cát tiên sa.
những viên cát do dã tràng vo tròn tuyệt đẹp trên bờ biển. ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông vì bị Long Vương lấy mất hai viên...
ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông vì bị Long Vương lấy mất hai viên ngọc quý mà ngày ngày ra biển đào cát để đi tìm. đào đi đào mãi cả một đời mà hóa kiếp thành dã tràng lúc nào không hay. kỳ thực, dân gian ta đã quá thi vị hình ảnh con còng. nó bới cát đơn thuần là để ăn ké những vi sinh vật. như kiểu bạn lười nấu ăn, lười cầm đũa gắp, lười dùng hàm nhai rồi lười cả rửa bát thì vồ luôn cả cái đĩa bẩn của người khác vừa ăn xong, cho vào mồm nuốt ực. ngốn hết cả mảnh sứ lẫn thức ăn thừa với hi vọng là bỏ bụng được một chút protein còn sót lại. cách dã tràng nuốt cát cũng như vậy. cơ mà lại nghệ thuật hơn một chút, nó vừa ăn lại vừa nặn. sản phẩm thu được sau một hồi đào bới là những viên bi cát tròn xoe, tựa như những viên ngọc quý lăn dài trên bờ biển.
với dã tràng, cát chính là tiên sa.
với chúng ta, có cát tức là có tiền sà.
với chúng ta, có cát tức là có tiền sà.
vượt xa dầu mỏ và lương thực, cát là tài nguyên chúng ta tiêu thụ nhiều nhất sau nước để uống, và khí oxy để thở. theo thống kê, hơn 50 tỷ tấn cát được khai thác mỗi năm, chủ yếu là để phục vụ trong xây dựng, nhất là khi tốc độ đô thi hóa và gia tăng dân số ngày càng cao. với hơn một trăm thành phố triệu dân, số cát mà riêng Trung Quốc tiêu thụ trong một thập kỷ qua đã vượt tổng lượng cát mà Hoa Kỳ xài trong cả thế kỷ 20. chính phủ Singapore hằng năm chi gần một tỷ USD cho nhập khẩu cát để bồi đắp thêm đất, mở rộng diện tích đảo quốc. cát từ lâu đã trở thành một thứ hàng hóa đắt đỏ trên thị trường.
vậy sao Châu Phi vẫn nghèo khi có Sahara? đơn giản là bởi cát tôi đề cập ở đây là ở quanh khu vực sông núi và giáp biển. tuy đều có thành phần chính là oxit của sillic, cát ở sa mạc có dạng hạt quá tròn và siêu khô nên không thể bám dính vào cấu trúc bê tông như loại vụn cát ở vùng đồng bằng trung du - khu vực có nước và nhiều xác vi sinh phân hủy hơn. 75% thành phần của xi măng là tới từ cát ở nơi trầm tích đáy sông hoặc đáy biển. cát này mới là tài nguyên mà các thế lực đang tranh giành. sự khai thác quá mức hiện nay dã dần khiến cát trở nên khan hiếm. các quốc gia bắt đầu để ý và thắt chặt an ninh cát hơn. chính phủ Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia đã hạn chế lượng cát xuất sang Sing từ ba năm nay. thế là sand mafia, hay cát tặc, có dịp để làm giàu.
khi nhắc tới mafia, chúng ta thường nghĩ tới bọn buôn người, băng đảng ma túy hoặc dịch vụ cho vay nặng lãi. nhưng mafia cát, hay mở rộng hơn là mafia tài nguyên mới là tổ chức có quy mô siêu lớn và giàu có hơn cả. hàng loạt vụ giết người ở Indo, Kenya và Gambia đều liên quan tới tranh chấp cát. tại châu Mỹ và châu Phi, trẻ em bị buộc làm nô lệ ở các mỏ cát. quan chức địa phương đã tham nhũng để dung túng cho các hoạt động đi ngược lại quyền cơ bản của con người. ở Ấn Độ, hàng ngàn hộ nghèo bị rơi vào vòng xoáy của nạo cát trái phép. cách thức họ làm rất đơn giản. mỗi ngày họ đem thuyền ra giữa sông, móc dây vào một cái xô rồi một người sẽ lặn xuống đáy sông để múc cát. cứ bốn phút cho mỗi lần nổi lên chìm xuống vậy. mỗi ngày trung bình họ ngụp lặn khoảng 200 lần với tiền công dao động 2-5 USD cho cả buổi. mà môi trường đáy sông thường sẽ không sạch sẽ, nhất là ở những nơi đặc chất Tô Lịch, những số phận nghèo này sau vài năm đều bị mờ mắt, ù tai và mắc hàng tá bệnh về lở da.
môi trường cũng bị hủy hoại nặng nề. trầm tích đáy sông bị xáo trộn, càng hút bao nhiêu thì tự nhiên lại lấy về bấy nhiêu nên đất bên hai bờ bị xói mòn dần dần, nhà cửa bất ngờ sụt lún là điều rất bình thường. kèm theo đó, hệ thủy sinh thái cũng bị ảnh hưởng. hút cát ở sông hồ làm đục nước, chặn ánh sáng mặt trời và khiến tôm cá chết ngạt. chỉ cần một con tàu cho ra giữa bãi sông hoặc biển, thả một cái ống xuống rồi hút, ấy là trộm cát dễ dàng mang đi bán. nạo vét cát tại thềm biển phá hủy một lượng san hô rất lớn tại vịnh Ba Tư và bờ Tây nước Mỹ. sinh vật phù du mất chỗ sinh, cá nhỏ mất chỗ trú và cá lớn thì mất nguồn thức ăn. sự sụt giảm trong lượng thủy hải sản có thể đánh bắt được mỗi năm gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, nhất là của các quốc gia phụ thuộc vào biển.
nhưng kinh tế yếu đi thì sau vẫn phục hồi được, còn đất đã mất thì lấy lại kiểu gì? lượng cát khai thác ở lòng sông Sài Gòn mỗi năm đủ để phủ một lớp dày 6mm lấp đầy cả thành phố Đà Nẵng. vẫn chưa có một báo cáo cụ thể về tác động của việc lạm dụng khai thác cát cả có phép và trái phép, chỉ biết rằng theo nghiên cứu của Pháp năm 2013, nếu tốc độ khai thác cát cả vùng giữ đà tăng trưởng như thế này thì một nửa đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất vào cuối thế kỷ 21. và tất nhiên mực nước biển dâng, rồi thượng nguồn liên tục xây đập thủy điện chặn nước, sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chìm đắm này hơn.
chúng ta sẽ sớm có Atlantis made in East Laos.
theo khai báo trên sổ sách, Việt Nam luôn nằm trong top 11 quốc gia xuất khẩu cát lớn nhất thế giới. chưa rõ con số thực tế tuồn ra chợ đen là bao nhiêu, nhưng việc cát tặc hoành hành luôn được báo chí đưa tin cả chục năm nay. vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để, cũng như không rõ khách đặt mua là ai. chỉ biết anh láng giềng của chúng ta vẫn đang ráo riết săn deal cát khắp nơi để bồi tụ bãi đất ở biển Nam Trung Hoa. diện tích đảo ngoài Trường Sa và Hoàng Sa ngày càng mở rộng. lúc đầu chỉ đủ để cắm cờ, rồi đủ dựng tạm căn nhà, sau đủ phạm vi sân bay và giờ họ muốn dựng cả một thành phố. tôi không hề có ý khẳng định mối liên hệ giữa bên cung và bên cầu vì chưa có dữ liệu cụ thể. tôi cũng ko dám đề cập tới việc chúng ta đang bán đất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. bản thân tôi đã từng thầm mong rằng một ngày nào đó cát Sài Gòn sẽ chảy ngoài Hoàng Sa nhưng hóa ra mơ ước năm xưa nay lại gần thực tế tới vậy. chẳng cần xây lâu đài như Đen từng rap, sánh vai cạnh những tượng đài nghìn tỷ tôn bởi nghìn tấn cát, con người ta thật sự phi thường.
không chỉ cát, thạch anh, một loại silic oxit khác, cũng đang bị lạm khai thác cho nhu cầu phong thủy tài lộc. nhưng đó là một câu chuyện khác rồi. ta sẽ bàn sau. ở đây. như vấn đề về lương thực, nhựa và dầu mỏ, chỉ hô hào kêu gọi dùng ít đi là bất khả thi cho số dân đạt mốc 9 tỷ người trong vài năm tới. dẫu cát vẫn chưa tới mức cạn kiệt trong một tương lai gần, rất nhiều giải pháp đã được vạch ra để cứu lấy nguồn tài nguyên này. một là, tìm ra được nguyên liệu thay thế cát. có thể dùng vỏ trấu, sợi nhựa hoặc đa số là mảnh kính, vụn thủy tinh từ rác chai lọ bởi chúng đều là SiO2. hai là, chế ra được loại bê tông dùng ít cát hơn. hiện nay, hai biện pháp này nhìn chung đều không khả thi vì giá thành bị độn lên nhiều và bê tông làm ra sẽ có cấu trúc yếu hơn. trong tương lai thì có thể áp dụng chứ bây giờ mà phổ cập đại trà thì không khéo cột cổng trường vừa xây xong đã đổ, quạt trần vừa lắp xong đã rơi, có khi gây chết người chứ chẳng đùa. cho nên, phương án cuối là chuyển hóa cát sa mạc thành cát xây dựng. cơ chế biến đổi thì đa phần lấy cảm hứng từ những thực vật tồn tại được trên xa mạc, chúng hút ẩm và bám rễ để sinh tồn, vô hình chung lại biến hạt cát xung quanh thành những dạng sỏi đất sét có cấu trúc bền vững hơn. đó là lý do tại sao để chống sa mạc hóa, việc đầu tiên người ta cần làm là trồng cây.
"Dã tràng xe cát Biển Đông
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì."
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì."
rõ ràng, con còng đang trên đà tuyệt chủng. lấy đâu ra tiên sa cho nó ăn bây giờ, còn đâu đất biển cho nó trú nữa. thấp cổ rồi bé họng, nó chẳng thể cầu cứu ai. cả một đời cần mẫn, dã tràng xe cát chẳng quản nhọc nhằn, còn ta thì đang tích cực share cả tấn thông tin hàng ngày. thông tin trên mạng như những hạt cát trên bờ biển vậy và công xe/share cũng đâu khác công dã tràng là bao. bao phóng sự đã lên hình, bao cảnh báo đã online, bao địa phương đã vào cuộc nhưng cát tặc vẫn ở đó. sụt lún vẫn ở đó. GDP vẫn vững đó. chỉ có đất là ko còn đó.
đến bao giờ người ta mới lắng nghe dã tràng?
người ta hay ví biển và sa mạc thực chất rất giống nhau bởi đều khiến con người chết vì khát. nhưng ít ai biết rằng khoảnh đất nằm ở ranh giới giữa biển và sa mạc lại là một trong những nơi mầu mỡ nhất của tự nhiên. tôi vẫn chờ tới một ngày dã tràng chịu share cát, còn giang cư mận chịu xe thông tin. bởi tôi vẫn tin vào cái kết có hậu của truyện cổ, rằng tới một lúc nào đó, ông lão Dã Tràng sẽ tìm lại được hạt ngọc quý cho mình. và nơi đó, hi vọng không phải ở dưới Long Tuyền.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất