sai trái của người sáng lập BooksActually.
Câu chuyện này được chia sẻ trên trang cá nhân của chị Khải Đơn vào ngày Quốc tế Lao động. Bài viết đã được tương tác bởi hơn 1000 người, chia sẻ gần 300 lượt chỉ trong 1 ngày, và nhiều người trong số bạn bè mình biết cũng đăng lại, đa phần là kèm theo thái độ lên án việc một số chủ lao động khuyến khích nhân viên coi công việc như là cuộc sống, công ty như là nhà để họ làm việc nhiều hơn, cũng đồng nghĩa là để bóc lột họ được nhiều hơn.
Tuy nhiên câu chuyện ở BooksActually lại là tổ hợp của rất nhiều vấn đề cần bóc tách thật rõ ràng trước khi đưa ra kết luận, mà bản thân bài viết cáo buộc trên Ricemedia cũng không đưa ra bức tranh toàn cảnh nên nếu có thể thì trước khi chọn cho mình một thái độ trước sự việc rất cần tìm đọc các tư liệu liên quan để có cái nhìn khách quan hơn.
Bài chia sẻ dưới đây là tổng hợp nhiều nguồn thông tin về câu chuyện và các nhân vật, đồng thời có đưa ra nhận định cá nhân của người viết về quan hệ giữa nhân viên với sếp trong công việc.
GIẤC MƠ CỦA NHỮNG KẺ YÊU SÁCH VÀ YÊU NHAU
BooksActually là một hiệu sách tư nhân được mở ra vào năm 2005 bởi 2 đồng sáng lập là Kenny Leck, khi đó 28 tuổi và Karen Wai, khi đó 21 tuổi, với toàn bộ số tiền tiết kiệm của hai người và 20 nghìn đô Singapore mượn từ mẹ của Karen.
Kenny từng làm quản lý kho sách cho Borders, một hãng bán lẻ sách và các ấn phẩm âm nhạc quốc tế (đã giải thể từ năm 2009). Trong thời gian làm việc tại đây Kenny đã gặp Rachel Chee, sau này trở thành cổ đông thiểu số của BooksActually cũng như người bạn gái – đồng sáng lập Karen Wai lúc đó còn đang là sinh viên khoa văn của trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Ý tưởng ban đầu chỉ là một trang web bán sách trực tuyến nhưng Karen đã truyền cảm hứng để Kenny mở hẳn một cửa hàng. BooksActually chính thức khai trương vào ngày 29/11/2005 trên tầng 2 của một căn shop house nằm trong khu phố Tàu lâu đời. Hiệu sách trải qua 2 năm đầu khó khăn, tồn tại lay lắt nhờ sự ủng hộ của cộng đồng đọc sách nhỏ là bạn bè của những người sáng lập.
Đến năm 2007, cha mẹ của Kenny qua đời để lại một căn hộ cho anh thừa kế, tài sản mà anh đã bán đi để lấy vốn tiếp tục đầu tư cho hiệu sách, chuyển địa điểm hiệu sách sang tầng 1 của một khu phố khác sầm uất hơn và mở thêm chi nhánh thứ hai ở khu phố ngay cạnh đó. Năm 2008 Karen cũng bỏ ngang khóa học ở NUS để toàn tâm toàn ý dành thời gian cho hai mối quan tâm lớn nhất của cô - người bạn trai Kenny và hiệu sách (1).
Việc mở rộng quá nhanh này có lẽ không phù hợp với mô hình hoạt động của một hiệu sách độc lập vốn cần nhiều công sức để tạo dựng sự kết nối với khách hàng, và khả năng phát triển doanh thu cũng hạn hẹp khó lòng chi trả cho chi phí thuê địa điểm ngày càng tăng cao, nên đến năm 2011 BooksActually đóng cửa cả 2 điểm bán này và chuyển sang địa điểm mới ở phố Yong Siak thuộc Tiong Bahru, khu phố cổ lâu đời nhất ở Singapore với nhiều quán cà phê, cửa hàng nổi tiếng. Tại đây, với định hướng đem đến các đầu sách văn học, báo chí chất lượng cho cộng đồng cùng với không gian thiết kế thân thiện cho người thích đọc sách (với mèo và những giá sách chạm trần), rộng rãi, linh hoạt để có thể tổ chức nhiều sự kiện ra mắt sách, giới thiệu tác giả mới lẫn triển lãm, biểu diễn nghệ thuật,... hiệu sách tiếp tục phát triển, trở thành một biểu tượng văn hóa đương đại và người hùng trong ngành sách và văn chương độc lập của Singapore.
Qua những bài phỏng vấn còn lưu lại trên mạng cũng có thể dễ dàng nhận thấy cả Kenny lẫn Karen đều là những người thật sự yêu thích sách và có kiến thức sâu rộng về văn học, triết học, vận hành xuất bản độc lập và tổ chức các sự kiện văn hóa.
Cặp đôi đồng sáng lập đã chia tay từ năm 2010, tuy nhiên cả hai vẫn tiếp tục hợp tác trong vai trò là cộng sự tại BooksActually (2). Cùng trong năm 2011 BooksActually chính thức mở thêm Math Paper Press, nhánh xuất bản trực thuộc hiệu sách với sứ mệnh đưa các tác phẩm văn học mới và ít nổi tiếng tới công chúng. Đồng thời hiệu sách cũng có một thương hiệu văn phòng phẩm riêng là Birds & Co rất nổi tiếng với các sản phẩm vintage và sổ tay handmade. Đầu năm 2011 Kenny Leck và Karen Wai đã cùng xuất hiện và có một bài thuyết trình khá ăn ý trong sự kiện chia sẻ về mô hình kinh doanh thành công của BooksActually tại Thư viện Quốc gia Singapore (3), các bạn quan tâm có thể xem lại video toàn bộ sự kiện này trên kênh Youtube của NBL Singapore.
Trong phần hai của video được công khai này từ phút 24 đến 28 cũng có đoạn hai người đồng sáng lập trả lời câu hỏi của khán giả về cách họ xây dựng đội ngũ nhân viên cho hiệu sách: bí quyết là sự độc tài, trong đó Kenny là tên độc tài số một và Karen là kẻ độc tài số hai. Các nhân viên ứng tuyển vào BooksActually sẽ phải làm bài khảo sát trả lời về những cuốn sách họ đã đọc, qua đó nhà tuyển dụng sẽ nắm được họ là người như thế nào, làm việc hiệu quả ra sao và có thật sự yêu thích sách hay không. Một điều nhân viên luôn được chia sẻ ngay từ ngày đầu làm việc tại hiệu sách là họ sẽ có giờ nghỉ ngơi linh hoạt, giờ ăn trưa và ăn tối cũng linh hoạt, nhân viên được nghỉ thoải mái bất cứ lúc nào họ muốn miễn là các khách hàng đã được phục vụ đầy đủ, những phần việc được giao cho họ đã hoàn thành, khi đó họ có thể nghỉ hay đi xem sách, đọc sách trên giá tùy ý muốn. Theo chia sẻ của Kenny và Karen trong buổi nói chuyện này thì với chính sách đó BooksActually chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên (4).
Trong năm 2011 Kenny và Karen cũng tổ chức chung một cuộc triển lãm mang tên “An Ode to Penguin” nhằm giới thiệu các đầu sách từng được xuất bản bởi Penguin Books, với hơn 1000 đầu sách đến từ bộ sưu tập cá nhân của hai người (con số còn lớn hơn lượng sách được trưng bày trong một số sự kiện kỷ niệm trước đó của chính Penguin) (5).
Theo chia sẻ của Kenny trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Open Skies số phát hành tháng 12/2013 thì Karen đã rời khỏi BooksActually từ giữa năm 2011 để theo đuổi đam mê ban đầu của cô là kể chuyện bằng hình ảnh (trước đó cô đã có bằng Cử nhân ngành Điện ảnh và nghe nhìn của trường Bách khoa Ngee Ann) . Karen Wai sau đó trở thành nhà làm phim, cô kết hôn với một đồng nghiệp của mình (trẻ, đẹp trai hơn Kenny) vào năm 2013 và rất ít xuất hiện trên truyền thông hay báo chí, ngoại trừ hai lần: trong một bài báo chia sẻ về xu hướng tổ chức lễ cưới đơn giản với chi phí tối giản năm 2013 có ảnh cưới của cô (6) và một bài báo giới thiệu về ban tổ chức mới của Singapore International Film Festival năm 2014 mà cô sẽ tham gia với tư cách là quản lý truyền thông (7).
Kenny tiếp tục điều hành cả 3 mảng hoạt động của hiệu sách, hẹn hò với một nhân viên nữ trong cửa hàng - không kết luận được là mối quan hệ này có trước hay sau khi Karen ra đi và có phải là nguyên nhân dẫn đến cuộc chia tay của cặp đôi đồng sáng lập hay không, nhưng nó cũng không tồn tại được lâu. Anh đã bỏ người bạn gái này khi Renée Ting, cô gái kém mình 15 tuổi vào làm ở BooksActually trong cùng năm 2011. Giữa hai người từ mối quan hệ sếp – nhân viên chuyển thành quan hệ thầy – trò rồi quan hệ yêu đương nhanh chóng. Kenny và Renée hẹn hò trong 6 năm cho đến lúc kết hôn vào tháng 10 năm 2016. Ngay sau đó Renée đã cáo buộc anh ngoại tình với một nhân viên nữ khác mới 22 tuổi trong cửa hàng, hai người ly dị vào đầu năm 2017 và cả vợ cũ lẫn cô gái Kenny có quan hệ tình cảm ngoài luồng đều nghỉ việc khỏi BooksActually.
Năm 2018, chỉ còn lại một mình với việc kinh doanh ngày càng khó khăn, Kenny cố gắng hết sức để tìm mua một ngôi nhà vĩnh viễn cho hiệu sách, hòng chấm dứt rủi ro đe dọa từ giá cho thuê nhà liên tục tăng phi mã ở Singapore. Anh thậm chí còn tổ chức một chương trình gây quỹ thông qua việc bán những viên gạch lưu niệm tự nung có giá 50 đô Sing với sự hỗ trợ của các nhà văn, nhà thơ bạn bè (8).
Nhưng ước mơ này đã mãi mãi không thành hiện thực khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Sau một vài tháng cố gắng duy trì địa điểm thuê nhà trong thời gian giãn cách, BooksActually chấp nhận đóng cửa cửa hàng vật lý của mình vào tháng 9 năm 2020 và chuyển sang kinh doanh hoàn toàn qua mạng.
GÓC TỐI TRONG HIỆU SÁCH
Đúng một năm sau, ngày 25/9/2021, Kenny bị vợ cũ Renée cùng một số nhân viên nữ khác của cửa hàng cáo buộc đã có hành vi thao túng tâm lý, quấy rối tình dục và lạm dụng, ép họ làm việc vất vả liên tục trong điều kiện thiếu thốn mà không trả lương thỏa đáng.
Chỉ qua một đêm Kenny từ vị trí người hùng của ngành sách độc lập Singapore trở thành kẻ tội đồ. Mục bình luận về bê bối của anh trên một trang diễn đàn công nghệ ở Singapore đã lên tới 30 trang chỉ sau 3 ngày, với rất nhiều lời mạt sát từ dư luận. Khủng hoảng truyền thông và sức ép dư luận khiến Kenny phải ra thông báo xin lỗi cộng đồng và xin rút khỏi BooksActually.
Anh thừa nhận “những thất bại cá nhân của bản thân khi một mình điều hành BooksActually” đã “gây tổn thương cho một số nhân viên cụ thể”, và chính anh cũng đang trải qua sang chấn sau những sai lầm mình đã mắc phải trong cuộc hôn nhân với Renée, nhân viên cũ và cũng là vợ cũ.
Bị cuốn vào mối quan hệ tình cảm với Kenny khi đang phải trải qua khó khăn tài chính và chỗ ở (Renée và hai người chị gái của mình đã bị đuổi ra khỏi nhà, gần như trở thành vô gia cư trước khi cô vào làm việc ở hiệu sách) rồi lựa chọn gắn bó với hiệu sách, từ năm 19 tuổi Renée đã ăn ngủ ở BooksActually, làm việc quên ngày nghỉ liên tục trong 6 năm, thậm chí lúc hiệu sách gặp khó khăn về tài chính cô còn không được trả lương. Giọt nước tràn ly khi Renée phát hiện ra chồng mình có quan hệ ngoài luồng với một nữ nhân viên khác trẻ hơn trong cửa hàng, điều mà Kenny cũng có nhắc đến: “Chuyện ngoại tình đã được mọi người bàn tán và đồn thổi nhưng tôi không muốn nói thêm về chuyện đó ở đây, xin lưu ý rằng tôi thừa nhận đã gây ra cho Renée nỗi đau sâu sắc mà cô ấy có thể không bao giờ chữa lành được.”
Với những cáo buộc khác anh cho biết: “Đã có những cáo buộc và suy luận hoàn toàn không đúng sự thật. Sẽ có lúc tôi sẵn sàng nói về từng chuyện chi tiết một cách công khai, nhưng bây giờ không phải lúc đó. Tôi hy vọng mọi người sẽ cho phép tôi được giữ riêng nó vào lúc này.”
Chỉ một ngày sau khi thông tin về vụ bê bối được đưa lên báo và gây sốt trên khắp các trang mạng, diễn đàn lẫn cộng đồng người đọc của BooksActually, ngày 26/9/2021 Kenny tuyên bố sẽ từ bỏ hoàn toàn quyền sở hữu hiệu sách lẫn quyền giám đốc, với “đội ngũ hiện tại” của mình, hiệu sách sẽ không còn gặp rắc rối bởi “những bóng đen trong cuộc sống cá nhân của anh ấy”. Ban điều hành mới của BooksActally cũng sẽ soạn thảo và hệ thống hóa các tiêu chuẩn vận hành tại nơi làm việc, bao gồm chính sách chống quấy rối cho nhân viên trong tương lai.
“Cuối cùng, tôi vô cùng xin lỗi tất cả những người mà tôi đã làm tổn thương. Tôi luôn tin tưởng vào tầm quan trọng của BooksActually như một cột mốc quan trọng trong hành trình văn học của chúng ta và như một nơi khơi nguồn những khát vọng. Tôi hy vọng rằng các bạn vẫn sẽ ủng hộ nhóm mới khi họ tiếp tục lèo lái BooksActually,”anh nói (9).
Trong cơn bão chỉ trích cũng có một số ý kiến thông cảm và bênh vực cho Kenny, đã có những người dùng mạng xã hội đặt ra nghi vấn về khả năng người vợ cũ thất vọng vì người chồng ngoại tình đang kể một câu chuyện mà trong đó cô tự biến mình thành nạn nhân và kêu gọi cần có sự đánh giá trung lập. Nói gì thì nói, khi Renée tìm đến BooksActually, hiệu sách đã trở thành cứu cánh cung cấp cho cô cả chỗ ăn chỗ ở lẫn công việc trong hoàn cảnh khó khăn, và chính cô cũng là người đã chấp nhận làm kẻ thứ ba xen vào giữa chuyện tình cảm của Kenny với một người khác (10).
Hơn nữa, thật khó để kết luận rằng việc một người trưởng thành, đọc nhiều sách, có cá tính và tư duy độc lập (Renée đã đảm nhận vị trí quản lý và giám đốc sáng tạo của BooksActually từ năm 2011 đến tận khi nghỉ việc năm 2017, sau đó lại trở thành giám đốc của Singapore Art Book Fair từ năm 2018 đến nay) đồng thời đã được thông báo về chế độ làm việc - nghỉ ngơi linh hoạt của BooksActually khi chấp nhận bị lợi dụng trong một mối quan hệ, dù là quan hệ chủ doanh nghiệp - nhân viên hay quan hệ tình cảm thì đó hoàn toàn là lỗi của kẻ mạnh hơn.
Dù sao thì sự việc được đưa lên truyền thông cũng góp phần thúc đẩy các cuộc tranh luận về quyền lợi của phụ nữ nói riêng cũng như người lao động nói chung ở nơi làm việc. Vào ngày 01/10/2021, AWARE, nhóm hoạt động về bình đẳng giới và quyền phụ nữ hàng đầu của Singapore, đã ra một bản tuyên bố trên Facebook bình luận về cuộc tranh cãi, nêu rõ mối quan tâm ngay lập tức của họ là phúc lợi của những phụ nữ có liên quan đến vụ án, nhóm sẽ hỗ trợ cho tất cả các phụ nữ đã bị lạm dụng và ban điều hành mới của BooksActually để lập ra những tiêu chuẩn vận hành và ứng xử phù hợp trong công việc. "Quyền lực không được kiểm soát luôn luôn nguy hiểm, ngay cả tại một hiệu sách đáng yêu, nơi mà lẽ ra phải đại diện cho các giá trị tiến bộ" (11).
VÀI SUY NGHĨ VỀ NHỮNG LỰA CHỌN CỦA CÁC CÁ NHÂN TRONG CÔNG VIỆC
Bỏ qua câu chuyện cá nhân đầy những điểm mù của Renée hay những nhân viên nữ khác và Kenny ở BooksActually, mà mình nghĩ với sự tồn tại của những điểm mù ấy thì không người nào trong chúng ta thật sự có quyền đưa ra phán xét về lựa chọn hay hành động đúng sai của bất cứ ai trong số họ; tạm chưa dám đề cập đến vấn đề quấy rối, lạm dụng tình dục trong công sở vốn rất phức tạp và cần nghiên cứu về nhiều lĩnh vực tâm lý, tâm thần học, pháp luật, tập quán xã hội... mới có thể đưa ra giải pháp; còn lại ở sự việc này là câu hỏi về sự thao túng tâm lý hay những “áp chế quyền lực vô hình” mà những người chủ lao động thường đặt lên các nhân viên còn non trẻ của mình để dễ bề kiểm soát và chi phối họ.
Có hay không sự tồn tại của những thao túng và áp chế này?
Có.
Là một người từng làm qua vị trí nhân viên trong các công ty lớn lẫn tự làm quản lý trong start-up nhỏ và cũng được chứng kiến, chia sẻ rất nhiều câu chuyện của đàn em, bạn bè, mình khẳng định là có tồn tại thói quen áp đặt các tiêu chuẩn về tinh thần cống hiến, thái độ trân trọng với công việc ở những người làm quản lý xuống nhân sự cấp dưới với nhiều cấp độ khác nhau. Những người làm quản lý thường đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, đánh đổi nhiều công sức, thời gian để được thăng tiến lên vị trí hiện tại, nên một cách tự nhiên họ sẽ đánh đồng những trải nghiệm của mình là cũng quan trọng và cần thiết với các bạn trẻ mới vào nghề.
Sự truyền kinh nghiệm, quá trình đào tạo này nếu diễn ra một cách vô tư vì lòng mong muốn nhân viên nhanh trưởng thành, có khả năng làm tốt công việc được giao, qua đó tốt cho cả công ty lẫn sự nghiệp riêng của họ thì có thể gọi là áp chế, với luồng khí nóng của áp lực vô hình bừng bừng tỏa ra từ lời nói, hành động, thái độ của những người quản lý liên tục thúc ép nhân sự cấp dưới phải tiến lên. Trong một số trường hợp khác, nếu thói quen này được hệ thống hóa thành một kế hoạch tuyển dụng và sử dụng nhân sự nhắm vào những đối tượng chưa có nhiều kinh nghiệm, dễ bị thuyết phục, dẫn dắt để phục vụ mục đích tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp thì nó sẽ ngả về nhóm phân loại tiêu cực hơn, chính là sự thao túng.
Nhưng ranh giới giữa hai thứ này cũng rất mong manh, vì nhiều nhà quản lý cấp trung khi xây dựng chính sách nhân sự mang màu sắc thao túng cho cấp dưới cũng là do họ đang bị “thao túng” bởi những thế lực lớn hơn - những người chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư hoặc cao hơn là chủ nghĩa tư bản - với niềm tin rằng sự thịnh vượng của xã hội đến từ việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, chính là đáp án tối thượng cho câu hỏi về hạnh phúc trong cuộc sống con người. Cá nhân mình sẽ nhìn nhận một trường hợp cụ thể là thao túng và bóc lột khi bản thân người quản lý đề ra và thực hành chính sách nhân sự hay đào tạo ấy không tự mình lăn xả, cống hiến như điên cho công việc.
Sự thao túng và áp chế ấy có xấu không?
Có và không.
Nó xấu nếu bị dù chỉ một trong hai bên nhìn nhận là sự thao túng. Vì ngay cả khi một hành động hay lời nói được thực hiện với thiện ý, chúng ta cũng không thể kiểm soát hay bắt ép đối tượng chịu tác động của cử chỉ đó phải tiếp nhận nó như một ân huệ.
Và không xấu khi cả hai bên đều tự nhận thức được cái giá mình sẵn sàng đánh đổi lẫn kết quả sẽ nhận lại khi tham gia vào thỏa thuận làm việc này, tất nhiên là trong trường hợp mọi điều kiện làm việc phải được làm rõ và thỏa thuận từ trước.
Vì vậy trước khi buông ra lời mạt sát những tổ chức hay cá nhân đã trả lương và cho chúng ta một lựa chọn về công việc, thiết nghĩ cách ứng xử trưởng thành và đúng mực hơn nên là dừng lại một chút để suy nghĩ thật kỹ xem chúng ta đã chấp nhận công việc đó như thế nào, trong hoàn cảnh nào; hay quan trọng hơn, tự trang bị cho mình tư duy và nhận thức rõ ràng, khách quan về cách nền kinh tế vận hành để tự bảo vệ mình (cả về thể chất lẫn tinh thần) nếu như bạn chắc chắn sẽ phải tham gia vào nó dù chỉ với vai trò thứ yếu như một mắt xích nhỏ.
Cuối cùng dù chọn làm để sống hay sống để làm thì sáng thứ Hai vẫn cứ phải đi làm đó thôi.
Link các nguồn thông tin dẫn trong bài:
(6) https://www.herworld.com/weddings/singapore-weddings-i-do-my-way/?fbclid=IwAR1SlK3gizm3OWL68hRJ4zByXt18zdie7mOmZnQ6kc_kaV-sBOiik2gK-D0
(7) https://www.asiaone.com/entertainment/new-team-singapore-film-fest?fbclid=IwAR2gSArsrY7k7XuAuUbgkFIND6ub7ZD5QJfO5DFCKYgeGy1-flHYRaCJMb0
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất