Gần đây tập đoàn PVN (PetroVietnam) đã gửi kiến nghị gửi Chính phủ về việc hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước và tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu. Có nhiều ý kiến trái chiều về việc này mà mình muốn thông tin đến mọi người và cùng mọi người bàn luận.
Hoàn cảnh: Tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm 30-40% do hạn chế đi lại vì dịch Covid, giá dầu thế giới thì lao dốc trong những tháng vừa qua. Cả 2 NMLD đều đang gặp tình trạng tồn kho và chịu lỗ rất nhiều, Dung Quất đã có sẵn nhiều phương án đối phó, một trong số đấy là dừng hoạt động nhà máy tới khi thị trường hồi phục.
Trích một bài viết trong "Diễn đàn Đô Thị - Kinh Tế - Xã Hội Việt Nam [VPC]
Trước khi phân tích “nên hay không” ta cùng tìm hiểu về các nguồn xăng dầu xử dung trong nước :
Với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thì tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO. Trong khi đó, với công suất thiết kế của nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Nghi Sơn hiện tại thì từ năm 2018 tổng nguồn cung xăng của cả nước khoảng gần 6 triệu tấn/năm và tổng nguồn cung dầu khoảng gần 7 triệu tấn/năm (tương ứng khoảng 92% và 82% nhu cầu nội địa). Như vậy, với tình hình cân đối cung cầu xăng dầu hiện tại thì mỗi năm thị trường Việt Nam vẫn đang thiếu hụt trung bình khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO. Nguồn xăng dầu thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu về Việt Nam từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên: đó chỉ là trên lý thuyết . Xăng dầu được phân phối qua các công ty phân phối xăng. Với các công ty này việc nhập khẩu ngoài nước hay trong nước không thành vấn đề. Vấn đề là nhà máy có lãi hay không. Cũng như Petrolimex họ cũng không phải bị bắt buộc mua của Nghi Sơn hay Dung Quất mà cứ nơi nào có giá rẻ thì họ mua, đó là vấn đề Nhà nước không bắt buộc được. Vấn đề nhập khẩu bây giờ rất cởi mở, từ khi chúng ta gia nhập hiệp định thương mại tự do, các mức thuế không giống nhau, nhưng đã giảm, thậm chí sắp về 0, có nhiều nguồn nhập khác nhau sẽ tạo ra khó khăn cho đầu ra của 2 nhà máy .
Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan thì tổng lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 3 tháng đầu năm 2020 là khoảng 1,85 triệu tấn, chiếm 61,67% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước ở thời điểm hiện nay. Con số trên cho thấy thị trường đang tồn tại một nghịch lý là trong khi khối lượng xăng dầu trong nước đang tồn khá lớn thì chúng ta vẫn phải bỏ ra một nguồn ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu.
Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng giá dầu trên toàn cầu thì có lẽ ta NÊN dừng nhập khẩu , khi các quốc gia đều đang nỗ lực đưa ra những quyết sách để vực dậy doanh nghiệp trong nước, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, tăng bảo hộ, chống bán phá giá, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay.
Chính phủ Nga, Indonesia đã ban hành lệnh ngưng nhập khẩu xăng để bảo vệ sản xuất trong nước. Còn Chính phủ Trung Quốc đã ban hành những chính sách hỗ trợ các nhà máy lọc dầu gia tăng công suất hoạt động, tiêu thụ trong nước, bổ sung xăng dầu dự trữ quốc gia, tận dụng thời điểm giá dầu giảm sốc.
Một vấn đề nữa đó là nếu nhập khẩu xăng dầu rẻ vậy tại sao phải mất công sức xây dựng 2 nhà máy: Câu trả lời đó là sự tự chủ năng lượng, an ninh năng lượng trong trường hợp thế giới biến động.
Bài viết này chưa giải thích được đoạn giá cao, giá thấp có thể khiến người đọc hiểu lầm nên mình lại trích thêm một bài viết từ "Mậu Bình Tạp Biên" một người từng làm trong mảng kinh doanh xăng dầu.
Đúng là trong những thời điểm như thế này, giá xăng-dầu NMLD bán cho đại lý phân phối đúng là có thể cao hơn so với giá nhập khẩu thật. Nhưng cao là cao như thế nào? Cao bao nhiêu? Ví dụ như cao hơn 0.25USD/thùng cũng là cao mà cao hơn 10USD/thùng cũng là cao. Thực tế diễn ra ở hướng (1) nhưng hầu hết dân tình hiểu theo hướng (2) hết.
Để hiểu rõ việc cao thấp này nó như thế nào, ta phải nắm được công thức tính giá của NMLD. Đầu tiên phải hiểu công thức giá bán đại lý của VN như thế nào đã?
Cụ thể là: giá bán = giá niêm yết Platts Singapore + phụ phí.
Phần phụ phí này là NMLD và các đại lý phân phối ở VN tuân theo thông lệ thế giới. Tức là tất cả các nhà cung cấp hàng thực giao đều thêm phần phụ phí của mình vào giá bán. Phần phụ có thể nhảy rất cao lúc thị trường đang sốt, nhưng có thể hạ rất thấp, thậm chí âm, khi thị trường ảm đạm. Trên thị trường, phụ phí thường rơi vào khoảng 2.0-3.5$/thùng trong giai đoạn thị trường bình ổn.
Thông thường thì các NMLD ở VN bán xăng dầu với phụ phí ở mặt bằng chung thị trường khu vực, sau khi khảo sát và thỏa thuận chán chê giữa các khách hàng. Mức phụ phí này tất nhiên không phải thấp nhất rồi, vì phải đảm bảo lợi nhuận cho NMLD. Nhưng chắc chắn là cũng không phải thuộc dang cao vì như thế ko ai mua. Các hợp đồng có giá trị 3 tháng-1 năm và phần phụ phí thường được thay đổi mỗi quý 1 lần.
Vì phần phụ phí thay đổi 3 tháng/lần nên thường ko kịp phản ứng với việc thị trường giảm giá mạnh. Lúc đấy, do cung vượt cao hơn cầu thị trường, phụ phí của nhà cung cấp nước ngoài bị cắt giảm để đẩy được hàng. Nói theo ngôn ngữ "chuyên ngành" là cắt máu, cắt lỗ. Trước tình hình đó, các đại lý phân phối sẵn sàng chuyển sang nhập nước ngoài có phụ phí linh hoạt hơn.
Trong khi đó, để NMLD trong nước thay đổi phụ phí thì nhanh cũng phải 1 tháng. Có nghĩa là khá chậm trễ so với thị trường. Tuy nhiên, các bạn có biết khi thị trường ổn định thì các đại lý trong nước thi nhau mua hàng từ các NMLD vì giá cả ở mức ổn, vận chuyển thuận lợi, khai báo thuế nhẹ nhàng hơn (vì là hàng trong nước), hàng thì luôn sẵn, người trong nhà dễ nói chuyên,.v.v..
Tình hình này không khác gì nông dân lúc bình thường thì bán hàng cho công ty thu mua, lúc được mùa thì xé hợp đồng bán cho thương lái rồi năm sau mất mùa lại khóc lóc đòi cứu trợ cả. Chỉ ở góc độ ngược lại thôi. Và cũng ngược lại ở vai trò của các đại lý phân phối có vai trò to bự hơn hẳn so với anh nông dân nên ép ngược lại ngành sản xuất. Mà đôi khi vẫn ép người ta lại vừa khóc với chính phủ mới hài chứ.
Tuy đã có 2 bài viết này nhưng vẫn có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc công ty nhà nước cứ hỡ tý là kêu than. Mình sẽ giải đáp từng câu hỏi mà mình gặp được.
Tại sao xăng dầu trong nước ế nhưng lại vác tiền đi mua ngoài? Do giá cả hay do chất lượng?
Các sản phẩm của cả 2 NMLD đều đã đạt chất lượng EURO 4, luôn đủ điều kiện để có thể cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Về giá cả, cho dù có các chính sách từ nhà nước nhưng vì chúng ta đã tham gia vào Hiệp định tự do thương mại nên thị trường vẫn tác động rất nhiều vào giá cả. Thế nên phần giá cả này thì không phải mỗi mình NMLD kiểm soát được vì nhiều khi sẽ có những đơn vị nước ngoài bán phá giá để đẩy hàng (nhất là trong giai đoạn này). 
Giá xăng giảm do giá dầu thô giảm. Nhưng tại sao NMLD lại mua dầu thô giá cao về lọc để kêu lỗ?
Kinh doanh thì phải biết khi mua bán thì người ta phải làm hợp đồng. Và với 1 mặt hàng nhảy lên nhảy xuống hằng ngày như dầu thô thì người ta sẽ phải set 1 mức giá trung bình ở thời điểm đấu giá mẻ dầu chứ không thể cứ chạy theo tỷ giá được.
Không giống như việc mua bán nhỏ lẻ thường ngày, NMLD có kế hoạch sản xuất tính theo nửa năm và dựa vào đó mới có kế hoạch đi mua, đấu thầu giỏ dầu. Ví dụ như để phục vụ kế hoạch sản xuất cho 6 tháng đầu năm 2020 thì việc đấu thầu, ký hợp đồng đã diễn ra vào tháng 8 tháng 9 năm 2019. Để đấu thầu trúng mẻ dầu thì bên nhà máy vẫn phải  cho ra cái giá đủ để có thể trúng thầu (nghĩa là nó phải đủ cao để trúng được và còn phải hợp lý để phù hợp với thị trường khi đó). Vì cả 2 NMLD đều đã ký hợp đồng trước khi giá dầu thô tụt dốc, giá xăng dầu nhập khẩu thì giảm mạnh nên dẫn đến việc điều chỉnh giá theo thị trường sẽ khiến NMLD phải cắt lỗ để đẩy hàng.
Nói chung việc mua dầu rất là phức tạp chứ không dễ như mình nghĩ
Tại sao nhập khẩu xăng dầu rẻ hơn sản xuất nhưng ta vẫn phải vận hành 2 NMLD?
Là để ta có thể tự chủ được nguồn năng lượng khi thị trường thế giới biến động. Hãy nghĩ đến việc ta chỉ chăm chăm đi nhập khẩu xăng từ nước ngoài mà không có một nguồn cung nào khác trong nước, vì một vấn đề về chính trị hay kinh tế nào đó mà họ quyết định đẩy giá xăng dầu lên gấp nhiều lần sẽ khiến cho nước ta bị khủng hoảng ngay vì không thể vận hành đất nước mà thiếu xăng dầu được. Sẽ có lúc giá dầu lên rất cao và có khi sẽ còn không mua được xăng dầu, đến lúc đó thì 2 NMLD sẽ là thứ có thể đảm bảo nước ta vẫn có thể tự chủ, tự do mà vận hành được. 
Ngưng nhập khẩu rồi bắt dân mua giá cao à?
Tất nhiên như mình đã nói ở trên, xăng nhập khẩu rẻ hơn nhưng thật sự các bạn không thể biết được nó rẻ hơn bao nhiêu. Bạn hãy kéo lên đọc lại bài trích của anh Mậu Bình để hiểu rõ hơn về giá cả xăng dầu. Có thể khi ngừng nhập khẩu, giá xăng dầu sẽ tăng lên vài trăm đồng cho đến một nghìn đồng nhưng đổi lại thì sẽ giúp đảm bảo được an ninh năng lượng cho đất nước, việc này cũng giống như chúng ta đóng thuế để đầu tư cho quốc phòng vậy. Đừng vì tham rẻ vài nghìn rồi để thiệt về lâu về dài.
Lúc lời thì chả thấy chia sẻ gì, đến lúc lỗ thì lại gào mồm lên, chỉ có dân là khổ?
Hàng năm, NMLD đều đóng góp rất nhiều ngân sách cho đất nước và tỉnh Quảng Ngãi, năm 2019 là gần 10.000 tỷ, một nửa ngân sách ở tỉnh Quảng Ngãi là do NMLD đóng góp, nuôi sống một lượng lớn lao động ở tỉnh. PVN đóng góp 10 đồng cho nhà nước thì 1 đồng trong đó là từ NMLD Dung Quất ra. Tiền để nhà nước xử lý dịch bệnh, cách ly cũng là từ ngân sách mà ra cả.
Về phần phụ phí quyết định giá xăng dầu trong nước cao hơn ở thế giới được nêu ra trong bài của anh Mậu Bình
Phụ phí của thị trường thường đàm phán cho 6 tháng. Tháng 12 dựa vào thị trường thế giới mà đàm phán cho 6 tháng đầu năm và tháng 5 sẽ đàm phán cho 6 tháng cuối năm. Nếu thị trường thay đổi thì sẽ thảo luận lại giữa các bên tuy nhiên vì NMLD vẫn thuộc nhà nước nên việc trình một cái gì đó để ký là không dễ, phải xét lên xét xuống và Nhà máy chỉ được phép bán cho các thương nhân đầu mối được phép kinh doanh bởi Bộ công thương.
Bài viết cũng đã dài, mình sẽ tạm dừng bài viết tại đây. Bài viết mình có trích từ 2 nguồn từ từ diễn đàn VPC là bài viết của Mậu Dịch Tạp Biên.
Cả 2 bài mình đều đã kiểm tra lại nội dung và các thông tin trong bài viết trước khi đăng tải lại.