6. Cơ sở tâm thần của bản ngã

Vì tâm thần bao gồm cả vô thức còn bản ngã thì ít nhiều bị hạn chế trong phạm vi ý thức. Vô thức có tiềm năng tiếp xúc được bản ngã, dù thực tế bản ngã chưa trải nghiệm nó nhiều. Vấn đề là bản thân tâm thần có một giới hạn và giới hạn này là điểm mà tại đó những kích thích hay những nội dung ngoài tâm thần, về nguyên tắc, không bao giờ có thể được trải nghiệm trong ý thức. Trong triết học của Kant mà Jung là người tin theo, yếu tố không thể được trải nghiệm này được gọi là Ding an sich, “vật tự nó”.
Trong một đoạn của Aion, Jung mô tả cơ sở tâm thần của bản ngã như sau:
“ Một mặt, bản ngã dựa vào toàn bộ trường ý thức, và mặt khác, dựa vào tổng số những nội dung vô thức. Những nội dung này gồm ba phần: Thứ nhất là những nội dung tạm thời dưới ngưỡng ý thức và có thể tái hiện theo ý muốn (trí nhớ)... Thứ hai, những nội dung vô thức không thể tái hiện theo ý muốn... Và thứ ba là những nội dung tuyệt đối không bao giờ có thể trở thành ý thức." (Jung, Tổng Tập, Tập 9/1)
"Nhóm hai có thể được suy ra từ sự đột nhập tự phát của những nội dung dưới ngưỡng ý thức vào ý thức”. Điều này cho thấy những tác động của các phức cảm tới ý thức. “Nhóm ba có tính giả thuyết. Là suy luận logic từ những sự kiện làm cơ sở cho nhóm hai” Những hình thức bền vững nhất định nào đó trong phức cảm đã dẫn Jung tới giả định về các cổ mẫu. [*].Nhóm thứ ba này, theo những định nghĩa trước đây, là nằm ngoài tâm thần, nhưng ở đây Jung đặt nó bên trong vô thức. Rõ ràng ông nhận thấy vô thức đã đạt tới mức không còn là tâm thần nữa và mở rộng sang những miền phi tâm thần, tức là vào “thế giới” bên ngoài tâm thần. Nhưng ở một chừng mực nào đó thì ít nhất là thế giới phi tâm thần này nằm bên trong vô thức.
Ở đây chúng ta đã đạt tới ranh giới của những bí ẩn lớn: cơ sở cho tri giác ngoại tâm thần, tính đồng thời tương ứng (Synchronicity), những cách kì diệu làm lành bệnh cơ thể, và những cái khác sẽ được tìm hiểu ở các bài viết tiếp theo.

7. Bản ngã có thể phân li khỏi ý thức ở một mức độ nhất định.

Nếu một người lái một chiếc xe trên một con đường quen thuộc, sự chú ý của bản ngã sẽ thường giảm đi và chú ý tới những chủ đề khác hơn là lái xe. Anh ta vẫn đến nơi an toàn, đi qua đèn đường và vượt qua nhiều tình huống giao thông nguy hiểm, và tự hỏi mình sao lại làm được vậy! Tâm điểm của sự chú ý là ở nơi khác, bản ngã lơ đãng và để việc lái xe cho một ý thức không có bản ngã. Trong khi đó ý thức, tách khỏi bản ngã, vẫn luôn luôn giám sát, tham dự, xử lí, và phản ứng trước các thông tin. Nếu có một chuyện gì xảy ra, bản ngã liền quay trở lại và xử lí. Bản ngã thường tập trung vào một kí ức, một suy nghĩ, cảm xúc hay những kế hoạch được nhặt ra từ dòng ý thức. Còn những hoạt động thông thường khác được nó để lại cho ý thức đã trở thành tập quán. Tính có thể tách biệt của bản ngã khỏi ý thức không phải bệnh lí của trạng thái phân li.
Bản ngã là một điểm hay một chấm được nhúng vào trong dòng ý thức đó, và có thể tự tách biệt khỏi dòng ý thức này và nhận thức về dòng ý thức như là cái gì khác với bản thân mình. Ý thức không hoàn toàn chịu sự kiểm soát của bản ngã, bản ngã di chuyển trong trường ý thức để quan sát, lựa chọn, định hướng sự vận động ở một chừng mực nhưng nó cũng không biết đến một lượng lớn tư liệu mà ý thức chú ý tới.

8. Bản ngã trưởng thành như thế nào?

Điều làm cho bản ngã phát triển, theo Jung, ông gọi là “những xung đột”. Nói theo cách khác đó là những xung đột, phiền muộn, khổ đau.
Ảnh: pinterest
Ảnh: pinterest
Những đòi hỏi của cuộc sống buộc chúng ta phải thích nghi với môi trường thể chất, nhằm tập trung ý thức và thúc đẩy sinh thể theo một hướng đặc thù. Là một trung tâm ảo của ý thức, bản ngã mang tính bẩm sinh, nhưng với tư cách là một trung tâm phản ánh hiện thực và có chức năng quan trọng, nó phát triển được là do những xung đột giữa cơ thể tâm thể và một môi trường đòi hỏi sự đáp ứng và thích ứng. Do đó, một lượng xung đột vừa phải với môi trường, theo Jung, là những điều kiện tốt nhất cho sự lớn mạnh của bản ngã.
"Bản ngã bé nhỏ không đủ mạnh nhưng phải chịu thương tổn và chấn thương quá nhiều sẽ khiến hoạt động sau này của nó bị suy giảm nghiêm trọng. Sự ngược đãi trẻ nhỏ và chấn thương tình dục thời niên thiếu là những ví dụ điển hình của những thảm họa tâm thần như vậy. Do vậy mà bản ngã thường bị suy giảm nghiêm trọng ở khu vực tâm thần thấp hơn."
- Murray Stein.
Ở nhận thức bản ngã vẫn có thể hoạt động bình thường, nhưng ở những miền ít ý thức hơn thì cảm xúc giông tố hơn nhiều và sự vắng mặt của cấu trúc cố kết tạo ra những rối loạn nhân cách nghiêm trọng và các xu hướng phân li. Những bản ngã như vậy không chỉ dễ bị tổn thương một cách bình thường - giống các bản ngã khác - mà chúng còn mỏng manh và có tính phòng vệ quá mức. Chúng dễ bị bể vỡ trước áp lực stress và vì vậy có xu hướng hướng về cơ chế phòng vệ nguyên thủy (nhưng rất mạnh) để ngăn chặn tấn công từ thế giới hiện thực và bảo vệ tâm thần khỏi những xâm nhập và tổn thương. Những người như vậy có thể thường tỏ ra kì quặc hay đáng ghét những lúc như vậy và cũng không may ở chỗ là họ cũng thường xuyên bị bỏ rơi và bị thất vọng bởi người khác và bởi cuộc đời nói chung nếu họ tiếp tục phản ứng quá mạnh và bất thường với hoàn cảnh.
Sự non nớt của Bản ngã bé nhỏ có thể được mô tả là tiếng khóc đau khổ của một đứa trẻ (vẫn đói nhưng không được bú nữa) báo hiệu sự thiếu hòa hợp giữa nhu cầu và sự thỏa mãn.
Jung viết: “Mặc dù cơ sở của nó tương đối là vô thức và không được biết đến, cả tâm thần lẫn thể xác, bản ngã là một nhân tố ý thức đặc biệt. Nói một cách thường nghiệm, nó được sở đắc trong suốt cuộc đời của một cá nhân. Dường như nó xuất hiện trước tiên từ sự xung đột giữa nhân tố thân thể và môi trường, và khi được xác lập như một chủ thể, nó tiếp tục phát triển từ những xung đột xa hơn với thế giới bên ngoài và bên trong”. Jung, Tổng Tập, Tập 9/1, đoạn 6.

9. Tự do ý chí

“Bên trong trường ý thức [bản ngã] có, như chúng ta thường nói, một ý chí tự do”, Jung viết. “Nhưng, khi nói tới điều này tôi không có ý nói tới vấn đề triết học, mà chỉ là một sự kiện tâm lí mà ai cũng biết về “sự tự do lựa chọn”, hoặc đúng hơn là cảm nhận chủ quan về sự tự do”. Jung, Toàn Tập, Tập 6, đoạn 9.
Trong phạm vi của nó, bản ngã - ý thức có số lượng lớn sự tự do biểu kiến. Nhưng phạm vi của nó đến đâu? Và chúng ta có thể lựa chọn trên cơ sở điều kiện và sở thích cá nhân đến một mức độ nào?
Như chúng ta thấy, bản ngã chỉ là một phần nhỏ của thế giới tâm lí rộng lớn hơn nhiều, giống như trái đất chỉ là một phần nhỏ của hệ mặt trời. Hiểu được rằng trái đất xoay xung quanh mặt trời cũng tương tự như việc nhận thức rằng bản ngã xoay xung quanh một thực thể tâm thần lớn hơn, đó là Tự ngã.
Cả hai cái nhìn nội quan đều gây rốivới người coi bản ngã là trung tâm. Sự tự do của bản ngã là bị giới hạn.
“Vì ý chí tự do của chúng ta xung đột với sự tất yếu ở thế giới bên ngoài, do vậy ý chí tự do cũng tìm thấy những giới hạn của nó bên ngoài trường ý thức .Trong thế giới bên trong tâm thần thì nó rơi vào xung đột với những yếu tố chủ quan của bản ngã”. C. G. Jung
Thế giới bên ngoài tạo ra những giới hạn kinh tế và chính trị, nhưng những nhân tố chủ quan cũng tạo ra giới hạn tương tự đối với chúng ta trong việc thực hiện sự lựa chọn tự do. Nói rộng ra, chính nội dung của vô thức đã cắt giảm ý chí tự do của bản ngã. Thánh Paul đã thể hiện điều này một cách kinh điển khi ông tự nhận: “Tôi không hiểu những hành động của mình. Vì tôi không làm những gì tôi muốn mà lại làm chính điều tôi ghét... Tôi có thể muốn làm những gì đúng nhưng tôi không thể làm nó”. Những sức mạnh ma quái xung đột với bản ngã.
Jung đồng tình với Thánh Paul: “giống như những hoàn cảnh và những biến cố bên ngoài “xảy đến” và giới hạn tự do của chúng ta thì tự ngã cũng tác động đến bản ngã như một sự kiện khách quan mà ý chí tự do gần như không thể thay đổi được”. - Romans 7: 15-18.
Khi phần tâm trí vô thức nổi lên bề mặt ý thức và thao túng bản ngã, bản ngã buộc phải đối diện và trở nên bất lực trong việc kiểm soát thực tại bên trong giống như nó đã đi đến kết luận như thế về thế giới vật chất và xã hội bên ngoài. Đa phần mọi người trong cuộc đời mình nhận ra rằng họ không thể kiểm soát thế giới bên ngoài, nhưng chỉ ít người ý thức được rằng những quá trình tâm lí bên trong cũng không chịu sự kiểm soát của bản ngã.————————————————————————-
[*] Bản sắc căn bản của Jung với tư cách một nhà khoa học nằm ở chỗ ông thừa nhận rằng lí thuyết các cổ mẫu chỉ là một giả thuyết. Nếu không thì đó chỉ là tham gia vào việc viết truyện huyền thoại và đưa ra những tuyên bố mang tính dự đoán và đó là cơ sở cho tôn giáo hơn là cho khoa học. Những tác phẩm của Jung có khi bị coi là giáo điều, nhưng điều này không đúng, bởi vì ông dựa vào phương pháp thực nghiệm và khẳng định vai trò của mình như một nhà khoa học chứ không phải là một nhà tiên tri.
Chí Hoàng. Tham khảo: Bản đồ tâm hồn của Jung - Murray Stein.